“Thiên tài của cậu ấy là điềm báo cho cách chơi của những người khác.” – Herbert von Karajan

Ngày nay, có lẽ cái tên Christian Ferras không được quá nhiều người biết đến. Một phần có lẽ bởi sự qua đời sớm của ông khi ở độ tuổi 49 hoặc cũng có lẽ vì cách diễn giải các concerto violin quen thuộc của Johann Sebastian Bach, Ludwig van Beethoven, Johannes Brahms, Peter Ilyich Tchaikovsky hay Jean Sibelius nhận được những lời bình luận trái chiều từ giới phê bình. Nhiều người yêu thích, nhưng cũng có không ít lời chỉ trích vì sự phá cách quá lớn trong nghệ thuật trình diễn của ông. Hơn nữa, căn bệnh trầm cảm thường xuyên xảy ra trong suốt cuộc đời Ferras dẫn đến sự nghiệp của ông nhiều lần bị huỷ hoại và làm ảnh hưởng không ít đến danh tiếng của người nghệ sĩ. Khác với nhiều đồng nghiệp, Ferras không nghiên cứu tác phẩm một cách kỹ càng. Ngược lại, ông để sự đam mê và bản năng mình dẫn dắt. Ferrras biểu diễn chúng theo cảm nhận của chính mình, tin tưởng vào thẩm mĩ của bản thân. Ông không ngần ngại thay đổi sắc thái, sự phân câu và thậm chí là cả các ghi chú trong tổng phổ. Ferras chỉ đơn giản giải thích: “Như vậy nghe hay hơn”. Và đó là điều làm cho những chương trình có sự xuất hiện của Ferras trở nên độc đáo và mang tính cá nhân hơn bất kỳ ai. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản Ferras được yêu quý và kính trọng. Bởi vì sự khác biệt đó đến từ một thiên tài. Tiếng đàn tinh tế và mượt mà theo phong cách Pháp truyền thống của ông vẫn luôn tạo ra được sự mạnh mẽ, sâu lắng và bủng nổ đủ để làm tan chảy trái tim của người yêu nhạc, tạo nên những khoảnh khắc dịu dàng, kịch tính và quyến rũ không thể cưỡng lại được. Chính điều này cùng với một cuộc đời bí ẩn và cái chết thương tâm đã tạo nên sức hút của một trong những nghệ sĩ violin tài năng nhất của thế kỷ 20.

Cậu bé Christian Ferras sinh ngày 17/6/1933 tại Touquet-Paris-Plage, phía bắc nước Pháp, là người con thứ ba của ông bà Antoinette và Robert, chủ một khách sạn ở Pas-de-Calais. Tuy nhiên, sau đó gia đình họ chuyển đến sinh sống tại Nice. Khi lên 7 tuổi, Christian nhận được món quà bất ngờ là một cây đàn violin từ cha mình. Ông Robert muốn cậu con trai mình quên đi trận ốm nặng trước đó khiến cậu bé phải nằm liệt giường. Robert vốn là một nghệ sĩ violin nghiệp dư tài năng, chỉ bỏ dở sự nghiệp âm nhạc vì một chấn thương nghiêm trọng ở cổ tay. Rất thích thú với “thứ đồ chơi mới” của mình, kể từ đó cậu bé luôn luyện tập 3 tiếng một ngày. Cha của Christian là một người khá nghiêm khắc, ông hầu như không cho con trai mình chơi với những đứa trẻ khác. Nhận thấy cậu con trai mình có năng khiếu âm nhạc và say mê cây đàn violin, gia đình đã quyết định cho cậu theo học tại Nhạc viện Nice vào năm 1941. Tại đây, thầy giáo của Christian là Charles Bistesi, cựu học sinh của nghệ sĩ violin người Bỉ César Thomson, người từng là đồng nghiệp của Eugène Ysaÿe danh tiếng. Trong hai ngày 5 và 6/5/1944, Christian liên tiếp giành hai giải nhất trong cuộc thi violin do nhạc viện tổ chức: concerto với Concerto violin số 3 của Camille Saint-Saëns và thính phòng với Sonata violin số 5 “Mùa xuân” của Beethoven.

Ngay sau khi đoạt giải, mọi người nhận ra rằng Christian cần một môi trường rộng lớn hơn để phát triển, Nice là một nơi quá nhỏ bé cho tài năng của cậu. Cả gia đình chuyển tới Paris. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Pháp đang bị chiếm đóng, họ chỉ tới được đó vào tháng 10 do bị giam giữ tại Mâcon vì những biến cố của Thế chiến thứ hai, đặc biệt là hậu quả của cuộc đổ bộ ở Normandy và Provence. Tại Nhạc viện Paris danh giá nhất nước Pháp, ở tuổi 11, Christian theo học violin với René Benedetti và hoà tấu thính phòng với Joseph Calvet. Chỉ hai năm sau, ngày 4 và 5/7/1946, một lần nữa cậu bé lại giành hai giải nhất trong một cuộc thi do nhạc viện tổ chức: lần này là với Sonata violin giọng La trưởng của Wolfgang Amadeus Mozart trong hoà tấu thính phòng và Concerto violin của Brahms trong biểu diễn với dàn nhạc. Người đệm piano cho Christian trong Sonata violin của Mozart là nghệ sĩ piano trẻ Odette Decaux, cũng là một tài năng tại Nhạc viện Paris. Sau này cô cũng trở thành người đệm đàn cho Christian khi cậu khởi đầu sự nghiệp chuyên nghiệp. Ngay sau khi được giải, ở con đường bên ngoài nhạc viện, Jacques Thibaud, nghệ sĩ violin nổi tiếng nhất nước Pháp lúc bấy giờ, đã đến chúc mừng Christian. Một bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời này, Thibaud danh tiếng đã nghiêng mình trìu mến, đặt tay lên vai Christian. Đằng sau bức ảnh, Thibaud viết: “Gửi tới Christian, người mà tôi tin tưởng, một đồng nghiệp thân thiết của tôi”.

Christian thực hiện một chuyến lưu diễn hai tuần tại Đức trước khi trở về Paris thực hiện buổi ra mắt của mình tại đây vào tháng 10/1946. Cùng Orchestre Pasdeloup dưới sự chỉ huy của Albert Wolff, cậu đã chơi bản Symphonie Espagnole của Édouard Lalo. Bernard Gavoty đã bình luận trên tờ Le Figaro: “Kỹ thuật hoàn mỹ, chất thơ, sự ấm áp và tất cả ánh sáng Tây Ban Nha”. Một tuần sau, ngày 24/10/1946, Christian trình diễn Concerto violin của Beethoven. Đầu năm 1947 là concerto của Brahms. Cậu bé thiên tài đã khiến cả Paris hoa lệ mê mẩn. Những thành công đến sớm không làm Christian ngưng lại công việc học tập của mình. Cậu đã có một cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt đối với sự nghiệp của mình sau này: Christian may mắn được trau dồi với nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin lừng danh người Romania Georges Enescu. Sau này, cậu cho biết: “Thật tốt khi được học tập với nhiều thầy giáo khác nhau. Về nguyên tắc, tôi coi mình là học trò ông ấy”. Bà Antoinette, mẹ Christian, trong một bức thư gửi người thầy giáo cũ của cậu, Bistesi, đã viết: “Christian rất may mắn khi có thể theo học các khoá học với Georges Enescu hiện đang ở Paris. Chúng thú vị một cách đáng ngưỡng mộ. Enescu đang dạy nó Concerto violin của Brahms. Điều này khiến nó rất hài lòng. Gần đây, Menuhin đã đến lớp học của Christian. Sau đó anh ấy đã dành cho nó rất nhiều lời khen ngợi”. Mọi thứ diễn ra rất nhanh với Christian. Vào ngày 7/7/1947, cậu có bản thu âm đầu tiên khi biểu diễn bản Concerto violin của nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha Federico Elizalde cùng nhạc trưởng Gaston Poulet và London Symphony Orchestra cho hãng Decca. Tháng 5/1948, Christian tham dự cuộc thi violin quốc tế Scheveningen với Yehudi Menuhin làm trưởng ban giám khảo. Cậu đã giành đồng giải nhất, chia sẻ với Michel Schwalbé, người sau này trở thành concertmaster của Berlin Philharmonic. Tại đây, cậu đã lần đầu gặp nghệ sĩ piano Pierre Barbizet, người lớn hơn mình 11 tuổi. Họ sau này trở thành một trong những cặp bài trùng ăn ý nhất trong lịch sử hoà tấu thính phòng.

Năm 1949, chàng trai trẻ 16 tuổi Ferras đã giành giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi Marguerite-Long-Jacques-Thibaud danh giá. Với nhiều giải thưởng đạt được, danh tiếng của Ferras đã ngày một vươn xa. Năm 1950 đánh dấu lần đầu tiên sự hợp tác của cặp đôi Ferras-Barbizet. Năm 1951, sự nghiệp của anh đã bước lên một tầm cao mới khi được nhạc trưởng lừng danh Karl Böhm mời đến biểu diễn tại Titania Palast, Berlin cùng Berlin Philharmonic trong Concerto violin của Beethoven. Ferras đã ký hợp đồng thu âm dài hạn với Decca. Một trong những đĩa nhạc gây được tiếng vang lớn nhất của Ferras trong thời kỳ này là Concerto violin của Brahms được anh thực hiện cùng Karl Schuricht và Vienna Philharmonic vào năm 1954. Anh cũng thực hiện một số bản thu âm cùng với thầy Enescu của mình. Lúc này, Ferras đã được sở hữu cây đàn violin danh tiếng Stradivarius “President” năm 1721. Ngày 24/2/1954, Ferras và Herbert von Karajan có lần hợp tác đầu tiên cùng nhau trong Concerto violin của Brahms tại Vienna. Năm 1957, Ferras chia tay hãng Decca và chuyển sang hợp tác với EMI. Anh thu âm Concerto violin của Felix Mendelssohn và Tchaikovsky cùng nhạc trưởng Constantin Silvestri và Philharmonia Orchestra. Năm 1958, cùng Barbizet, Ferras thu âm trọn bộ các sonata violin của Beethoven. Năm 1959 là một năm bận rộn và thành công đối với Ferras. Ông có lần đầu tiên ra mắt khán giả Mỹ khi xuất hiện cùng nhạc trưởng Charles Munch và Boston Symphony Orchestra trong Concerto violin của Brahms vào ngày 5/3. Sau đó, cùng Menuhin, Ferras thu âm bản concerto dành cho 2 violin của Bach cho EMI. Mùa hè năm đó, Ferras có sự hợp tác đáng nhớ cùng hai nghệ sĩ bậc thầy Pablo Casals và Wilhelm Kempff tại Lễ hội Prades. Và ngày 3/12/1959, ông kết hôn với Béatrice Martellière.

Dù còn rất trẻ, nhưng Ferras đã bước vào thập niên 60 với tư cách một nghệ sĩ tài năng và già dặn. Giữa một rừng những tinh anh vào thời điểm đó như Menuhin, Jascha Heifetz, David Oistrakh, Nathan Milstein, Isaac Stern và nhiều nghệ sĩ xuất sắc khác, cái tên Ferras vẫn không hề kém cạnh. Ông nổi bật bằng phong cách riêng, không trộn lẫn với bất kỳ ai khác. Lúc này đây, Ferras là một trong những nghệ sĩ bận rộn nhất thế giới. Các buổi hoà nhạc, thu âm, các chuyến lưu diễn liên tục nối tiếp nhau. Ferras trở lại Mỹ, chinh phục khán giả New York trong lần đầu xuất hiện cùng New York Philharmonic và Leonard Bernstein trong Concerto violin số 2 của Bach vào ngày 3/11/1960. Ông cũng thực hiện một bản thu âm “Double” concerto tuyệt vời của Brahms cùng Paul Tortelier với Paul Kletzki chỉ huy Philharmonia Orchestra. Nước Pháp đã tìm ra nghệ sĩ violin xuất sắc nhất của mình kể từ thời Zino Francescatti. Mọi thứ tốt đẹp đến với Ferras một cách quá nhanh chóng. Năm 1963, sự hợp tác giữa Ferras và Barbizet không còn được chặt chẽ như trước khi Barbizet được bổ nhiệm làm giám đốc Nhạc viện Marseille. Ferras đã có chút bực dọc: “Vậy là chúng ta phải tập luyện qua điện thoại sao?”. Tuy nhiên, đây cũng là một năm khó quên với ông khi tại Rome vào ngày 20/4, Ferras đã biểu diễn trước sự có mặt của Giáo hoàng John XXIII. Ferras cho biết đây là một trong những khoảnh khắc xúc động mạnh liệt nhất trong cuộc đời mình, cả với tư cách nghệ sĩ biểu diễn và con người. Ferras cũng lần đầu biểu diễn bản Concerto violin của Alban Berg, một tác phẩm mà ông say mê bảo vệ trong suốt cuộc đời mình.

Năm 1964 đánh dấu một sự hợp tác quan trọng trong sự nghiệp cùa Ferras khi ông hợp tác cùng Karajan trong nhiều bản thu âm cho Deutsche Grammophon. Các concerto của Brahms, Sibelius, Tchaikovsky, Beethoven hay Bach đều là những bản thu âm có giá trị nghệ thuật rất cao. Karajan tỏ ra rất yêu thích âm thanh sâu lắng và nhạc cảm tinh tế của Ferras. Chưa có một nghệ sĩ violin nào có được sự hợp tác lâu dài với Karajan như vậy mãi cho đến sau này với sự xuất hiện của Anne-Sophie Mutter. Những bản thu âm nổi trội khác của Ferras trong thời gian này là sự hợp tác với Barbizet trong các sonata violin của César Franck, Schumann và Brahms. Năm 1966, Ferras có được một cây đàn Stradivarius nữa, “Milanollo-Teresa” được chế tạo vào năm 1728. Năm 1968, Ferras trở thành khách mời độc tấu cùng Orchester de Paris mới được thành lập trong chuyến lưu diễn đầu tiên của dàn nhạc tại Mỹ. Tuy nhiên, đây là một kỷ niệm buồn vì nhạc trưởng Munch đã qua đời vì một cơn đau tim khi chuyến đi chưa kết thúc. Trở về nước, các hoạt động biểu diễn của Ferras vẫn diễn ra điên cuồng tại khắp nơi trên thế giới. Ông luôn có được sự hợp tác từ những dàn nhạc xuất sắc và nhạc trưởng vĩ đại nhất.

Tiếng đàn của Ferras mang những nét đặc trưng vô cùng khác biệt và không thể bắt chước. Những gì được ông cảm thụ hoàn toàn mang tính bản năng, thậm chí đi ngược lại ý đồ của các nhà soạn nhạc. Nhưng với một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm, phong thái biểu diễn của ông vẫn toát ra được sự đam mê bỏng cháy. Ferras luôn đẩy cảm xúc đến tận cùng, không có gắng kìm nén và kiểm soát, tạo ra những sắc thái tương phản, êm ái, căng thẳng và xung động mãnh liệt. Dường như giữa nhà soạn nhạc và Ferras vẫn có được sự đồng điệu nhất định về cảm xúc, người nghe có thể khám phá ra được một khía cạnh nào đó của tác phẩm mà trước đây ta chưa từng nghĩ tới. Chính những màn biểu diễn thót tim như vậy đã tạo nên vô số khoảnh khắc đáng nhớ và ấn tượng trong lịch sử âm nhạc. Cách cầm đàn và vĩ của ông cũng không giống với bất kỳ ai. Cánh tay phải cầm vĩ của ông có ngón cái luôn ngửa, ngón trỏ giơ cao, ngón út rất ít khi đặt vào vĩ, khuỷu tay cao và dùng nhiều lực từ vai (đặc biệt trong các thế đánh nhanh). Còn đàn thì đặt rất cao, không phải ở xương quai xanh mà ở vai. Thật vô cùng đặc biệt.

Tưởng như sự thành công sẽ tiếp tục đến với Ferras trong thập niên 1970 thì một điều bất hạnh đã xảy ra. Khi đang ở đỉnh cao của sự vinh quang và danh vọng, căn bệnh nghiện rượu vốn được Ferras giấu giếm lâu nay đã trở nghiêm trọng đến mức không thể che đậy được nữa. Sức khoẻ của ông giảm sút đáng kể. Christian Ferras thực hiện rất nhiều các phương pháp điều trị cai nghiện khác nhau và cố gắng khởi động lại sự nghiệp của mình. Các hợp đồng biểu diễn và thu âm bị huỷ bỏ rất nhiều. Chỉ còn lại hãng Guild of record, nơi sẽ thực hiện các bản thu âm cuối cùng của Ferras. Ferras vẫn rất nỗ lực để có thể quay trở lại sân khấu. “25 năm của sự hợp tác hoàn hảo”, đó là dòng chữ thông báo nổi bật của tờ Le Figaro cho chương trình hoà nhạc kỷ niệm 25 năm gắn bó giữa Ferras và Barbizet vào ngày 25/11/1974 tại Théâtre des Champs-Élysées, Paris. Năm 1975, Ferras được mời giảng dạy tại Nhạc viện Paris, ngôi trường trước đây của ông. Mặc dù công việc dạy học không tỏ ra quá phù hợp với ông, nhưng Ferras đã nỗ lực bỏ ra rất nhiều tâm huyết cho những người học trò của mình. Ferras luôn cố gắng khuyên nhủ sinh viên: “Đừng cố giống tôi”. Ông cũng tham gia một số chương trình giảng dạy vào mùa hè tại Nice, nơi tài năng của ông lần đầu tiên được biết đến. Các buổi hoà nhạc hầu như không còn được tổ chức nữa, chủ yếu vì lí do sức khoẻ của Ferras. Buồn chán, ông bị trầm cảm nặng nề và sa đà vào cờ bạc. Ferras đã phải bán đi một cây đàn Stradivarius của mình để trả nợ.

Sau một thời gian vắng bóng, Ferras đã trở lại Paris vào ngày 9/3/1982 với người bạn diễn mới Alain Lefèvre bên cây đàn piano trong các tác phẩm của Bach. Nhưng màn tái xuất thực sự của ông là vào ngày 6/5 tại Salle Gaveau với Barbizet. Một buổi hoà nhạc rất đáng nhớ với khán giả Paris, những người cảm thấy hạnh phúc khi lại được đón chào ông. Sự thành công của đêm diễn đã mang lại những kỳ vọng lớn lao. Tuy nhiên, đó chỉ là những giây phút loé sáng cuối cùng của người nghệ sĩ tài hoa. Thực tế, Ferras đang ở trong những ngày tồi tệ nhất của cuộc đời. Ông đã nỗ lực tổ chức buổi hoà nhạc cuối cùng của mình tại Vichy vào ngày 5/8/1982. Chỉ hơn một tháng sau, với chứng trầm cảm nặng nề, vào ngày 14/9, Ferras đã tự kết liễu đời mình bằng cách lao mình xuống dưới đất từ tầng 10 của một tòa nhà chung cư ở Paris, khi chưa đến 50 tuổi. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Cachan, ngoại ô Paris.

Là một nghệ sĩ có phong cách bốc lửa và sáng chói trên sân khấu, nhưng ngoài đời Ferras là con người khá nhút nhát, kín đáo và rụt rè. Ông ít khi tâm sự với người khác, ngoại trừ một vài người bạn và sinh viên thân thiết. Ferras từng tiết lộ cho học sinh của mình rằng mọi thứ đến với ông quá nhanh. Từ khi còn rất trẻ, ông đã được đi khắp thế giới, giàu có, đủ tiền để mua bất cứ thứ gì mình thích, nhưng điều đó cũng khiến ông kiệt sức. Cuộc hôn nhân của Ferras không hạnh phúc, ông không có con. Như một người bạn thân cho biết: “Ông ấy nói về con chó của mình như là đứa con”. Áp lực của một người đứng trên đỉnh cao của thành công cũng khiến ông không chịu nổi. Nhận ra trình độ biểu diễn của mình có một chút suy giảm đã làm Ferras rơi vào tình trạng suy nhược thần kinh nghiêm trọng. Với sự cô đơn và bất an trong lòng, ông đã tìm đến rượu để giải sầu và chứng trầm càm ngày một gia tăng. Một trong những nghệ sĩ violin xuất chúng nhất đã ra đi theo một cách bi thảm không ai ngờ tới.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
nytimes.com
associationferras.com

Bình luận Facebook

Facebook Comments