Nathan Mironovich Milstein sinh ngày 31 tháng 12 năm 1903 (có nhiều tài liệu cho rằng ông sinh năm 1904 nhưng chính Milstein khẳng định mình sinh năm 1903) ở Odessa, trong một gia đình Do Thái giàu có. Và nếu như những dòng hồi kí vô tư của cậu bé Nathan là đáng tin cậy thì cậu làm quen với cây đàn violin khi lên 4 tuổi nhưng đấy chủ yếu là để bố mẹ giữ cậu không gây rắc rối cho hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, tài năng của Nathan nhanh chóng được gia đình phát hiện khuyến khích, đặc biệt là mẹ cậu. Một lần mẹ đưa Nathan đến một buổi hoà nhạc của Jascha Heifetz – người mà năm 1911 đã là một “thần đồng” nổi tiếng, ở đó cậu bé đã có những ấn tượng đầu tiên về âm nhạc nói chung và cây đàn violin nói riêng.
Sau những bài học violin đầu tiên với 1 sinh viên, Milstein đã được nhận vào lớp của Pyotr Stoljarsky – cũng là thầy giáo của David Oistrakh – khi mới lên 7. Sau này Milstein nhớ lại, rằng thực ra lúc đó ông không thích chơi violin, mặc dầu trong suốt những năm đó hàng loạt tên tuổi lớn như Jan Kubelik hay Eugene Ysaÿe thường có nhiều buổi biểu diễn ở Odessa. Tuy nhiên dưới sự dìu dắt của Stoljarsky, cậu bé Nathan đã thêm yêu quí cây đàn và tài năng ngày một nở rộ. Rất hài lòng với người học trò của mình, năm 1915, Stoljarsky đã giới thiệu Nathan với nhạc sĩ nổi tiếng Alexander Glazunov. Và trong buổi hòa nhạc kỉ niệm sinh nhật lần thứ 50 của Glazunov, cậu bé 10 tuổi đã biểu diễn bản concerto giọng La thứ cho violin và dàn nhạc của chính Glazunov do đích thân tác giả chỉ huy. Trong cuốn hồi kí “Từ nước Nga đến phương Tây” (From Russia to the West) mà Milstein viết với sự trợ giúp của Solomon Volkov do Limelight Editions xuất bản, ông cho biết: “Tại buổi tập, tôi mở đầu bản concerto theo cách của tôi. Hiển nhiên hồi đó tôi là một cậu bé ngỗ ngược. Sự có mặt của nhà soạn nhạc hầu như không ảnh hưởng gì đến tôi. Glazunov nhìn tôi qua cặp kính không gọng và than phiền: “Cậu không thể chơi theo cách mà tôi đã viết à?” Tôi đành chơi theo ý đồ của ông nhưng sau đó ông đến bên tôi và bảo rằng: “Hãy chơi theo cách mà cậu muốn”. Hẳn ông cho rằng cách của tôi hay hơn”. Sau chương trình đáng nhớ này, năm 1916, Stoljarsky tiến cử Nathan với Leopold Auer _nghệ sĩ, thầy giáo violin nổi tiếng và uy tín nhất thời bấy giờ. Cậu bé chơi Partita số 2 cho violin độc tấu giọng Rê thứ của J.S. Bach; Nathan được chấp nhận và cùng mẹ lên đường tới St. Petersburg.
Ngay từ những bài học đầu tiên với Auer, Milstein đã phải chơi concerto giọng Fa thăng thứ của H.W. Ernst, đó là một bản nhạc rất khó (lời bình luận của Auer ở lớp của ông là: “các cậu thấy cái kĩ thuật đến từ biển Đen thế nào hả?”). Các lớp Master class của Auer, cùng với các đồng môn như Heifetz, Elman và Zimbalist giúp tạo nên những nền móng cơ bản cho Nathan đặc biệt là về nhạc cảm (“hãy trau chuốt âm nhạc bằng bộ óc chứ không phải bằng các ngón tay!”, Auer luôn nhắc lại như vậy). Milstein nhớ lại: “Auer là một con người và một thầy giáo tốt dù rằng tôi không nghĩ ông ấy có ảnh hưởng lớn đến tôi. Tôi thường đến nhạc viện 2 lần một tuần và trong lớp học của ông thường xuyên có tới 40, 50 người nghe tôi chơi đàn. Có tới 2 piano trong lớp để đệm cho chúng tôi. Khi thầy ốm, ông thường gọi tôi đến nhà”. Từ giai đoạn này sự quan tâm của Milstein đặt vào các tác phẩm solo dành cho violin không có nhạc đệm của Bach. Các tác phẩm kiểu này đã rất ít được chú ý suốt những năm đó. (Joseph Joachim chính là người đã tìm lại những tác phẩm này).
Mọi việc chấm dứt khi Auer sang Na Uy vào năm 1917 vì sự tác động của cuộc cách mạng tháng 2 năm 1917. Nhiều sinh viên đi theo Auer nhưng Milstein quay trở lại Odessa và cố gắng nâng cao trình độ chơi violin của mình. Có thể nói, việc học tập của cậu chấm dứt ở đây và ở độ tuổi 13, Nathan bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình. Milstein bắt đầu có những buổi trình diễn ở Odessa. Năm 1921, Milstein đến Kiev và gặp gỡ với Vladimir Horowitz. Họ trở thành những người bạn thân. Milstein chuyển đến sống cùng với Horowitz và họ bắt đầu cùng nhau lưu diễn khắp Liên Xô, nơi mà cảm thụ âm nhạc của họ hoà làm một ở cái tuổi chín muồi của các xúc cảm. Lúc này họ được gọi là “Những đứa con của Cách mạng Xôviết”. Nổi bật nhất là buổi trình diễn ở St. Peterburg vào năm 1923. Tuy nhiên trong chương trình này, màn trình diễn xuất sắc của Milstein với violin concerto của Glazunov đã bị lu mờ trước chàng trai trẻ Horowitz với piano concerto giọng Mi giáng trưởng của Lizst và Rê thứ của Rachmaninov.
Một năm sau, với chính sách thân thiện của chính phủ buộc cả Milstein và Horowitz phải chấp nhận với một hộ chiếu đặc biệt để ra nước ngoài biểu diễn với tư cách là đại sứ văn hoá của Liên bang Xôviết. Lev Trotsky bảo với họ rằng: “Hãy chỉ cho họ rằng chúng ta quan tâm đến nghệ thuật như thế nào”. Thực sự thì cả hai đều không muốn đi, nhưng giờ khởi hành đã được định đoạt và nó đã là một sự đoạn tuyệt! Horowitz thì đến năm 1986 mới quay trở lại Liên Xô, còn Milstein thì mãi mãi không bao giờ trở về nữa!
Ngày 25 tháng 12 năm 1925, hai chàng trai đã đến biểu diễn tại Berlin và không được thành công như mong đợi. Tuy nhiên, cả hai đã không quay trở lại Liên Xô như họ phải làm mà chuyển đến Paris, ở đó một lịch biểu diễn khắc nghiệt đã mang lại những thành công ban đầu, từ Paris, Horowitz thực hiện 1 tour diễn vòng quanh châu Âu còn Milstein tiếp tục lưu diễn tại các nước Nam Mỹ. Mặc dù trong thời gian này chàng trai trẻ đã được biểu diễn cùng những nhạc trưởng xuất sắc như Mengelberg, Furtwangler, Knappertsbusch và Muck nhưng công chúng chỉ thực sự chú ý tới Milstein khi anh có buổi ra mắt tại Vienna trước những vị khán giả như Arnold Schoenberg, Alban Berg, Karl Amadeus Hartmann và nhà phê bình Julius Korngold _ người đã có 1 bài viết bình luận về buổi biểu diễn này. Dù vậy thì Milstein cũng không thể chinh phục phương Tây nhanh chóng bằng Horowitz.
Năm 1926, tại Brussels, Milstein tìm đến nghệ sĩ violin nổi tiếng Eugène Ysaÿe, người mà ông đã có dịp chiêm ngưỡng tài năng từ khi còn ở Odessa. Milstein chơi các Capriccio của Paganini cũng như các tác phẩm cho violin solo của Bach. Sau khi nghe xong, Ysaÿe nói: “Anh chơi Paganini tốt, Bach cũng vậy. Vậy anh còn muốn gì nữa? Tôi có còn gì để dạy anh đâu?” Tuy nhiên, Milstein vẫn ở lại cùng Ysaÿe thêm vài tuần và như Milstein có nhắc đến trong tiểu sử của mình thì ở mặt nào đó ông không học hỏi được gì nhiều từ Ysaÿe về mặt chuyên môn, nhưng ở mặt khác ông lại giành được những lợi ích rất to lớn trong suốt thời gian ở với Ysaÿe.
Trong suốt những năm từ 1925 đến 1929, Milstein đã gây dựng sự nghiệp của mình ở rất nhiều quốc gia mà quan trọng nhất là buổi trình diễn đầu tiên của ông ở Hoa Kỳ. Ông đến Mỹ vào tháng 10 năm 1929. Thời gian đó nước Mỹ bị thống trị bởi Jascha Heifetz và Fritz Kreisler, tuy vậy, Nathan Milstein vẫn giành được thành công khi được gia nhập vào hàng ngũ những tinh hoa violin của thế giới. Buổi công diễn đầu tiên của ông ở đất Mỹ diễn ra vào ngày 29 tháng 11 năm 1929 khi ông cùng Leopold Stokowski và Philadelphia Orchestra biểu diễn concerto của Glazunov, một tác phẩm luôn theo ông trong suốt sự nghiệp của mình. Với sự hoan nghênh ở buổi ra mắt New York cùng New York Philharmonic vào ngày 23 tháng 1 năm 1930, sự hiện diện của ông ở các recital và concert đã thành một điều hiển nhiên trong đời sống âm nhạc nước Mỹ. Và tại đêm diễn cuối cùng trong nhiệm kì của mình với New York Philharmonic, Arturo Toscanini đã mời Milstein làm nghệ sĩ độc tấu trong chương trình. Sự nổi tiếng của ông trên nước Mĩ cũng như toàn thế giới ngày càng được ghi nhận, đặc biệt là vào những năm sau Thế chiến thứ 2. Vào năm 1943, ông được nhập quốc tịch Mĩ. Sau khi kết thúc chiến tranh ông trở về châu Âu, chuyển đến sống tại London rồi sau đó là Vienna và Salzburg đồng thời tiếp tục thực hiện những chuyến lưu diễn cũng như dạy các lớp Master class trên khắp thế giới (trong đó gắn bó mật thiết nhất là Julliard School và Zurich Conservatoire). Sự quý phái và thanh cao của Milstein trong trình diễn tạo nên một sự kính sợ (không giống như Heifetz), nhưng bạn bè và gia đình đều say mê tính cách cởi mở và đầy tình cảm của ông, Milstein không bao giờ nghĩ rằng phải thể hiện điều đó trước công chúng và ông gây chấn động bởi những nhu cầu của sự nổi tiếng hiện đại. Sự nghiệp của ông vẫn miễn dịch trước sự tàn phá điển hình của thời gian hay những nhân tố khác, như chứng viêm khớp vẫn luôn rút ngắn sự nghiệp của một bậc thầy. Milstein được miêu tả là một thầy giáo rất thân ái và luôn lắng nghe ý kiến của học trò, trái ngược với cái nghiêm nghị cứng nhắc của Heifetz, người mà dường như làm kinh sợ rất nhiều sinh viên. Ông thường nói khi dạy: “Tôi cố gắng không áp đặt cho các bạn cách chơi của tôi, không dạy cho các bạn phải chơi như thế nào nhưng tôi luôn cố gắng giúp các bạn suy nghĩ”. Trong số những nguời từng học với ông đã có nhiều người trở thành những violinist nổi tiếng như Salvatore Accardo hay Erick Friedman.
Được coi là một trong những nghệ sĩ violin nổi tiếng nhất thế kỉ 20 đặc biệt là với những tác phẩm dành cho violin của Bach, Milstein luôn có những buổi biểu diễn cố định hàng năm các tác phẩm này ở Vienna Festival hay Salzburg Festival kéo dài suốt từ năm 1955 đến 1985. Tuy nhiên, nước Mĩ vẫn luôn là địa chỉ quen thuộc của ông.
Ngày mùng 5 tháng 11 năm 1979, vào một mùa thu vui vẻ trong sự nghiệp lâu dài và kỳ diệu của mình, Nathan Milstein đã có một recital nhân kỉ niệm 50 năm buổi biểu diễn đầu tiên trên đất Mĩ tại Carnegie Hall như ông đã chơi hàng chục lần ở những mùa diễn tại New York. Buổi tối đặc biệt này cũng như bao nhiêu buổi tối khác trong đời Milstein. Một vài người có mặt gọi nó là một buổi triệu tập “những con cua kéo đàn”. “Dường như mọi người đều ở cả đó”, nhà phê bình Harold C. Schonberg đã viết như vậy trên tờ New York Times, “từ Joseph Fuchs và Itzhak Perlman đến tất cả mọi violinist trong dàn nhạc thành phố có một đêm rỗi rãi, và cả những tay violinist trẻ tuổi từ Juilliard, Curtis và từ bất kì đâu”. Mọi người đã ở đó, tất nhiên, để thưởng thức một tài năng vẫn còn đầy sức sống và sinh động như Milstein ở vào tuổi ngoài 70, và cũng là để bày tỏ sự kính trọng với ông nữa. Cho tới năm 1979, Milstein là người duy nhất trong số những học trò ngày nào của Leopold Auer còn biểu diễn. Jascha Heifetz với một thế đứng vững chắc, đã rút vào sự im lặng quyền uy; còn Mischa Elman, Toscha Seidel và Efrem Zimbalist đều đã mất. Rất nhiều người khác cũng tài năng không kém nhưng vẫn ít được biết đến, những học trò của Auer đã trở thành những ký ức lạ lẫm. Chỉ còn một mình Milstein là vẫn còn đó và vào cái đêm của năm 1979, ông vẫn có thể tạo nên một Chaconne trích từ Partita số 2 giọng Rê thứ của Bach siêu việt đầy xúc động, vẫn có thể tìm thấy sự căng thẳng đầy tinh tế và phức tạp trong Violin sonata giọng La trưởng của Franck.
Sự quyến rũ là ở chỗ, được xem tận mắt Milstein trong vẻ đăm chiêu, một biểu tượng giản dị – một dáng vẻ hoài cổ, một mẫu mực của một phong cách cao quí đang dần biến mất ở thế hệ sau; không còn sự giản dị cũng như sự đa cảm. Suốt cuộc đời mình, Milstein từ chối các danh hiệu, và ông thể hiện còn vượt xa những danh hiệu đó, đặc biệt là trong những buổi biểu diễn ở thời kỳ đỉnh cao đã đạt được trong những bản thu âm. Thực tế, ông biết đâu đã là người ít chất “Nga” nhất trong các nghệ sĩ bậc thầy của Nga. Chắc chắn, quan niệm của ông về âm nhạc đã được hình thành qua quá trình rèn luyện, và cách chơi của ông chứng tỏ cái phong cách “Russian” mà nhiều giáo viên và người chơi ngày nay cho là lỗi mốt. Nhưng Milstein thường xuyên xem nhẹ sự chi phối trực tiếp từ cả 3 người thầy của mình (thực ra Auer không được Milstein trực tiếp đề cập đến trong tự truyện của ông). Cách chơi của ông không theo khuôn mẫu của bất kỳ ai mà tự tạo một phong cách riêng cho mình và dần dần hoàn thiện nó. Nó không dai dẳng và buồn bã như tiếng đàn của Elman, không khiến thính giả kích động như Heifetz. Kỹ thuật của ông thật kỳ lạ. Tiếng đàn tinh tế và quý phái của ông thực sự có thể làm mê hồn người. Sự mãnh liệt và khoẻ khoắn trong cách chơi có thể cảm nhận thấy rõ ràng và đầy ly kì. Nhưng không một yếu tố nào trong số này lại kìm hãm những cái còn lại và không có cái nào quá mờ nhạt hay quá nổi bật khi ông chơi, tất cả chúng hoà chung một cách tự nhiên và nhạc cảm sâu sắc đến nỗi làm cho Milstein gần như là duy nhất. Không phải nghi ngờ gì khi nói kỹ thuật của ông là tao nhã nhất và hoàn hảo nhất của thời mình.
Bên cạnh sự nghiệp biểu diễn violin, Milstein còn được biết đến với tư cách một nhà chuyển soạn và một nhạc sĩ. Ông đã phối lại nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Liszt, Chopin và Mussorgsky cho đàn violin cũng như soạn cadenza cho các violin concerto của Beethoven, Brahms hay Paganini. Và một trong những tác phẩm do ông sáng tác được nhiều nghệ sĩ sau này biểu diễn là Paganiniana. Trong cuộc đời biểu diễn của mình, Milstein đã sử dụng nhiều cây đàn violin nhưng từ năm 1945 ông trung thành với cây đàn 1716 “Goldman” Stradivari mà ông đổi tên thành “Maria Teresa”; Maria là tên con gái còn Teresa là tên vợ của ông.
Sự nghiệp biểu diễn của Milstein tiếp tục ghi lại những dấu ấn cho đến tận năm 1987, khi một cánh tay bị gãy buộc violinist 83 tuổi phải nghỉ hưu. Nathan Milstein mất ngày 21 tháng 12 năm 1992, 10 ngày trước sinh nhật lần thứ 89 của ông ở London.
“Có thể ông là một violinist gần như hoàn hảo nhất ở thời mình” – Harold C. Schonberg đã đúc kết lại như thế trên New York Times vào cái ngày đưa tang Milstein. “Jascha Heifetz có được một kỹ thuật kích thích hơn, nhưng có người lại so sánh rằng, dù đúng dù sai, nó quá lãnh đạm và bàng quan. Joseph Szigeti có lẽ là một người giỏi trong việc phát hiện ra tài năng âm nhạc hơn và là một kho tư liệu rộng lớn hơn, cho rằng thanh âm và kỹ thuật của Milstein có thể mang mọi thứ cùng một lúc hoà làm một, là một điều mà cực ít người chơi violin thời ông làm được.”
Có lần Milstein từng nói rằng: những điều mà một người nghệ sĩ cần phải có là khí chất, nhân phẩm và nghị lực. Nghệ sỹ cello Gregor Piatigorsky, người bạn và là đồng nghiệp của ông, đã viết rằng ông không bao giờ bắt gặp Milstein chơi các gam hoặc các bài tập – mà thực sự thì, ông tạo nên một ấn tượng là không bao giờ luyện tập – nhưng cây đàn violin hiếm khi nào rời khỏi tay Milstein. Ông từ chối nói về kỹ thuật của mình khi được hỏi về quá trình rèn luyện. Milstein chọn lựa tiết mục biểu diễn của mình rất cẩn thận theo thị hiếu riêng và hiếm khi chệch hướng khỏi nó. Trong suốt sự nghiệp của ông, các nhà phê bình thường hay bắt bẻ những tác phẩm mà ông không chơi trong khi vẫn ca tụng sự tuyệt diệu của những tác phẩm kia nhưng Milstein đã vượt lên trên những điều đó bằng cách vẫn duy trì và tiếp tục mài giũa những góc cạnh trong nghê thuật của mình. Piatigorsky kết luận, Milstein – một nghệ sĩ mà ông tôn thờ khi đánh giá về Milstein trong tự truyện “Cellist” của mình. Với cả hai, dường như là những người bạn không thể tách rời.
“Đôi mắt nhanh nhẹn đầy sức sống và mái tóc đen bóng, cùng với tầm vóc trung bình khoẻ mạnh, như nói lên rằng tuổi trẻ sẽ ở lại với con người này mãi mãi” – Piatigorsky đã viết“ – Quá tự nhiên và vô hại đến nỗi ông ghét bị chỉ trích về bất cứ cái gì ông đã nói…cây đàn là một phần của cơ thể ông không kém gì chân với tay… Nathan chỉ có thể là ông – một violinist phi thường. Ông là một con người độc lập, không lo nghĩ và luôn luôn ngăn nắp, bạn bè ông, mọi thứ xung quanh ông, cây đàn violin, những chiếc áo len cashmere thanh nhã, tất cả tồn tại để làm tăng thêm sự hạnh phúc của ông!”
Lê Thanh Huyền (nhaccodien.info) tổng hợp