“Tôi xem tài năng âm nhạc của mình như một món quà ở trên trời cao. Tôi muốn tự nó không bao giờ trở thành sự kết thúc và tôi tin rằng nhiệm vụ của tôi là phải phục vụ – trở thành phương tiện cho những suy nghĩ của các Bậc thầy vĩ đại, những người đã lần lượt thể hiện suy nghĩ của Đấng tối cao” – Eugen Jochum

Là một trong những nhạc trưởng uy tín nhất thế giới trong thế kỷ 20, Eugen Jochum nổi tiếng với cách diễn giải âm nhạc của Anton Bruckner, không chỉ trên bục chỉ huy mà còn với vô số bài viết giải thích tường tận các tác phẩm của nhà soạn nhạc này. Jochum còn được biết đến với tư cách nhà sáng lập của Bavarian Radio Symphony Orchestra vào năm 1949, một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới. Nhưng không chỉ có vậy, Jochum còn là một chuyên gia của Johann Sebastian Bach, Wolfgang Amadeus Mozart hay Ludwig van Beethoven. Là một con chiên sùng đạo, thật dễ hiểu khi các tác phẩm âm nhạc tôn giáo được ông biểu diễn trong suốt sự nghiệp của mình và cũng được là coi là thành tựu vĩ đại trong di sản của ông. Một cá tính âm nhạc lớn, tạo ra dấu ấn sâu rộng trong thế kỷ 20, Jochum luôn nắm vững dòng chảy của âm nhạc để biết khi nào nên dừng lại và để cho âm nhạc thở. Ông là nhạc trưởng cuối cùng của dòng chảy chủ nghĩa âm nhạc lãng mạn Đức.

Eugen Jochum sinh ngày 1/11/1902 trong một gia đình Công giáo ở Babenhausen, gần Augsburg, Đức. Cha cậu là một nghệ sĩ ogan và chỉ huy của một dàn hợp xướng. Cha cậu là một nhạc trưởng năng động tại địa phương, chỉ huy nhiều thể loại âm nhạc, như Jochum cho biết: “Chúng tôi biểu diễn một bản mass của Palestrina vào buổi sáng và Bà quả phụ vui vẻ (Die lustige witwe, Franz Lehár) vào buổi chiều… đó là những trải nghiệm âm nhạc đầu tiên của tôi”. Eugen học piano từ khi lên 4 tuổi và organ khi lên 6. Jochum kể lại: “Cha tôi có một dàn hợp xướng tại trường học nhỏ để ông có thể đào tạo những đứa trẻ của mình cho nhà thờ… Tôi thường chơi organ khi cha đang chỉ huy và nếu ông ấy nghỉ ngơi, tôi sẽ đảm nhận cả việc chỉ huy – mặc dù tôi chỉ mới chín tuổi… Và tôi phải đệm và đảo vị trí, tất cả đều là quá trình rèn luyện tuyệt vời”. Eugen có một người anh trai Otto và em trai Georg Ludwig sau này đều trở thành những ngưởi hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Năm 1914, cậu theo học piano và organ một cách chính quy tại Nhạc viện Leopold Mozart, Augsburg cho đến năm 1922. Năm 1918, sau khi được người bạn cho xem tổng phổ của Tristan und Isolde (Richard Wagner), Eugen nghĩ rằng cuộc sống tương lai của mình sẽ phải là nhạc trưởng. Và khi chứng kiến Bruno Walter chỉ huy tác phẩm nảy vào năm 1920, quyết tâm của cậu càng trở nên mạnh mẽ hơn. Sau đó, Eugen chuyển sang Học viện Munich, tiếp tục học organ với Emanuel Gatscher, sáng tác với Hermann von Waltershausen và chỉ huy dàn nhạc cùng Siegmund von Hausegger. Hausegger chính là nhạc trưởng đầu tiên chỉ huy bản Giao hưởng số 9 của Bruckner ở dạng nguyên gốc là cũng là người đầu tiên thu âm tác phẩm này. Sự nghiệp sau này của Jochum chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người thầy của mình. Cậu cũng làm việc với tư cách người đệm đàn piano, vỡ bài cho các ca sĩ tại Bayerische Staatsoper.

Ngày 16/3/1926, Jochum có buổi chỉ huy dàn nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi biểu diễn Overture Leonore 3 (Beethoven) bản Giao hưởng số 7 của Bruckner, như một cách để xác định tương lai cho anh, cùng Munich Philharmonic tại Münchener Tonhalle. Chính Jochum sau này thú nhận: “Bản giao hưởng này đã làm nên toàn bộ sự nghiệp của tôi”. Kể từ đó, âm nhạc Cổ điển – Lãng mạn Đức đã trở thành một phần gắn bó máu thịt trong cuộc đời của Jochum. Từ năm 1927, anh trở thành nhạc trưởng tại Opernhaus Kiel, chỉ huy 16 vở opera trong mùa đầu tiên, trong đó có Der fliegende Holländer (Richard Wagner), Der rosenkavalier (Richard Strauss) và Turandot (Giacomo Puccini). Sau khi điền vào danh mục biểu diễn của mình một số lượng lớn các vở opera, năm 1929, Jochum chuyển đến Mannheim. Tại đây anh được gặp gỡ với Wilhelm Furtwängler, người mà Jochum vô cùng ngưỡng mộ và là nguồn cảm hứng cho anh. Furtwängler cũng đánh giá rất cao năng lực của Jochum. Năm 1930, Jochum chuyển đến Duisburg, giữ cương vị giám đốc âm nhạc của cả Theater Duisburg và Duisburg Philharmonic. Jochum cũng từ chối lời mời biểu diễn 12 buổi hoà nhạc của New York Philharmonic với lý do kinh nghiệm và vốn biểu diễn của mình chưa nhiều. Từ năm 1932, anh trở thành giám đốc của Berlin Radio Orchestra, đồng thời hàng năm chỉ huy khoảng 16 buổi hoà nhạc với Berlin Philharmonic và cộng tác với Deutsche Oper. Jochum cũng bắt đầu có được những bản thu âm đầu tiên cho riêng mình.

Năm 1934, Jochum thay thế Karl Böhm làm giám đốc tại Hamburg State Opera và Hamburg Philharmonic. Trong suốt thời kỳ Đức quốc xã, Jochum vẫn hoạt động âm nhạc, như ông nói “với sự tự do hợp lý” nhưng không tham gia bất kỳ đảng phái nào. Từ năm 1941-1943, Jochum kiêm nhiệm chức danh eerste dirigent (nhạc trưởng thứ nhất), chịu trách nhiệm hỗ trợ nhạc trưởng chính Willem Mengelberg của Concertgebouw Orchestra trong việc dàn dựng tác phẩm. Jochum cũng trở thành nhạc trưởng khách mời của Vienna Philharmonic, dàn nhạc mà ông cộng tác rất thành công trong những năm về sau. Tại Hamburg, Jochum vẫn biểu diễn các tác phẩm của Paul Hindemith, Igor Stravinsky, Bela Bartók, những nhà soạn nhạc bị Đức quốc xã cấm đoán ở nhiều nơi khác. Jochum cho biết: “Tôi đã ở lại Hamburg mười lăm năm rưỡi, trong suốt thời kỳ Đức Quốc xã, chiến tranh và thất bại. Điều này chỉ có thể thực hiện được vì sự cởi mở luôn là đặc điểm của thành phố này. Ý kiến cá nhân và chính trị của tôi chắc chắn sẽ khiến tôi không thể sống ở Berlin, Dresden hay Munich. Đây cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình trưởng thành về mặt âm nhạc”. Năm 1944, Jochum được Joseph Goebbels đưa vào danh sách Gottbegnadeten, nơi chứa đựng những cái tên được coi là quan trọng đối với nền văn hoá của Đức Quốc xã. Những nhạc trưởng quen thuộc khác cũng nằm trong danh sách này là Furtwängler, Böhm hay Herbert von Karajan. Sau khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Jochum đã gây ra một sự bất đồng ở các quan chức cấp cao Anh-Mỹ. Sau khi để ông chỉ huy một chương trình hoà nhạc vào tháng 5/1945 cùng Munich Philharmonic, chính quyền Mỹ đã tạm thời đưa ông vào danh sách Đen với lý do ông đã phục vụ cho chế độ Đức Quốc xã trong chiến tranh và những người anh em của Jochum đã “cuồng tín” chế độ phát xít. Nhưng các nhà chức tranh Anh, không tìm thấy bất cứ lỗi lầm nào ở Jochum. Cuối cùng, phải đến năm 1948, những người Mỹ mới xác định rằng họ không có bất kỳ bằng chứng nào về việc Jochum đã tham gia trong một tổ chức của Đức Quốc xã.

Jochum tiếp tục làm việc tại Hamburg cho đến năm 1948, lúc này danh tiếng và uy tín của ông đã lên rất cao, là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất tại Đức. Bavarian Broadcasting, một đài phát thanh và truyền hình dịch vụ công, có trụ sở tại Munich đã đề nghị Jochum thành lập một dàn nhạc. Khi đó đã sắp gần sinh nhật lần thứ năm mươi của mình, Jochum cảm thấy thôi thúc “thực hiện một bước tiến mới” trong sự nghiệp nên đã nhận lời. Ban giám đốc đã rất tín nhiệm và giao toàn quyền thành lập dàn nhạc cho Jochum, thể hiện qua nội dung trong hợp đồng: “Ông được uỷ quyền để thực hiện mọi hành động mà ông cho là cần thiết trong việc xây dựng và giáo dục dàn nhạc này. Ai trở thành nhạc trưởng, chỉ huy khách mời hoặc nhạc công dàn nhạc do Giáo sư Eugen Jochum và Giám đốc dàn nhạc quyết định”. Dàn nhạc được chính thức thành lập vào ngày 1/7/1949 với nòng cốt của bè dây là Koeckert quartet và Freund quartet. Ngay từ khi mới thành lập, Bavarian Radio Symphony Orchestra đã được Jochum định hướng không chỉ là một dàn nhạc thu âm cho đài phát thanh mà còn để biểu diễn trước công chúng. Với dàn nhạc, ông luôn kiên định duy trì một mục tiêu cao nhất: Trở thành một dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Trong 11 năm làm nhạc trưởng, Jochum đã cùng dàn nhạc thực hiện nhiều chuyến lưu diễn trên khắp nước Đức cũng như ở các quốc gia khác và từ đó củng cố vị thế của Bavarian Radio Symphony Orchestra. Dưới tài năng, kinh nghiệm và uy quyền của ông, nhà phê bình Walter Panofsky đã miêu tả dàn nhạc là “một trong những món quà nghệ thuật đẹp nhất và quan trọng nhất của thời kỳ hậu chiến”. Trọng tâm âm nhạc của Jochum với dàn nhạc là các bản giao hưởng của Bruckner, tác phẩm của những nhà soạn nhạc thời kỳ Cổ điển Vienna và âm nhạc tôn giáo đồng thời ông cũng rất quan tâm đến chuỗi chương trình hoà nhạc “musica viva”, một sự kiện âm nhạc được nhà soạn nhạc người Đức Karl Amadeus Hartmann sáng lập vào năm 1945 với mục đích giới thiệu âm nhạc đương đại tới khán giả. Sau khi chia tay Bavarian Radio Symphony Orchestra vào năm 1961, Jochum vẫn thường xuyên cộng tác cùng dàn nhạc với vai trò nhạc trưởng khách mời cho đến khi qua đời.

Năm 1950, Jochum trở thành chủ tịch của Hiệp hội Bruckner quốc tế và thường xuyên có những bài viết diễn giải về âm nhạc của nhà soạn nhạc này. Jochum cũng là khách mời quen thuộc tại liên hoan Bayreuth trong thập niên 1950 và lễ hội Salzburg. Từ năm 1961, ông chia sẻ vị trí đồng nhạc trưởng chính tại Concertgebouw Orchestra cùng chàng trai trẻ Bernard Haitink trong hai năm. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Jochum đã có chuyến lưu diễn hai tháng cùng dàn nhạc tại Mỹ vào năm 1961. Jochum cũng trở thành khách mời thường xuyên của London Symphony Orchestra và London Philharmonic. Từ năm 1969-1973, ông trở thành nhạc trưởng chính của Bamberg Symphony, dù không được bổ nhiệm chính thức, thay cho Joseph Keilberth mới qua đời trước đó. Jochum là nhạc trưởng chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa âm nhạc lãng mạn Đức. Danh mục biểu diễn của ông hiếm khi xa rời các tác phẩm này, nhưng chính Jochum từng cho biết: “Ngày nay, mọi người đều coi tôi như một chuyên gia trong các bản giao hưởng của Bruckner. “Nhưng tôi đã bắt đầu với âm nhạc của Bach, Mozart và Beethoven. Và âm nhạc của họ là thứ mà tôi vẫn cảm thấy gần gũi nhất”. Nhưng rõ ràng, với Jochum, Bruckner là cái tên không thể tách rời. Ông cảm thấy hoàn toàn thoải mái với thế giới âm thanh đặc biệt của Bruckner: “Mỗi nhạc trưởng trẻ đều có vấn đề với Mozart và Beethoven. Tôi chưa bao giờ thấy mình gặp những vấn đề này với Bruckner; ông ấy dường như đến với tôi một cách tự nhiên”. Bản thân Jochum tin rằng mối quan hệ của mình với Bruckner, vốn là một nghệ sĩ organ tài năng, đến từ quá trình luyện tập organ từ khi còn nhỏ: “Tôi bắt đầu chơi đàn organ khi tôi 6 tuổi. Tôi rất thích nhà thờ Baroque. Tất cả đều giống với Bruckner vì vậy phong cách của ông ấy không bao giờ gây khó khăn đối với tôi”.

Trong kỷ nguyên âm thanh nổi, Jochum thường xuyên ghi âm cho Deutsche Grammophon. Một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông là trọn bộ các bản giao hưởng của Bruckner được thực hiện trong những năm 1960 với Berlin Philharmonic và Bavarian Radio Symphony Orchestra. Trọng tâm trong cách tiếp cận của Jochum đối với tất cả âm nhạc của thời kỳ Lãng mạn, và đặc biệt là của Bruckner, là sự tích hợp của sự hiểu biết sâu sắc về cấu trúc của những hình thái âm nhạc quy mô lớn với cách tiếp cận được mài giũa tinh vi đối với tính linh hoạt của nhịp độ, đạt được sự cân bằng hiếm có giữa sự tinh tế và tính táo bạo. Nếu như Karajan hay Leonard Bernstein có xu hướng mở rộng nhịp độ đã thiết lập để nhấn mạnh một chi tiết thì Jochum lại làm khác đi, thay đổi nhịp độ chỉ để nhấn mạnh cấu trúc âm nhạc quy mô lớn. Jochum luôn tỏ ra hào hứng với những sáng tác nguyên bản của Bruckner trong những ấn bản do Leopold Nowak thực hiện bởi vì “những bản giao hưởng của Bruckner chỉ nên ở dạng nguyên bản”. Nowak cho biết: “Nhạc trưởng duy nhất từng đến thư viện hoặc viết thư để đặt câu hỏi về những nguồn mà tôi đã biên tập Bruckner trong suốt nhiều năm là Eugen Jochum”. Ông chê bai những chỉnh sửa của Robert Haas: “Haas, tôi phải nói thế nào đây, một người đàn ông rất có tài năng, nhưng… tôi không nghĩ rằng kiểu chỉnh sửa đó sẽ hiệu quả”. Trong thập niên 1970, Jochum còn thực hiện thu âm trọn bộ các bản giao hưởng của Bruckner một lần nữa, lần này là với Staatskapelle Dresden cho hãng thu âm EMI. Jochum được biết đến như một nhạc trưởng nóng tính, người ít khi dành cho các nhạc công của mình những lời nói thân thiện, nhưng ông không cảm thấy mình là nhà độc tài trên bục chỉ huy: “Một tập hợp các nhạc cụ là một dàn nhạc bao gồm nhiều người, mỗi người đều được ban tặng tài năng, sự hiểu biết và ý chí nghệ thuật của riêng mình. Nhiệm vụ của tôi không phải là bóp nghẹt những cá tính và khí chất nghệ thuật này một cách chuyên quyền mà là tập hợp chúng lại thành một tổng thể, hoà quyện chúng lại với nhau và rút ra từ dàn nhạc này thành quả nghệ thuật tốt nhất có thể. Lý tưởng nhất là khi người nhạc công cảm thấy rằng anh ta bị nhiệt tình từ nhạc trưởng của mình lôi cuốn”.

Những nhà soạn nhạc khác cũng được Jochum biểu diễn rất nhiều là Beethoven và Johannes Brahms. Jochum đã thu âm trọn bộ các bản giao hưởng của Beethoven 3 lần và Brahms 2 lần. Hai piano concerto của Brahms được Jochum chỉ huy Berlin Philharmonic với Emil Gilels độc tấu được chính Jochum coi là những đĩa nhạc tuyệt vời nhất của mình. Jochum không tỏ ra quá hứng thú với âm nhạc thế kỷ 20: “Điều đó mâu thuẫn với mọi ý tưởng của tôi về âm nhạc” nhưng ông không hoàn toàn khép kín với nó. Bản thu âm Carmina Burana (Carl Off) mà ông thực hiện cùng Deutsches Symphonie-Orchester Berlin cho Deutsche Grammphon là một trong những mà trình diễn tuyệt vời nhất tác phẩm này, với sự xác nhận của chính Orff, người cũng có mặt trong quá trình ghi âm. Là một tín đồ Công giáo, Jochum cũng thường xuyên biểu diễn những tác phẩm âm nhạc tôn giáo, trong đó nổi bật là Mass giọng Si thứ và St. Matthiew Passon của Bach.

Sau khi chia tay Bamberg Symphony vào năm 1973, ông không gắn bó lâu dài với bất kỳ dàn nhạc nào nữa mà trở thành nhạc trưởng khách mời của hầu hết những dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới, biểu diễn và thu âm cùng họ. Buổi biểu diễn cuối cùng của ông diễn ra vào tháng 1/1987 tại Munich. Ông qua đời tại đây chỉ hai tháng sau đó vào ngày 26/3/1987 ở tuổi 84.

Jochum không phải một nhạc trưởng có tham vọng cá nhân, nhưng là một người Công giáo sùng đạo, ông coi trọng trách nhiệm đạo đức của mình với tư cách cá nhân: “Tôi biết chính xác những gì tôi muốn, nhưng tôi hy vọng tôi không phải là một người chuyên quyền. Tôi không muốn trở thành một nhà độc tài, tôi chỉ muốn làm cho dàn nhạc được tự do – theo một số cách thì khó hơn là trở thành một nhà độc tài. Tôi không phải là người nghĩ rằng nếu dàn nhạc có kỷ luật tốt nhất thì đó là điều tốt nhất”. Danh mục biểu diễn của Jochum không đa dạng như rất nhiều nhạc trưởng khác nhưng những gì được thực hiện dưới đôi bàn tay ông đều có được chất lượng nghệ thuật rất cao. Là một học giả uyên bác, trung thành với âm nhạc Cổ điển-Lãng mạn Đức và hiếm khi đi chệch khỏi nó. Những người hâm mộ nhạc cổ điển sẽ luôn nhớ tới ông với một cách tiếp cận trực tiếp và gần gũi: “Tôi nhận ra rằng có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này và họ biết mọi thứ nên diễn ra như thế nào theo quan điểm phong cách nhưng nhiều người trong số họ không thành công mang âm nhạc vào cuộc sống; cách tiếp cận của họ là quá hàn lâm. Tôi không nghĩ rằng nó quá quan trọng nếu bạn sử dụng một dàn hợp xướng lớn hay nhỏ, nhạc cụ cũ hay mới; những gì chúng phải có là sống động và kịch tính. Biểu cảm là trung tâm của vấn đề”.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
br-so.com
robkruijt.net
kennethwoods.net