Nội dung
TIỂU SỬ
“Là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ piano bẩm sinh, cách chơi của anh rực rỡ với màu sắc được chuyển đổi với những cung bậc nhỏ nhất từ khả năng kiểm soát những nốt pianissimo tuyệt đẹp tới những nốt fortissimo choáng ngợp nhưng vẫn đầy tính âm nhạc. Không kém phần ấn tượng hơn kỹ thuật và những phẩm chất âm nhạc của anh là sự chìm đắm hoàn toàn của anh vào trong âm nhạc.” – Manchester Guardian,1956
Là một tài năng rực rỡ những cũng bi thảm nhất của nền âm nhạc cổ điển Anh, John Ogdon là thiên tài thực sự, người có thể biến những điều phức tạp thành đơn giản nhất. Nổi tiếng là một thần đồng, Ogdon đã chính thức gây dựng được danh tiếng cho mình trên trường quốc tế khi giành chiến thắng trong cuộc thi piano quốc tế mang tên Tchaikovsky lần thứ hai tại Moscow vào năm 1962, chia sẻ giải nhất với Vladimir Ashkenazy. Là nhà vô địch trong những tác phẩm piano đồ sộ, ông có một trí nhớ thượng thặng, thường chỉ học những tác phẩm mới trong khi di chuyển, dễ dàng thuộc lòng chúng mà không cần chạm đến cây đàn piano. Ogdon còn là một nhà soạn nhạc với số lượng lên đến hơn 200 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Khi đang là một trong những tài năng âm nhạc được kính trọng và ngưỡng mộ nhất nước Anh, hưởng thụ cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu, Ogdon gần như đã mất tất cả vì căn bệnh tâm thần phân liệt mà có thể ông đã bị di truyền từ cha mình. Dù rằng đã chữa bệnh và cố gắng quay trở lại sân khấu nhưng Ogdon không bao giờ có thể lấy lại vầng hào quang trước đó. Ông đã qua đời vì viêm phổi ở tuổi 52, để lại rất nhiều tiếc nuối cho những khán giả yêu nhạc cổ điển của Anh và thế giới về số phận của một trong những nhân tài xuất chúng và bi thương nhất.
John Andrew Howard Ogdon sinh ra tại Mansfield Woodhouse, Nottingham vào ngày 27/1/1937, là con út trong một gia đình có 5 người con. Cha cậu, ông Howard là một giáo viên tiếng Anh, người mắc chứng tâm thần phân liệt. Khi John 18 tháng tuổi, ông từng cầm rìu đuổi giết vợ mình là bà Dorothy nhưng cậu con trai cả đã ngăn cản. Sau khi ông Howard đồng ý tập trung vào chữa bệnh, bà Dorothy dồn sức vào chăm sóc đứa con trai út thần đồng với khả năng âm nhạc phi thường của mình, người có thể đọc các tác phẩm của Frédéric Chopin khi mới lên 3 tuổi. Khi lên 4 tuổi, John bắt đầu học piano với cô Nellie Houseley 2 buổi/1 tuần nhưng cậu đều ở lại sau đó hơn một giờ đồng hồ để đọc các tác phẩm. Houseley là một giáo viên giỏi, rất có kinh nghiệm, bà đã tạo cho thần đồng John một nền tảng kỹ thuật vững chắc, sự hiểu biết sâu sắc về tác phẩm và cách tạo ra một âm sắc rõ ràng, độc đáo, những điều sẽ theo cậu bé trong suốt cuộc đời. Dorothy xác định sẽ không để con trai mình phân tâm khỏi việc chơi đàn, bà đã chăm sóc toàn bộ cuộc sống sinh hoạt thường ngày của John, dẫn đến việc cậu hoàn toàn không thể tự mình giải quyết những vấn đề đơn giản của bản thân khi trưởng thành. John được ăn uống thả cửa tất cả những gì cậu thích khiến cậu béo phì ngay từ khi còn nhỏ.
8 tuổi, John và gia đình chuyển đến sinh sống tại Whitefield, Manchester, nơi ông Howard được nhận vào làm thầy giáo tại trường Prestwich. Với tài năng của mình, John đã được Royal Manchester College of Music (nay là Royal Northern College of Music) cấp học bổng. Tại đây cậu theo học Iso Elinson và là sinh viên ít tuổi nhất tại trường. Tuy nhiên, John sau đó phải dừng việc học tập vì sức khoẻ kém. Một cơ hội khác đến vào năm 1953, lần này cậu theo học tại đây trong 4 năm. Khi vẫn đang là sinh viên, năm 1956, Ogdon có màn biểu diễn đầu tiên của mình khi chơi Concerto piano số 1 của Johannes Brahms cùng Hallé Orchestra dưới sự chỉ huy của John Barbirolli. Cùng với những nghệ sĩ khác là Harrison Birtwistle, Alexander Goehr, Elgar Howarth và Peter Maxwell Davies, John đã thành lập New Music Manchester, một nhóm chuyên sáng tác và biểu diễn các tác phẩm đương đại. Sau khi rời khỏi Royal Manchester College, John tiếp tục trau dồi trình độ biểu diễn của mình với Myra Hess và Egon Petri. Petri, người từng là học trò của Ferruccio Busoni, mà sau này Ogdon là nhà vô địch trong việc giới thiệu các tác phẩm của ông, đã nhận xét: “Tôi có thể dạy cậu bé này rất ít, cậu ấy là một thiên tài và kỹ thuật xuất sắc của cậu ấy đã được hình thành từ khi còn trẻ.”
Ogdon lần đầu tiên biểu diễn tại London vào năm 1958, trong một chương trình hoà nhạc Proms với concerto piano của Busoni, một tác phẩm nổi tiếng vì sự phức tạp và đồ sộ. Thời lượng tác phẩm lên đến 70 phút và có sự tham gia của dàn hợp xướng nam trong chương cuối. Đây sẽ là bản nhạc gắn bó với tên tuổi của anh. Không một ai biểu diễn nó nhiều như anh và sau đĩa nhạc mà Ogdon thực hiện cùng Daniell Revenaugh và Royal Philharmonic Orchestra vào tháng 6/1967, phải đến gần 20 năm sau mới có một nghệ sĩ piano khác thu âm concerto piano này. Nhà phê bình William Mann đã chia sẻ ấn tượng của mình “một bậc thầy khiến khán giả phải kinh ngạc”. Buổi biểu diễn đầu tiên của Ogdon tại Wigmore Hall vào năm 1959 cũng gây được sự chú ý to lớn khi anh biểu diễn rất nhiều các tác phẩm của Franz Liszt, những bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật trình diễn vô cùng điêu luyện. 17 tuổi, Ogdon gặp Brenda Lucas khi hai người học cùng nhau tại Royal Manchester College. Brenda lớn hơn Ogdon 14 tháng. Kể từ đó công việc chăm sóc anh được bà Dorothy chuyển giao cho Brenda. Cô là con gái của một nhân viên nhà nước và hiệu trưởng của một trường tiểu học, Brenda được bạn bè đánh giá là một người có nhiều tham vọng. Theo như một người bạn chung, Brenda gắn bó với Ogdon là vì danh tiếng của anh, Ogdon là cái tên nổi bật nhất của trường đại học. Hai người kết hôn vào tháng 7/1960.
Năm 1961, Ogdon giành giải nhất trong cuộc thi piano mang tên Liszt được tổ chức tại London. Năm 1962, vinh quang tiếp tục đến với Ogdon khi ông giành giải nhất cùng Ashkenazy trong cuộc thi piano quốc tế mang tên Tchaikovsky được tổ chức tại Moscow. Ashkenazy khi đó đã là một nghệ sĩ thành danh, ông từng giành giải hai tại cuộc thi mang tên Chopin vào năm 1955. Sau này Ashkenazy kể lại ông không muốn tham gia nhưng những quan chức đã buộc ông làm điều này để chắc chắn giành giải nhất về cho Liên Xô trong bối cảnh Van Cliburn, một người Mỹ đã làm được điều tương tự 4 năm về trước. Tuy nhiên, Ashkenazy đã không thể một mình độc chiếm vị trí đầu tiên mà phải chia sẻ nó với Ogdon, một nghệ sĩ đến từ phương Tây. Điều này đủ khẳng định Ogdon khi đó xuất sắc như thế nào. Trong đêm chung kết Ogdon đã đề nghị được biểu diễn concerto piano của Busoni nhưng tác phẩm này không nằm trong danh sách của cuộc thi nên ông đã phải chuyển sang Concerto piano số 1 của Liszt. Với tác phẩm bắt buộc, Concerto piano số 1 của Peter Ilyich Tchaikovsky, chính Ashkenazy cho biết rằng bàn tay của ông không phù hợp với những quãng 8 trong tác phẩm, đó không phải sở thích của ông, mà nó được dành cho Vladimir Horowitz, Cliburn và Ogdon. Ashkenazy trả lời phỏng vấn vào năm 2008: “Ogdon là người đã chơi Tchaikovsky tuyệt vời, trong khi tôi chỉ chơi tốt”. Nhà văn Sofia Khentova, bạn của Dmitri Shostakovich, một người theo dõi cuộc thi đã nhận xét: “Ogdon là một nhạc sĩ có trí tưởng tượng đam mê, phong phú và độc đáo. Anh ấy nghe mọi thứ theo cách riêng của mình, tỏa sáng, giống như Cliburn, những sáng tác nổi tiếng từ lâu hiện ra với luồng ánh sáng mới. Mỗi ngữ điệu đều mang đầy ý nghĩa sống động. Không gò bó bản thân với những ý đồ định sẵn, anh tự do sáng tạo trên sân khấu.”
Sau cuộc thi, vị thế của Ogdon trong đời sống âm nhạc cổ điển Anh không khác gì The Beatles đối với nhạc pop. Ông liên tục biểu diễn, thu âm, sáng tác và trở nên rất giàu có. Danh mục biểu diễn của Ogdon rất rộng, vốn nổi tiếng về sự diễn giải các tác phẩm của chủ nghĩa Cổ điển và Lãng mạn, ông còn là người thường xuyên chơi những bản nhạc ít được biết đến hơn của Busoni hay Charles-Valentin Alkan và là nhà vô địch của những tác phẩm dài có cấu trúc vô cùng phức tạp. Tổng cộng có khoảng 80 nhà soạn nhạc từng được Ogdon biểu diễn. Với vóc dáng to lớn, Ogdon đã mang lại sức mạnh và sự mãnh liệt trong màn trình diễn của mình và các nhà phê bình thường sử dụng những từ ngữ như “sấm sét” để nhận xét về ông, như Donal Henahan đã bình luận trên New York Times: “Người Anh râu ria xồm xoàm khom lưng trước các phím đàn và biểu diễn thiên tài của mình mà chỉ cần cử động nhẹ trên cổ tay như một người đánh máy nhanh nhẹn. Ông đã tạo ra một dây chuyền với sự tập trung và mạnh mẽ cao độ, đạt được kỹ thuật điêu luyện đầy liều lĩnh và sự kịch tính đến nín thở”. Là một người hiền lành nhưng khi ngồi bên cây đàn piano, Ogdon biến thành một con người khác hẳn. Ông trở thành một người khổng lồ, một con quỷ dữ, tạo ra những con sóng âm thanh choáng ngợp và mê hoặc khán giả. Ogdon cũng là một nhà soạn nhạc với hơn 200 tác phẩm, bao gồm 4 vở opera, 3 cantata, 2 tác phẩm lớn dành cho dàn nhạc, 2 concerto piano, các bài hát, âm nhạc thính phòng và một số lượng lớn dành cho piano độc tấu cũng như các loại nhạc cụ khác cùng với rất nhiều các chuyển soạn âm nhạc của những nhà soạn nhạc khác dành cho piano.
Ogdon cũng đắm mình hưởng thụ một cuộc sống xa hoa. Tuy nhiên, theo những người bạn của ông, nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ người vợ Brenda. Từ một cô gái có mái tóc đen với giọng Lancashire, Brenda đã trở thành một mệnh phụ phu nhân với mái tóc vàng óng ả với chất giọng London nhẹ nhàng. Ngôi biệt thự 5 tầng của họ gần công viên Regent luôn tổ chức những bữa tiệc thịnh soạn với những vị khách mời mà theo lời của nhà soạn nhạc Sir Birtwistle, bạn học của hai vợ chồng, gồm các chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng và đôi khi là quý tộc “vô vị, kiêu căng, kinh khủng”. Ogdon trở nên nghiện rượu và thuốc lá, uống một chai rưỡi Martini và hút 60 điếu mỗi ngày khiến những đầu ngón tay ố vàng, thường xuyên đến biểu diễn trên chiếc xe Rolls-Royce màu trắng sang trọng của mình.
Và rồi tất cả đều biến mất khi chứng tâm thần phân liệt xuất hiện trong Ogdon. Mọi việc bắt đầu trong chuyến lưu diễn tại Mỹ vào năm 1971, ông bắt đầu bị ảo giác khi nhìn thấy những cây thánh giá lớn phát sáng trên bầu trời và một lần khi đang ở trong phòng khách sạn, Ogdon nghe thấy giọng nói sai khiến ông ra đứng ngoài ban công ở tầng 16. Những người nhìn thấy đã báo cảnh sát và Ogdon đã phải trải qua quãng thời gian trong bệnh viện tâm thần trước khi được trở về nhà. Tại London, ông cố gắng nhảy ra khỏi xe ô tô trong khi nó đang di chuyển, trong đầu luôn có niềm tin về một âm mưu thao túng thế giới liên quan đến người cha của mình, Hitler và những kẻ sát nhân người Moor. Vào tháng 11/1973, trong một buổi hoà nhạc tại Royal Festival Hall có sự tham gia của Nữ hoàng và Công tước xứ Edinburgh, vợ chồng Ogdon được mời gặp gia đình Nữ hoàng. Khi Brenda chuẩn bị khẽ nhún đầu gối cúi chào theo phong cách hoàng gia thì Ogdon đột nhiên nắm lấy cô và đẩy vợ mình ra, tiến tới bắt tay Nữ hoàng khiến bà giật mình. Ogdon đã từng tự tử bằng cách cứa mạnh dao qua cổ, khiến đứt tĩnh mạch cảnh, máu chảy ồ ạt nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời. Ông cũng khắc những hình thánh giá lên thái dương, trát phấn lên mặt và tô son. Trong suốt những năm này, Ogdon liên tục ra vào các bệnh viên tâm thần khác nhau. Các bác sĩ đều khuyên Ogdon nên tạm nghỉ biểu diễn trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, cuộc sống khoa trương và việc chạy chữa của Ogdon đã khiến tình hình tài chính của gia đình lâm vào khủng hoảng. Họ đã phải bán căn biệt thự của mình nhưng những khoản nợ vẫn ngày càng tăng nhanh.
Năm 1976, gia đình Ogdon chuyển tới Mỹ khi ông được mời làm giáo sư piano tại Indiana University. Tuy nhiên Ogdon phải rời bỏ cương vị này vào năm 1979 vì ông thường xuyên vắng mặt do vẫn biểu diễn trên khắp thế giới theo yêu cầu của Brenda. Hơn nữa, căn bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngay cả trong khuôn viên trường học, Ogdon cũng thể hiện những trạng thái bất thường. Trong một lần phải tham dự cuộc họp với hiệu trưởng, ông đã đến với một chiếc quần đùi màu tím. Trong lúc này, những loại thuốc chống rối loạn tâm thần mạnh mà ông đang dùng đã khiến Ogdon gặp khó khăn trong việc phối hợp các cử động của đôi bàn tay. Mặc dù vợ ông đã giảm liều lượng trước mỗi buổi biểu diễn – một hành động nguy hiểm – khán giả bắt đầu bỏ về. Những người đại diện của Anh và Mỹ đều chia tay Ogdon. Càng về sau, Ogdon chỉ có thể được biểu diễn tại những thành phố nhỏ và Brenda tuyên bố không muốn ly hôn nhưng không thể sống cùng ông. Cô thuê một căn hộ, sống bằng cách dạy piano và thỉnh thoảng tổ chức các buổi biểu diễn. Trong khi đó, Ogdon phải sống vạ vật trong những cơ sở lưu trú giá rẻ (B&B – bed & breakfast) và qua những khoản tài trợ từ những tổ chức và cá nhân hâm mộ ông. Không được dạy dỗ những kỹ năng chăm sóc bản thân tối thiểu, cuộc sống của Ogdon giai đoạn này vô cùng khổ cực. Tại bệnh viện Maudsley, London, nơi ông thường xuyên điều trị, số lượng điều dưỡng dành cho Ogdon luôn là nhiều nhất. Họ ghi nhận ông không thể buộc dây giày và cài khuy áo sơ mi đúng cách. Tuy nhiên, ông vẫn dành ra 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi piano. Căn bệnh ban đầu của ông được chẩn đoán là tâm thần phân liệt nhưng rồi sau đó chuyển sang thành rối loạn lưỡng cực (hưng trầm cảm).
Tháng 2/1981, sau một thời gian chữa bệnh, mọi thứ dường như đã khả quan hơn đối với Ogdon. Ông đã biểu diễn tại Queen Elizabeth Hall, London, khẳng định sự tái xuất sau 3 năm vắng mặt. Trong chương trình có bản Sonata piano số 30 của Ludwig van Beethoven, một tác phẩm đầy thử thách đòi hỏi sự thành thạo trên toàn bộ âm vực của bàn phím. Ông giành được sự hoan nghênh nhiệt liệt và vào hôm sau, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông đều hân hoan thông báo về sự trở lại của người hùng một thời. Năm 1983, một mạnh thường quân đã đứng ra giúp đỡ Ogdon, đó là Paul Getty Jr, người thừa kế của nhà công nghiệp dầu khí Paul Getty. Sau khi đọc báo và biết được Ogdon thậm chí không thể sở hữu một cây đàn piano của riêng mình, ông đã mua tặng Ogdon một chiếc Steinway & Sun và kèm theo là một căn hộ để chứa nó. Getty cũng cho Ogdon vay tiền để mua một căn hộ ở ngay tầng dưới và Brenda đã dọn vào đó. Nhưng việc chăm sóc Ogdon giờ đây đã được giao cho một nam y tá. Khi Ogdon đi biểu diễn, cũng sẽ có một người đi cùng ông.
Mọi việc đã dần trở nên tốt đẹp, những lời mời biểu diễn liên tục xuất hiện. Ogdon đã từng bước, từng bước tiến đến vinh quang trước đây của mình mặc dù sức khoẻ của ông vẫn mang đến sự thiếu tin tưởng nhất định. Alexander Wall, người quản lý của Ogdon cho biết các màn trình diễn thất thường của ông không đến từ bệnh tật hay Lithium, thứ thuốc mà Ogdon phải sử dụng suốt đời để ngăn cản tình trạng tâm thần nặng hơn, mà là thói quen thiếu tập luyện hàng ngày của ông. Ogdon quá ỷ lại vào trí nhớ siêu việt của mình mà lên sân khấu không có được sự chuẩn bị kỹ càng. Dù rằng Ogdon duy trì một lịch biểu diễn khoảng 50 buổi/1 năm và thực hiện một số bản thu âm nhưng những ảnh hưởng từ căn bệnh vẫn gây nguy hiểm thường trực cho những người xung quanh và chính bản thân ông. Mùa hè năm 1986, khi Brenda và ông trở về sau một chuyến lưu diễn, Brenda đánh thức ông dậy vì đã tới London, Ogdon đã đánh cô thật mạnh khiến cô ngã xuống và sau đó gần như đẩy cô xuống gầm xe lửa tại sân ga Euston. Còn tại cánh gà của Royal Albert Hall vào năm 1987, trước khi lên biểu diễn, Ogdon đã tự cắt tay mình bằng dao cạo. Mặc dù vậy, năm 1988, Ogdon đã thực hiện một trong những dự án nổi tiếng nhất của ông, đó là thu âm Opus clavicembalisticum của Kaikhosru Shapurji Sorabji, một tác phẩm dành cho piano độc tấu dài tới 4 giờ đồng hồ. Ogdon qua đời vào ngày 1/8/1989 ở tuổi 52 tại bệnh viện Charing Cross, London vì viêm phổi, xuất phát từ bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán của ông. Ogdon được chôn cất tại nghĩa trang Gunnersbury, London. Trên mộ ông có khắc dòng chữ: “Thiên tài âm nhạc của ông đã mang lại rất nhiều niềm vui cho tất cả những ai đã nghe nó.”
Một trong những tài năng âm nhạc vĩ đại nhất của nước Anh đã có một cuộc đời đầy bi thảm, rất nhiều vinh quang nhưng cũng thấm đẫm nước mắt. John Ogdon sở hữu một cuộc đời đầy thăng trầm đáng kinh ngạc, người đã mang lại cho khán giả yêu nhạc vô vàn khoảnh khắc phấn khích và hào hứng đồng thời cũng tạo nên những nốt lặng trầm buồn nhất của thế kỷ 20. Đã có những cuốn sách, những bộ phim làm về cuộc đời của ông. Những người bạn, người hâm mộ bằng nhiều cách khác nhau đã giúp cho ký ức về người nghệ sĩ piano xuất chúng được trường tồn mãi mãi.
Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp
Nguồn:
dailymail.co.uk
theguardian.com
johnogdon.org.uk
oldmansfieldwoodhousesociety.com
Bình luận Facebook