“Misa cho người quá cố” của Nhà thờ Cơ đốc giáo La Mã lấy tên theo từ đầu tiên của phần khai lễ (phần introit), Requiem aeternam dona eis, Domine (Xin Chúa ban cho họ sự an nghỉ vĩnh hằng). Một bản requiem thường bao gồm các phần Introit; Kyrie; Gradual (Requiem aeternam) và Tract (Absolve, Domine); Sequence (Dies irae, dies illa); Offertory (Domine ]esu Christe); Sanctus và Benedictus; Agnus Dei; và Communion (Lux aeterna).

Bản requiem phức điệu cổ nhất hiện còn lưu giữ được là bản requiem của Ockeghem (khoảng năm 1470), người chỉ phổ nhạc 4 phần. Người ta cũng lưu giữ được 41 bản requiem khác được sáng tác từ sau bản của Ockeghen đến cuối thế kỉ 16, gồm có các bản của La Rue, Morales, Lassus và Palestrina; đa phần chúng được viết theo phong cách cổ. Hầu hết các requiem thời Phục hưng không có phần sequence.
Trong thế kỉ 17, có hàng trăm bản requiem được soạn bởi G.B. Bassani, Cazzati, J.K. Kerll, Johann Stadlmayr, Viadana và các nhạc sĩ khác. Nhiều bản được soạn dành cho các dịp đặc biệt. Vào thế kỉ 18 Jommelli, Paisiello và những người khác cũng đã soạn các requiem. Bản Requiem chưa hoàn thành (1791) của Mozart là bản có quy mô lớn đầu tiên với các nhạc cụ trong danh mục hòa nhạc. Các nhà soạn nhạc thế kỉ 19, bắt đầu với Cherubini, đã bổ sung vào danh mục hòa nhạc các bản requiem nổi tiếng của mình. Các requiem của Berlioz (1837) và Verdi (1874) là các tác phẩm quy mô lớn sử dụng dàn nhạc và dàn hợp xướng khổng lồ. Các bản requiem của Liszt, Saint-Saëns, Bruckner và Dvorak thì cổ điển hơn, theo truyền thống diễn cảm của Cherubini, bản requiem của Fauré nổi bật vì tính ca xướng và sự giản dị. Các phẩm chất này cũng hiện diện trong requiem của Duruflé sáng tác năm 1947, có lẽ là bản requiem thế kỉ 20 được biểu diễn thường xuyên nhất.
Requiem Chiến tranh (1961) của Britten là tác phẩm kết hợp ca từ Latin cùng với các lời thơ chiến tranh của Wilfred Owen. Requiem Đức của Brahms (1857-68) là một tác phẩm thanh nhạc phổ lời trong Kinh thánh theo chủ đề cái chết và tang lễ; nó không phải là một bản Requiem Misa đúng nghĩa.
Na9 (dịch)