“Thiên tài là từ thường bị lạm dụng. Thế giới chỉ ghi nhận được khoảng nửa tá thiên tài. Tôi chỉ mấp mé mức đó thôi.” – Fritz Kreisler

Trong suốt khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, Fritz Kreisler được coi là một nhà soạn nhạc có tài và là một trong những nghệ sĩ violin hàng đầu thời bấy giờ. Chính nhà phê bình danh tiếng Herbert F. Peyser đã từng nhận xét: “Kreisler là vua, Heifetz là nhà tiên tri, còn tất cả những người khác chỉ được gọi là nghệ sĩ vĩ cầm mà thôi.”

Kreisler sinh ngày 2/2/1875 tại Vienna, Áo. Salomon – cha của Kreisler vốn là người gốc Do Thái, có thể đây là nguyên nhân thúc đẩy sự chống đối chủ nghĩa phát xít Đức trong ông sau này. Cha ông còn là bác sĩ và là người chơi vĩ cầm nghiệp dư, nên từ bé ông đã được lớn lên trong môi trường âm nhạc. Gia đình ông thường hay trình tấu nhạc tại gia, và một trong những vị khách quen thuộc của cha ông là chàng sinh viên y khoa trẻ tuổi chơi violin Sigmund Freud, người sau này sẽ đặt nền móng cho ngành tâm phân học. Từ nhỏ Kreisler đã tỏ ra say mê violin, cây violin đầu tiên của ông được làm từ hộp xì gà. Năm 4 tuổi, ông bắt đầu học violin với cha mình. Cùng năm đó, khi được nhận cây violin thật sự, ông đã chơi đàn với cao độ và tiết tấu chuẩn xác trước một nhóm nhạc chuyên chơi quốc ca Áo, khiến họ vô cùng ngạc nhiên. Năm lên 7 tuổi, ông được nhận vào Nhạc viện Áo, và là học sinh nhỏ tuổi nhất Nhạc viện. Chính Anton Bruckner – một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Áo lúc bấy giờ đã dạy cho ông môn sáng tác và hòa âm, còn Joseph Hellmesberger Jr- nghệ sĩ vĩ cầm, nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng của Áo thì dạy kỹ thuật violin cho ông. Ông trình diễn lần đầu trước công chúng vào năm 9 tuổi tại Nhạc viện. Sau buổi diễn này ông được gửi qua Nhạc viện Paris của Pháp để được đào tạo chuyên sâu. Tại Paris, J. L. Massart – người đã từng dạy cho Wieniawski– trực tiếp đào tạo ông, và đến năm 1887, ông vượt qua tất cả các sinh viên khác và trở thành thủ khoa Nhạc viện khi mới 12 tuổi. Từ đó trở đi, ông bắt đầu tự luyện tập một mình.

Có thể nói điều đáng ngạc nhiên nhất ở Kreisler là việc ông không thích tập luyện nhiều. Ông bảo rằng việc chơi đàn cần đến não nhiều hơn là đôi tay, bởi ông có khả năng tiếp nhận bài học một cách dễ dàng khi nghe các giáo sư dạy mình trình tấu bản nhạc. Nhưng một lần khi xem buổi hòa nhạc ở Vienna với các nghệ sĩ hàng đầu thế giới biểu diễn, ông đã vô cùng xúc động và thốt lên: “Được nghe Joseph Joachim và Anton Rubinstein biểu diễn là sự kiện trọng đại trong đời tôi, cho tôi kinh nghiệm nhiều hơn cả 5 năm du học.” Tuy Kreisler vẫn cho rằng mình là người có biệt tài, nhưng từ đó trở đi ông đã chú tâm hơn đến việc luyện tập.

Trong khoảng năm 1889-1890, Kreisler đã cộng tác với nghệ sĩ dương cầm Moriz Rosenthal để lưu diễn vòng quanh USA, nhưng chuyến lưu diễn không thành công như ông nghĩ. Khi quay trở về Vienna, ông bỏ học ở Nhạc viện và sau đó tốt nghiệp cấp 3 tại trường Trung học Piaristen. Ba mẹ ông ủng hộ việc ông nộp đơn vào Đại học Y khoa ở Vienna, vì họ không muốn ông đi theo con đường âm nhạc. Về sau ông đã thuật lại những ngày tháng tồi tệ này như sau: “Tôi suy nghĩ bi quan về nghề nghiệp tương lai của mình. Tôi phẫu thuật cho bệnh nhân vào buổi sáng, chơi cờ vào buổi chiều, tham gia hòa tấu vào buổi tối, và đánh thắng trận lúc nửa đêm.” Năm 1894, ông trở thành thực tập sinh y khoa trong quân đội Áo. Trong khoảng thời gian này Kreisler hiếm khi chạm vào violin, ngoại trừ những lúc biểu diễn độc tấu cho các sĩ quan khác nghe. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1896, ông quyết định đi theo sự nghiệp âm nhạc, và nhanh chóng lấy lại phong độ. Ông đã thuê một phòng riêng ở quán trọ, bắt đầu tập luyện lại một cách có hệ thống. Ông cũng bắt đầu sáng tác nhạc vào khoảng thời gian này. Đến năm 1898, ông đạt được thành công vang dội ở Vienna Philharmonic. Lúc này âm nhạc của ông đã có chiều sâu, và người ta không nhắc đến ông như một tài năng nhỏ tuổi nữa. Không chỉ thế, nhờ vào sự động viên và tán dương nhiệt liệt của Eduard Hanslick – nhà phê bình âm nhạc hàng đầu thế giới nên một năm sau, vào tháng 12 năm 1899, ông ra mắt công chúng cùng với dàn nhạc Berlin Philharmonic dưới sự chỉ huy của Nikisch. Buổi diễn tiếp tục thành công vang dội, đã đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp quốc tế của ông.

Năm 1902, Kreisler kết hôn cùng Harriet Lies Woerz – một phụ nữ được thừa kế hãng thuốc lá Mỹ vừa ly dị chồng. Gia đình giàu có của Harriet phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân sau của cô, nhưng Harriet kiên quyết tái hôn bằng mọi giá. Sau khi kết hôn, cuộc sống của Kreisler ổn định hơn, và sự nghiệp của ông phát triển một cách vững chắc. Ông ra mắt khán giả Luân Đôn tại buổi hòa nhạc Philharmonic dưới sự chỉ huy của Richter vào ngày 12/5/1902. Năm 1904 ông được nhận huy chương vàng của Philharmonic Society, và trở thành một trong những nghệ sĩ được yêu thích nhất. Kreisler khi ấy rất ngưỡng mộ Elgar – nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất ở Anh và đại lục – nên đã nhờ Elgar soạn riêng một bản concerto violin cho mình và ông đã trình diễn nó lần đầu tiên vào ngày 10/11/1910 tại Queen’s Hall dưới sự chỉ huy của chính Elgar. Bản concerto giọng Si thứ này được cả công chúng và nhà phê bình yêu thích. Có thể nói đây là giai đoạn thăng tiến rất nhanh của Kreisler. Vào những năm trước chiến tranh thế giới thứ nhất, có khi ông biểu diễn hơn 250 buổi hòa nhạc một năm. Theo lời của nhà dương cầm Sergei Rachmaninoff – người thường chơi chung với Kreisler – sở dĩ Kreisler biểu diễn được nhiều đến thế là vì ông không cần tập luyện nhiều.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ, dù đã là nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu của Áo nhưng Kreisler vẫn phải gia nhập quân đội. Ông bảo rằng nhờ có đôi tai nghe được các nốt nhạc mà ông phân biệt được âm thanh các loại đạn pháo của địch. Tháng 11/1914, sau khi giải ngũ vì bị thương, ông đã viết một cuốn hồi ký nhỏ với tựa đề Four Weeks in the Trenches (Bốn tuần ở hào sâu). Cuốn hồi ký gây được sự chú ý ở Mỹ, và Kreisler tiếp tục thành công trong các buổi hòa nhạc của ông suốt thời kì chiến tranh. Tuy nhiên, làn sóng chống đối phát xít Đức lúc bấy giờ tăng cao nên ông đã rời khỏi Mỹ, và trở lại New York vào ngày 27/10/1919. Từ năm 1924 đến năm 1934 ông cùng vợ sống ở Berlin. Khi Áo gia nhập Đảng Quốc xã (4), ông được cấp quốc tịch Pháp. Năm 1939 ông quay lại và định cư luôn ở Mỹ, ông trở thành công dân Mỹ vào năm 1943. Tai nạn giao thông xảy ra năm 1941 dù làm tổn hại đến thính giác và thị giác của ông, nhưng ông vẫn bắt đầu lại việc biểu diễn của mình. Ông xuất hiện lần cuối trong buổi diễn ở Carnegie Hall vào ngày 1/11/1947, dù sau đó chương trình vẫn phát sóng trong suốt khoảng thời gian 1949-1950. Kreisler còn là người thích sưu tầm violin nên ông có rất nhiều cây violin có giá trị. Thậm chí một nhà sưu tầm danh tiếng sau khi được nghe tiếng đàn mê hoặc của Kreisler, đã tặng cho ông cây đàn quý giá của mình, để ông có thể đem tiếng đàn ra khắp thế giới. Về sau, khi giảm bớt sự say mê với violin, ông đã bán đi bộ sưu tập nhạc cụ của mình, chỉ giữ lại duy nhất cây 1860 Vuillaume.

Kreisler là một người vô cùng đặc biệt. Dù ít luyện tập, ông vẫn đạt được kỹ thuật tuyệt mỹ một cách dễ dàng. Cách kéo vĩ đầy tao nhã, cùng sự nhấn nhá uyển chuyển và quyến rũ, nhịp điệu đầy sức sống và sự táo bạo, nhưng trên hết là sức biểu cảm đáng kinh ngạc cùng âm thanh êm dịu vô biên từ tiếng vĩ cầm của ông. Mặc dù di chuyển vĩ không nhiều, giai điệu của ông vẫn mang một sức mạnh khó ai sánh kịp bởi vì ông ấn vĩ chỉ vừa đủ mà không cần kìm lại sức rung tự nhiên của dây đàn. Kỹ thuật rung của ông tạo ra âm sắc tuyệt diệu mang phong cách Wieniawski mà theo ông nói là “xoáy vào kĩ thuật rung và làm cho nó đạt được cao độ chưa từng có, kỹ thuật này được coi là kỹ thuật rung của Pháp”. Tuy nhiên, Kreisler áp dụng kỹ thuật rung không chỉ dựa trên những nốt nhạc được duy trì liên tục, mà còn lướt ngón nhanh hơn để làm biến mất hoàn toàn những âm bị phô dưới ngón đàn kì diệu của mình. Phương pháp kéo vĩ và bấm đàn đồng thời của ông in đậm dấu ấn cá nhân. Quả thật phong cách riêng tuyệt vời đó, giống như Flesch từng nói, đã đi trước thời đại, phần nào giải thích vì sao sự nổi tiếng đến với ông khá chậm.

Ngoài những việc chính như là thành viên của nhóm tứ tấu đàn dây, viết operetta Apple Blossoms (cùng với Viktor Jacobi, 1919), viết tờ chương trình cho các bản concerto của Beethoven và Brahms, và viết rất nhiều những bản nhạc nổi tiếng khác như Tambourin chinois, Caprice viennois… trong đó có Liebesfreud (Niềm hoan lạc của tình yêu) và Liebeslied (Nỗi thống khổ của tình yêu) giọng La thứ được coi là các sáng tác hay nhất của ông. Ông còn xuất bản và chuyển soạn rất nhiều tác phẩm khác. Ông là một nhà soạn nhạc có tài với khả năng sao chép phong cách của các nhà soạn nhạc xưa một cách chính xác. Các tác phẩm ông sáng tác giống đến mức chúng được coi là “bản nhạc bị thất lạc” của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, như Aubade Provençale được viết theo phong cách của Couperin, Concerto giọng Đô trưởng được viết theo phong cách của Vivaldi, Grave được viết theo phong cách của W.F. Bach… Những bản nhạc “mô phỏng” của ông được trình tấu khắp nơi, và chúng còn được coi là các tác phẩm xuất sắc vượt trội của “người xưa”. Ngày 2/2/1935, nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của mình, Kreisler đã trả lời phỏng vấn của tờ New York Time và tự thừa nhận những bản nhạc này do chính ông sáng tác, mục đích là để chơi xỏ người khác, nhiều nạn nhân (có cả Ernest Newman) cảm thấy phẫn nộ trong khi số còn lại chỉ xem việc bắt chước đó là trò đùa. Điều đáng ngạc nhiên là không giống như nhận định sai lầm của các chuyên gia, những bản nhạc duyên dáng này vẫn được yêu thích và tiếp tục làm phong phú thêm danh mục violin của nhân loại. Kreisler qua đời ngày 29/01/1962 tại New York, trong sự tiếc thương của người hâm mộ từ khắp mọi nơi.

Tô Thanh Huyền (nhaccodien.info) tổng hợp