“Người nghệ sĩ đáng kinh ngạc này không bị bất kỳ giới hạn nào ràng buộc. Bà sở hữu đầy đủ sức mạnh trong giọng hát của mình. Bà thể hiện chính xác mọi cảm xúc mà nhà soạn nhạc muốn truyền tải qua âm nhạc. Cường độ trong giọng hát khiến người nghe kinh ngạc ngay cả ở những nốt pianissimo nhẹ nhàng nhất. Những gì bà biết về âm nhạc chỉ có thể so sánh với sự thành thạo của những nghệ sĩ nhạc cụ xuất sắc nhất. Doloukhanova chỉ huy giọng hát biến ảo đến mức, mặc dù có khoảng hai quãng tám rưỡi, nhưng nó thực sự rộng hơn nhiều, bởi những chất lượng âm thanh khác nhau mà bà có thể tạo ra. Kỹ thuật không bao giờ là mục tiêu của bà và mọi thứ đều đến từ mục đích biểu cảm.” – Andras Perne

Nền thanh nhạc nước Nga không hề thiếu vắng những ca sĩ tài năng. Chúng ta có thể dễ dàng kể ra những cái tên như Feodor Chaliapin huyền thoại hay Elena Obraztsova, người từng chinh phục tất cả những nhà hát danh tiếng nhất trên thế giới hay thế hệ sau này như Dmitri Hovorostovsky hoặc Anna Netrebko, người đang là một trong những siêu sao xuất sắc nhất của hiện tại. Nhưng tất cả bọn họ đều chủ yếu chinh phục khán giả thế giới trên sân khấu opera. Nếu để chỉ ra một nhân vật tài năng nhất của nước Nga trong thế kỷ 20 với các ca khúc thính phòng thì đó chắc chắn phải là giọng mezzo-soprano Zara Dolukhanova. Bà là nghệ sĩ mang tầm thời đại, những buổi hoà nhạc của bà vẫn còn mãi trong ký ức của hàng ngàn, hàng vạn thính giả cuồng nhiệt. Có một sự hoà hợp không thể so sánh giữa âm nhạc và vẻ ngoài hoàn hảo của bà. Dolukhanova là một người cầu toàn và luôn tự đặt ra một yêu cầu là chỉ mang đến những gì tốt đẹp nhất trên sân khấu. Chương trình của bà bao gồm các tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc theo các phong cách khác nhau, luôn được đón nhận như những lễ hội. Doloukhanova đã hát tác phẩm bằng ngôn ngữ gốc, một điều gần như bất thường ở Liên Xô vào thời điểm đó.

Zara Dolukhanova có tên khai sinh là Zara Makaryan, sinh ngày 15/3/1918 tại Moscow trong một gia đình Armenia. Mẹ của cô, bà Elena có giọng hát tuyệt đẹp nhưng không trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Cha của cô, ông Agasi, một kỹ sư nhưng có thể chơi thành thạo một số nhạc cụ và là thành viên của một dàn nhạc nghiệp dư. Chính vì vậy, cuộc sống của hai cô con gái nhỏ Dagmara và Zara, ngay từ khi mới sinh ra đã tràn ngập âm nhạc. Tuổi thơ của cô bé trôi qua êm đềm, không có biến động. Khi lên 5 tuổi, Zara đã được cha mẹ cho theo học piano và 10 tuổi, cô bé nhập học tại trường âm nhạc mang tên Konstantin Igumnov. Sau ba năm học tại đây, Zara đã biểu diễn được một số bản sonata piano của Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig van Beethoven cũng như các prelude và fugue của Johann Sebastian Bach. Năm 13 tuổi, Zara chuyển sang học violin tại Trường Âm nhạc Gnessin trong lớp của giáo sư Peter Bondarenko. Chính tại đây, ở tuổi 16, mặc dù chơi thành thạo 2 nhạc cụ nhưng cuối cùng Zara đã tìm ra được con đường nghệ thuật đích thực của mình là ca hát. Người có công lớn trong việc phát hiện ra tài năng của cô là giảng viên thanh nhạc Volga Belyaeva-Tarasevich. Bà đã dựa vào giọng ngực có âm thanh đẹp đẽ và tự nhiên của Zara để xác định đây là một giọng mezzo-soprano. Cô đã theo học thanh nhạc tại đây trong lớp của Vera Manuilovna để giúp giọng ca trong tương lai trở nên mạnh mẽ hơn, tạo một nền tảng vững chắc để có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.

Những năm Zara học tại trường Gnessin trùng hợp với thời kỳ hưng thịnh của nền âm nhạc Xô viết. Rất nhiều tác phẩm được sáng tác, rất nhiều chương trình hoà nhạc được tổ chức với sự tham gia của những tài năng sáng giá nhất Liên Xô cũng như nhiều vị khách mời quốc tế. Một thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng xuất hiện, được nhận định sẽ là luồng gió mới, kế tục những bậc thầy trước đây. Nhưng bản thân Zara lại chưa nghĩ đến việc trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp dù rằng cô đã thể hiện được năng lực của mình trong cả việc chơi piano, violin và hát những ca khúc thính phòng. Như một sự sắp đặt tuyệt vời của số phận, sự trưởng thành và phát triển nghề nghiệp lại không gắn liền với một cơ sở giáo dục nào. Chưa hề tốt nghiệp trường Gnessin, năm 1938, Zara chuyển đến Yerevan hoàn toàn vì lý do cá nhân. Cô gặp gỡ nhà soạn nhạc trẻ tuổi Alexander Dolukhanyan đẹp trai, tài năng và đã trở thành bà Dolukhanova. Việc học tập bị gián đoạn ngay trước kỳ thi cuối cùng, Dolukhanyan đã đảm nhiệm công việc của một giáo viên thanh nhạc và thuyết phục người bạn đời của mình rằng phiên bản gia đình của một “nhạc viện” cũng rất phù hợp. Bản thân Dolukhanyan là một người uyên bác, rất có năng lực trong những vấn đề liên quan đến thanh nhạc. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Leningrad khoa piano, hoàn thành nghiên cứu sau đại học vào năm 1935 Và sau khi kết hôn Dolukhanyan tiếp tục nâng cao khả năng sáng tác của mình bằng những bài học với Nikolai Myaskovsky. Tại Nhạc viện Yerevan, ông là trưởng khoa piano và biểu diễn thính phòng. Với Dolukhanova, giai đoạn này là quãng thời gian bà tích luỹ những kỹ năng, sự sáng tạo và cảm thấy thật hạnh phúc.

Kể từ mùa thu năm 1938, Dolukhanova đã tham gia vào các hoạt động âm nhạc ở Yerevan khi trở thành thành viên của nhà hát tại đây. Một danh ca nổi tiếng khác của Liên Xô thời gian này cũng trở thành đồng nghiệp của bà. Đó là baritone Pavel Lisitsian, người đã cưới chị gái Dagmara của Dolukhanova vào năm 1937. Những vai diễn opera đầu tiên của bà trong sự nghiệp là Siebel (Faust, Charles Gounod), Dunyasha (Cô dâu của Sa hoàng, Nikolai Rimsky-Korsakov) và Paulina (Con đầm pích, Peter Ilyich Tchaikovsky), cả ba đều dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Mikhail Tavrizian, một nghệ sĩ nghiêm khắc và tài năng. Việc tham gia vào các vở opera cùng Tavrizian là một bài kiểm tra nghiêm túc, một cuộc trắc nghiệm đầu tiên cho sự trưởng thành. Sau khi quay về Moscow để thực hiện thiên chức làm mẹ, bà đã quay trở lại nhà hát Yerevan, trùng với thời điểm Thế giới thứ hai nổ ra, tiếp tục các vai diễn của mình. Lúc này, cuộc sống âm nhạc tại Yerevan trở nên sôi động hơn rất nhiều vì các cuộc di tản đã mang một lượng lớn nhạc sĩ đến nơi đây. Bà đã có cơ hội cọ xát với nhiều tài năng hàng đầu đất nước thời kỳ đó. Nhưng bỗng nhiên thật đột ngột, vào cuối năm 1943, Dolukhanova chia tay sân khấu opera! Tại sao? Tavrizian là người đầu tiên trả lời cho câu hỏi bí ẩn này. Ông cảm nhận rõ ràng bước nhảy vọt về chất của người nghệ sĩ trẻ trong việc nắm vững kỹ thuật biểu diễn, ghi nhận sự rực rỡ đặc biệt của những nốt coloratura và các sắc thái mới trong giọng hát. Đây hoàn toàn không phải là một ca sĩ non nớt với những bước chập chững vào nghề mà là một bậc thầy với khả năng làm chủ giọng hát vô song hội tụ cả một tương lai xán lạn phía trước, nhưng không phải trên sân khấu opera mà là ở các phòng hoà nhạc. Theo bản thân Dolukhanova, hát thính phóng giúp bà giải phóng những khát vọng cá nhân và được làm việc một cách thoải mái, tự do hơn. Trong opera, bà cảm thấy phải phụ thuộc quá nhiều vào những yếu tố bên ngoài như nhạc trưởng, các ca sĩ đối tác, sân khấu… Dolukhanova cảm thấy bị bó buộc nhiều trong opera với tư cách cá nhân trong khi hát thính phòng cho phép bà dễ dàng thực hiện được những điều muốn nói. Dolukhanova không bao giờ hối hận về quyết định này. Bà nhận ra đó là thiên chức của mình.

Dù sao thì khoảng thời gian hơn 3 năm gắn bó với nhà hát Yerevan cũng là phần mở đầu cho cuộc đời nghệ thuật của Dolukhanova. Năm 1944, bà chuyển về sinh sống tại Moscow, trở thành thành viên của Moscow Radio Symphony Orchestra, thuộc Đài phát thanh toàn liên bang Xô viết. Hai năm sau, Dolukhanova có buổi độc diễn đầu tiên của riêng mình. Chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, bà đã thu hút được một lượng lớn khán giả yêu thích. Dolukhanova tích cực quảng bá các tác phẩm thanh nhạc của những nhà soạn nhạc Xô viết hàng đầu lúc bấy giờ như Sergei Prokofiev, Dmitri Shostakovich hay Georgy Sokolov và tham gia vào hầu hết các vở opera được Đài phát thanh dàn dựng. Những buổi biểu diễn các vở opera của Gioachino Rossini như L’italiana in Algeri hay La Cenerentola cho đến nay vẫn là những cột mốc quan trọng lịch sử opera của Liên Xô và đưa tên tuổi của Dolukhanova vào danh sách những tài năng sáng chói nhất của đất nước. Những vai diễn này mang một tinh thần, một vẻ đẹp của giọng coloratura mezzo-soprano mà không một nghệ sĩ Liên Xô nào lúc đó có thể sánh bằng. Năm 1949, bà tham gia Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ II được tổ chức tại Budapest và giành giải nhất. Đó là sự khởi đầu cho việc nổi tiếng trên trường quốc tế của Dolukhanova. Danh tiếng lớn dần theo từng năm trôi qua, sau mỗi chuyến lưu diễn. Ngày 15/1/1955, cùng với Nina Dorliak và Alec Maslennikov, bà đã biểu diễn ra mắt tập ca khúc Từ những vần thơ dân gian Do Thái dành cho soprano, mezzo-soprano, tenor và piano của Shostakovich dưới sự đệm đàn của chính nhà soạn nhạc. Năm 1957, Dolukhanova mới thực sự kết thúc việc học tập của mình khi nhận bằng tốt nghiệp từ trường Gnessin.

Nhà phê bình âm nhạc Larry Friedman đã nhận xét: “Giọng mezzo-soprano của Dolukhanova có một âm sắc đẹp đặc trưng và âm vực lớn, sự kết hợp hiếm có cho một giọng hát với những nốt coloratura sáng sủa. Bà có nguồn cảm hứng, trí thông minh, văn hóa âm nhạc cao, gu thẩm mỹ tỉ mỉ, đĩnh đạc và quý phái trong sự diễn đạt cảm xúc và ngữ điệu chính xác, chưa kể đến khả năng biểu diễn trên sân khấu tao nhã và cuốn hút”. Nỗ lực liên tục để hoàn thiện giọng hát của mình luôn là mối quan tâm hàng đầu của Dolukhanova. Cả cuộc đời bà là sự lao động miệt mài và cố gắng không ngừng nghỉ để phục vụ khán giả và nghệ thuật một cách tốt nhất. Ở bà là sự kết hợp hoàn hảo của khả năng trình diễn sáng tạo, cảm xúc tươi sáng và nguồn tri thức sâu sắc. Bà là ca sĩ đầu tiên tại Liên Xô đưa vào chương trình của mình các tác phẩm thanh nhạc của những nhà soạn nhạc Baroque như Benedetto Marcello, Domenico Scarlatti, Giovanni Battista Pergolesi và nhiều tên tuổi khác. Danh mục biểu diễn của bà là vô cùng rộng lớn. Chưa bao giờ Dolukhanova lặp lại cùng một chương trình trong một thành phố mà bà đã đi qua. Dolukhanova đã được so sánh với những huyền thoại trong các ca khúc nghệ thuật như Dietrich Fischer-Dieskau hay Elisabeth Schwarzkopf nhưng thậm chí bà đã vượt qua họ vì sự đa dạng trong phong cách và kho tư liệu của mình. Cũng như nhiều ca sĩ hát thính phòng khác, Dolukhanova cũng có nghệ sĩ đệm piano thân thiết của mình. Ban đầu là Eevgeny Kanger và sau là Nina Svetlanova, người từng là học trò của Heinrich Neuhaus tại nhạc viện Moscow. Ngoài âm nhạc, một niềm đam mê khác bà mang theo suốt cuộc đời mình là vẽ tranh.

Năm 1959, Dolukhanova trở thành thành viên của Moscow Philharmonic, thường xuyên biểu diễn dưới sự chỉ huy của Kirill Kondrashin. Tháng 5/1959, bà có chuyến biểu diễn lịch sử tại Carnegie Hall. Sau đêm diễn, báo chí đã ca ngợi: “Hôm qua, khán giả vô cùng phấn khích, đã có một niềm vui khó quên từ khả năng biểu đạt bậc thầy của Doloukhanova khi hát các ca khúc và aria bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau… Khán giả là người thực sự có thể đánh giá và hiểu vẻ đẹp của giọng hát, Thật may mắn khi được nghe bài hát Krunk của Armenia. Thậm chí chỉ để nghe bài hát này, thật đáng để đến Carnegie Hall trong điều kiện thời tiết tồi tệ như vậy. Nơi đây có những làn sóng âm thanh ngây ngất. Nghệ thuật tuyệt vời của bà đã thực sự quyến rũ người nghe”. Tài năng của bà đã được xác nhận trên bình diện quốc tế. Cả Metropolitan Opera và Covent Garden đã đưa ra những lời mời biểu diễn nhưng Dolukhanova đều từ chối, bà không muốn xuất hiện trên sân khấu opera. Đó thực sự là một điều vô cùng đáng tiếc! Tuy vậy, bà cũng có những chuyến lưu diễn tới hơn 40 quốc gia khác nhau trong sự nghiệp của mình, một điều không hề dễ dàng tại Liên Xô thời kỳ đó.

Từ năm 1963, Dolukhanova bắt đầu đưa các trích đoạn opera dành cho soprano, thậm chí là những vai kịch tính, vào trong chương trình biểu diễn của mình và coi đó là một trong những phần quan trọng nhất. Ta có thể kể đến Tosca (Tosca), Mimì (La Bohème) của Giacomo Puccini, Maddalena (Andrea Chénier, Umberto Giordano) hay Norma (Norma, Vincenzo Bellini). Bà cũng là ca sĩ đầu tiên của Liên Xô hát Bốn ca khúc cuối cùng của Richard Strauss. Tháng 2/1969, lần đầu tiên Liên Xô dàn dựng vở opera Suor Angelica của Puccini, dù chỉ là trong một buổi hoà nhạc. Chương trình diễn ra tại phòng hoà nhạc lớn nhạc viện Tchaikovsky, nhạc trưởng là Gennady Rozhdestvensky và Dolukhanova hát vai chính. Và bà đã toả ra một thứ ánh sáng đầy ma lực, quyến rũ và hấp dẫn một cách đặc biệt. Khi đêm diễn kết thúc, khán giả đã lặng người đi trong giây lát và rồi những tràng pháo tay vang dội bùng lên, Những ai may mắn được tham dự buổi biểu diễn sẽ không bao giờ quên được. Năm 1970, trở về quê nhà sau một chuyến lưu diễn tại Mỹ, Dolukhanova giã từ sự nghiệp ca hát và tập trung vào công việc giảng dạy tại ngôi trường cũ Gnessin của mình. Bà đã chia sẻ những bí quyết, dạy cho họ một thái độ cẩn trọng trong nghề nghiệp, nuôi dưỡng tình yêu và sự bùng cháy trong âm nhạc. Người học trò xuất sắc nhất của bà là Olga Borodina, một trong những giọng mezzo-soprano hàng đầu thế giới những năm cuối thế kỷ 20. Dolukhanova qua đời ở Moscow sau một trận ốm dài vào ngày 4/12/2007 ở tuổi 90. Bà được chôn cất tại nghĩa trang Armenia, Moscow.

Những ca sĩ khác, điển hình là Nadezhda Obukhova đã rất thành công trong việc đưa những ca khúc nghệ thuật và dân gian Nga lên sân khấu nhưng trong địa hạt thính phòng, vị trí của Dolukhanova là vô song. Danh mục biểu diễn của bà là không thể so sánh, từ âm nhạc Baroque, lied Đức, mélodie Pháp cho đến các tác phẩm đương đại của Liên Xô cũng như nước ngoài. Dolukhanova thực sự dũng cảm, vì trong thời của bà, chưa một ai liều lĩnh lựa chọn các phòng hoà nhạc để thể hiện tài năng của mình. Xuất hiện trên sân khấu opera vẫn là cách nhanh chóng hơn để thu hút khán giả và nổi tiếng. Bà không để nhiều bản ghi âm, điều này càng tạo thêm không khí bí ẩn cho tài năng của Dolukhanova.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
soviet-art.ru
persona.rin.ru
ninasvetlanova.com