Vở opera Salome có một chỗ đứng quan trọng đối với chủ nghĩa Biểu tượng. Nó hàm chứa ý nghĩa biểu tượng khi đụng chạm đến tôn giáo qua một cách tiếp cận mới mẻ, trong những tầng nghĩa phức tạp và độc đáo về tình yêu và cái chết.

Công chúa Salome, một nhân vật trong Kinh Tân Ước, được biết đến chủ yếu qua  mối quan hệ với Thánh John the Baptist. Chuyện kể rằng công chúa Salome, con gái hoàng hậu Herodias, vào ngày lễ mừng sinh nhật mẹ mình đã múa một vũ điệu quyến rũ khiến cha dượng là vua Herod mê đắm đến mức ngài hứa sẽ ban cho Salome bất cứ thứ gì cô ta muốn. Và Salome đã đòi cái đầu của Thánh John the Baptist, người đã nguyền rủa cuộc kết hôn giữa hoàng hậu Herodias với vua Herod là loạn luân! Câu chuyện về Salome gây cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, từ những họa sĩ Phục hưng đến Oscar Wilde với vở bi kịch cùng tên. Dựa trên vở bi kịch này, nhà soạn nhạc Pháp Jules Massenet đã sáng tác một vở opera khá nổi tiếng mang tên Herodias. Tuy nhiên, nhắc đến Salome trong âm nhạc, người ta lại nghĩ trước hết đến vở opera Salome của nhà soạn nhạc Đức Richard Strauss.

Richard Strauss (1864-1949) là một nhà soạn nhạc quan trọng vào chặng cuối của chủ nghĩa Lãng mạn. Sự nghiệp sáng tác của Strauss gắn liền với những thơ giao hưởng (tone poem) độc đáo sánh ngang với các giao hưởng của Mahler, các Lieder và opera đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật Đức, cùng những thử nghiệm của ông trong việc sử dụng phương thức hoà âm mới – mở đầu cho Schoenberg với trường phái 12 âm. Strauss cũng là một nhạc trưởng tài ba mà ngày nay ta còn giữ được một vài bản thu các tác phẩm của Mozart và của chính ông do ông chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Vienna. Cha của Strauss là một nhạc công chơi kèn French horn. Truyền thống âm nhạc của gia đình phần nào ảnh hưởng đến phong cách sáng tác sau này của ông. Năm 1882, Strauss học ở Đại học Munich chuyên ngành triết học và lịch sử nghệ thuật. Khi còn trẻ, những bậc thầy đã để lại dấu ấn sâu đậm lên chàng thanh niên Strauss là nhà soạn nhạc  Richard Wagner và các nhà triết học Schopenhauer và Freidrich Nietzsche. Chính những vở opera hoành tráng của Wagner, cùng những hòa âm bay bổng quyến rũ của chủ nghĩa lãng mạn phóng túng trong các vở opera của Wagner đã được Strauss (và nhiều nhà soạn nhạc cùng thời như Mahler,  Bruckner…) đẩy lên tột đỉnh. Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế), tuyệt phẩm triết học của Nietzsche cũng được Strauss tiếp nhận và dựng thành một thơ giao hưởng hoành tráng. Mặc dù những cải cách của ông không phải lúc nào cũng được các nhà phê bình cùng thời tán thưởng nhưng Strauss luôn tin tưởng vào tài năng thật sự của mình. Trước khi qua đời, ông để lại tác phẩm huyền thoại Vier Letzte Lieder (Bốn bài ca cuối cùng) như lời trăn trối của một thiên tài âm nhạc trước cuộc sống. Qua đời ở tuổi 85, Strauss để lại một di sản âm nhạc thật đồ sộ và phong phú đa dạng về thể loại.

Với hai vở opera đầu tay Guntram (1894) và Feursnot (1901), tên tuổi của Strauss trong giới opera vẫn chưa được khẳng định, thậm chí cốt truyện của opera còn bị các nhà phê bình thời bấy giờ cho là dâm tục (vở Feurersnot). Thật ra, ý định của Strauss khi viết Freursnot là để châm biếm và đả kích những kẻ bảo thủ đã phản bác việc trình diễn các sáng tác của ông. Kunrad, tên phù thuỷ đã gây chuyện rắc rối trong vở opera này, vốn là đệ tử của một nhà phép thuật tên Reichart der Wagner (đọc trại âm, ám chỉ thiên tài Richard Wagner). Âm nhạc mới mẻ, nội dung đầy ẩn ý, cùng những cách chơi chữ nói bóng nói gió trong lời thoại là vượt quá sự tiếp thu của khán giả đương thời, cho nên các buổi trình diễn Feuersnot không được tán thưởng  Nhìn chung, cả GuntramFeuersnot đều tiên đoán được sự xuất hiện của Salome Elecktra, hai vở opera đặc sắc trong sự nghiệp của Strauss về sau.

Tiếp đến, khi Salome, vở opera thứ ba của Strauss vừa ra mắt, đã có nhiều phản ứng khác nhau trong giới phê bình và khán thính giả. Buổi công diễn lần đầu ở nhà hát Metropolitan của Salome gặp phải sự phản đối mãnh liệt, đến nỗi tác phẩm không thể trình diễn được suốt một thời gian sau đó. Thậm chí ở London,chính quyền đã cấm việc trình diễn tác phẩm, mãi cho đến năm 1907. Trong khi đó tại New York, một ông bầu giàu sụ đã thuyết phục nhà soạn nhạc nổi tiếng người Anh Edward Elgar công khai phản đối và chỉ trích Salome. Tuy nhiên, Elgar không đồng ý, và ông gọi Strauss là ”thiên tài của thời đại chúng ta”.

Có nhiều lí do gây ra luồng phản ứng mạnh mẽ trên. Trước hết, kịch bản của Oscar Wilde thường bị cho là dâm tục, đồi bại, báng bổ tôn giáo. Mặt khác, Strauss đã sử dụng triệt để thủ pháp dissonance (hoà âm nghịch tai) trong toàn bộ tác phẩm, thậm chí đi xa hơn cả những dissonance mà Mahler sử dụng trong các giao hưởng thời kì này. Tuy nhiên, sự mới mẻ và đầy thách thức của vở opera  cũng mang sức quyến rũ đối với một số khán giả ở nhiều nơi khác,và  về một khía cạnh nào đó, Salome đã mang về cho Strauss một chỗ đứng mới trong sự nghiệp sáng tác opera.

Salome là một vở opera một màn vì mọi diễn biến của cốt truyện chỉ xảy ra trong vòng một đêm. Đó là vào một buổi dạ tiệc long trọng được tổ chức tại cung điện của vua Herod, tại Tiberias. Cảm thấy chán nản bởi không khí của buổi tiệc, Salome bỏ ra ngoài  mái hiên lớn. Chợt cô nghe thấy những lời nguyền rủa tố cáo mẹ cô (hoàng hậu Herodias) về hành vi loạn luân của bà, vang lên từ một giếng sâu là nơi giam giữ Jochanaan (tên tiếng Đức của thánh John the Baptist). Quá tò mò, Salome nằng nặc đòi Narraboth, viên thị vệ trưởng của cung điện, đem kẻ tù nhân đến với cô. Khi Narraboth tỏ vẻ chần chừ, Salome thuyết phục gã rằng cô sẽ làm một điều gì đó cho gã nên Narraboth đã dám cãi lệnh của Herod, dắt Jochanaan đến bên cô. Nhìn thấy Jochanaan, trong Salome dâng lên một khát khao được chạm vào người khách lạ, và cô cầu xin được hôn ông một lần, mặc cho Jochanaan khăng khăng từ chối. Quá khiếp đảm vì hành động của Salome, Narraboth lấy dao tự tử tại chỗ. Jochanaan vừa thuyết giảng về Đức Chúa cứu thế, vừa quay trở lại ngục giam. Ngay lúc đó, vua Herod đến nơi cùng với hoàng hậu Herod và những cận thần. Vô tình nhà vua trượt chân bởi vũng máu của Narraboth và bắt đầu bị ảo giác.

Những lời nguyền rủa về cuộc hôn nhân loạn luân của hoàng hậu Herodias vang lên dưới giếng sâu vừa làm vua Herod lo lắng, vừa làm hoàng hậu bực tức. Bà ta yêu cầu đức vua hãy ra lệnh làm kẻ tù nhân kia câm miệng lại, mặc cho nhà vua đang hoang mang với những dự cảm không lành, và Herodias giễu cợt sự hèn nhát của chồng. Nhà vua bảo Salome múa cho ông xem, và để đáp lại ông ta sẽ tặng cô bất cứ thứ gì cô muốn, kể cả phân nửa vương quốc ông đang trị vì. Salome đồng ý và múa một điệu múa mê hồn, lần lượt trút bỏ 7 lớp áo đang mặc trên người.Vua Herod tỏ ra rất tán thưởng,và ông định ban cho cô nhiều đồ quý hiếm. Thế nhưng Salome từ chối tất cả, bởi thứ cô cần là cái đầu của Jochanaan! Nhà vua tỏ ra kinh khiếp, nhưng vì lời hứa nên ông đành giữ lời. Và tên đao phủ đã ra tay, chiếc đầu được đem đến bên cô. Salome, trong cơn điên loạn hôn lên chiếc đầu để thoả những khát khao bắt nguồn từ khi cô thấy Jochanaan lần đầu. Vua Herod, kinh hoàng sai lính giết chết Salome.

Vở Salome có một chỗ đứng quan trọng đối với chủ nghĩa Biểu tượng. Bản thân vở kịch của Wilde đã hàm chứa ý nghĩa biểu tượng, khi nó đụng chạm đến tôn giáo qua một cách tiếp cận mới mẻ, trong những tầng nghĩa phức tạp và độc đáo về tình yêu và cái chết.  Phảng phất ở đây tình yêu “cấm kị”của Siegmund và Siegliend, hay giữa Tristan và Isolde trong âm nhạc của Wagner. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho thấy sự tiếp thu các yếu tố triết học của Schopenhauer về Tình yêu và Cái chết, cùng những nguyên tắc mỹ học của Nietzsche. Yếu tố “Biểu tượng” tiếp tục được Schoenberg và Berg phát huy trong những vở opera của trường phái Vienna Đệ Nhị một cách rõ nét hơn về sau, nhưng người ta phải công nhận rằng Strauss đã có vai trò rất lớn trong việc mở đường cho chủ nghĩa Biểu tượng. Về mặt âm nhạc, ta thấy rõ ảnh hưởng sâu đậm của Wagner lên Strauss, qua việc ông sử dụng leimotif [1]. Có rất nhiều leimotif được sử dụng, nhưng người ta đếm ra có khoảng 16 leimotif chính: diễn tả sức quyến rũ của Salome, gợi tả về sự tranh cãi giữa những người Do Thái, và đặc biệt quan trọng là leimotif đặc trưng cho điệu múa của Salome. Mỗi một nhân vật cũng xuất hiện với một cung nhạc khác nhau, như C trưởng vang lên khi Jochanaan thuyết giảng về chúa, C thứ khi ám chỉ về cái chết, G thăng thứ diễn tả nỗi sợ hãi, E giáng trưởng gắn liền với Jochanaan… Những leitmotif của Strauss không rực rỡ huy hoàng như của Wagner cũng khó nhận ra hơn, nhưng Strauss đã sử dụng leimotif khá thành công, gây được nhiều hiệu quả sân khấu và tâm lý cho người xem

Salome là một vai kịch tính rất khó, sánh ngang với Brunhilde, Isolde cùa Wagner và Turandot của Puccini. Soprano thể hiện vai Salome cần có một giọng khỏe, vững vàng, đủ chất kịch tính cần thiết. Về tầm cữ âm vực, dù không đòi hỏi những note C3 rực rỡ như vai Brunhilde của Wagner, nhưng nó đặc sắc ở chỗ đòi hỏi một soprano phải xuống đến những note rất thấp (vượt cả tầm cữ âm vực trung bình của một Mezzo soprano), 2 lần xuống note G thấp ở bát độ bên dưới (như một alto).Về diễn xuất, nhân vật Salome phải được khắc hoạ như một cô thiếu nữ tuổi mới lớn, với tất cả sự hiếu kì tò mò khi nhìn thấy Jochanaan và những đam mê cuồng nhiệt trong scene cuối cùng. Nhưng một phần quan trọng không thể thiếu của tác phẩm, đó là “Vũ điệu bảy lớp mạng che” với âm nhạc đầy cuồng loạn mà cũng cực kì  mê đắm. Khi soprano không múa được, họ sẽ nhờ người khác thế vai trên sân khấu, và điệu múa ấy góp phần làm nên sự thành công cho tác phẩm. Điệu múa ấy kết thúc với sự dâng trào của những cảm xúc, là kết tinh của chủ nghĩa Lãng mạn đang dần biến mất và bị che khuất.

Khi Salome còn nhảy múa trên sân khấu, người ta còn chưa quên tác phẩm độc đáo này của Strauss.

Võ Nhật Nguyên (nhaccodien.info)

[1] Leitmotif: thuật ngữ chỉ các giai điệu lặp đi lặp lai trong tác phẩm, để gợi tả về một nhân vật hoặc một sự kiện đặc trưng nào đó (dùng cho các tác phẩm của các nhạc sĩ Wagnerian)