Tác giả: Richard Strauss
Thời gian sáng tác: năm 1898
Thời lượng: khoảng 50 phút
Công diễn lần đầu: ngày 3/3/1899 tại Frankfurt
Biên chế nhạc cụ: piccolo, 3 flute, 3 oboe, English horn (doubling 4th oboe), E-flat clarinet, 2 clarinet, bass clarinet, 3 bassoon, contrabassoon, 8 horn giọng F, E và E-flat, 3 trumpet (ngoài sân khấu trong một thời gian ngắn), 2 trumpet giọng E-flat, 3 trombone, tenor tuba giọng B-flat (euphonium), tuba, timpani, bass drum, snare drum, cymbal, tenor drum, tam-tam, 2 harp và dàn dây với một bè solo violin.
Richard Strauss soạn Ein Heldenleben (Đời anh hùng) năm 1898 khi bước vào tuổi 34 và đang ở độ sáng tác chín muồi. Dù đây không phải là tác phẩm cuối cùng của ông ở thể loại thơ giao hưởng nhưng nó là tác phẩm cuối cùng trong chuỗi tác phẩm xuất sắc cùng thể loại. Mười năm trước đó, thơ giao hưởng Don Juan đã giúp Strauss trở thành một đại diện xuất sắc ở lĩnh vực sáng tác cho dàn nhạc. Trên thực tế Ein Heldenleben không khác gì một tự truyện tổng kết những thành tựu của nhà soạn nhạc tính đến thời điểm đó, thời điểm ông chuẩn bị chuyển trọng tâm sáng tác từ phòng hòa nhạc tới nhà hát opera. Tác phẩm được ông đặt tên là Ein Heldenleben (Đời anh hùng) và đề tặng nhạc trưởng người Hà Lan Willem Mengelberg cùng dàn nhạc Concertgebouw ở Amsterdam. Tuy nhiên đích thân Richard Strauss đã chỉ huy dàn nhạc trong lần đầu công diễn tác phẩm vào ngày 3/3/1899 tại Frankfurt.
Trong các thơ giao hưởng trước đó của Strauss – Don Juan, Macbeth, Death and Transfiguration (Thần chết và lễ biến hình), Till Eulenspiegel, Thus Spake Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế), Don Quixote – nhà soạn nhạc đã sử dụng các tác phẩm văn học làm hình mẫu hoặc (như trong trường hợp Thần chết và lễ biến hình) được người khác diễn đạt  “chương trình” trong tác phẩm thành ngôn từ sau khi ông đã soạn xong phần âm nhạc. Till Eulenspiegel là bức chân dung một nhân vật dân gian; Zarathustra là sự đáp trả cho cuốn sách triết học của Nietzsche mà lời lẽ trong đó sau này được Gustav Mahler và Frederick Delius phổ nhạc. Còn với Ein Heldenleben, Strauss tuyên bố: “Chẳng cần đến một chương trình người ta cũng cũng đủ biết là có một người anh hùng đang chiến đấu chống lại kẻ thù.”
Trong một bức thư gửi cha (nghệ sĩ kèn horn đáng kính người Munich Franz Strauss) vài tuần lễ sau buổi công diễn đầu tiên tại Frankfurt, Strauss nhấn mạnh chuyện chính ông là người anh hùng chỉ là “một nửa sự thật”. Trong tờ chương trình của buổi công diễn đầu tiên ông viết rằng đề tài của tác phẩm “không phải là một nhân vật thi ca hay lịch sử đơn nhất mà đúng hơn là một ý niệm phổ biến hơn và tự do hơn về chủ nghĩa anh hùng vĩ đại và can trường”. Một vài nhà bình luận ủng hộ sự chối bỏ này của ông và gợi ý rằng Strauss, cũng như Beethoven trong Eroica Symphony, có lẽ đã mang trong tâm trí một lý tưởng phổ quát hay có lẽ là một “vị anh hùng nghệ thuật” cụ thể trong số các bậc tiền bối của mình (như Wagner) song chắc chắn không phải là bản thân ông. Trên thực tế Strauss đã nhắc tới hình mẫu Beethoven khi ông thực hiện tác phẩm này, khuyến cáo vào năm 1898 rằng bởi vì Eroica đã rơi vào sao lãng nên ông đang soạn bản thơ giao hưởng quy mô lớn chưa từng thấy của mình để “đáp ứng một nhu cầu cấp bách… phải thừa nhận là không có một hành khúc tang lễ song  vẫn ở giọng Mi giáng với rất nhiều kèn horn, nhạc cụ luôn là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng.” Mặc dù âm nhạc ngoan cường chỉ rõ tác giả chính là đề tài và Strauss cuối cùng đã thừa nhận trong một bình luận với nhà văn Romain Rolland rằng ông thấy mình “chẳng kém thú vị hơn Napoleon” và hành động tự mình chỉ huy buổi công diễn đầu tiên thay vì dành vinh dự đó cho người được đề tặng đáng kính được xem như lời khẳng định thêm nữa về tính chất tự ngợi ca của tác phẩm.
Bất luận người ta có thể cảm nhận thế nào về tất cả những điều trên thì ở thời đại của mình Ein Heldenleben đại diện cho một tầm cỡ mới mẻ trong việc khai thác các nguồn lực của một dàn nhạc lớn và hiện tại tác phẩm vẫn còn là một cột mốc nổi bật ở khía cạnh này. Ein Heldenleben gồm sáu khúc nhạc liên kết với nhau, mỗi khúc nhạc được phân định rõ bằng âm thanh và có tên gọi riêng:
1.   “Der Held” (Người anh hùng)
2.   “Des Helden Widersacher” (Kẻ thù của người anh hùng)
3.   “Des Helden Gefährtin” (Bầu bạn của người anh hùng)
4.   “Des Helden Walstatt” (Chiến trường của người anh hùng)
5.   “Des Helden Friedenswerke” (Công cuộc hòa bình của người anh hùng)
6.   “Des Helden Weltflucht und Vollendung” (Người anh hùng giã từ thế giới và hoàn thành bổn phận)
Khúc nhạc đầu là bức chân dung Người anh hùng, được giới thiệu mà không có lời tựa, chủ đề chính trải dài 16 ô nhịp và dao động qua ba quãng tám. Các chủ đề phụ đại diện cho tính nhạy cảm, sự thông minh, tham vọng và quyết tâm của người anh hùng.
Các kẻ thù của người anh hùng, được mô tả ở khúc nhạc thứ hai, ganh đua với nhau ở mức độ đê tiện và hiểm ác. Chúng được nhận dạng là những kẻ soi mói (flute, “rất the thé và cắn rứt”), những kẻ dèm pha (oboe, “cằn nhằn”, những kẻ than vãn (kèn horn Anh) và những kẻ hay bắt bẻ (tuba). Strauss không chỉ có những nhà phê bình âm nhạc thù địch trong tâm trí mà như Wagner đã làm trong Die Meistersinger von Nürnberg (Những nhạc sĩ xứ Nürnberg)ông còn chọn ra một trong số đó để lưu ý đặc biệt. Kẻ hay bắt bẻ nhất là bức tranh biếm họa về một nhà phê bình người Munich có cái tên được kèn tuba nhại đi nhại lại:  “Doktor Dehring, Doktor Dehring.” Cha của Strauss chú ý tới sự thẳng thắn này và viết cho con trai mình: “Các kẻ thù này, theo ý kiến của cha đã vi phạm tất cả mọi thứ trong nhạc. Các kẻ thù hành xử thật bỉ ổi thì ở dưới mức phẩm giá để chú ý tới bọn họ.”
Strauss thừa nhận rằng khúc nhạc Bầu bạn của người anh hùng là bức chân dung vợ mình, ca sĩ giọng soprano Pauline de Ahna. Cô đã hát trong các buổi biểu diễn vở Tristan und Isolde tại Weimar dưới đũa chỉ huy của Strauss năm 1892 và trong buổi công diễn lần đầu vở Guntram, opera đầu tay của Strauss cũng tại Weimar vào tháng 5/1894 – bốn tháng trước đám cưới của họ. Strauss miêu tả cô bằng violin solo. Ông viết cho Romain Rolland: “Cô ấy rất phức tạp, hơi ngang bướng, hơi đỏm dáng, không lúc nào giống lúc nào, thay đổi từng phút một. Cảnh yêu đương giữ vai trò chuẩn bị tình huống kịch về mặt tinh thần và tình cảm để người anh hùng đối mặt với những thách thức sẽ gặp tại khúc nhạc tiếp theo.
Chiến trường của người anh hùng mô tả một cách sinh động trận chiến đấu ở âm vực rộng nhất (tăng cường một số nhóm nhạc cụ ngoài sân khấu), điều vẫn còn là độc nhất vô nhị trong âm nhạc tính tới thời điểm đó. Sau khi trận chiến lắng lại, chủ đề người anh hùng vút lên chiếm ưu thế và chủ đề tuyệt diệu do đội kèn horn thể hiện trích từ thơ giao hưởng Don Joan dẫn vào đoạn tiếp theo, mà có lẽ là đoạn hấp dẫn nhất và là phát hiện lớn nhất của tác phẩm.
Người ta nghe thấy các chủ đề từ các thơ giao hưởng trước đó của Strauss và lied Traum durch die Dämmerung (Mộng mơ lúc chạng vạng) được trích dẫn lại trong khúc nhạc thứ năm – Công cuộc hòa bình của người anh hùng. Các giai điệu lần lượt dẫn vào khúc nhạc cuối cùng.
Người anh hùng giã từ thế giới và hoàn thành bổn phận được mở đầu bằng kèn horn Anh, trình bày những hồi ức về kẻ thù và chiến trường. Tuy nhiên đó là thứ  âm nhạc say mê cuồng nhiệt thắng thế và đoạn kết đầy khoa trương vẽ lên phẩm cách và cảnh yên bình mà người anh hùng đã giành được cho chính mình.
Ngọc Anh (nhaccodien.info) tổng hợp