Một bản thơ giao hưởng (symphonic poem) hay một thi phẩm bằng âm thanh từ nhạc cụ (tone poem) là một tác phẩm viết cho dàn nhạc, có một chương nhạc, trong đó một chương trình (programme) nào đó ngoài âm nhạc mang lại cho tác phẩm yếu tố kể chuyện hoặc minh họa. Chương trình này có thể bắt nguồn từ một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, một bức họa hay từ một số nguồn khác. Thể loại âm nhạc dựa trên những nguồn ngoài âm nhạc thường được biết tới với tên gọi âm nhạc chương trình (programme music), trong khi thể loại âm nhạc không có những liên tưởng khác được biết tới với tên gọi âm nhạc thuần túy (pure music) hay âm nhạc tuyệt đối(absolute music). Một loạt những thi phẩm bằng âm thanh từ nhạc cụ có thể kết hợp với nhau trong một tổ khúc (suite), theo nghĩa của thời kỳ Lãng mạn hơn là nghĩa thời Baroque: “Con thiên Nga vùng Tuonela” (1895) là một bản thơ giao hưởng rút từ tổ khúc Lemminkäinen của Jean Sibelius.

 Nhà soạn nhạc Franz Liszt đã sáng tạo thể loại thơ giao hưởng trên quy mô lớn, trong một loạt những tác phẩm âm nhạc một chương được sáng tác từ những năm 1840 và 1850. Liszt đã viết 13 bản thơ giao hưởng, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bản thơ giao hưởng số 3 – Les Préludes (Những khúc dạo đầu) dựa theo thơ của Alphonse de Lamartine. Bên cạnh những thơ giao hưởng dựa theo những thi phẩm của các thi hào như Lamartine, Hugo (Ce qu’on entend sur la montagne – Tiếng nghe trên núi, Mazeppa), Byron (Tasso: lamento e trionfo- Tasso: Lời than thở và chiến thắng)… Liszt cũng sáng tác thơ giao hưởng dựa trên kịch (Hamlet của Shakespeare) và dựa trên nguồn ngoài âm nhạc khác như hội họa (Du berceau jusqu’au tombeau – Từ chiếc nôi đến nấm mồ). Những tiền thân gần gũi của những thơ giao hưởng kiểu Liszt là những overture hòa nhạc, những chương viết cho dàn nhạc dành cho sân khấu, nhiều màu sắc và gợi liên tưởng mà được sáng tác để biểu diễn độc lập trong bất cứ một vở opera hay tác phẩm sân khấu nào: ví dụ như Fingal’s Cave của Felix Mendelssohn hay overture Roman Carnival (Ngày hội La Mã) của Hector Berlioz. Một overture độc lập thời kỳ đầu là Der Beherrscher der Geister (“The Ruler of the Spirits” – “Người cai trị những Linh hồn”, 1811) của Carl Maria von Weber, một overture gợi không khí ở mức độ cao mà không kèm một vở opera. Những tác phẩm hòa nhạc này đến lượt mình đã xuất hiện từ những overture của Ludvig van Beethoven chẳng hạn như những overture  “Egmont”, “Coriolan” và “Leonore” No. 3, mà trong nội dung âm nhạc của chúng tiên liệu câu chuyện của tác phẩm sân khấu mà chúng giới thiệu (các vở kịch trong trường hợp “Egmont” và “Coriolan”, vở opera Fidelio trong trường hợp “Leonore”). Thậm chí những tác phẩm cho dàn nhạc được minh họa bằng những khúc nhạc theo bộ “cơn bão” mà là một thể loại được thiết lập trở lại với cơn bão mùa hè trong Bốn mùa của Antonio Vivaldi và một vài entr’acte (khúc trung gian, chuyển cảnh) buồn bã giữa các cảnh của opera Pháp thời kỳ Baroque.

Những nhà soạn nhạc đã tiếp tục thể loại thơ giao hưởng:

Sergei Rachmaninov – The Isle of the Dead (Hòn đảo của Thần Chết)
Camille Saint-Saëns – Danse macabre (Vũ điệu ma quỷ)
Claude Debussy – Prélude à l’après-midi d’un faune (Khúc dạo đầu buổi chiều của thần điền dã)
Jean Sibelius – Finlandia (Phần Lan)
Bedřich Smetana – Má Vlast (Tổ quốc tôi)
Dvorák – The Golden Spinning Wheel (Quay sợi vàng) và The Wood Dove (Con bồ câu rừng) trong số những tác phẩm khác.
Modest Mussorgsky – Night on Bald Mountain (Đêm trên núi trọc)
Nikolai Rimsky-Korsakov – Sadko
Pyotr Tchaikovsky – FatumRomeo and Juliet (được liệt vào loại “fantasy-overture”), 1812 Overture
César Franck – Le Chasseur Maudit (Người thợ săn xấu số)
Alexander Borodin – In the Steppes of Central Asia (Trong thảo nguyên Trung Á)
Paul Dukas – L’apprenti-sorcier (Người học trò phù thuỷ)
Sergei Taneyev – Oresteia (được liệt vào “overture”, song thực sự là một thơ giao hưởng dựa trên những chủ đề từ vở opera cùng tên của chính tác giả)
Ottorino Respighi – bộ ba thơ giao hưởng La Mã (Những cây thông La MãNhững ngọn núi La Mã và Những lễ hội La Mã) và Brazilian Impressions (Những ấn tượng Brazil)
George Gershwin – An American in Paris (Một người Mĩ ở Paris)
Geirr Tveitt – Nykken
Arnold Bax – Tintagel và The Garden of Fand (Khu vườn của Fand)
Nigel Keay – Ritual Dance of the Unappeasable Shadow
Nick Peros – Northern Lights

Theo danh sách trên ta có thể hiểu rằng tính tự do của thể loại thơ giao hưởng cho phép những tên gọi khác, chẳng hạn như “tranh âm nhạc” (musical picture), “overture”, “fantasy” …

Richard Strauss (người thích thuật ngữ “thi phẩm bằng âm thanh từ nhạc cụ” (tone poem) hơn là “thơ giao hưởng” (symphonic poem) là một trong những nhà soạn nhạc cuối thời kỳ Lãng mạn sáng tác nhiều ở thể loại này, với những tác phẩm bao gồm Don Juan, Till Eulenspiegel, Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế), Don Quichote  Ein Heldenleben. Strauss đã đặt tiêu đề phụ cho Don Quichote là “Introduction, Theme with Variations, and Finale” (Giới thiệu, Chủ đề với những Biến tấu, và Phần kết) và “Fantastic Variations for Large Orchestra on a Theme of Knightly Character” (Những biến tấu phóng túng cho Dàn nhạc lớn trên Chủ đề Nhân vật hiệp sỹ). Tác phẩm có thể dễ dàng được gọi là một rhapsody với vai trò một thi phẩm bằng âm thanh từ nhạc cụ.

William Lloyd Webber, cha của nhà soạn nhạc kiêm nhà tổ chức biểu diễn Andrew Lloyd Webber, đã sáng tác bản thơ giao hưởng Aurona, tác phẩm đã trải qua kinh nghiệm hồi sinh tính đại chúng trong những năm gần đây. Tuy nhiên một số trong mối quan tâm này có thể bị quy cho sự liên đới của ông với tính đại chúng của những tác phẩm của con trai ông.

Frank Sinatra đã đặt hàng và chỉ đạo album Frank Sinatra Conducts Tone Poems of Color năm 1956. Album đã đề cao những thi phẩm bằng âm thanh từ nhạc cụ được sáng tác bởi tám nhà soạn nhạc đương đại gồm André Previn, Billy May, Nelson Riddle, Gordon Jenkins, Victor Young, Jeff Alexander, Alec Wilder và Elmer Bernstein.

Cũng có một số những tác phẩm một chương không viết cho dàn nhạc mà cho hòa tấu thính phòng hoặc nhạc cụ độc tấu, dựa trên một vài nguồn ngoài âm nhạc. Do tính chất phi dàn nhạc của chúng, những tác phẩm đó không được coi là “thơ giao hưởng”, mặc dù về mọi khía cạnh khác ngoài phối khí, chúng tương đồng nhau. Một trong những tác phẩm nối tiếng nhất như vậy là Verklärte Nacht (Đêm rạng rỡ) của Arnold Schoenberg, dựa trên một bài thơ, vốn được viết cho lục tấu đàn dây (mặc dù về sau được chuyển soạn cho hòa tấu quy mô lớn hơn).

Ngọc Anh (nhaccodien.info) tổng hợp