CHƯƠNG VI – BIỆT THỰ MÉDICIS

Thật là những khoảnh khắc khó quên đối với các nghệ sĩ trẻ, những người chia sẻ nhiệt huyết dành cho mọi thứ mình thấy ở những ngôi làng đẹp như tranh mà chắc chắn là ngày nay đã biến mất!

Chúng tôi trọ tại các quán trọ nguyên thủy. Tôi nhớ là một đêm tôi cứ có cảm giác rất lo rằng người hàng xóm cùng tầng áp mái của mình sắp sửa thiêu rụi căn nhà tồi tàn; Falguière cũng nghĩ như thế.

Đó chỉ là ảo giác. Chính bầu trời chi chít sao sáng lấp lánh đã hiện ra qua mái nhà mục nát.

Khi băng qua cánh rừng Subiacco, cây zampogna (một loại kèn túi thôn dã) của mục đồng ngân lên một điệu nhạc du dương mà tôi ngay lập tức ký âm lại trên một tờ giấy lộn mượn của một tu sĩ dòng thánh Biển Đức ở tu viện lân cận.

Các ô nhịp này trở thành những nốt nhạc đầu tiên của Marie-Magdeleine, vở oratorio mà tôi đã lên kế hoạch cho chuyến phiêu lưu đầu tiên của mình. Tôi vẫn giữ bức ký họa Chaplain vẽ tôi vào thời điểm đó.

Massenet ở Rome (ký họa của Chaplain)

Theo tập quán từ xưa của các nghệ sĩ lưu trú Biệt thự Médicis mỗi khi ở Naples, chúng tôi đến trọ tại Casa Combi, một ngôi nhà cổ trông ra bến Santa Lucia. Tầng năm được dành riêng cho chúng tôi.

Đó là một ngôi nhà lụp xụp cũ kĩ, mặt tiền trát vữa nhám màu hồng và cửa sổ được đóng khung bằng đường gờ có dạng các bức tượng nhỏ, các bức tượng này được tô vẽ rất khéo, giống như những bức tượng mà ta có thể trông thấy trên khắp đất Ý ngay khi đi qua Var.

Một phòng ngủ lớn chứa ba chiếc giường của chúng tôi. Phòng tắm và… phần còn lại được bố trí trên ban công, nơi chúng tôi treo quần áo để phơi khô theo tục lệ địa phương.

Để đi lại thuận tiện hơn chúng tôi mặc sẵn từ Rome ba bộ com-lê may bằng vải nỉ trắng với những sọc lớn màu xanh.

Risum teneatis , như thi sĩ tuyệt vời Horace đã nói, cứ cười đi các con thân yêu của cha. Nhưng trước hết hãy nghe kể về cuộc phiêu lưu lí thú này.

Ngay khi đến ga Naples, chúng tôi đã bị những tay sen đầm- carabinier theo dõi một cách bền bỉ đến mức kinh ngạc. Còn người qua đường thì tò mò nhìn chúng tôi. Chúng tôi băn khoăn hết sức và tự hỏi tại sao. Chúng tôi không mất nhiều thời gian để ổn định chỗ ở. Bà chủ nhà Marietta cho chúng tôi hay rằng tù khổ sai ở Naples bận đồng phục gần giống chúng tôi! Tiếng cười bật ra trước khám phá này đã khuyến khích chúng tôi hành động sao cho y hệt. Cách chúng tôi đi tới quán Café Royal trên quảng trường Saint-Ferdinand là cả ba chúng tôi kéo lê chân phải cứ như thể nó bị một quả tạ xích tù khổ sai giữ lại!

Những ngày đầu ở Naples chúng tôi gần như sống trong các phòng trưng bày của Bảo tàng Borbonico. Những khám phá kỳ diệu nhất trong các cuộc khai quật ở Herculaneum, Pompéi và thành phố Stabiae cận kề được chất đống ở đó. Tất thảy đều khiến chúng tôi kinh ngạc. Đề tài mới thú vị làm sao! Những ngây ngất luôn mới mẻ và bất tận làm sao.

Nhân đây tôi cũng phải nhắc dến chuyến leo núi lửa Vesuvius nơi tỏa ra những cuộn khói mà chúng tôi có thể trông thấy từ xa. Chúng tôi trở về với đôi giày cháy sém trên tay còn chân thì bọc trong miếng vải nỉ mua tại Torre del Greco.

Ở Naples, chúng tôi dùng bữa bên bờ biển, trên bến Santa Lucia, gần như đối diện nhà trọ của chúng tôi. Với mười hai grani, tương đương tám xu tiền ta, chúng tôi đã có món xúp sò ngon tuyệt, món cá chiên trong một thứ dầu chắc hẳn đã được dùng cho mục đích này ít nhất cũng đã hai hay ba năm, và một ly rượu vang Capri.

Tiếp theo là những chuyến đi bộ đến Castellamare, ở cuối Vịnh Naples, nơi chúng tôi có thể tận hưởng một cảnh quan tuyệt diệu; ở Sorrento có nhiều cây cam đến mức huy hiệu thành phố được bện hình vòng lá cam. Ở Sorrento, chúng tôi đã thấy ngôi nhà nơi sinh ra Tasso, thi sĩ Ý lừng danh, tác giả bất hủ của Jérusalem giải phóng. Một bức tượng bán thân giản dị bằng đất nung tô điểm cho mặt tiền của ngôi nhà đã bị phá hủy phân nửa này! Từ đó chúng tôi đến Amalfi mà một thời từng gần như là đối thủ của Venise bởi có mối quan hệ thương mại rất đáng kể với phương Đông.

Tại Amalfi, chúng tôi ở trong một khách sạn từng là tu viện dòng Thánh Francis.

Nếu do chạm vào chổi lau nòng súng của một pháo thủ bẩn thỉu mà Napoléon I bị mắc ghẻ thì chúng tôi phải nói thật rằng chỉ qua một đêm ở khách sạn đó là cả ba chúng tôi đã đầy chấy rận! Chúng tôi phải cạo trọc đầu, điều hẳn đã làm tăng thêm sự tương đồng với tù khổ sai mà người ta thích thú thấy ở chúng tôi!

Chúng tôi tự an ủi trước biến cố này bằng cách đi thuyền buồm đến Capri.

Rời Amalfi lúc 4 giờ sáng mà tới tận 10 giờ tối chúng tôi mới đến được Capri…

Hòn đảo với cảnh quan mê hoặc mới tuyệt vời làm sao! Đảo có chu vi mười lăm ki-lô-mét và đỉnh Solaro có độ cao 1800 feet so với mực nước biển. Từ núi Solaro, mắt ta sẽ khám phá ra một trong những đường chân trời đẹp nhất và rộng nhất mà ta có thể tận hưởng ở Ý.

Trên đường đến Capri, chúng tôi bất ngờ gặp một trận bão khủng khiếp khi đang ở cách xa bờ. Thuyền chở một lượng lớn cam nhưng đã bị những con sóng dữ dội cuốn trôi toàn bộ trước sự tuyệt vọng tột độ của đám thủy thủ, những người vừa thét gọi nhau vừa cầu khẩn Thánh Joseph, vị thánh bảo trợ của Naples.

Một truyền thuyết thú vị kể rằng Thánh Joseph, đau buồn trước việc Chúa Jésus và Đức mẹ đồng trinh Maria lên thiên đàng, đã truyền lệnh bảo con trai quay về bên mình. Chúa Jésus vâng lời và mang theo về tất cả các thánh từ thiên đàng. Điều tương tự cũng xảy ra với Đức mẹ đồng trinh, bạn đời của Thánh Joseph, người đã trở về mái nhà hôn nhân với sự hộ tống của mười một ngàn trinh nữ. Khi thấy Thiên đàng bị suy giảm dân số nhưng không muốn cho là Thánh Joseph đã sai, Thiên chúa tuyên bố rằng Thánh Joseph quyền uy hơn tất thảy và thiên đàng đã được phục hồi dân số với sự cho phép của Thánh.

Lòng tôn kính mà dân Naples dành cho Thánh Joseph thật đáng ngạc nhiên. Bản tường thuật chi tiết dưới đây sẽ chứng tỏ điều này.

Vào thế kỷ 18, đường phố Naples rất kém an toàn; thật nguy hiểm khi qua đường vào ban đêm. Nhà vua đã cho bố trí đèn lồng ở những nơi tai tiếng nhất để soi sáng cho người qua đường. Nhưng những “birbante” đã đập vỡ đèn vì thấy các chiến tích về đêm của mình bị cản trở. Và rồi có người nảy ra ý tưởng gắn vào đèn lồng một hình Thánh Joseph, và từ đó đèn lồng được tôn kính, mang lại niềm vui lớn lao cho nhân chúng.

Ở, sống và làm việc tại Capri, là cuộc sống lý tưởng nhất mà người ta có thể mơ ước! Tôi mang về từ đó nhiều trang nhạc dành cho các tác phẩm tôi dự định viết sau này.

Mùa thu đưa chúng tôi trở lại Rome. Khi đó tôi đã viết cho thầy Ambroise Thomas kính yêu của mình những dòng sau:

“Chủ nhật trước Bourgault đã tổ chức một cuộc vui và mời tới hai mươi người đàn ông và phụ nữ Transtévère cùng sáu nhạc công cũng đến từ Transtévère! Tất cả đều bận đồ hóa trang!

“Thời tiết đẹp rực rỡ và quang cảnh đơn giản là tuyệt vời khi chúng con ở “Bosco” mà con gọi là Khu rừng thiêng của con! Ánh hoàng hôn rọi sáng những bức tường xưa cũ của La Mã cổ đại. Cuộc vui kết thúc trong xưởng của Falguière mà chúng con thắp sáng a giorno [tiếng Ý: một ngày]. Ở đó các vũ điệu trở nên say sưa lôi cuốn đến mức rốt cuộc tất cả chúng con đều mặt đối mặt với những người Transtévère trong điệu saltarello cuối cùng… Chúng con hút thuốc và ăn uống; đám phụ nữ đặc biệt thích loại rượu pân của chúng con.”

Một trong những pha thú vị nhất và hồi hộp nhất đời tôi sắp đến.

Đó là đêm Giáng sinh. Một cuộc đi bộ được tổ chức để theo dõi thánh lễ lúc nửa đêm trong các nhà thờ. Các nghi lễ được cử hành vào ban đêm tại Sainte-Marie-Majeure và tại Saint-Jean de Latran là các nghi lễ gây ấn tượng với tôi nhất.

Đám mục đồng cùng bầy gia súc của mình; bò, dê, cừu và lợn có mặt ở quảng trường công cộng như để nhận phước lành từ Chúa cứu thế, vị chúa mà ta nhớ là đã sinh ra trong máng cỏ.

Sự ngây thơ cảm động của tín ngưỡng này thực sự khiến tôi xúc động và tôi bước vào Nhà thờ Sainte-Marie-Majeure cùng một chú dê đáng yêu mà tôi đã ôm hôn rồi chú chẳng muốn rời xa tôi. Điều này không hề gây ngạc nhiên cho đám đông đàn ông và phụ nữ đang tụ tập chật kín nhà thờ này, tất cả đều quỳ trên những phiến đá khảm tuyệt đẹp giữa hai hàng cột lấy từ những ngôi đền cổ.

Ngày hôm sau, ngày được đánh dấu chữ thập, khi đang leo cầu thang ba trăm bậc dẫn đến Nhà thờ Ara-Cœli, tôi vượt qua hai phụ nữ có vẻ ngoài như những người ngoại quốc lịch lãm. Gương mặt của người trẻ hơn đặc biệt cuốn hút ánh mắt tôi.

Vài ngày sau cuộc gặp gỡ này, khi đến gặp Liszt đang chuẩn bị được thụ phong, tôi nhận ra trong số những người đến thăm bậc thầy lừng lẫy này có hai phụ nữ mình đã trông thấy ở Ara-Cœli.

Gần như ngay sau đó, tôi được biết rằng người trẻ hơn đến Rome cùng gia đình trong một chuyến du lịch và nàng được giới thiệu với Liszt để nhờ ông chọn một nhạc sĩ có khả năng hướng dẫn nàng học nhạc, việc mà nàng không muốn bị gián đoạn khi đang ở xa Paris. Liszt ngay lập tức đề cử tôi với nàng.

Tôi là nghệ sĩ lưu trú có bổn phận sáng tác tại Viện Pháp, vậy nên tôi không muốn dành thời gian của mình để đi dạy học. Tuy nhiên vẻ quyến rũ của cô gái trẻ này đã chiến thắng sự miễn cưỡng nơi tôi.

Các con thân yêu của cha đã đoán ra rồi nhỉ, cô gái trẻ xinh đẹp này chính là người mà hai năm sau sẽ trở thành người vợ yêu dấu của cha, người bạn đời luôn ân cần chăm lo cho cha, chứng nhân của những lúc cha yếu đuối cũng như bộc phát năng lượng, của những nỗi buồn cũng như những niềm vui nơi cha. Cùng với nàng, cha đã leo lên những bậc thang cuộc đời dẫu đã dài nhưng không dốc bằng những bậc thang dẫn đến Ara-Cœli, cái án thờ thiên đàng nhắc nhở Rome về chốn thiên đàng luôn trong sáng và không gợn chút mây này đã dẫn cha vào một con đường đôi khi khó nhọc và nơi hoa hồng được hái giữa bụi gai! Nhưng chẳng phải cuộc đời luôn như vậy hay sao?

Nhưng các con thân yêu ơi, cha quên mất là mình đang viết Hồi ký chứ không phải đang điểm lại những tâm sự riêng tư.

Vào mùa xuân năm tiếp theo, liên hoan thường niên của các nghệ sĩ lưu trú diễn ra, như thường lệ, tại Castel-Fusano thuộc miền Campagna di Rome, cách Ostia ba ki-lô-mét, giữa rừng thông dù lộng lẫy được một đại lộ sồi xanh tuyệt đẹp dẫn vào. Kỉ niệm tôi mang theo về ngày hôm ấy thú vị đến mức tôi đã khuyên vị hôn thê và gia đình nàng làm quen với nơi chốn vô song này.

Khi ở trên đại lộ lộng lẫy được lát toàn bằng những phiến đá cổ này tôi nhớ đến câu chuyện mà Gaston Boissier miêu tả trong cuốn Những chuyến đi khảo cổ về Nisus và Euryale, những chàng trai bất hạnh đã thất bại dưới tay Volcens đến từ Laurence để mang theo một phần quân đội của mình tới Turnus.

Cứ nghĩ đến chuyện sẽ phải rời Biệt thự Médicis vào tháng 12 để trở về Pháp khi thời gian hai năm lưu trú kết thúc, lòng tôi lại tràn ngập một nỗi buồn khó tả.

Tôi muốn thăm lại Venise. Tôi ở đó trong hai tháng, trong thời gian ấy tôi phác thảo sơ bộ Tổ khúc dàn nhạc thứ nhất của mình.

Mỗi tối vào giờ đóng cảng, kèn trompette của người Áo vang lên những nốt nhạc đẹp lạ thường mà tôi ký âm lại. Tôi sẽ sử dụng chúng 25 năm sau, trong màn thứ tư vở Le Cid.

Ngày 17 tháng 12, bạn bè từ biệt tôi không chỉ trong bữa tối buồn bã cuối cùng bên bàn ăn lớn mà cả ở nhà ga vào buổi tối.

Hôm đó tôi vừa thu xếp hành lý vừa suy ngẫm về chiếc giường mà mình sẽ không còn dịp ngủ trên đó nữa.

Mọi kỉ vật êm đềm trong hai năm tôi ở Rome như những lá cọ từ các Chúa nhật Lễ Lá, chiếc trống từ Transtévère, cây mandolin của tôi, một bức tượng Đức mẹ Đồng trinh bằng gỗ, một vài nhánh cây hái trong khuôn viên Biệt thự… thứ gợi nhắc về một quá khứ sẽ lâu bền như chính bản thân tôi, được xếp cùng quần áo vào chiếc rương của tôi. Đại sứ quán Pháp đài thọ chi phí vận chuyển.

Tôi không muốn rời mắt khỏi cửa sổ cho đến khi mặt trời lặn hoàn toàn sau Nhà thờ Thánh Pierre. Với tôi dường như chính Rome ẩn mình trong bóng tối đang chào từ biệt tôi!…

Jules Massenet (trích Hồi ức của tôi)
na9 dịch