Marina Lewycka, tác giả tiểu thuyết Lược sử máy kéo bằng tiếng UkraineDi sản Lubetkin nói về tình yêu bà dành cho âm nhạc Berlioz từ thuở niên thiếu.

Năm 1960, trước sự căm phẫn của mẹ tôi, cha tôi đã đi mua về một đầu đĩa Dansette mới. Vốn là người tằn tiện, bà thấy căm phẫn bởi bà cho rằng sẽ tốt hơn nhiều nếu tiêu tiền cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nhưng tôi rất vui vì đoán rằng mình sẽ có quyền sử dụng nó để bật thứ nhạc của riêng mình và lũ bạn học. Vào thời điểm ấy chúng tôi sống ở Witney, cách Oxford vài dặm, và tôi có một công việc ngày thứ Bảy ở WH Smith giúp tôi kiếm được 50 xu một ngày. Vậy là tôi giàu.

Vào tuần tiếp theo, cha tôi đến cửa hàng HMV ở Oxford và bắt đầu xây dựng bộ sưu tập đĩa thu âm cổ điển của mình. Trong số những đĩa nhựa LP đầu tiên mà ông mang về nhà là một đĩa của hãng Decca với chiếc bìa kỳ lạ mô tả những cái cây mùa đông trơ trụi, cong queo, có vẻ quằn quại cùng một ông người Pháp trông ủ rũ ở mặt sau, người mà tôi đã nhầm tưởng là Berlioz, nhưng thực ra là nhạc trưởng người Hà Lan Eduard van Beinum. Giờ tôi vẫn giữ nó. Trong các tuần tiếp theo, nó gia nhập cùng những đĩa nhạc Beethoven, Brahms, Sibelius, Mussorgsky và Hợp xướng Hồng quân. Dansette chỉ là đầu đĩa mono – đầu đĩa stereo vẫn chưa phổ biến lắm dù đã được phát minh từ những năm 1930.

Tối tối cha tôi bật các bảo bối của mình sau khi tôi đã lên giường và cả ngôi nhà vang lên tiếng nhạc. Mẹ ngồi bên cha ở tầng dưới, vừa lắng nghe với vẻ mặt kiên nhẫn vừa mạng lại bộ đồng phục học sinh của tôi – mẹ càu nhàu rằng thà chi tiền mua quần áo mới còn hơn. Nhưng tôi còn nhớ cảm giác hồi hộp khi nghe những tiếng chuông lanh lảnh hoang dã cùng những xoáy lốc điên cuồng của dàn nhạc vào cái đêm vẫn nằm thức mà nghe trong khi lẽ ra phải đang ngủ. Hôm sau, khi cha đã đi làm, tôi rón rén xuống nhà và xem xét chiếc tay áo LP.

Tôi đọc được rằng Symphonie Fantastique kể câu chuyện về một chàng nhạc sĩ bị dày vò bởi niềm say mê với một phụ nữ xinh đẹp, được gọi một cách ý tứ là “người yêu dấu”, người xuất hiện trong bản giao hưởng như một giai điệu ngọt ngào song khó nắm bắt gọi là “idée fixe” [ý nghĩ ám ánh], vụt từ chương nhạc này sang chương nhạc khác theo trí tưởng tượng của tôi trong một tấm váy mềm mượt bồng bềnh trong khi chàng nhạc sĩ đuổi theo nàng đang phê thuốc phiện, cùng âm lượng càng lúc càng ầm ĩ và sự phun trào của bộ đồng. Chàng mơ thấy mình giết chết nàng và bị hành quyết, gặp lại nàng trong một “đêm hội phù thủy” kỳ cục. Là một đứa trẻ 14 tuổi nhạy cảm và hơi ngông cuồng, tôi bị cuốn hút bởi thứ cảm xúc thô ráp trong câu chuyện về tình yêu đơn phương này.

Vào thời điểm đó tôi đã nghi ngờ nhưng phải mất nhiều năm tôi mới khám phá ra rằng Symphonie Fantastique dựa trên một câu chuyện có thật. Sau này tôi được biết rằng nhân vật “người yêu dấu” là nữ diễn viên người Ai-len Harriet Smithson mà Berlioz đã đem lòng yêu điên cuồng khi xem cô sắm vai Ophelia ở Paris năm 1827, và bốn ngày sau với vai Juliet trong Romeo và Juliet. Ông đã viết cho cô vô số thư từ nhưng không được hồi âm; Symphonie Fantastique được sáng tác như một bản miêu tả bằng âm nhạc kể về tình yêu đầy day dứt của ông dành cho cô và một chiến thuật tán tỉnh.

Buổi công diễn lần đầu tác phầm, vào tháng 12 năm 1830, không bán hết vé. Một số khán giả và ngay cả bạn bè của ông thấy nó quá mất kiểm soát và quá gây sốc. Nó hẳn giống như cách phản ứng, mà tôi có thể nhớ, khi lần đầu tiên nghe Rolling Stones sau một chế độ kiêng khem lành mạnh gồm Buddy Holly và Cliff Richard cũng nghe bằng chiếc đầu đĩa Dansette đó.

Không nao núng trước những gì mà những người cùng thời coi là thất bại, Berlioz ngay lập tức yêu một người phụ nữ khác là nghệ sĩ piano 19 tuổi Marie Moke rồi lên đường tới Ý để phát triển sự nghiệp. Thật không may, trong khi ông ở nước ngoài, Moke đã hết quan tâm tới ông, cắt đứt hôn ước giữa họ và thay vào đó kết hôn với nhà sản xuất đàn piano giàu có Camille Pleyel.

Berlioz cuối cùng đã thiết kế một cuộc gặp gỡ với Smithson tại buổi biểu diễn lần thứ hai tại Paris của Symphonie Fantastique vào năm 1832, tại đó ông đã cầu hôn cô một cách đầy kịch tính. Ông lấy từ trong túi một lọ thuốc phiện chết người rồi nuốt chửng trước mặt cô như một dấu hiệu tuyệt vọng. Khi cô nhượng bộ và đồng ý cưới, ông giơ thuốc giải độc rồi uống tiếp.

Mánh khóe tán tỉnh lạ lùng này có vẻ đã hiệu quả, ít nhất là lúc đầu. Smithson và Berlioz kết hôn năm 1833 và sống cùng nhau ở Montmartre, nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc và chẳng kéo dài. Sự nghiệp của Smithson đã xuống dốc; cô thiếu tiền và ngày càng béo phì và nghiện rượu. Họ ly thân vào năm 1844 và Berlioz kết hôn với người tình lâu năm của mình, ca sĩ giọng nữ cao Marie Recio, vào năm 1854, bảy tháng sau cái chết của Smithson. Cuối cùng ông sẽ được chôn cất bên cạnh người vợ đầu tiên của mình tại nghĩa trang ở Montmartre, cũng là nơi sau này Recio được an táng.

Mối quan hệ như đóng kịch này có lẽ là điển hình cho cách mà Berlioz sống cuộc đời của mình và viết ra âm nhạc của mình. Ông là một nhân vật cuốn hút có những điều cực thích và cực ghét. Trong số những kẻ thù của ông có “thiết chế” âm nhạc Pháp mà ông đã công khai tranh cãi. Trong số những nguồn cảm hứng của ông có Shakespeare, Beethoven và Byron. Dưới ảnh hưởng của họ, ông học được rằng âm nhạc có thể có một yếu tố tự sự quan trọng.

Một trong những niềm đam mê khác của ông là dành cho những nhạc cụ khác thường, chẳng hạn như octobass, một loại double bass lớn đến mức người biểu diễn phải đứng trên ghế để chơi và kèn saxophone, do người bạn của ông, nhà sản xuất nhạc cụ Adolphe Sax, phát minh ra. Mặc dù tác phẩm duy nhất Berlioz viết cho kèn saxophone đã thất lạc, nhưng ông vẫn là một tiếng nói bênh vực loại nhạc cụ này. Sau khi tham quan Triển lãm Cung điện Pha lê năm 1851, ông viết: “M. Sax đã tạo ra saxophone, một nhạc cụ đồng quyến rũ với miệng kèn clarinet. Âm sắc mới lạ của nó cho phép các sắc thái tinh tế nhất và âm nửa cung mờ tương tự như âm sắc hùng vĩ của âm nhạc tôn giáo. M. Sax đã cung cấp cho chúng ta cả một gia đình kèn saxophone. Các nhà soạn nhạc có thể chưa đánh giá cao giá trị của phần bổ sung mới nhờ có thiên tài của người sáng này; nguyên nhân là do các nhạc công thiếu kinh nghiệm. Đây là một nhạc cụ khó; để thành thạo nó cần phải tập luyện một cách tận tâm và lâu dài, nhưng cho đến nay nó đã được chơi quá ít và không tốt.”

Cha tôi cũng có niềm đam mê với các công cụ khác thường, mặc dù trong trường hợp của ông đó là máy kéo. Một thế kỷ sau, saxophone trở thành một nhạc cụ được lựa chọn cho nhạc jazz truyền thống. Bên cạnh nhạc pop đầu những năm 1960, tôi đã thích nghe nhạc jazz, và một ngày nọ khi tôi đang bật Charlie Parker trên chiếc đầu đĩa Dansette đó, cha tôi xông vào phòng và yêu cầu tôi tắt nhạc. Dĩ nhiên là tôi không chịu. Nhưng cha tôi lớn lên ở Ukraine, nơi mà nhiều người tin rằng nhạc của người da đen là thứ “suy đồi” (dù khi ấy ngay ở Liên Xô cũng có một nền nhạc jazz hưng thịnh và nhạc jazz được ca tụng là “tiếng nói của những người bị áp bức”).

Trong cơn tức giận, cha tôi lao xuống tầng hầm và tắt nguồn điện lưới. Đầu đĩa ngừng chạy. Mẹ tôi phàn nàn rằng bánh mì bà đang nướng sẽ bị hỏng. Nhưng cha tôi rất cứng rắn. Tôi cười một mình khi nghĩ Berlioz hẳn đã thích thú ra sao trước cách cư xử tệ như vậy.

Marina Lewycka
Ngọc Anh (nhaccodien.info) dịch

Nguồn: bài viết “Why I love Hector Berlioz” đăng trên thetimes.co.uk ngày 6 tháng 2 năm 2019.