Tác giả: Gustav Mahler
Thời gian sáng tác: 1888-1894
Công diễn lần đầu: năm 1895
Độ dài: từ 80 đến 90 phút
Tổng phổ: một dàn nhạc lớn, một dàn hợp xướng hỗn hợp, 2 soloist (soprano và contralto), organ và một nhóm nhạc cụ đồng và nhạc cũ gõ ngoài sân khấu.
Tác phẩm gồm 5 chương:
I. Allegro maestoso. Mit durchaus ernstem und feierlichem Ausdruck
II. Andante moderato. Sehr gemächlich. Nie Eilen
III. In ruhig fliessender Bewegung
IV. Urlicht: Sehr feierlich, aber schlicht. (Choralmässig)
V. Im Tempo des Scherzos. Wild herausfahrend
Hoàn cảnh sáng tác
Trong âm nhạc cổ điển, một số trường hợp hi hữu đã xảy ra, đó là nhạc sĩ sáng tác một chuỗi các tác phẩm theo cùng một mạch cảm xúc. Nổi tiếng nhất là cặp giao hưởng số 5 và số 6 của Beethoven, với cảm xúc chủ đạo là con người từ tăm tối bước ra ánh sáng và hưởng thụ cuộc sống, theo đúng quy trình cuộc đời của Beethoven hay đang hưởng thụ cuộc sống, rồi chịu đau thương và vượt lên số phận để sống tiếp theo như tư tưởng của Beethoven khi sáng tác. Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến giao hưởng số 1 và số 2 của Mahler. So với cặp giao hưởng 5-6 của Beethoven, cặp giao hưởng của Mahler tối màu hơn, ít con người hơn, khi cặp giao hưởng như câu chuyện về người anh hùng phải tiến đến cái chết và rồi phục sinh trở lại.
Chắc chúng ta đều biết đến bài hát “Nơi tình yêu bắt đầu”, thì với âm nhạc của Mahler có thể sửa thành: “Nơi cái chết bắt đầu sẽ là nơi phục sinh”. Bản thân chính Mahler cũng thừa nhận: “Giao hưởng số 2 của tôi bắt đầu ở chính nơi mà giao hưởng số 1 kết thúc” trong bức thư gửi nhà phê bình Max Marschalk vào ngày 26/03/1896, chỉ 3 tháng sau buổi công diễn giao hưởng số 2. Thậm chí Mahler còn viết rõ hơn: “Chương 1 giao hưởng số 2 sẽ là một đám tang, cho chính người anh hùng, người mà tôi đã đưa đến nghĩa trang trong giao hưởng số 1”.
Tuy nhiên, thật sự những ý tưởng phác thảo cho giao hưởng số 2 đã được Mahler nung nấu từ năm 1888, khi ông đang là nhạc trưởng số hai tại nhà hát opera Leipzig và đang trong quá trình hoàn thành phiên bản đầu tiên của giao hưởng số 1. Bản nhạc lớn dành cho dàn nhạc “Totenfeier” hay “Khúc nhạc nghi thức tang lễ” ra đời vào mùa hè năm 1888. Lúc đầu, Mahler định để “Totenfeier” là một tác phẩm riêng biệt, dù trong tâm trí ông lúc nào cũng muốn phát triển “Totenfeier”. Một trong những lý do khiến Mahler trì hoãn việc mở rộng “Totenfeier” thành giao hưởng số 2 là ông luôn khó khăn trong việc tìm ra lời thơ cho chương nhạc cuối. Mahler, có lẽ vì theo tấm gương giao hưởng số 9 của Beethoven đã nhận ra rằng một chương nhạc đỉnh điểm, bao quát thê giới cần phải có dàn đồng ca lớn cùng hòa nhịp. Bản thân Mahler muốn thể hiện chủ đề cuộc sống vĩnh hằng đối nghịch với cái chết bi thương của “Totenfeier”, bằng cách sử dụng ý tưởng về sự hồi sinh, sự cứu rỗi trong đạo Cơ đốc. Sự liên kết giữa hai chương nhạc chính là chủ đề” Ngày phán xét “ được xuất hiện trong cả hai chương.
Mahler đã không tìm ra ý tưởng nào cho đến tận ngày 29/03/1894, khi ông tham gia đám tang của Hans von Bülow, nhạc trưởng vĩ đại đồng thời cũng là người có ảnh hưởng khá sâu sắc đến phong cách chỉ huy và sự nghiệp của Mahler tại Hamburg. Mối quan hệ giữa von Bülow và Mahler rất đặc biệt. Mahler xét cho cùng rất kính trọng và ngưỡng mộ tài năng của von Bülow, trong khi Bülow cũng rất trân trọng khả năng chỉ huy của Mahler. Song, giữa hai người chưa bao giờ có tình bạn, hay bất cứ mỗi quan hệ nào đặc biệt, thậm chí Bülow chưa bao giờ coi trọng khả năng sáng tác của Mahler. Khi Mahler viết thư ứng cử vào vị trí giám đốc âm nhạc tại Meiningen, nơi Bülow có ảnh hưởng rất lớn, lá thư đó đã không bao giờ có hồi âm. Khi Richard Strauss hỏi về Mahler và “Die drei Pintos”, Bülow đã nói khá gay gắt: “Đó là tác phẩm tệ hại, một khúc bagatelle cổ lỗ”. Tuy vậy, Mahler vẫn nghe theo những lời nhận xét có phần gay gắt của Bülow để hoàn thiện mình. Song , Mahler vẫn không thể thuyết phục Bülow về năng lực sáng tác của mình. Sau khi nghe phiên bản của “Totenfeier” trên piano, Bülow đã rất ngán ngẩm nói với Mahler: “Nếu đây là âm nhạc thì tôi chưa từng hiểu về âm nhạc”. Nói tóm lại, mối quan hệ của Mahler với von Bülow cũng kiểu như một học trò luôn kính trọng và nghe những lời chỉ trích của thầy để hoàn thiện mình, chứ giữa hai người không hề có sự tương đồng về quan điểm về âm nhạc.
Dù có những bất đồng, Mahler luôn rất kính trọng và ngưỡng mộ von Bülow, coi ông như một người anh hùng của âm nhạc, cái chết của ông rõ ràng đã gây cho Mahler khá nhiều cảm xúc, đồng cảm với suy nghĩ của Mahler về cái chết của một người anh hùng. Và trong chính tâm trạng xúc động và đầy căng thẳng đó, Mahler đã được nghe bài thơ “Phục sinh” (“Aufstehungen”) của Kloppstock và với Mahler “Đột nhiên có một thứ ánh sáng bừng lên, và mọi vấn đề trở nên sáng rõ trong đầu tôi”.
Dĩ nhiên, lời thơ của Kloppstock không thể đáp ứng hết những yêu cầu của Mahler. Trong thời gian đầu, Mahler muốn kết hợp một số câu trong kinh thánh, nhưng không rõ vì lý do gì mà Mahler quyết định tự viết toàn bộ những phần cần bổ sung nhằm thể hiện nhân sinh quan của mình, kiểu như “Hãy vững tin, trái tim, hãy vững tin”, hay “Người ta không thể được sinh ra một cách vô nghĩa”.
Trong mùa hè năm 1894, Mahler hoàn thành tác phẩm, trong đó hai chương 3 và 4 (theo đúng truyền thống làm việc của Mahler) được lấy từ những tác phẩm khác mà cụ thể là Das Knaben Wunderhorn, một tập ca khúc nghệ thuật được sáng tác trước đó vào năm 1893. Ông hoàn thành chương cuối và sửa lại chương 1 cho hoàn chỉnh. Buổi công diễn tác phẩm vào năm 1895 đã đón nhận được một số ý kiến tốt từ một số nhà phê bình, vốn chê giao hưởng số 1 của Mahler đến vuốt mặt không kịp.
Kết cấu tác phẩm
Chương 1 Allegro Maestoso ( Hơi nhanh nhưng trang trọng), vốn được soạn từ “Totenfeier”, được viết theo thể thức sonata, nhưng có kết cấu hơi lỏng. Ngay sau phần mở đầu đầy đầy ám ảnh, khi cello và double bass gầm gừ vang lên trong khi violin chơi tremolo đầy lo lắng, chương nhạc được phát triển theo kiểu hành khúc. Mahler chọn giọng Đô thứ, gợi nhớ đến chương 2 nổi tiếng “Hành khúc tang lễ“ trong giao hưởng số 3 của Beethoven. Mahler thừa nhận rằng, ông như nhìn thấy người anh hùng mà mình đã đưa đến cái chết trong giao hưởng số 1 với vô số câu hỏi không thể giải đáp: “Ví sao chúng ta sống, vì sao chúng ta đau, liệu tất cả chỉ là vô nghĩa hay là một trò đùa“. Giai điệu nhẹ nhàng tuyệt đẹp tiếp theo trên giọng trưởng được flute và violin trình diễn như một tia hi vọng nhỏ nhoi cho câu trả lời, đó cũng là điểm khởi đầu của motif “Reurection” (Phục sinh) rồi nhanh chóng quay lại với hành khúc tang lễ. Nhưng lúc này, hành khúc trở nên mạnh hơn, nhanh hơn và gấp gáp hơn. Sự biến chuyển đột ngột của tốc độ (tempo) chính là điểm đặc biệt của Mahler. Đẩy việc chơi các nhạc cụ lên mức độ khó tối đa, tạo nên tính kịch tính cao mà hiếm tác phẩm nào có được. Trong tổng phổ không chỉ nêu lên phải chơi fff (cực mạnh) mà còn phải dã man, ghê rợn. Không chỉ thế, Mahler còn phân rõ tốc độ cho violin và phần còn lại của dàn nhạc. Violin phải chơi ở tốc độ 144 còn dàn nhạc chơi ở tốc độ 88-92. Sự kịch tính còn được đẩy cao khi đoạn cao trào không chỉ là tiếng hòa thanh nhức nhối với cor anglais mạnh mẽ, oboe buộc phải từ bỏ sự tình cảm để kết hợp với bass clarinet ngân lên những giai điệu chua chát và đầy tính ăn năn “Dies Irae”, ngoài ra còn những chuỗi 3 đoạn ngắt nhịp, sau đó quay lại giai điệu bằng những đoạn tăng tốc kinh hoàng như tượng trưng cho ngày phán quyết đã đến gần. Việc sử dụng hai chủ đề đối lâp hoàn toàn, một nhẹ nhàng tình cảm, một ghê rợn, hùng tráng, tuyệt vọng trong một chủ đề hành khúc tang lễ đã làm nền để dẫn đến kết thúc kịch tính như câu hỏi trong giận dữ: “Tại sao ta phải sống”.
Chương 2 là một chương nhạc chậm nhẹ (intermezzo like) mà theo Mahler là “những kí ức tươi đẹp và cả đượm buồn đã mất của người anh hùng”. Ý tưởng âm nhạc của chương rất giống với những điệu valse dân gian (không phải những điệu valse quý tộc kiểu J.Strauss) của Áo, đất nước mà tình cảm của Mahler luôn xen lẫn cảm giác yêu ghét.
Chương 3: một chương scherzo, nhưng hoàn toàn không phải là scherzo vui tươi hay tươi trẻ mà đầy sự chua chát. Mahler muốn chương nhạc phải đầy sự hồ nghi, chán ghét và hơn thế nữa phải thể hiện sự phủ nhận tuyệt đối với cuộc sống. Bruno Walter, nhạc trưởng nổi tiếng, đồng thời cũng là một trong những trợ lý và là bạn thân với Mahler đã coi chương nhạc là chương nhạc của bóng tối và sự xa lánh. Chương nhạc là sự mở rộng phần dàn nhạc của một bài lied trong tuyển tập Das Knaben Wunderhorn, nhưng chương nhạc đã cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa sự ngây thơ và trớ trêu, giữa ngọt ngào và trớ trêu, tất cả như hòa quện lại để hướng tới cái kết huy hoàng.
Chương 4 “Urlicht”, một bài ca thánh thiện bậc nhất của Mahler cho mezzo được thêm vào như một ánh sáng hiếm hoi trong quá trình xuyến suốt đầy nghi ngờ và tuyệt vọng. Bài ca mở đầu nhẹ nhàng và đầy tình cảm, sau đó nặng nề hơn và lên đến đỉnh điểm khi khẳng định chắc chắn: “tôi đến từ bàn tay của chúa và đến vì chúa“ . Sau đó, giai điệu nhẹ nhàng dần và kết thúc trong tiếng ngân dài của từ “Sống”. Mahler đã từng nói muốn mezzo thể hiện “Urlicht” phải cảm thấy mình là một đưa trẻ đang trên thiên đường.
Chương 5, chương kết thúc của bản giao hưởng số 2, là một trong những chương nhạc nhiều cảm xúc sâu sắc và mạnh mẽ nhất. Chương nhạc được chia làm hai phần. Phần một cho dàn nhạc và phần hai có kết hợp với dàn hợp xướng.
Phần một quay lại điểm kết thúc chương 3, khi sự giận dữ, hồ nghi chán ghét cuộc sống được đưa lên đỉnh điểm. Chương nhạc có sử dụng lại nhiều yếu tố từ các chương trước. Một chút im lặng trong không trung với những tiếng kèn horn bay bay từ xa cùng với một chút khuấy động nhỏ của dàn dây. Khi bộ gỗ ngân lên những giai điệu đầu tiên của chủ đề âm nhạc trung cổ: “Ngày phán quyết“ cũng là lúc bắt đầu cho đoạn nhạc kịch tính nhất bản nhạc. Đoạn hành khúc của người chết, hành khúc của sự hủy diệt được vang lên bởi dàn nhạc phụ đầy ám ảnh, tức giận tuôn trào trong tiếng trumpet, trombone và kèn horn. Cuối cùng là Lời triệu hồi lớn kết thúc cho sự phán quyết được trumpet và horn vang lên từ xa trong tiếng flute trượt qua sự tàn phá khủn khiếp. Một khoảng lặng rồi một tiếng oboe cất lên như tiếng chim họa mi, đôi khi vẫn được coi là loài chim báo hiệu cái chết thanh thản, và bắt đầu đến giai đoạn phục sinh.
Ở phần hai, soprano, mezzo và dàn nhạc tiếp trục nhắc lại và phát triển chủ đề “Urlicht” trong chương 4. Tất cả dàn nhạc, dàn hợp xướng và cả organ cùng nhau hát lên câu thơ cuối cùng “Những gì bạn phải trải qua để đến được với Chúa” và kết thúc trong tiếng kèn đồng hùng tráng, tiếng cồng chiêng và tiếng chuông sấm sét.
Nội dung tác phẩm
Giao hưởng số 2 có lẽ là giao hưởng mà Mahler bỏ nhiều tâm sức nhất, nung nấu ý tưởng và sáng tác trong thời gian dài nhất. Có lẽ vì vậy mà Mahler muốn nó là bom tấn thể hiện năng lực sáng tác của mình. Giao hưởng số 2 là giao hưởng đầu tiên mà Mahler muốn kết hợp giữa ngôn ngữ âm nhạc và những ý tưởng triết học theo đúng những ý tưởng mà Beethoven đã sáng lập, thêm nữa phải kết hợp được với những ý tưởng không thể diễn đạt trên những giới hạn nhất định của âm nhạc: “Khi tôi thai nghén những ý tưởng về tác phẩm âm nhạc lớn, tôi luôn đi đến những điểm mà tôi cần phải tìm những từ để có thể diễn đạt được chúng” (thư Mahler gửi Seidl). Mahler đã cố gắng tìm sự kết hợp trong những cái tưởng như không thể kết hợp, như những ý tưởng về kết cấu giao hưởng từ Beethoven và sự trải nghiệm từ music drama của Wagner (đỉnh cao là Parsifal), cộng thêm một số yếu tố ngoại lai như những giai điệu dân gian, sự ảnh hưởng tôn giáo, phong cách nhạc serenade, hay kể cả sự thể hiện loạn trí. Giao hưởng số 2 là một ví dụ điển hình khi ông học theo giao hưởng số 9 của Beethoven khi kết hợp 2 yếu tố Cantata và Symphonic cho chương cuối. Thậm chí Mahler còn đi xa hơn khi sáng tác chương 2 theo kiểu Serenade, chương 3 là một đoạn mở rộng từ một giai điệu lied và chương 4 là một lied thứ thiệt. Chương 1 được viết theo thể sonata truyền thống dù có sự sửa đổi, trong khi chương cuối là kết hợp kiểu Wagner theo cấu trúc như giao hưởng số 9 của Beethoven. Mahler thậm chí còn đòi hỏi dàn hợp xướng phải cảm nhận và trình diễn tác phẩm một cách tự nhiên theo kiểu rất opera để tạo nên cảm xúc thật sự cho tác phẩm. Vì vậy thay vì đặt tên cho giao hưởng, Mahler viết tờ chương trình diễn giải rất kĩ càng về ý tưởng của tác phẩm cho buổi công diễn.
1. Chương 1- Allegro Maestoso
Chúng ta đứng trước quan tài của một con người đáng kính. Cuộc sống của anh ấy, những dằn vặt, đau đớn và ước mơ của anh ấy được tái hiện trong đầu chúng ta một lần sau cuối.
Và rồi, trong không khí nặng nề và phiền muộn này, liệu có nơi nào để chúng ta rũ sạch những lo toan và gánh nặng. Một giọng nói đầy ám ảnh luôn hiện lên khi chúng ta đối mặt với những thất bại hằng ngày trong cuộc sống và bóp nghẹt trái tim ta: “Ta làm gì đây? Cuộc sống là gì? cái chết là gì? Liệu có kiếp sau cho chúng ta? Cuộc sống liệu chỉ là giấc mơ cô đơn hay có ý nghĩa gì, liệu cái chết có ý nghĩa gì không? Chúng ta phải tìm ra ý nghĩa cuộc sống nếu chúng ta muốn tiếp tục sống.
2. Chương 2 – Andante Moderato
Khoảng khắc hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời của một linh hồn cô đơn và những ký ức được biểu lộ về tuổi trẻ và sự ngây thơ.
3. Chương 3 – Scherzo
Phần linh hồn tiêu cực hàm chứa sự thiếu niềm tin đã kiểm soát con người. Anh ta đứng giữa ranh giới của sự bất ổn về sự tồn tại và ra đi. Anh ta nghi ngờ chính bản thân mình và cả Chúa trời. Thế giới và cuộc đời trở thành ma quỷ. Anh ta ghét tất cả mọi người, và thù ghét cuộc đời.
4. Chương 4 – Urlicht
Một tiếng nói đầy xúc động từ chút niềm tin còn xót lại vang lên bên tai anh ta: “Tôi đến từ Chúa và vì Chúa tôi đã trở lại. Chúa trời cho tôi một chút ánh sáng. Người sẽ khai sáng con đường để đạt được vinh quang, đó là cuộc sống vĩnh hằng”.
5. Chương cuối – In Tempo des Scherzo
Chúng ta phải một lần nữa đối mặt với tất cả những cảm xúc và những câu hỏi ghê gớm. Nhưng giọng nói dẫn đường lại vang lên: “Tất cả những gì trên trần thế đã kết thúc, ngày Phán quyết đã được định đoạt”. Mặt đất rung chuyển, những ngôi mộ được mở ra, những người chết sẽ đứng dậy, bước dài trong cuộc diễu hành từ đây. Tất cả sinh linh dù lớn hay nhỏ đều muốn đến đây, rùng mình và hy vọng trong hành trình bất tận. Quá trình tiếp tục ngày một khủng khiếp hơn, cảm giác ngày càng rời xa chúng ta, tất cả tiềm thức ngày càng giảm khi sự vĩnh hằng đến với chúng ta.
 
Khi lời khẩn cầu reo vang, tiếng trumpet của sự hủy diệt vang lên. Trong quãng thời gian ngắn yên lặng chúng ta nghe như có tiếng chim họa mi từ xa vọng tới như là những chút vương vấn cuối cùng của cuộc sống trên trần thế. Dàn đồng ca của các thánh và thiên thần sẽ cùng ngân vang nhè nhẹ: “ Hãy đứng lên lần nữa, hãy đứng lên lần nữa“.
 
Rồi Đức chúa hiển linh, một thứ ánh sáng kì diệu xuyên thấu trái tim ta, tất cả trở nên bình yên và rạng rỡ.   Hãy nhìn, không có sự phân biệt nào, tất cả người giàu hay nghèo, tất cả sự trừng phạt hay tưởng thưởng. Một cảm giác vạn năng của tinh yêu khai sáng tri thức và sự tồn tại cho tất cả mọi người.
Tuy Mahler đổ rất nhiều công sức vào bản lời dẫn nhưng khán giả có vẻ hiểu sai về ý nghĩa tác phẩm Mahler khi coi giao hưởng số 2 là tác phẩm ngợi ca Chúa trời. Vợ của Mahler, bà Alma vẫn nhớ là sau buổi công diễn, có một khán giả là một phụ nữ có tuổi người Nga đã nói với Mahler rằng bà ấy cảm thấy cái chết đang đến rất gần, liệu ông có thể khai sáng về thế giới bên kia như ông đã viết trong giao hưởng số 2 được không. Dĩ nhiên, Mahler chưa chết nên ông không thể rõ cuộc sống sau cái chết nó thế nào và đành cứng họng, tìm bài chuồn. Mahler cảm thấy sự thất vọng và không hài lòng của người phụ nữ đó. Sau đó, để tránh hiểu lầm, Mahler quyết định xóa bỏ hoàn toàn tờ chương trình, chỉ thêm tiêu đề là Giao hưởng Phục sinh, tùy khán giả cảm nhận.
Qua tác phẩm này cũng thấy rõ phong cách và cả cá tính sáng tác của Mahler, dù có kế hoạch nhưng lại mất rất nhiều thời gian để hoàn thành, đồng thời có xu hướng sử dụng lại các ý tưởng cũ để chắp ghép vào tác phẩm mới, khiến cho tác phẩm đôi khi bị chồng chéo (ví dụ cụ thể là chương 4 “Urlicht” bị nhiều nhạc trưởng coi là dài dòng và không cần thiết). Vấn đề thứ hai là cách diễn giải các chương. Mahler khi mới công diễn coi ba chương đầu như phần phụ thêm cho tác phẩm, còn chương 4 là điểm sáng cho tất cả những gì trước đó. Sau đó, khi viết thư cho Arthur Seidl, Mahler lại coi ba chương giữa như lớp kịch ngắn gắn kết hai chương đầu và cuối (đối lập giữa cái chết và phục sinh). Điều này tương tự như đoạn nghỉ khi kết thúc chương 1, Mahler muốn sau khi kết thúc chương 1 phải nghỉ ít nhất 5 phút và 3 chương sau phải chơi liền không nghỉ để khán giả có thể cảm nhận tác chương 1 một cách trọn vẹn, vì chương 2 được viết không để tạo sự đối lập với chương 1 mà là một chủ đề khác hầu như không liên quan. Tuy nhiên, khá ít nhạc trưởng khi chỉ huy tuân theo hướng dẫn này. Jilius Buths (người nhận trực tiếp chỉ dẫn này của Mahler) đã chọn cách nghỉ giữa hai chương 4 và 5 đã được Mahler khen ngợi hết lời vì sự sáng tạo, nhạy cảm.
Dù thế nào, Mahler đã viết nên một bản giao hưởng vĩ đại, cả về nghệ thuật lẫn chiều sâu triết lý. Bản giao hưởng này không phải là bài ca ca ngợi chúa trời hay câu chuyện về sự tái sinh và kiếp sau như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Mahler viết về Ngày phán quyết nhưng ông không hề viết về sự trừng phạt với những linh hồn tội lỗi. Tất cả đều bình đẳng, tất cả đều được tái sinh. Mahler có thể mất niềm tin vào mọi thứ nhưng không thể nào mất niệm tin vào sự hồi sinh sức mạnh của tình yêu. Hồi sinh không phải từ cái chết thể xác mà là hồi sinh tâm hồn để con người có thể tận hưởng cuộc sống và làm cuộc sống tốt đẹp hơn như chính câu thơ của Kloppstockl: “Hãy chấm dứt run rẩy, hãy chuẩn bị bản thân để được sống“. Đó chính là ý nghĩa thật sự của giao hưởng số 2 “Phục sinh“.
Quốc Trung (nhaccodien.info) tổng hợp