Thông tin chung

Tác giả: Jean Sibelius.
Tác phẩm: Giao hưởng số 5 giọng Mi giáng trưởng, Op. 82
Thời gian sáng tác: Năm 1915. Sau đó nhà soạn nhạc còn hai lần sửa chữa tác phẩm vào các năm 1916 và 1919.
Công diễn lần đầu: Phiên bản đầu tiên được chính nhà soạn nhạc chỉ huy Helsinki Philharmonic tại Helsinki vào ngày 8/12/1915, nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của Sibelius, được coi là ngày lễ quốc gia. Đúng một năm sau, ông chỉ huy phiên bản thứ hai cùng Orchestra of Turun Soitannollinen Seura tại Turku. Phiên bản cuối cùng, mà ngày nay được biểu diễn thường xuyên nhất, được Sibelius chỉ huy Helsinki Philharmonic vào ngày 24/11/1919.
Độ dài: Khoảng 30 phút.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Tempo molto moderato – Allegro moderato (ma poco a poco stretto) – Vivace molto – Presto – Più presto (Mi giáng trưởng)
Chương II – Andante mosso, quasi allegretto – Poco a poco stretto – Tranquillo – Poco a poco stretto – Ritenuto al tempo I (Son trưởng)
Chương III – Allegro molto – Misterioso – Un pochettino largamente – Largamente assai – Un pochettino stretto (Mi giáng trưởng)
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Trong những năm 1910-1914, Sibelius đấu tranh với mong muốn được thế giới công nhận là một nhà soạn nhạc hiện đại nhưng đồng thời ông cũng bác bỏ những phong cách thịnh hành nhất lúc bấy giờ, do Debussy, Mahler, Stravinsky hay Richard Strauss thiết lập. Sau Giao hưởng số 4 (1911), Sibelius đã gặp phải khó khăn trong việc sáng tác. Ông đã mất tám năm để có thể có được phiên bản cuối cùng cho bản Giao hưởng số 5 của mình. Những phác thảo đầu tiên xuất hiện từ mùa xuân năm 1912 khi Sibelius còn đang tiến hành nhiều tác phẩm khác. Nhưng rồi vì nhiều lí do, ông chưa thể hoàn thành chúng. Mùa hè năm 1914, ngay sau khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Sibelius cho biết mình đã có ý tưởng về “một chủ đề đáng yêu”. Và đến mùa thu, Sibelius viết thư cho người bạn Axel Carpelan: “Một vực thẳm đau khổ khác. Nhưng tôi đã có thể xác định được ngọn núi mà tôi sẽ leo lên… Chúa đang mở cửa trong giây lát và dàn nhạc của Ngài đang chơi bản giao hưởng thứ năm”. Nhưng ghi chép của nhà soạn nhạc vào tháng 10 và 11/1914 cho thấy ông tràn ngập ý tưởng về tác phẩm mới của mình: “Mặt trời mùa thu đang chiếu sáng. Thiên nhiên trong sắc màu vĩnh biệt. Trái tim tôi đang hát lên buồn bã – những chiếc bóng dài hơn. Khúc Adagio trong bản giao hưởng thứ năm của tôi? Rằng, kẻ tội nghiệp như tôi lại có thể có những khoảnh khắc phong phú như vậy sao!” hay “Tôi có một chủ đề đáng yêu. Một Adagio cho bản giao hưởng – trái đất, côn trùng và đau khổ, fortissimo và sordino (chơi tắt tiếng), rất nhiều sordino. Và các giai điệu là thần thánh”.

Đến tháng 4/1915, mọi việc tiến triển có vẻ thuận lợi, Sibelius viết trong nhật ký: “Vào buổi tối, tôi đang làm việc với bản giao hưởng. Nhiệm vụ quan trọng này khiến tôi say mê một cách kỳ lạ. Như thể đức Chúa Cha đã ném xuống những mảnh ghép từ trời cao và yêu cầu tôi tìm ra bức tranh gốc”. Ngày 21/4, Sibelius nhìn thấy 16 con thiên nga đang bay. Ngay lập tức, ông sáng tác một chuỗi các chủ đề tuyệt vời, trở thành phần kết của tác phẩm. Sibelius viết trong nhật ký: “Một trong những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc đời tôi! Chúa ơi, thật đẹp làm sao!”

Bản giao hưởng đã được Sibelius hoàn thành để kịp biểu diễn ra mắt vào ngày 8/12/1915, đúng dịp kỉ niệm 50 năm ngày sinh của ông, được Phần Lan coi là một ngày lễ quan trọng. Trong phiên bản đầu tiên này, bản giao hưởng ở dạng 4 chương, trong đó 2 chương đầu tiên có nhiều chất liệu tương tự nhau. Nhà phê bình Otto Kotilainen đã nhận xét trên Helsingin Sanomat rằng chương I có kết thúc rất kỳ lạ, như thể đó chỉ là phần giới thiệu cho chương II, một khúc scherzo nhanh ở nhịp 3/4. Chương III là một khúc andante đơn giản, sâu lắng và tuyệt đẹp. Còn chương cuối giống như một cuộc tung hoành của các thế lực tự nhiên. Kotilainen tuyên bố bản giao hưởng thứ năm là một kiệt tác thực sự: “Âm nhạc thực sự kỳ diệu”. Còn khán giả thì hò reo rất nhiều trong buổi biểu diễn.

Dẫu nhận được những lời khen ngợi, Sibelius không hài lòng với bản Giao hưởng số 5 và ngay lập tức, ông bắt tay vào việc sửa chữa tác phẩm. Tuy nhiên, đây chính là giai đoạn sức khoẻ của nhà soạn nhạc trở nên tồi tệ. Sibelius bị chẩn đoán nhầm là ung thư vòm họng (cuối cùng đó chỉ là những khối u) và phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật. Phiên bản thứ hai này được biểu diễn đúng một năm sau phiên bản đầu tiên. Ngày nay, phần lớn tổng phổ của lần chỉnh sửa này đã bị thất lạc nên không thể chỉ ra cụ thể những thay đổi của Sibelius. Năm 1917, Phần Lan tuyên bố độc lập và nổ ra cuộc chiến tranh với nước Nga. Quân đội Nga đã tiến vào thành phố nơi Sibelius sinh sống buộc ông cùng gia đình phải di tản đến Helsinki vào đầu năm 1918. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn, Sibelius cũng như nhiều người Phần Lan khác phải trải qua những cơn đói kéo dài cũng như nỗi lo sợ chết chóc. Cuối năm đó, Sibelius mới được trở về nhà, tiếp tục sáng tác và dành thời gian để một lần nữa sửa chữa bản Giao hưởng số 5 của mình. Phiên bản thứ ba này cuối cùng cũng làm Sibelius hài lòng. Bản giao hưởng đã được cô đọng lại thành ba chương với hai chương đầu tiên được ghép thành một. Chương chậm trở nên linh hoạt hơn với nhiều biến tấu phong phú và mang đến cảm giác mơ hồ về chủ đề gốc. Trong chương cuối, nhiều kết nối lỏng lẻo đã bị xoá bỏ. Ngày 22/4, Sibelius viết: “Bản giao hưởng số 5 – kỳ diệu, quả thật là khủng khiếp; hoàn thành ở dạng cuối cùng. Đã đấu tranh với Chúa”.

Phân tích

Là sự hợp nhất của hai chương đầu tiên của phiên bản năm 1915, chương I này là một trong những cấu trúc âm nhạc sáng tạo nhất của Sibelius. Nó được bắt đầu bằng âm thanh vang lên của horn trong khi timpani tremolo mở ra cánh cửa đến với “vũ trụ” của bản giao hưởng. Chính bốn nốt nhạc đầu tiên của horn này là tế bào nguyên thuỷ mà tất cả các hoạ tiết quan trọng sau đó đều có dính líu. Về cơ bản, chương nhạc có hình thức sonata truyền thống. Tuy nhiên, các chất liệu âm nhạc được sử dụng một cách hiện đại và phức tạp hơn. Cho đến tận ngày nay, nhiều học giả tuy thống nhất về hình thức sonata nhưng vẫn tranh luận trong việc phân tích nó, cụ thể là sự tồn tại của hai phần trình bày, chức năng chính của phần scherzo và trio cũng như vị trí chính xác của phần tái hiện và coda. Về mặt âm nhạc, đó là một tuyên ngôn đưa chúng ta từ bóng tối ra ánh sáng. Những ý tưởng âm nhạc ngắn gọn xuất hiện từ trong sâu thẳm dàn nhạc. Bassoon tạo ra một mối đe doạ đen tối nhưng rồi dàn dây dần đưa người nghe đến với ánh sáng và tiếng horn chiến thắng vang lên. Các hoạ tiết âm nhạc này kết nối với nhau, tạo thành một chủ đề đầy đủ. Trong phần giữa của chương nhạc, tiếng horn trong phần đầu và “chủ đề thiên nga” đều được xuất hiện. Âm nhạc tiến về phía trước một cách nhanh chóng, những tuyên bố đầy táo bạo được đưa ra và rồi chương nhạc kết thúc một cách đột ngột.

Chương II mở ra bằng một chủ đề tuyệt đẹp được đối thoại giữa flute và dàn dây. Sau đó, nó được biến tấu nhiều lần, trở nên mê đắm hơn. Trong đó, ta thấy được “chủ đề thiên nga” và thậm chí là những bóng tối từ bản giao hưởng số 4. Oboe tấu lên một nét nhạc đầy đăm chiêu trong khi dàn dây lãng mạn hơn đưa người nghe qua nhiều màu sắc cảm xúc đầy tinh tế. Kèn đồng đóng vai trò làm nền với những hợp âm mờ ảo.

Chương III là một trong những chương nhạc tuyệt vời nhất của Sibelius. Mở đầu bằng một giai điệu nhanh trên dàn dây, được chơi tremolo, và rồi trên đó “chủ đề thiên nga” chính thức xuất hiện qua tiếng horn, hân hoan, rộn rã. Chủ đề này và các biến tấu được hiển thị đầy rực rỡ. Và khi “chủ đề thiên nga” mờ dần đi, tiếng flute nổi lên với các chất liệu được lấy từ phần đầu chương nhạc. Hai ý tưởng này được phát triển tiếp tục trong suốt chương nhạc, qua nhiều giọng khác nhau để rồi trở về giọng chủ Mi giáng trưởng. Chương nhạc kết thúc sau 6 tiếng nổ hoành tráng được ngăn cách bằng những khoảng lặng, như những tiếng reo vui chiến thắng, một ý tưởng hoàn toàn mới, không có trong các phiên bản trước đó, khép lại một trong những bản giao hưởng ấn tượng nhất của thế kỷ 20.

Sibelius đã tiêu tốn nhiều thời gian nhất vào tác phẩm này. Đó cũng là một giai đoạn nhiều biến động, vất vả, thậm chí là khủng khiếp đối với nhà soạn nhạc nói riêng cũng như cả đất nước Phần Lan. Và ở mức độ nào đó, những điều đó đã được phản ánh trong cuộc đấu tranh tìm kiếm sự hoàn hảo trong bản Giao hưởng số 5 này. Cuối cùng, với nhiều công sức đã bỏ ra, Sibelius đã được đền đáp xứng đáng, tác phẩm đã trở thành một trong những đỉnh cao chói sáng trong sự nghiệp vốn đã vô cùng rực rỡ của ông.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
sibelius.info
philorch.org
clevelandorchestra.com