Thông tin chung

Tác giả: Camille Saint-Saëns.
Tác phẩm: Concerto cello số 1 giọng La thứ, Op. 33
Thời gian sáng tác: Năm 1872.
Công diễn lần đầu: Ngày 19/1/1873 tại nhạc viện Paris với Auguste Tolbecque chơi cello và Édouard Deldevez chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 20 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho nghệ sĩ cello người Bỉ Auguste Tolbecque (1830-1919).
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 1 chương duy nhất nhưng được chia làm 3 phần:
Allegro non troppo – Allegretto con moto – Tempo primo
Thành phần dàn nhạc: Cello độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Ở tuổi 37, Saint-Saëns là nhà soạn nhạc năng động, có sức sáng tạo dồi dào. Ông có quyết tâm vực dậy tinh thần thực sự của âm nhạc Pháp, thứ trở nên trì trệ và khô cằn dưới ảnh hưởng của Wagner. Không phải là Saint-Saëns có ý định chống lại âm nhạc Đức, mà ngược lại, vào năm 1872 dưới bút danh Phémius, ông bắt đầu viết bài phê bình âm nhạc, ca ngợi những nhạc sĩ như Handel và Liszt cùng với những nhà soạn nhạc mà ông yêu thích như Rameau và Gounod. Âm nhạc của chính ông cũng cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ giao hưởng Đức vì thật sự vào thời điểm đó, truyền thống giao hưởng Pháp chưa thực sự rõ nét.

Saint-Saëns là một nghệ sĩ thuần tuý, người có thể sáng tạo ra âm nhạc một cách tự nhiên “như cây táo sinh ra quả táo” và tin vào việc nghệ thuật tồn tại là vì chính nó. Đặc trưng cho phong cách âm nhạc của Saint-Saëns thể hiện qua sự chói sáng của các nhạc cụ: “Đối với tôi, hình thức là bản chất của nghệ thuật. Người yêu nhạc hầu hết bị niềm đam mê và sự biểu cảm mê hoặc, nhưng đó không phải đối với trường hợp của nghệ sĩ. Một người nghệ sĩ nếu như không cảm thấy thoả mãn cá nhân sâu sắc với những đường nét tinh tế, màu sắc hài hoà hoặc sự tiến triển hoàn hảo của các hợp âm sẽ không nhận thức được nghệ thuật đích thực. Trình độ biểu diễn điêu luyện sẽ chắp cho nhà soạn nhạc đôi cánh để bay trên sự tầm thường và vô vị”. Kiến thức đáng kinh ngạc của Saint-Saëns về các nhạc cụ giúp ông sáng tác được nhiều bản concerto cho piano, violin, cello cũng như các sonata cho bassoon, clarinet, oboe cũng như các tác phẩm khác dành cho nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc (hoặc piano).

Trong số những tác phẩm trên, bản Concerto cello số 1 là một tác phẩm rất đáng chú ý. Về mặt hình thức, nó chịu ảnh hưởng từ Liszt, người mà Saint-Saëns vô cùng ngưỡng mộ, cụ thể hơn là từ bản Concerto piano số 1, khi mà Saint-Saëns cũng tìm cách tích hợp các chương của một bản concerto thành một tổng thể liên tục với chủ đề chính xuyên suốt tác phẩm. Ngoải ra, với việc bản concerto cello được trình diễn ra mắt tại Nhạc viện Paris, nơi được mệnh danh là pháo đài của sự bảo thủ, các tác phẩm được trình diễn vốn thường thuộc về những bậc thầy về già hoặc đã mất, đây được coi là dấu hiệu đánh dấu sự chấp nhận ngày càng tăng của giới âm nhạc Pháp đối với Saint-Saëns.

Phân tích

Bản concerto được chia làm 3 phần được phân định rõ ràng và đánh dấu nhịp độ khác nhau và không có khoảng nghỉ. Tác phẩm bắt đầu dường như với dấu hiệu của một chương I với hình thức sonata-allegro đầy đủ. Cello ngay lập tức xuất hiện với một nét chấm phá bất thường, mạnh mẽ, tích cực. Chủ đề chính này là các chùm 3 chạy legato rất độc đáo, được kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm sắc trữ tình quyến rũ của đàn cello với kỹ thuật trình diễn đỉnh cao của nghệ sĩ độc tấu. Saint-Saëns đã giải quyết được vấn đề cân bằng, khó khăn lớn nhất để có được một bản concerto cello thành công. Chủ đề trữ tình, trầm ngâm của cello tiếp sau được dàn nhạc hỗ trợ bằng những chùm ba. Xuất hiện đoạn Animato mới với hai điểm dừng cho cello dẫn tới một đoạn nhạc thậm chí có nhịp độ còn nhanh hơn với chủ đề khác, được chơi với dàn nhạc ở giọng Pha trưởng. Tưởng như sẽ tiếp tục xuất hiện yếu tố mới, chủ đề chùm 3 trở lại với cello, nhưng ở giọng Rê trưởng và phần phát triển của 2 chủ đề đầu tiên tiếp tục.

Sau một khoảng nghỉ đủ dài để nghệ sĩ độc tấu lấy đà, phần hai Allegretto con moto bắt đầu với dàn nhạc với bè dây chơi tắt tiếng ở nhịp 3/4. Phần này là một minuet tinh tế với giai điệu ở dải âm hẹp nhưng trang nghiêm. Khi cello xuất hiện, âm thanh dường như cô đơn trước khi dàn nhạc bắt đầu lại phần minuet phía dưới giai điệu đối âm của cello. Sau khi cello chiếm lĩnh phần minuet, thay cho phần Trio là một cadenza cho nghệ sĩ độc tấu (cadenza duy nhất của tác phẩm), dẫn đến những mảnh không liền mạch của chủ đề minuet nhưng ở những hoà âm khác cuối cùng dừng lại ở Si giáng trưởng khi nhịp độ Allegro trở lại.

Chủ đề chùm 3 ở phần đầu tiên, giờ được chơi trên dàn nhạc, mở màn phần cuối. Saint-Saëns biến đổi chất liệu này trở về chủ âm trước khi bắt đầu một ý tưởng mới Un peu moins vite (chậm hơn một chút), trên cello độc tấu. Được thúc đẩy về phía trước thông qua đảo phách, nhịp điệu theo kiểu Sarabande cho tới khi cello chiếm lĩnh với một chuỗi các nốt móc kép làm náo động đẩy hoà âm tới giọng La thứ. Sự tương phản là phần nổi bật nhất trong phần còn lại của tác phẩm, hoạt động giống như một rondo. Chủ đề chùm 3 của phần mở đầu và chủ đề thứ 3 giới thiệu một coda, chứa đựng những chất liệu âm nhạc mới và khép lại tác phẩm ở giọng La trưởng.

Bản Concerto cello số 1 luôn được coi là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Saint-Saëns, ông đã đề tặng cho nghệ sĩ cello người Bỉ Auguste Tolbecque, người cũng đa tài như mình. Chính Tolbecque là người đã trình diễn phần cello trong lần ra mắt tác phẩm tại Paris. Bản concerto cello ngay lập tức được đón nhận, đặc biệt ở Pháp, nơi được coi là không sẵn sàng chào mừng những xu hướng hiện đại của Saint-Saëns. Nhà phê bình âm nhạc người Anh Donald Tovey đã nhận xét về tác phẩm: “Đây là một bản concerto cello mà trong đó nhạc cụ độc tấu thể hiện mọi quãng âm của mình mà không gặp một chút khó khăn nào khi thâm nhập vào dàn nhạc”.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
nyphil.org
interlude.hk
sfsymphony.org