Thông tin chung

Tác giả: Wolfgang Amadeus Mozart.
Tác phẩm: Concerto piano số 27 giọng Si giáng trưởng, K. 595
Thời gian sáng tác: Hoàn thành vào ngày 5/1/1791.
Công diễn lần đầu: Có thể vào ngày 4/3/1791 tại Jahn’s Hall, Vienna dưới sự biểu diễn của chính tác giả.
Độ dài: Khoảng 30 phút.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro (Si giáng trưởng)
Chương II – Larghetto (Mi giáng trưởng)
Chương III – Allegro (Si giáng trưởng)
Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, flute, 2 oboe, 2 bassoon và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Từ cuối những năm 1780, Mozart đã bị vận rủi đeo bám. Tình hình tài chính của ông trở nên tồi tệ hơn, tình trạng sức khỏe của người vợ ngày càng suy giảm, khán giả dường như xa lánh những tác phẩm của ông và triều đình Áo của hoàng đế Joseph II đối xử với ông như một nhà soạn nhạc tầm thường. Trong một bức thư gửi cho vợ trong giai đoạn này, Mozart viết: “Nếu mọi người có thể nhìn thấy trái tim anh, anh gần như sẽ phải xấu hổ… mọi thứ đối với anh đều lạnh lẽo – lạnh như băng”. Nhưng đó cũng là giai đoạn mà Mozart thực sự thăng hoa trong những tác phẩm của mình. Concerto piano số 27 là tác phẩm đầu tiên Mozart hoàn thành vào năm 1791. Một bản concerto khác, concerto clarinet cũng được sáng tác cùng năm. Cả hai tác phẩm này, đều thể hiện mối quan hệ tương hỗ, mang một tâm trạng nội tâm hoài cổ, tránh xa đi những ánh sáng hào nhoáng, các đặc điểm báo hiệu một hướng đi hoàn toàn mới mà Mozart sẽ phát triển nếu như nhà soạn nhạc sống lâu hơn. Những nghiên cứu cho thấy Mozart đã hoàn thành 2 chương đầu và 39 ô nhịp của chương cuối vào khoảng năm 1788 nhưng ông đã tạm thời gác nó sang một bên để chuyên tâm vào những dự án khác.

Concerto piano số 27 không cho thấy những rắc rối hay số phận bất hạnh sắp xảy ra của nhà soạn nhạc, nó cân đối, trang trọng và sở hữu một vẻ đẹp du dương khiến tác phẩm trở thành một trong những bản nhạc đáng nghe nhất của Mozart. Ở đây, Mozart thể hiện sự thống nhất hơn là tương phản, cả về giai điệu và sự tương tác của nghệ sĩ độc tấu với toàn bộ dàn nhạc.

Nội dung

Chương I

Chương I có tới 4 chủ đề, một số lượng nhiều bất thường, cho thấy phần nào những thay đổi trong tư duy của Mozart đối với một thể loại truyền thống. Dàn nhạc bắt đầu phần giới thiệu, lần lượt trình bày 4 chủ đề này. Đầu tiên là một cuộc đối thoại tao nhã giữa violin và kèn gỗ, ngay sau đó là một giai điệu trữ tình vang lên từ flute. Chủ đề thứ ba hài hước hơn với những hình dáng uốn lượn của violin và cuối cùng, là một giai điệu mềm mại, có thể hát lên được ở giọng thứ song song khẽ lướt qua như một cái bóng mờ. Piano độc tấu xuất hiện với một phiên bản được sửa đổi nhẹ nhàng của chủ đề đầu tiên trước khi thâm nhập sâu hơn bằng một đoạn nhạc bán cung ở giọng thứ. Sau đó, piano tiếp tục diễn giải lại các chủ đề còn lại, ngoại trừ cái cuối cùng. “Cái bóng mờ” dẫn dắt chương nhạc vào phần phát triển. Mozart đã thay đổi giọng chỉ trong 60 ô nhịp, phần phát triển này tập trung vào chủ đề đầu tiên, được chồng chéo và kết hợp lại với nhau để tạo ra hiệu ứng biểu cảm tuyệt vời. Dàn nhạc và piano sau đó trình bày lại toàn bộ các chủ đề trước khi một cadenza xuất hiện. Mozart đã ứng tấu phần này trong buổi biểu diễn nhưng sau đó ông đã viết nó hoàn chỉnh để mang đi xuất bản.

Chương II

Chương II chậm rãi có cấu trúc 3 đoạn đơn giản ABA, được bắt đầu với một giai điệu đáng yêu trên piano và sau đó được dàn nhạc nhắc lại. Piano giới thiệu một đoạn nhạc tương phản và rồi trở về phần đầu của chương nhạc. Tuy nhiên, phần tổng hợp của dàn nhạc lại mang đến một sự bất hoà mạnh mẽ trước khi khép lại phần đầu tiên. Một chủ mới duyên dáng xuất hiện ở phần giữa chương nhạc, mơ màng ở một giọng xa, chậm rãi uốn lượn cho đến khi tái hiện phần đầu tiên. Chương nhạc này mặc dù cũng được viết ở giọng trưởng, một điều khá bất thường nữa nhưng được chuyển đổi thường xuyên sang giọng thứ. Tâm trạng được Michael Steinberg miêu tả là “nỗi sầu muộn rạng rỡ”.

Chương III

Chương III, một rondo bắt đầu với giai điệu rất quen thuộc trong “Sehnsucht nach dem Frühling” (Khát vọng mùa xuân) – bài hát được Mozart cập nhật vào danh mục sáng tác của mình ngay sau bản concerto này, có lẽ là sự phản ánh những hy vọng của ông về tương lai. Tại thời điểm này, nghệ sĩ piano được thả sức vào những kỹ thuật điêu luyện theo phong cách cổ điển, luôn được kiểm soát, không bao giờ bị bỏ rơi, cho dù tuyệt vời và thú vị. Chủ đề chính luôn được xen kẽ với những đoạn tương phản. Chương nhạc bao gồm hai cadenza và chúng đều được Mozart sáng tác, giống như trong chương I. Tác phẩm khép lại trong một tâm trạng thanh bình, hoàn toàn không như cuộc sống của Mozart lúc đó.

Mozart đã biểu diễn tác phẩm này của mình trong một chương trình hoà nhạc vào ngày 4/3/1791. Thật đáng buồn khi đó cũng là lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng. Concerto piano số 27 là một bản nhạc đặc biệt không phức tạp, tồn tại với sự gần gũi nhẹ nhàng. Giai điệu êm dịu của tác phẩm truyền tải sự điềm tĩnh và thanh thản, điều đáng kinh ngạc khi xem xét những gì mà nhà soạn nhạc đang phải đối mặt. Tâm trạng của concerto piano này trái ngược hoàn toàn với sự long lanh và rực rỡ – và thiếu sâu sắc hơn – của concerto “Coronation” (Lễ đăng quang) ngay trước bản này. Đây chính là những đặc điểm nổi bật nhất của concerto piano số 27, concerto piano cuối cùng của nhà soạn nhạc.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
old.philorch.org
houstonsymphony.org
indianapolissymphony.org