Oratorio là một thể loại âm nhạc cổ điển quy mô lớn viết cho dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ solo và dàn hợp xướng. Oratorio thường dùng để miêu tả một câu chuyện kịch nhưng khác với một vở opera là nó không có các hành động kịch, không dùng phục trang biểu diễn và trang trí sân khấu. Oratorio là kịch bằng âm nhạc, dùng hát có nhạc đệm để kể lại những câu chuyện. Oratorio hầu như xuất hiện cùng một lúc với cantata và opera vào thế kỷ XVI, XVII. Cấu trúc giữa các thể loại này có nhiều điểm tương đồng, cũng sử dụng aria, hát nói, dàn nhạc… So với cantata, khuôn khổ của oratorio lớn hơn, tính kịch và chủ đề được phát triển rộng hơn. So với opera, ngoài nội dung tôn giáo, oratorio có lời ca mang tính suy tư và tường thuật hơn và đặc biệt là có sự nhấn mạnh vào các hợp xướng.
Oratorio được phát triển từ lauda (Lauda-tiếng Ý và Laudo-tiếng Tây Ban Nha, là những chính ca trữ tình, những lời khuyên răn, giáo dục phát triển trên giai điệu phổ biến. Lauda một giọng và nhiều giọng được phát triển rộng rãi ở Ý vào thế kỷ XVIII, XIX, dùng để hát trong sinh hoạt hàng ngày, trong những buổi hội họp) của những người biểu diễn kịch ở Rome thế kỷ XVI trong các oratorio (“Oratorio” – nghĩa là “nhà nguyện” trong tiếng Latin, là ngôi nhà, căn phòng đặc biệt trong nhà thờ, nơi ấy tập trung các tín đồ để nghe đọc và giảng giải kinh thánh, những cuộc toạ đàm “cứu thế tâm hồn”… từ đó mà “Oratorio” trở thành tên gọi cho thể loại này.
Người ta chỉ ra rằng hình thức oratorio được sử dụng lần đầu tiên ở một tác phẩm âm nhạc được đề ngày tháng sáng tác trong năm 1640, khi Pietro Della Valle, người La Mã viết rằng ông đã sáng tác một ‘Oratorio della Purificatione’ cho Nhà nguyện La Mã Congregazione dell’Oratorio. Tác phẩm ngắn này (thời lượng khoảng 12 phút) gồm có vai Poeta, đối thoại với ba nhân vật và một kết thúc bằng hợp xướng. Tuy nhiên hai mươi năm trước đã có những tác phẩm tương tự tác phẩm của Della Valle về lời ca, âm nhạc và chức năng xã hội như ở Teatro armonico spirituale di madrigal (Rome, 1619) của G. F. Anerio. Cũng được sáng tác cho Nhà nguyện La Mã, tác phẩm Rappresentatione di Anima, et di Corpo (Sự trình diễn của tâm hồn và thể xác) của Emilio de’ Cavalieri trình diễn năm 1600 ở Rome, hình như lần đầu tiên được Charles Burney (1726-1814,nhà âm nhạc học người Anh) gọi là một oratorio trong cuốn General History của mình, có lẽ bởi vì nó có lời kinh thánh mang tính kịch và là âm nhạc dành cho một nhà nguyện.
Đến giữa thế kỉ XVII hai kiểu oratorio đã phát triển. Kiểu oratorio thứ nhất hát bằng tiếng Ý, oratorio volgare, như trong các tác phẩm Daniele của Carissimi, S Tomaso của Marazzoli và các tác phẩm tương tự được cho là của Foggia và Luigi Rossi. Kéo dài khoảng 30 đến 60 phút, chúng được trình diễn làm hai phần, ngăn cách bằng một bài thuyết pháp; âm nhạc của chúng tương tự với âm nhạc của những vở opera và cantata thính phòng cùng thời. Kiểu oratorio thứ hai hát bằng tiếng Latin, oratorio latino, ban đầu được phát triển tại Nhà nguyện Oratorio del Ss Crocifisso, có liên kết với nhà thờ San Marcello ở Rome. Carissimi là nhà soạn nhạc quan trọng nhất của kiểu oratorio này. Ông là người đã viết tác phẩm Jephte được xem là kiệt tác đầu tiên của thể loại. Giống như hầu hết những oratorio tiếng Latin của thời kỳ này, Jephte chỉ có một phần.
Đến những năm 1660 thể loại oratorio được chính thức hóa trong nhà thờ và đến khoảng năm 1720 thì các oratorio tôn giáo hưng thịnh cùng các kiểu oratorio thế tục xung quanh. La resurrezione (1708) của Handel được trình diễn tại dinh thự Ruspoli ở Rome và các oratorio của Alessandro Scarlatti, Caldara và nhiều người khác được trình diễn ở các nơi tương tự. Các trung tâm khác là Bologna, Modena, Florence và Venice; những nhà soạn nhạc viết oratorio gồm có F. Gasparini, Vivaldi cùng nhiều nhà soạn nhạc sáng tác opera hàng đầu. Các oratorio của họ phần lớn có hai phần, kéo dài khoảng 90 đến 120 phút với các libretto chủ yếu dựa trên kinh thánh, tiểu sử các thánh và ngụ ngôn đạo đức. Phong cách âm nhạc na ná âm nhạc của opera với những hợp xướng và nhiều aria da capo (một loại aria có tái hiện).
Bên ngoài nước Ý, oratorio tiếng Ý chủ yếu là một thay thế chay tịnh cho một vở opera tại các triều đình theo Cơ đốc giáo La Mã ở trung tâm châu Âu, đáng chú ý nhất là Vienna, nơi mà các oratorio được trình diễn tại một nhà nguyện trong suốt các nghi lễ. Một thể loại có liên quan là sepolcro một phần, trong đó câu chuyện khổ hình của Chúa Jesus được thuật lại trong một nhà nguyện vào lễ Phục sinh với cảnh trí, phục trang và hành động kịch. Nhà soạn nhạc hàng đầu sáng tác các oratorio và sepolcri ở Vienna là Antonio Draghi; một người khác là Caldara, người đã viết các oratorio mà phần lời do các nhà thơ của triều đình là Zeno và Metastasio viết.
Chỉ đến đầu thế kỉ thứ 18, thể loại ‘Oratorium’ với lời bằng tiếng Đức mới được định hình rõ ràng, được chấp nhận trong đời sống hòa nhạc Đức và các nghi lễ giáo hội Luther. Một cội rễ của nó là thể loại historia, chẳng hạn như những sáng tác của Schulz thuật chuyện Giáng sinh, Khổ hình, Phục sinh. Từ giữa thế kỉ thứ XVII, các nhà soạn nhạc mới bắt đầu kết hợp âm nhạc với những lời ca phi kinh thánh ; điều này dẫn đến sự ra đời của thể loại ‘oratorio Passion’, một thể loại lên đến cực thịnh trong các Passions của Bach. Những tiền thân khác của oratorio Đức là đối thoại kịch tôn giáo, mà đôi khi đuợc dùng như một motet (bài thánh ca ngắn) của giáo hội Luther, và các tác phẩm kiểu oratorio như Abendmusik được trình diễn ở Lübeck dưới quyền Buxtehude. Hamburg là trung tâm lớn của oratorio Đức trong thế kỉ 18 mặc dù đối thủ tác phẩm của Keiser là Der blutige und sterbende Jesus (1704) của Hunold. Một kế vị trực tiếp là oratorio Passion của Brockes, được Handel, Keiser, Telemann, Mattheson và những người khác viết. Những nhà soạn nhạc đó đã khiến việc sử dụng hợp xướng trở nên nổi bật hơn là những nhà soạn nhạc Ý đã làm và họ cũng đưa vào các hợp xướng thánh ca. Các tác phẩm mà Bach gọi là ‘Oratorium’ đứng bên ngoài truyền thống oratorio đích thực.
Mặc dù có tiền lệ trong tác phẩm đối thoại tôn giáo, oratorio Anh về cơ bản là sáng tạo của Handel – một sự tổng hợp của các yếu tố từ masque (ca vũ nhạc kịch) và thánh ca, kịch cổ điển Pháp, opera seria và oratorio volgare Ý cùng oratorio Tin Lành Đức. Với Handel, “oratorio” thường có nghĩa là tác phẩm ba hồi trên một chủ đề kinh thánh, với việc sử dụng hợp xướng nổi bật, được trình diễn như một buổi hòa nhạc ở nhà hát. Nó khởi nguồn một cách ngẫu nhiên, khi vào năm 1732 dự định của Handel là cho trình diễn một phiên bản sân khấu đã sửa chữa của Esther được viết trước đó bị lệnh cấm của giám mục Luân Đôn ngáng trở. Thành công trong phiên bản hòa nhạc của nó đã thúc đẩy Handel viết thêm hai vở nữa vào năm 1733 và những oratorio tiếng Anh khác của ông được tiếp nối ra đời vào các năm 1738-52. Trong số đó Messiah (1742) là nổi tiếng nhất, mặc dù là một sáng tác từ lời kinh thánh thuần túy, không có tính kịch nhưng nó không phải là điển hình của oratorio kiểu Handel. Không có nhiều người Anh cố gắng cạnh tranh với sự thành thạo về oratorio của Handel, mặc dù cũng có các tác phẩm của Greene, Arne và Stanley.
Charpentier, người học với Carissimi ở Rome, hiện ra như là nhà soạn nhạc Pháp đầu tiên của thể loại oratorio; ông thích dùng các thuật ngữ ‘historia’, ‘canticum’, ‘dialogue’ hay ‘motet’ cho các tác phẩm kiểu oratorio bề ngoài được trình diễn như các thánh ca kéo dài trong suốt các đám lễ hội, tại các buổi hòa nhạc nhà thờ và các cuộc hội họp tuần chay riêng tư. Hợp xướng là bộ phận quan trọng như người kể chuyện, đám đông, người bình luận. Rất ít oratorio được sáng tác ở Pháp trong suốt năm mươi năm sau cái chết của Charpentier vào năm 1704.
Ở Ý và Vienna, oratorio volgare chiếm chiếm ưu thế vào cuối thế kỉ 18, với sự nhấn mạnh vào lối hát độc xướng. Triều đình Dresden đã đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố oratorio Tiền cổ điển và Cổ điển. Oratorio giáo hội Luther tiếp tục thực hiện theo nghi lễ và trong các buổi hòa nhạc công cộng tại Hamburg (dưới quyền của Telemann và Carl Philipp Emanuel Bach), Berlin (nơi Der Tod Jesu của Graun được biểu diễn hầu như hàng năm) và Lübeck. Âm nhạc của các oratorio thời kỳ cuối của Haydn, The Creation (Đấng sáng thế) và The Seasons (Các mùa) phản ánh kinh nghiệm của ông đối với thể loại oratorio kiểu Handel ở Luân Đôn.
Sau năm 1800 càng có ít hơn các nhà soạn nhạc dành tiềm năng lớn cho oratorio nhưng thể loại này tiếp tục chiếm một vị trí trung tâm, đặc biệt là ở Anh và Đức, với sự nhấn mạnh vào biểu diễn quy mô lớn tại các liên hoan âm nhạc. Các oratorio của Spohr and Mendelssohn giữ vị trí của mình bên cạnh các oratorio của Handel và Haydn trong vốn tiết mục của những đoàn hợp xướng lớn nhưng sau Mendelssohn, lịch sử âm nhạc của thể loại oratorio ngày càng trở thành một bản kê các kiệt tác cá nhân, trong số đó L’enfance du Christ (1854) của Berlioz, Christus (1853-66) của Liszt, The Dream of Gerontius (1900) của Elgar, Die Jakobsleiter (1917-22) của Schönberg, Le roi David (1923) của Honegger và Belshazzar’s Feast(1931) của Walton là đặc biệt quan trọng. Opera-oratorio Oedipus rex (1926-7) của Stravinsky là tác phẩm thành công nhất trong những nỗ lực áp dụng những đặc trưng nhất định của thể loại oratorio ở mảng thế tục thời hiện đại.
Ngọc Anh (nhaccodien.info) dịch