Âm nhạc: Modest Mussorgsky
Libetto: Modest Mussorgsky dựa theo bi kịch cùng tên của A.C. Pushkin
Công diễn lần đầu: ngày 8 tháng 2 năm 1874 tại Nhà hát Mariinsky thành phố St Peterburg
Nhân vật: Loại giọng
Boris Godunov: Bass
Grigory, kẻ tự xưng: Tenor
Marina: Mezzo-soprano
Shuisky, công tước: Tenor
Pimen, người chép sử: Bass
Rangony, tu sĩ dòng Tên giấu mặt: Bass
Simpleton, Tiên tri ngây dại: Tenor
Varlaam: Bass
Missail: Tenor
Tóm tắt nội dung
Bối cảnh vở opera xảy ra tại Ba Lan và Nga vào các năm 1598 – 1605
Prologue.
Cảnh 1. Rất nhiều người dân tụ tập tại sân tu viện Novodevichi ngoại thành Moscow. Cảnh sát vung cây gậy tày, yêu cầu mọi người phải quỳ và cầu xin Boris Godunov lên ngôi Sa hoàng. Cha cố Tshelkanov xuất hiện trước công chúng, thông báo: “Con người cao quý không lay chuyển được! Và ngài không muốn nghe đến chuyện lên ngôi!”
Cảnh 2. Tiếng hát của các ca sĩ mù lang thang qua đường vẳng đến. Tựa trên vai những người dẫn đường, họ tiến đến tu viện, phân phát cho những người có mặt các lư hương và kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện, xin Boris Godunov lên ngôi, cứu nước Nga.
Màn 1
Cảnh 1. Đêm trong trai phòng của tu viện Chudovo. Già Pimen, người đã từng chứng kiến rất nhiều các sự kiện, đang chép sử. Tu sĩ trẻ Grigory ngủ trong góc phòng. Nghe vẳng tiếng cầu kinh. Grigory tỉnh giấc, thấy Pimen chưa ngủ, anh ta kể cho già Pimen nghe về giấc mơ bàng hoàng của mình và nhờ già lý giải. Giấc mơ của chàng tu sĩ trẻ tuổi gợi cho Pimen những hồi ức về các vị Sa hoàng đã buộc phải đổi “vương trượng, vương miện, bảo kiếm và ngôi báu” lấy chiếc mũ tu hành.
Chết lặng trong tim, Grigory nghe lời kể của vị tiên hiền về vụ giết Thái tử Dmitri. Già Pimen vô tình nói anh ta và Thái tử Dmitri cùng một lứa tuổi, và trong trí não anh ta đã tự vẽ nên cho mình một kế hoạch đầy tham vọng.
Cảnh 2. Nhà trọ gần biên giới Lithuania. Các tu sĩ bỏ trốn là Varlaam, Misail và Grigory xuất hiện. Bà chủ nhà trọ mời họ ăn uống. Những kẻ lang thang uống rượu vang, hát hò và đọc những câu văn vần. Grigory vẫn không vui – ý nghĩ về khả năng tự xưng Thái tử đã chiếm hoàn toàn tâm trí anh ta. Anh ta đang vội tìm đường sang Lithuania và hỏi bà chủ nhà trọ đường đi. Bà chủ cho anh ta hay đường đã bị phong toả – ai đó đang bị truy nã, nhưng vòng phong toả không làm anh ta nản chí. Người phụ nữ tốt bụng kể cho Grigory nghe về cách đi đường tắt.
Tiếng gõ cửa đột ngột vang lên, cảnh sát và mõ toà xuất hiện. Họ quan sát các tu sĩ đang ăn uống, tiến đến gần hỏi tên tuổi từng người và từ đâu đến. Họ đưa ra lệnh của Sa hoàng truy nã “kẻ trốn chạy khỏi tu viện Chudovo, tu sĩ thiếu tư cách Grigory dòng họ Otrepiev”. Mọi người nghi ngờ chàng thanh niên, nhưng anh ta đã kịp nhảy qua cửa sổ chạy trốn. Mọi người đuổi theo.
Màn 2. Căn phòng lộng lẫy trong lâu đài của Sa hoàng tại Kremlin, Moscow. Công chúa Ksenia than khóc trước chân dung vị hôn phu yểu mệnh của mình. Hoàng tử Feodor đọc sách. Nhũ mẫu thêu ren. Bà cố gắng làm công chúa khuây khoả bằng cách hát các bài hát dân ca, Feodor nghịch ngợm cùng hát với bà. Boris xuất hiện đột ngột. Sa hoàng dịu dàng an ủi con gái, hỏi chuyện con trai về các bài học và khen khuyến khích chàng về các thành tích đạt được trong học tập. Nhưng tất cả những câu chuyện đó không dứt nổi Sa hoàng khỏi các ý nghĩ nặng nề. Đã sáu năm ông ngồi trên ngai vàng, nhưng không cảm thấy tâm hồn thanh thản vì cả nước Nga nghèo đói đang rên xiết. Ông thấy nguyên nhân mọi bất hạnh của con gái và nghèo đói của nước Nga là sự quả báo cho hành động độc ác của mình – giết Thái tử Dmitri.
Nhà quý tộc Blizhny xuất hiện, phủ phục chào Sa hoàng và thông báo công tước Vassily Shuisky đang chờ tiếp kiến. Sa hoàng truyền gọi Shuisky và công tước thông báo về sự xuất hiện ở Lithuania một kẻ tự xưng là Thái tử Dmitri. Sa hoàng đòi công tước phải kể trung thực mọi chuyện mà mình biết về vụ giết Thái tử Dmitri khi chàng còn là một đứa trẻ. Công tước với vẻ mánh khoé kể lại mọi chi tiết, và Sa hoàng không chịu nổi sự tra tấn đó: Ông nặng nề ngã xuống ngai vàng – thấp thoáng trong bóng những tháp chuông trước mặt ông như hiển hiện hình bóng Thái tử đã bị giết.
Màn 3.
Cảnh 1. Phòng riêng của tiểu thư Marina Mnishek trong lâu đài Sandomir. Các cô thiếu nữ đang mua vui cho cô chủ bằng các bài hát ca ngợi sắc đẹp của tiểu thư. Nhưng tiểu thư vẫn không hài lòng, vì nàng đã chán nghe các bài ca giả dối. Nàng mơ ước cùng với vị hôn phu – Dmitri Người trả thù lên ngôi báu Vua của các Vua ở Moscow. Tu sĩ dòng Tên Rangony đột ngột xuất hiện ngoài cửa. Ông ta dùng quyền lực của nhà thờ buộc Marina bằng mọi mánh khoé của tình yêu khiến Dmitri – Kẻ tự xưng đấu tranh vì ngôi báu Sa hoàng.
Cảnh 2. Đêm trăng trong vườn, bên đài phun nước. Dmitri – Kẻ tự xưng mơ mộng về Marina. Tu sĩ Rangony lẻn đến, bằng những lời ngọt ngào về sắc đẹp của Marina, hắn moi những lời thú nhận tình yêu đắm say của Kẻ tự xưng đối với tiểu thư Balan kiêu hãnh. Một đám khách khứa ồn ào xuất hiện, họ đang ăn mừng chiến thắng của quân đội Balan trước quân của Godunov. Kẻ tự xưng lẻn ra sau bụi cây tránh mặt. Khi mọi người đã vào hết trong lâu đài, tiểu thư Marina một mình trở lại vườn. Trong duo của hai kẻ yêu nhau lẫn với những những lời trách móc, lời yêu ngọt ngào có cả những âm mưu, những kế hoạch đầy tham vọng.
Màn 4.
Cảnh 1. Moscow. Trên quảng trường trước nhà thờ Vassily Khổ hạnh người dân Moscow tập trung rất đông và bàn tán về những tiếng đồn Dmitri – Kẻ tự xưng đang mang quân đội tiến đến gần biên giới, và những lời nguyền rủa Grigory Otrepiev. Tiên tri ngây dại mang xiềng xuất hiện. Lũ trẻ chạy theo trêu chọc quấy phá và xúc phạm khiến Tiên tri rơi nước mắt. Buổi lễ sáng kết thúc. Đám rước Sa hoàng bước ra khỏi nhà thờ, các nhà quý tộc phân phát của bố thí. Boris Godunov xuất hiện, sau ông là công tước Shuisky và những người khác.
Toàn dân quỳ xuống cầu xin Cha Sa hoàng bánh mì. Tiên tri ngây dại than thở với Sa hoàng về các trò nghịch của lũ trẻ và xin ông “hãy chém chúng đi như ngài đã chém Thái tử nhỏ”. Dân chúng hoảng loạn trước lời cầu xin của người mất trí, quân cận vệ xông đến bắt nhà Tiên tri. Godunov ngăn cận vệ của mình lại, bỏ đi sau khi đã ngỏ lời xin Tiên tri cầu nguyện cho mình. Nhưng Tiên tri nói ông không thể làm việc đó, vì Đức Mẹ không cho phép cầu phước lành cho Sa hoàng – Sát nhân. Bằng những lời của Tiên tri ngây dại, Sa hoàng đã bị tuyên án.

Cảnh 2.
 Phòng lớn trong Kremlin. Duma họp kỳ họp bất thường. Công tước Shuisky xuất hiện và kể ông ta tình cờ trông thấy Sa hoàng hoảng loạn vì bóng ma của Thái tử nhỏ, và khi ông ta vừa nhắc lại lời đuổi bóng ma của Sa hoàng thì Godunov xuất hiện. Trấn tĩnh, Godunov ngồi vào ngai vàng. Shuisky xin nhà vua nghe một “người già uyên bác”, muốn kể cho ngài nghe một “bí mật vĩ đại”. Boris Godunov đồng ý, và già Pimen bước vào. Câu chuyện của già cũng đầy những lời bóng gió ám chỉ vụ giết Thái tử Dmitri một cách hèn mạt. Chưa nghe hết câu chuyện, Sa hoàng quá xúc động đã ngã vào tay các quý tộc. Cảm thấy sự cáo chung của mình sắp đến, ông truyền gọi con trai – Hoàng tử Feodor để dặn dò và chúc phúc truyền ngôi cho con. Vang tiếng chuông tang lễ. Boris Godunov hấp hối.
Cảnh 3. Con đường rừng ở Kromami – một làng nhỏ thuộc vùng biên giới Lithuania. Đám đông người lang thang giải nhà quý tộc Khrutshov bị trói, dọa dẫm ông ta và nói xấu Sa hoàng. Tiên tri ngây dại cũng có mặt trong đám đông, vẫn bị đám trẻ vây quanh. Xuất hiện hai tu sĩ bỏ trốn là Varlaam và Misail, kích động đám đông bằng các chuyện kể về các vụ hành hình và trả thù ở Nga. Họ kêu gọi dân chúng đứng dậy, ủng hộ Sa hoàng Dmitri. Dân chúng hô “Boris phải chết! Boris phải chết!”. Các tu sĩ dòng Tên nóng nảy cũng bị kích động.
Quân đội của Dmitri – Kẻ tự xưng xuất hiện, và chính Dmitri – Kẻ tự xưng trên lưng ngựa. Ông ta tự tuyên bố mình là Thái tử Nga Dmitri Ivanovich, kêu gọi tất cả mọi người theo ông ta tiến về Moscow, vào Kremlin. Dân chúng tung hô Kẻ tự xưng và đi theo ông ta. Một mình Tiên tri ngây dại ở lại. Khúc ca bi thương của ông báo trước tai hoạ, những giọt nước mắt cay đắng và thời kỳ đen tối…
Lịch sử trình diễn opera Boris Godunov
 
Boris Godunov là vở opera truyền thống, là bức tranh đa diện về cả một thời đại. Tác phẩm khiến người ta ngạc nhiên về tầm nhìn rộng lớn và các tương phản táo bạo. Các nhân vật được xây dựng với chiều sâu và tâm lý sâu sắc. Âm nhạc với sức rung cảm mạnh mẽ mở ra bi kịch của tình cảnh cô đơn và tuyệt vọng của người ngồi trên ngôi báu, đồng thời mô tả tinh thần đấu tranh và tính cách mãnh liệt của nhân dân Nga theo đường lối cách tân, hoàn toàn mới mẻ.
Prologue gồm hai cảnh. Biểu diễn của dàn nhạc đệm trước khi cảnh thứ nhất bắt đầu thể hiện sự u uẩn và bế tắc bi thương. Hợp xướng “Người bỏ chúng con lại cho ai” vang lên giống như những bài khóc buồn rầu trong dân gian. Lời kêu gọi của cha cố Tshelkalov “Hỡi các con chiên của ta! Con người cao quý không lay chuyển được! Và ngài không muốn nghe đến chuyện lên ngôi!” cùng với nỗi buồn được giấu kín chứa đựng cả sự uy nghiêm trịnh trọng. Trung tâm của cảnh này là độc thoại “Hồn ta bị giày vò” của Boris Godunov – âm nhạc ở đây ngoài tính trọng thể còn chứa đựng cả những yếu tố thể hiện sự tuyệt vọng, không lối thoát.
Cảnh đầu tiên của màn một mở ra sau một phần biểu diễn ngắn của dàn nhạc, trong đó âm nhạc mô tả tiếng bút lông ngỗng của nhà chép sử đưa trên giấy trong cái tĩnh lặng tuyệt đối của trai phòng. Độc thoại nghiệt ngã nhưng bình lặng của Pimen “Thêm một lời cuối” vẽ nên chân dung nghiêm nghị và oai phong của con người từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn trong đời. Câu chuyện của Pimen về các Sa hoàng thấm đẫm tính chất trang trọng, mạnh mẽ. Grigory được xây dựng như một thanh niên tâm lý thất thường, tính cách bốc đồng.
Cảnh hai bao gồm những bức tranh sinh hoạt rất sống động, đặc biệt bài hát của cô gái bán rượu “Em bắt con vịt xám” và bài hát của tu sĩ chạy trốn Varlaam “Chuyện xảy ra trong thành phố Kazan” phổ nhạc các bài thơ dân gian đầy chất phóng khoáng và sức mạnh bản năng, nhất là trong bài hát của Varlaam.
Màn hai mô tả toàn diện chân dung Boris Godunov. Độc thoại “Ta đạt đến đỉnh cao quyền lực” đầy chất bi thương mãnh liệt, và những tình cảm bất an trái ngược. Xung đột trong tâm hồn Boris đạt đến cao trào trong cuộc trò chuyện với Vassily Shuisky, khi mỗi lời nói của nhà quý tộc nham hiểm này đều thể hiện vẻ gian tà và đạo đức giả. Xung đột đó đạt đến căng thẳng cao nhất trong cảnh Sa hoàng nặng nề ngã xuống ngai vàng – thấp thoáng trong bóng những tháp chuông trước mặt ông như hiển hiện hình bóng Thái tử đã bị giết.
Cảnh một của Màn ba bắt đầu bằng hợp xướng với giai điệu rất đẹp của các cô gái “Trên sông Visla trong xanh”. Aria của tiểu thư Marina “Mệt và buồn quá” được viết theo nhịp điệu mazurka thể hiện chân dung cô tiểu thư quý tộc Balan kiêu hãnh.
Dàn nhạc đệm bắt đầu cảnh hai vẽ nên bức tranh phong cảnh chiều êm đềm, mơ mộng, tiếp theo đó là những giai điệu lãng mạn và đầy xúc cảm khi Kẻ tự xưng thổ lộ tình yêu. Tiểu cảnh Kẻ tự xưng và Marina được xây dựng trên cơ sở những cảm xúc tương phản và đỏng đảnh, kết thúc bằng duo đầy những tham vọng “Ôi hoàng tử, em xin chàng”.
Cảnh một của màn bốn là một bức tranh đầy kịch tính, và cao trào là lúc bài ca nghe như tiếng rên thảm thiết của Tiên tri ngây dại “Trăng lãng du, mèo gào” chuyển thành giai điệu khiến người ta rùng mình vì sức mạnh truyền cảm của chorus “Bánh mì!”
Cảnh hai màn bốn kết thúc bằng cảnh Boris hấp hối. Độc thoại cuối cùng của Sa hoàng “Vĩnh biệt, con trai ta!” trong chất bi tráng chứa những yếu tố chấp nhận và cam chịu.
Cảnh ba màn bốn là một cảnh có tầm cỡ và sức mạnh hiếm có. Hợp xướng mở đầu “Như chim ưng bay trên những tầm cao” viết trên cơ sở giai điệu và lời ca của bài dân ca cùng tên vang lên đầy vẻ nhạo báng và dữ dội. Bài ca của Varlaam và Misail “Mặt trời và mặt trăng lu mờ” trên cơ sở các giai điệu của bylina (Tráng ca – thể loại nghệ thuật dân gian Nga). Cao trào của cảnh này là chorus nổi loạn “chứa đầy chất phóng khoáng và bản năng hoang dã với đoạn hai “Ôi, người là sức mạnh” – giai điệu hợp xướng dân gian Nga được sử dụng một cách táo bạo phóng khoáng, và kết thúc bằng những tiếng thét căm phẫn “Boris phải chết!”.
Vở opera kết thúc bằng cảnh chuyển quân trang trọng của Kẻ tự xưng và tiếng khóc bi ai của Tiên tri ngây dại.
Giáo sư ngữ văn V.V. Nikolsky là người đã hướng sự chú ý của Mussorgsky vào bi kịch Boris Godunov của Pushkin năm 1868. Chủ đề vở bi kịch này là các sự kiện xảy ra vào đầu thế kỷ XVII, thời kỳ đầy những biến động và bất ổn trong xã hội Nga. Các mâu thuẫn trong xã hội Nga thời kỳ này khiến người ta liên tưởng đến các mâu thuẫn trong xã hội đương đại. Mussorgsky đã tự mình viết libretto trên cơ sở nguyên tác văn học của Pushkin, chỉ bớt một vài cảnh, một vài nhân vật phụ, và thay đổi lời thơ. “Tôi coi nhân dân là một nhân vật vĩ đại, được thổi linh hồn là một tư tưởng thống nhất,” – ông viết. – “Đó là nhiệm vụ đặt ra cho tôi và tôi sẽ giải quyết nhiệm vụ đó trong một vở opera”.
Khi viết libretto trên cơ sở bi kịch của Pushkin, nhà soạn nhạc cũng tham khảo các nguồn tư liệu lịch sử như “Lịch sử nhà nước Nga” của N.M. Karamzin và nhiều sử liệu khác. Mussorgsky bắt đầu viết nhạc cho vở này từ tháng mười năm 1868. Khi viết xong từng cảnh, nhạc sĩ đã cho trình diễn nội bộ trong nhóm “Khoẻ”, mỗi khi họ tụ tập ở nhà riêng của A.C.Dargomyzhsky hoặc L.I. Shestakova, em gái của nhạc sĩ Glinka, và một năm sau thì tổng phổ gồm 4 màn được hoàn tất, vào mùa thu năm 1870 được nhà soạn nhạc vĩ đại mang tới ban giám đốc nhà hát hoàng gia, nhưng nó không được chấp nhận “để trình diễn trên sân khấu opera Nga”. Năm 1871-1872 nhà soạn nhạc đã viết lại vở opera, và hoàn thành bản thứ hai, viết thêm cái kết bằng cuộc khởi nghĩa của nhân dân ở vùng Kromami, bằng cách đó đưa vào nội dung vở diễn một ánh sáng mới.
Vở opera đã được chỉnh sửa vẫn bị từ chối. Rimsky-Korsakov lý giải nguyên nhân là do tính cách tân trong âm nhạc của Mussorgsky đã khiến hội đồng duyệt vở cảm thấy bị đặt vào bế tắc. Thực tế, ngay trong nguyên tác văn học của Pushkin đã chứa đầy những yếu tố cách tân trong văn học, và nhà soạn nhạc cũng phá vỡ mọi “khuôn vàng thước ngọc”, mọi quy định ước lệ cho opera.
Nhà soạn nhạc đã xây dựng một opera – bi nhạc kịch trên cơ sở hoàn toàn ăn khớp giữa âm nhạc và hành động kịch, các nội dung cảnh và chi tiết hóa các mô tả diễn biến tâm lý. Các cách tân của Mussorgsky trong đưa lời nói vào âm nhạc hoàn toàn khác hẳn với các quan niệm và cách hình dung quen thuộc về lời ca trong opera.
Vở opera thiên tài này chỉ được dàn dựng nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của các nghệ sĩ tiên phong, nhất là nữ ca sĩ Iu.F.Platonova, người đã chọn chính vai diễn trong vở này cho buổi biểu diễn từ thiện của mình. Mãi đến năm 1874 opera Boris Godunov mới được nhà hát Mariinsky trình diễn gần như trọn vẹn (chỉ thiếu cảnh trong trai phòng tu viện Chudovo của Pimen) vào ngày 27 tháng 1. Công chúng đón nhận vở diễn một cách nồng nhiệt, nhưng giới phê bình và quý tộc – địa chủ thì phản ứng một cách quyết liệt. “Nghe đồn gia đình Sa hoàng rất không thích vở opera này, và cơ quan kiểm duyệt thì không thích chủ đề của nó” – nhạc sĩ Rimsky-Korsakov viết.
Năm 1881 Mussorgsky qua đời. Bản thảo của ông được Rimsky-Korsakov chỉnh sửa và biên tập “để sắp xếp lại gọn gàng và chuẩn bị xuất bản”. Trong những năm sau đó Rimsky-Korsakov đã thay đổi một số đoạn trong libretto, cấu trúc các cảnh và cả tổng phổ của Mussorgsky.
Bản đã qua biên tập này được nhà hát tư nhân Mamontov trình diễn năm 1898, và một lần nữa vở opera được đánh giá rất cao. Người đầu tiên đóng vai Boris Godunov là ca sĩ vĩ đại Feodor Chaliapin. Trong những năm sau này, càng ngày tác phẩm thiên tài của Mussorgsky càng được đánh giá cao hơn và được trình diễn rộng rãi trên sân khấu thủ đô Moscow và các nhà hát khắp nước Nga, và sau các “mùa Nga” ở Paris, bắt đầu từ năm 1908, được công diễn rộng rãi và thành công vang dội trên sân khấu opera thế giới.
Nguyễn Quỳnh Hương (nhaccodien.info) tổng hợp