“Một tài năng kỹ thuật siêu phàm chứa đựng sâu sắc những chất thơ đẹp tinh tế và truyền cảm.” – BBC Music Magazine, London, 7/2005
Maurizio Pollini sinh ngày 5/1/1942 ở thành phố Milan xinh đẹp. Bố của Maurizio là kiến trúc sư Gino Pollini, một trong những đại diện hàng đầu của chủ nghĩa duy lý (rationalism) Italia và cũng là một nghệ sĩ violin tài giỏi. Nhưng mẹ của Maurizio, Renata Melotti học piano và thanh nhạc và là em gái của nhà điêu khắc nổi tiếng Fausto Melotti, mới được coi là người có ảnh hưởng quyết định đến con trai. Năm 1948, Maurizio bắt đầu học piano với với Carlo Lonati. Trong những năm 1955 – 1959 anh tiếp tục theo học bậc thầy Carlo Vidusso và năm 1958 bắt đầu học sáng tác với Bruno Bettinelli. Cho đến bây giờ, tên tuổi của hai nhà sư phạm Lonati và Vidusso vẫn được nhắc đến khá nhiều. Nguyên nhân chính là bởi vì họ đã từng dạy người học trò Maurizio Pollini – một trong những nghệ sĩ dương cầm lớn nhất của thế kỷ
20.
Năm 1960, ở tuổi 18, Maurizio Pollini giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Frederic Chopin ở Warsaw, sau đó anh đã xuất hiện với tư cách một tài năng trẻ đặc biệt xuất sắc ở La Scala, trình diễn Piano concerto số 1 của Chopin cùng với nhạc trưởng lỗi lạc Sergiu Celibidache. Trong những thập kỷ sau đó, Pollini đã trở thành một nghệ sĩ khách mời thường xuyên tại tất cả các trung tâm âm nhạc ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản. Ông đã trình diễn với rất nhiều dàn nhạc lừng danh, dưới sự chỉ huy của những nhạc trưởng như Karl Böhm, Herbert von Karajan, Claudio Abbado, Wolfgang Sawallisch, Sergiu Celibidache, Pierre Boulez và Ricardo Muti. Tiếng đàn của Pollini đã vang lên trong hầu như tất cả các nhà hát của những thành phố lớn trên thế giới. Từ Boston, Chicago, New York, Philadelphia, San Francisco đến Berlin, Munich, London, Paris, Salzburg, Vienna và Tokyo, ở đâu những buổi biểu diễn của Pollini cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả và thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới phê bình âm nhạc và truyền thông văn hoá.
Âm nhạc mà Pollini trình diễn bao quát từ những kiệt tác của Bach cho đến cả các tác phẩm đương đại mang tính táo bạo nhất. Ông đã chơi toàn bộ các sonata kinh điển của Beethoven tại nhà hát Carnegie Hall, La Scala ở Milan, Musikverein ở Vienna, Philharmonie ở Berlin, Salle Pleyel ở Paris và Royal Festival Hall ở London. Năm 1987, Pollini được trao tặng Kỷ niệm chương Danh dự (Ehrenring/Honorary Ring) của Vienna Philharmonic nhân dịp ông biểu diễn toàn bộ các piano concerto của Beethoven với dàn nhạc này ở Carnegie Hall. Trong những năm sau đó, Pollini cũng nhận thêm những giải thưởng quan trọng như Giải Âm nhạc Ernst-von-Siemens ở Munich năm 1996, giải “Một cuộc đời cho âm nhạc – Artur Rubinstein” ở Venice năm 1999 và giải “Arturo Benedetti Michelangeli” ở Milan năm 2000.
Vào những năm 1995 và 1999, Pollini đã có những buổi trình diễn của riêng ông ở Salzburg Festival. Trong các mùa diễn 1999 – 2000 và 2000 – 2001, ông đã mở rộng hoạt động âm nhạc của mình với một chương trình mới mẻ mang tên Perspectives: Maurizio Pollini (tạm hiểu là: Từ quá khứ đến hiện tại: Maurizio Pollini) ở Carnegie Hall. Chương trình đặc sắc này kéo dài qua hai mùa diễn với gần ba mươi buổi hòa nhạc, trong đó Pollini đã trình diễn lần lượt những tác phẩm âm nhạc nổi bật nhất theo tiến trình thời gian từ thời Phục hưng cho đến đương đại. Qua những buổi biểu diễn này, ông đã cộng tác rất có hiệu quả với rất nhiều nghệ sĩ độc tấu, nhạc trưởng, nhóm nhạc thính phòng và những dàn nhạc nổi tiếng vào bậc nhất trên thế giới.
Là một nghệ sĩ đặc biệt của hãng Deutsche Grammophon, Pollini đã thu âm một danh mục đồ sộ những tuyệt tác của Bartók, Beethoven, Brahms, Chopin, Debussy, Liszt, Mozart, Prokofiev, Schubert, Schumann và Stravinsky. Thêm vào đó, Pollini cũng minh chứng cho sự quan tâm lớn của ông đến âm nhạc đương đại với những bản thu âm toàn bộ các tác phẩm viết cho piano của Schoenberg, Berg, Webern, Nono, Manzoni, Boulez và Stockhausen. Với những bản thu âm ưu tú của mình, Pollini đã giành được nhiều giải thưởng ở Pháp, Đức, Bỉ, Anh và Mỹ, bao gồm: Giải Edison, Grand Prix International du Disque, Deutscher Schallplattenpreis, Prix Caecilia Bruxelles, giải Grammy cho nghệ sĩ độc tấu xuất sắc nhất và giải thưởng của Gramophone cho những thu âm khí nhạc xuất sắc nhất. Là người được nhận Giải Âm nhạc Quốc tế của Quỹ Ernst-von-Siemens, Pollini đã được tổ chức này ca ngợi như một “người diễn xuất siêu hạng, một người khám phá đầy cảm hứng” của âm nhạc cổ điển và đương đại nhưng “không làm lẫn lộn và mất đi vẻ đẹp trí tuệ của truyền thống âm nhạc.”
Năm 2002 là năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày sinh của Maurizio Pollini. Để thể hiện niềm trân trọng đặc biệt đối với một nghệ sĩ tuyệt vời đã từng cộng tác thu âm trong suốt ba chục năm trời, hãng Deutsche Grammophon (DG) đã cho ra một bộ gồm 13 CD mang tên Maurizio Pollini Edition, với một số lớn các bản thu cực kỳ xuất sắc của ông. Tháng 4/2002, DG cũng đã xuất bản thêm bản thu với Pollini tác phẩm Kreisleriana của Schumann.
Đến tháng 4/2003, những bản thu Beethoven piano sonata của Pollini vốn được chờ đợi từ lâu đã được xuất bản. Đầu tiên là bộ đôi CD mang dấu ấn tài năng lớn của Pollini trong bản “Appassionata” cùng với những tiểu phẩm giàu cảm hứng khác. CD thứ hai đem lại một sự bổ sung đáng chú ý, đó là bản thu trực tiếp “Appassionata” và Sonata Pha thăng trưởng Op. 78 được thực hiện trong một buổi biểu diễn tại Musikverein ở Vienna vào tháng 6/2002.
Năm 2004, Pollini trở thành “Artiste Etoile” (“Ngôi sao Nghệ thuật”) tại Liên hoan Lucerne, ở đây ông đã biểu diễn cùng Claudio Abbado và Pierre Boulez với Lucerne Festival Orchestra và Lucerne Festival Academy. Vào tháng 9/2004, DG đã cho ra đời bản thu của Pollini các Beethoven Piano Sonata Op. 10 và Op. 13, và sau đó đúng một năm họ lại rất thành công khi tung bộ ấn phẩm nổi tiếng các Nocturne của Chopin với gương mặt đầy truyền cảm của Pollini trên bìa đĩa.
Trong mùa diễn 2005 – 2006, DG tiếp tục xuất bản các thu âm Pollini thể hiện những Concerto Piano của Mozart cùng với Vienna Philharmonic. Mùa xuân 2006, Pollini thực hiện một chuyến lưu diễn qua 5 thành phố ở Mỹ và Canada. Cũng trong mùa diễn này, Pollini đã bắt đầu một chương trình lớn ở Vienna mang tên Perspektiven (tương tự như Perspectives: Maurizio Pollini). Nó được kéo dài đến tận mùa diễn 2006 – 2007, bao gồm 8 buổi hòa nhạc.
Tiếng đàn của Pollini được trau chuốt đến độ chính xác và sắc nét một cách hoàn hảo. Có người cho rằng, tiếng đàn quá trong trẻo của ông có lẽ sẽ bị thiếu đi tính ấm áp mà nhiều tác phẩm của Chopin đòi hỏi. Nhưng đó là phong cách của Pollini, nó làm nên sự diễn đạt Chopin mang tính khác biệt, độc đáo và sáng tạo nên những vẻ đẹp mới, cách cảm nhận mới. Có lẽ Pollini đã nhiều lần cảm thấy miễn cưỡng khi phải để cho dòng cảm xúc tự nhiên hoàn toàn vượt lên trên cái nền tảng âm nhạc, cũng như phải tách một giai điệu ra khỏi phần đệm của nó, để nó trôi tự do. Cách chơi Chopin của Pollini thiên về sự thanh cao, sáng sủa và quý phái. Ông đạt đến sự nghiêm túc cao độ trong từng bản Nocturne, chi tiết, cẩn thận và cố gắng biểu đạt đến cao nhất phạm vi của cảm xúc trong từng ô nhịp nhỏ. Pollini không coi âm nhạc như một thực thể cần phải được diễn giải. Ông muốn âm nhạc tự nói lên chính nó, nhằm giữ nguyên những đặc trưng cơ bản của nó. Tiếng đàn của ông được ví như một sự “cứng rắn dịu dàng”, có đủ sự mềm mại để chảy như một dòng nước mùa xuân trong trẻo.
Đối với các sonata của Beethoven, Pollini đã cho thấy những điều kỳ diệu của sự đối xứng, tỷ lệ và chi tiết. Qua tiếng đàn của Pollini, những thính giả đã tìm ra con đường tiếp cận âm nhạc Beethoven một cách tự nhiên hơn. Pollini thể hiện Beethoven với sự thấu hiểu sâu sắc và trung thành với nội dung tư tưởng, nhưng trong tiếng đàn của ông vẫn có cái gì đó thật trẻ trung, giàu sức sống, làm vơi bớt những nặng nề về suy tư. Phong cách của Pollini có lẽ là có thiên hướng làm nổi bật sự khúc chiết, trong sáng và thánh thiện của âm nhạc Beethoven. Sự thể hiện của Pollini đối với các concerto của Beethoven và Brahms luôn đem lại cho thính giả sự cảm nhận về vẻ đẹp nguyên bản, chuẩn mực và đỉnh cao của những kiệt tác thiên tài.
Sự tinh xảo của Pollini thực ra là cũng có nguy cơ bị trở nên quá nghiêm trọng hoặc quá mang tính trang trí. Điều đó có thể làm người ta lo ngại rằng việc Pollini thể hiện những sáng tác của Schumann sẽ đem lại những kết quả câu nệ và thiếu hấp dẫn. Nhưng Pollini đã luôn muốn chúng ta suy nghĩ về sự cân bằng tinh tế giữa chủ thể và khách thể trong cách nghe nhạc của chúng ta. Những sức sống, những vẻ đẹp phong phú luôn được cảm nhận qua từng buổi biểu diễn của ông. Và một thực tế là, tất cả thính giả đều phải thừa nhận rằng tài năng của Pollini đã hoàn toàn vượt lên trên đặc tính cơ học thuần tuý của kỹ thuật piano. Pollini đơn giản là không muốn bày ra sự diễn biến của âm nhạc theo thời gian. Mong muốn của ông là hình thành nên một khách thể âm nhạc có thể tự biểu đạt được, thoát khỏi những cảm xúc hỗn độn và những biến cố thất thường của thế giới rộng lớn. Sự trình diễn của Pollini mang hơi hướng của tính chất Baroque, thay vì nội dung lãng mạn, âm nhạc từ đôi tay của ông dường như là những tổ khúc được tạo bởi những phần gián đoạn, với những nhịp điệu và hiệu quả riêng biệt.
Nhà phê bình Bernard Holland của New York Times cho rằng “Pollini chính là một nguyên mẫu của một bậc thầy piano kỹ thuật cao, với những hiệu quả chuyển động âm thanh đáng ngạc nhiên được điều khiển bởi trí thông minh tuyệt vời và tư duy sâu sắc, mạnh lạc.” Đối với âm nhạc của Schubert, Pollini đã tạo ra một thế giới thật bình yên với mặt trời đang chiếu sáng và không hề có dù chỉ một hơi thở làm xáo động. Sự sâu sắc và nhạy cảm của Schubert chủ yếu gắn liền với những điệu dân vũ của cuộc sống hàng ngày, và Pollini đã nắm bắt được tính đơn giản của chúng với một sự chính xác tuyệt vời.
Pollini có lẽ là một trong những nghệ sĩ thể hiện Mozart lý tưởng nhất. Điều này không chỉ được minh chứng từ phong cách nghệ thuật và vẻ đẹp thanh thoát trong tiếng đàn của ông mà còn từ sự thành công tuyệt vời với những bản thu âm các piano concerto Mozart của ông. Tạp chí Times của London ngày 1/12/2006 đã viết về những bản thu âm này như sau: “…Bạn đang thưởng thức tiếng đàn của một người đang yêu…ông thể hiện Mozart với một cảm xúc thực hơn bao giờ hết. Ông đưa chúng ta đến những chiều sâu âm nhạc với những giai điệu sâu kín nhất…âm nhạc luôn tiến về phía trước, phát triển và lớn lên với những dải màu sắc vô cùng tinh tế.”
Cập nhật: Pollini đã qua đời vào ngày 23 tháng Ba, 2024, hưởng thọ 82 tuổi.
Ttdungquantum (nhaccodien.info) tổng hợp