THÔNG TIN CHUNG

Tác giả: Max Bruch.
Tác phẩm: Scottish Fantasy giọng Mi giáng trưởng, Op. 46
Thời gian sáng tác: Năm 1879-1880.
Công diễn lần đầu: Ngày 22/2/1881 tại Liverpool với tác giả chỉ huy Liverpool Philharmonic Society và Joseph Joachim chơi violin.
Độ dài: Khoảng 26 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng Pablo de Sarasate.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Introduction: Grave – Adagio cantabile
Chương II – Scherzo: Allegro
Chương III – Andante sostenuto
Chương IV – Finale: Allegro guerriero
Thành phần dàn nhạc: Violin độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, bass drum, cymbal, harp và dàn dây.

HOÀN CẢNH SÁNG TÁC

Đất nước và văn hoá Scotland là nguồn cảm hứng cho những nhà soạn nhạc theo chủ nghĩa Lãng mạn Đức như Mendelssohn, Schumann và Bruch. Âm hưởng đặc trưng của âm nhạc Scotland lan toả khắp bản Giao hưởng số 3 “Scottish” của Mendelssohn và một số bài hát của Schumann và thậm chí là cả Beethoven trước đó. Đó là chúng ta còn chưa kể đến Lucia di Lammermoor của Donizetti và Waverley của Berlioz. Nhưng với Bruch, một người yêu thích các tác phẩm của những nhà văn Scotland như Walter Scott và Robert Burns, ông còn đi xa hơn những vị tiền bối của mình trong Scottish Fantasy. Ông đã sử dụng những chất liệu âm nhạc dân gian Scotland làm chủ đề trong tác phẩm này. Bruch sở hữu trong tay The Scots Musical Museum, một bộ sưu tập các giai điệu dân ca Scotland nổi tiếng được Robert Burns và Stephen Clarke tuyển chọn vào cuối thế kỷ 18 và đó là nguồn tài liệu hữu ích cho nhà soạn nhạc.

Scottish Fantasy được nhà xuất bản Simrock xuất bản với tên gọi đầy đủ: Fantasy cho violin với dàn nhạc và harp với việc sử dụng tự do các giai điệu dân gian Scotland. Fantasy khi đó được dùng để chỉ những tác phẩm có thời lượng ngắn và cấu trúc lỏng lẻo. Trên thực tế, về mặt hình thức, đây cũng có thể coi là một concerto dành cho violin với 4 chương nhạc và độ dài lên đến gần 30 phút. Bản thân Bruch cũng từng đặt tên tác phẩm là bản violin concerto số 3 trong một lần biểu diễn tác phẩm này ở Breslau, Ba Lan. Như một sự gợi lên tinh tế hơn về âm nhạc truyền thống Scotland, trong tác phẩm, harp đã được sử dụng với một vai trò nổi bật.

Phân tích

Chương I

Chương I mở đầu bằng phần giới thiệu Grave chậm rãi, trang trọng của trombone và harp, gợi lên bầu không khí mơ mộng lấy cảm hứng từ hình ảnh “một thi nhân già trầm ngâm về lâu đài đổ nát và than thở về thời huy hoàng xưa cũ”, vang vọng lại không khí mở đầu trong “Scottish” của Mendelssohn. Violin độc tấu xuất hiện, mang đến một bầu không khí tươi sáng, ấm áp. Trong phần Adagio cantabile là một bản song ca tuyệt vời của violin và harp, được phối khí một cách tinh tế trên nền đệm của bè dây chơi tắt tiếng. Bài dân ca “Auld Robin Morris” đã được sử dụng là chất liệu cho phần này. Violin được đẩy lên đến một cao trào ở gần cuối chương nhạc, nhưng nhanh chóng giảm xuống và kết thúc trong sự lặng lẽ.

Chương II

Chương II ở giọng Son trưởng được xây dựng dựa trên bài hát “Hey, the Dusty Miller”. Âm thanh của chiếc kèn túi được mô tả qua tiếng ò è của double bass, trong khi violin độc tấu trưng trổ những màn phô diễn của mình sau phần giới thiệu trên dàn dây sử dụng kỹ thuật double-stop (chơi đồng thời 2 nốt nhạc cùng lúc). Âm nhạc gợi lên một không khí đồng quê. Dàn nhạc tiếp nhận chủ đề và phần còn lại của chương nhạc như một cuộc đối thoại sống động. Ở phần cuối, có một đoạn hồi tưởng ngắn về Auld Robin Morris, tạo thành một cầu nối vào chương tiếp theo.

Chương III

Chương III gần gũi với một bài hát nhất, được tiếp nối không ngừng nghỉ (attaca). Về mặt cấu trúc, chương nhạc có hình thức biến tấu với chủ đề chính được dựa trên bài hát “I’m Down for Lack o ’Johnnie” được mở đầu với việc trình bày trực tiếp giai điệu và rồi sau đó violin độc tấu ngày càng trở nên kích động hơn cho đến khi có sự thay đổi rõ rệt về tâm trạng và nhịp độ trong phần trung tâm của chương nhạc. Chủ đề mở đầu xuất hiện trở lại trong phần cuối.

Chương IV

Chương IV bắt đầu với một chủ đề gay cấn, dựa theo bài hát về chiến tranh Scots Wha Hae của người Scotland, với lời do Robert Burns viết, được dựa trên bài diễn văn của Robert the Bruce với quân đội Scotland trước trận chiến Bannockburn (1314). Đây được coi là quốc ca không chính thức của Scotland. Giai điệu này từng được Berlioz sử dụng trước đó trong overture Rob Roy. Chủ đề này ban đầu được violin độc tấu và được toàn bộ dàn nhạc đáp lại. Sau một khoảng dừng ngắn, violin bắt đầu một loạt các biến tấu kỹ thuật dựa trên chủ đề chính. Đoạn trung tâm yên tĩnh xuất hiện, mang lại tâm trạng thanh thản như trong chương III nhưng rồi dàn nhạc đã mạnh mẽ xác nhận bản chất hiếu chiến như trong phần mở đầu. Violin độc tấu được đẩy lên cao trào với một cadenza rực lửa và tác phẩm kết thúc với tuyên bố cuối cùng đầy mãnh liệt của chủ đề chính.

Joachim là nghệ sĩ violin được Bruch tin tưởng giao phó Fantasy trong đêm trình diễn ra mắt. Tuy nhiên, theo như lời của nhà soạn nhạc, Joachim đã “tàn phá” tác phẩm và ông đã đề tặng Scottish Fantasy cho Sarasate. Arthur Abell, một người bạn của Bruch đã từng hỏi ông là tại sao Bruch, vốn là một nghệ sĩ piano, lại đam mê sáng tác cho violin như vậy. Bruch trả lời: “Bởi vì tiếng violin có thể hát lên những giai điệu hay hơn piano và giai điệu là linh hồn của âm nhạc”. Và như ông từng cáu giận lúc sinh thời, khi bản violin concerto số 1 đã vô tình che khuất tất cả những tác phẩm khác của ông, trong đó có Scottish Fantasy: “Hãy biến đi và một lần và mãi mãi để chơi những bản concerto khác, những tác phẩm đó cũng hay, nếu không muốn nói là hay hơn”. Có thể Bruch đã hơi quá lời nhưng Scottish Fantasy hoàn toàn là một bản nhạc tuyệt vời và xứng đáng để được biết đến một cách rộng rãi hơn.

Cobeo tổng hợp

Nguồn:
violin.org
philorch.org
peoriasymphony.org