Âm nhạc: Christoph Willibald Gluck
Libretto: Ranieri de’ Calzabigi
Công diễn lầu đầu: tại Burgtheater, Vienna vào ngày 5 tháng 10 năm 1762.
Nhân vật: Loại giọng
Orfeo: Mezzo-soprano hoặc Soprano
Euridice: Soprano
Amor: Soprano
Tóm tắt nội dung
Màn 1. Orfeo, một nhà thơ và nhạc sĩ trứ danh, đau buồn trước cái chết của người vợ, Euridice, lúc này đang nằm trong quan tài; trong khi những người chăn cừu lặng lẽ đặt những vòng hoa lên mộ nàng (“Chiamo il mio ben così”). Orfeo càng bị phiền lòng vì những lời than vãn của những người viếng thăm vợ chàng, yêu cầu mọi người hãy đi về đi. Chàng kêu gọi linh hồn của người vợ yêu dấu, nguyền rủa thần linh đã cướp đi sinh mạng của nàng và thề sẽ xuống tận địa ngục của Hades, bất chấp những nữ thần trả thù, để giải thoát cho Euridice. Trong khi chàng thề thốt, Amor, thần tình ỵêu, xuất hiện và báo cho chàng biết, các thần xúc động trước tấm lòng của chàng, đã cho phép chàng được cứu sống Euridice (“Gli sguardi trattieni”). Nhưng với một điều kiện là chàng không được nhìn vợ cho đến khi lên đến mặt đất. Khi vị thần biến mất, Orfeo vẫn còn bàng hoàng khi biết được chuyện ấy, tuy hơi lo lắng nhưng chàng quyết tâm xuống địa ngục cứu vợ. Orfeo đi đến nơi xuống địa ngục, dùng cây đàn lia của mình làm vũ khí.
Màn 2. Ở cửa vào địa ngục, được những nữ thần thù hận canh giữ, họ yêu cầu Orfeo cho biết vì sao lại đến đây. Chàng gảy đàn lia và cầu xin họ bằng những giọt nước mắt. Lúc đầu họ từ chối những lời nài nỉ của chàng và cố đuổi chàng đi. Nhưng sau cùng, những nữ thần cũng siêu lòng trước những than vãn của chàng bộc lộ qua lời hát, và họ để cho chàng đi vào địa ngục.
Ở cánh đồng Elysium, nơi sinh sống của những linh hồn lương thiện và dũng cảm. Họ đang vui vẻ nhảy múa, trong khi Orfeo nhìn quanh, cố tìm ra Euridice. Bỏ ngoài mắt cảnh tượng vui vẻ kia, chàng thốt lên rằng chỉ có Euridice mới giúp chàng hạnh phúc trở lại (“Che puro ciel”). Bóng tối (Shades) nghe thấy lời than vãn ấy, đã dắt Euridice từ trong bóng tối đến với chàng. Orfeo hạnh phúc nắm lấy tay nàng, dắt nàng ra khỏi địa ngục, cẩn thận không nhìn mặt nàng. Khi họ rời khỏi, những linh hồn hạnh phúc kia vui vẻ chúc phúc cho hai người (“Torna o bella”).
Màn 3. Orfeo hối hả dắt Euridice thoát khỏi địa ngục. Chàng làm theo lời dặn của các thần, cố gắng không nhìn mặt vợ. Nhưng Euridice lại mừng quá đỗi, ngừng lại một lúc để bày tỏ với chồng niềm vui mừng sum họp, nhưng không bao lâu nàng đã lo lắng. Tại sao Orfeo không nhìn nàng? Chẳng lẽ cái chết đã làm nàng xấu đi? Tại sao Orfeo không dám nhìn vào mặt nàng mà cứ thúc giục nàng tiếp tục đi lên mặt đất. Cuối cùng nàng than vãn thoát khỏi đây làm chi khi chỉ để nhìn thấy khuôn mặt lạnh lẽo của chàng đối với nàng. Không thể cưỡng lại được lời than ấy, Orfeo bất chấp lời dặn của các thần, quay lại ôm lấy người vợ yêu quý của mình. Ngay lập tức, Euridice trút hơi thở cuối cùng thay cho lời vĩnh biệt. Đau khổ và ăn năn, chàng than vãn cuộc sống của mình giờ đây không còn ý nghĩa gì khi không có Euridice (“Che farò senza Euridice?”). Để được sum họp với người vợ yêu quý, chàng quyết tâm đi tìm cái chết. Trước khi Orfeo thực hiện điều đó thì Amor xuất hiện và báo cho chàng biết chàng đã vượt qua được cuộc thử thách về lòng thủy chung và tính kiên trì, do đó Euridice sẽ được sống lại. Hai người hạnh phúc trở lại mặt đất dưới sự hoan hô nồng nhiệt của các bạn mình; một buổi khiêu vũ diễn ra ngay lúc đó ăn mừng sự trở về của hai người. Orfeo, Amor và Euridice được ca ngợi như chính sức mạnh của tình yêu.
Vị trí của vở Orfeo ed Euridice trong lịch sử opera
Câu chuyện chàng Orfée xuống địa ngục để tìm nàng Eurydice, người vợ xinh đẹp chẳng may bị rắn cắn chết, trong thần thoại Hy Lạp đã là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ nhà soạn nhạc. Chỉ tính riêng thể loại opera thì kể từ thời Phục hưng đến Đương đại cũng có khoảng hơn chục vở lấy đề tài này.
Trong số đó, vở Orfeo ed Euridicecủa nhà soạn nhạc người Đức Christoph Willibald Gluck (1714 – 1787) giữ vị trí nổi bật nhất trong lịch sử âm nhạc. Nó là cột mốc quan trọng đánh dấu một bước tiến mới trong việc cải cách opera. Orfeo ed Euridicecũng là lời tuyên chiến quyết liệt của Gluck với sự hào nhoáng bề ngoài và xu hướng mua vui bằng âm nhạc của giới quý tộc.
Gluck từng thành công ở Milan với các sáng tác opera đầu tiên và cũng từng thất bại ở Luân Đôn (gặp gỡ Handel nhưng Handel không quan tâm đến opera của Gluck). Buồn chán rời nước Anh rồi nhờ tham gia vào một đoàn opera lưu động mà Gluck có cơ hội đi nghiên cứu âm nhạc của hầu hết các nước châu Âu.
Khi định cư tại Vienna và tiếp thu tư tưởng của phong trào Khai sáng, Gluck bắt đầu nung nấu ý định cải cách opera. Orfeo ed Euridicelà kết quả hợp tác đầu tiên của Gluck với một người bạn tâm đầu ý hợp – nhà thơ Ranieri de’ Calzabigi.
So với các vở opera thường rập khuôn và thiếu sâu sắc thời kỳ đó, Orfeo ed Euridice có nhiều điểm khác biệt cơ bản. Nguyên tắc cách mạng trong sáng tác opera của Gluck là âm nhạc và thơ ca không nên cường điệu thông điệp mà nó mang tới thính giả. Nói cách khác, bất cứ sự phức tạp nào về ngôn từ và âm nhạc cũng cần phải hợp lý và phụ thuộc vào nội dung kịch tính.
Vì thế, bắt đầu từ Orfeo ed Euridice, Gluck đã phát triển opera theo hướng biểu lộ nhiều cảm xúc trong ca từ và âm nhạc nhưng nghiêm cấm lối hát hoa mĩ, lợi dụng kĩ xảo của các ca sĩ thời kì đó. Ông chuyên tâm vào thế giới nội tâm của nhân vật và quan niệm rằng cần phải hướng đến những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất như chính những gì mà cuộc sống vốn có.
Gluck cũng là nhà soạn nhạc đầu tiên đưa một số giai điệu của opera vào trong phần overture. Điều này giúp cho overture trở thành phần dự báo và giúp cho thính giả nắm được chủ đề cơ bản của vở opera.
12 năm sau thành công lớn của Orfeo ed Euridice tại Vienna năm 1762, khi tới thăm Paris, Gluck đã viết lại vở này cho phù hợp với thị hiếu Pháp. Phiên bản Paris năm 1774 cũng rất thành công và trong số người hâm mộ có cả Marie Antoinette, học trò và người tài trợ chính của ông.
Libretto tiếng Ý của Calzabigi được Moline chuyển dịch sang tiếng Pháp và tên tác phẩm chuyển thành Orfée et Eurydice.Vai Orfée được Gluck chuyển từ giọngcastrato (nam hoạn) sang cho giọng tenor (nam cao) do opera Pháp không dùng các giọng castrato vì cho rằng chúng lố bịch. Âm nhạc cũng thay đổi khá nhiều, Gluck đã thêm vào thứ âm nhạc tuyệt đẹp chút màu sắc ảm đạm và do đó làm biến đổi cấu trúc kịch tính của tác phẩm.
Ngoài phiên bản Vienna năm 1762 và phiên bản Paris năm 1774 của Gluck, Orfeo ed Euridice còn có phiên bản năm 1859 của Hector Berlioz. Berlioz đã kết hợp hai phiên bản trên của Gluck và viết lại vai Orfée cho giọng mezzo-soprano (nữ trung). Trong thế kỉ 19, vai này được hát bằng giọng contralto (nữ trầm) cũng thường xuyên như bằng giọng tenor. Đến thế kỉ 20, Orfée thậm chí được hát bằng giọng baritone (nam trung).
Tuy nhiên trích đoạn nổi tiếng nhất trong Orfeo ed Euridice không phải là một aria của Orfée mà là một tiết mục khí nhạc mang tính điền viên êm ái với bè flute độc tấu nổi bật ở màn II – “Dance of the Blessed Spirits” (Vũ điệu của những hồn thiêng). Đây là một minh chứng tuyệt đẹp cho nguyên tắc cách mạng trong sáng tác opera của Gluck.
Thính giả có thể ngỡ ngàng khi nghe khúc nhạc thanh bình này trong một vở opera kể về hành trình của Orfée xuống địa ngục của thần chết Hades để tìm lại người vợ bị chia lìa Eurydice. Trong màn II, cảnh cánh đồng Elysium với “Vũ điệu của những hồn thiêng” được nối tiếp ngay sau cảnh ở cửa địa ngục với “Dance of Furies (Vũ điệu của những nữ thần tóc rắn) đầy hận thù.
Trong thần thoại Hy Lạp, Elysium (thiên đường), thế giới của những hồn thiêng, được đặt cách xa địa ngục của thần chết Hades. Nhưng Gluck theo truyền thống Homer nên trong Orfeo ed Euridice ông đặt Elysium ngay trong địa ngục. Một thay đổi lớn nữa là ở màn cuối hai vợ chồng Orfée được sum họp thay vì kết thúc cay đắng như trong thần thoại Hy Lạp.
Ngọc Anh & Van Toàn (nhaccodien.info) tổng hợp

Bình luận Facebook