Jacques Offenbach là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ cello của thời kì Lãng mạn, người sáng lập thể loại operetta mà chính ông gọi là “l’ opéra bouffe français” – những tác phẩm âm nhạc cho sân khấu với tính chất nhẹ nhõm, hài hước, phản ánh đời sống xã hội. Ông cũng là một trong các tác giả có ảnh hưởng lớn nhất đến nền âm nhạc đại chúng châu Âu thế kỉ 19 và có rất nhiều tác phẩm vẫn còn trong danh mục biểu diễn ngày nay. Mặc dù tên tuổi ông gắn bó mật thiết nhất với operetta Pháp và Đế chế thứ hai, nhưng chính kiệt tác hoàn toàn ở thể loại opera, Les Contes d’Hoffman (Những câu chuyện của Hoffman), dựa theo ba truyện ngắn của E.T.A. Hoffmann, đã trở thành tác phẩm được biểu diễn thường xuyên nhất của Offenbach.
 Cha của Offenbach, tên thật là Isaac Eberst sinh ra ở Offenbach am main (một thành phố phía nam sông Main thuộc bang Hesse, Đức) vào khoảng năm 1770, đã đổi tên thành Offenbach khi định cư ở Deutz vào năm 1802. Ông là một người nhiều tài năng, đã từng làm nhiều nghề như thợ đóng sách, dịch giả, nhà xuất bản, giáo viên dạy nhạc, nhà soạn nhạc và trở thành người điều khiển ca đoàn khoảng 30 năm sau đó. Năm 1816, gia đình ông chuyển về Cologne, nơi con trai của ông  là Jacob chào đời vào ngày 20 tháng 6 năm 1819.
 Năm 1833 cha của Jacob mang cậu đến Paris, cố gắng xoay xở để cậu được nhận vào học lớp cello ở Nhạc viện Paris. Những khó khăn về tài chính buộc Jacques, cái tên được biết đến lúc đó, phải bỏ dở việc học vào cuối năm 1834. Sau  một vài công việc lặt vặt, ông cuối cùng cũng đã tìm được một vị trí chơi cello trong dàn nhạc của nhà hát Opéra Comique. Ông đã sớm tạo dựng được tên tuổi của mình như một nghệ sĩ cello bậc thầy, xuất hiện cùng những nghệ sĩ piano nổi tiếng như Anton Rubinstein, Franz Liszt, Felix Mendelssohn, và rất thường xuyên với Flotow, người cùng ông biểu diễn những sáng tác chung. Vào năm 1844, ông cải đạo sang Thiên chúa giáo và kết hôn với Herminie d’Alcain. Cùng với vợ con, ông chuyển về Đức năm 1848 (đôi vợ chồng sinh được 4 cô con gái) để tránh khỏi sự ác liệt của cách mạng ở Pháp, nhưng lại trở về sau một thời gian lưu lại ngắn ngủi.
 Năm 1850, ông trở thành người chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Pháp (Théâtre Francaise), nhưng nhà quản lý sân khấu âm nhạc ở Paris không chấp nhận ngay lập tức những bài hát và bản nhạc đôi lúc mang tính châm chọc của ông. Chính vì thế, vào năm 1855, ông đã thuê một nhà hát nhỏ trên đại lộ Champs Élysees, đặt tên là Bouffes Parisiens (Nhà hát hí kịch của người Paris) cho mùa biểu diễn. Mùa đông sau đó, ông chuyển Bouffes Parisiens thành một nhà hát lớn hơn, và cuối cùng, thành một nhà hát sôi động trên phố Monsigny/Passage Choiseul. Tại đó ông bắt đầu một sự nghiệp thành công cống hiến đáng kể cho việc sáng tác operetta. Trong những năm đầu, ông chỉ được phép  giới hạn quy mô tác phẩm của mình trong những vở một màn với rất ít nhân vật nói hoặc hát. Les deux aveugles (Hai người mù, 1855), Ba-ta-clan (1855) và La bonne d’enfant (Đứa con ngoan) là ba trong số những tác phẩm phổ biến vào giai đoạn này. Chỉ vào năm 1858, sau khi những hạn chế đã được dỡ bỏ, ông mới có thể cho ra đời tác phẩm dài đầu tiên của mình, Orpheus in the Underworld (Orpheus dưới địa phủ), một vở âm nhạc sân khấu “xuyên tạc” câu chuyện thần thoại Hy Lạp về danh ca Orphée.
 Offenbach đã viết gần 100 vở operetta, một số vở vô cùng phổ biến lúc ông sinh thời và những tác phẩm nổi tiếng nhất hiện vẫn còn trong kịch mục biểu diễn ngày nay. Tác phẩm hay nhất kết hợp giữa sự trào phúng mang tính vui nhộn, chính trị và văn hóa với các trò nhại grand opera hóm hỉnh. Những vở operetta nổi tiếng nhất trong giới nói tiếng Anh của ông là Orpheus in the Underworld (1858), La belle Hélène (Nàng Hélène xinh đẹp, 1864), La vie parisienne (Đời sống Paris, 1866), The Grand Duchess of Gerolstein (Bà đại công tước Gerolstein, 1867) và La Périchole (1868). Vở Les Brigands (Những tên cướp, 1869) ban đầu rất phổ biến trong giới nói tiếng Anh nhưng về sau đã rơi vào quên lãng.
 Offenbach gắn bó rất chặt chẽ với đất nước ông đang sống, nhiều tác phấm ông sáng tác mang đậm tinh thần ái quốc. điều này không giúp ông được nhiều khi chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra năm 1870. Bị mắng nhiếc trên báo chí Đức như một kẻ phản bội nước mẹ Đức và lại bị công kích trên báo chí Pháp như một điệp viên cho Bismarck, Offenbach phải mang gia đình đến vùng đất an toàn Tây Ban Nha. Khi ông quay về Paris sau chiến tranh, những vở operetta thiếu sự tôn kính của ông đã không còn được công chúng ưa chuộng nữa. Người ta cho là bằng cách biến hoàng gia thành trò hề và quân đội thành chuyện khôi hài, chúng đã hủy hoại Napoleon III và vì vậy chúng là nguyên nhân, hay ít nhất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại và dấu chấm hết của sự nghiệp, thời đại Offenbach. Trớ trêu thay, một số nhà phê bình đã chú giải rằng, chỉ một vài năm sau đó, Offenbach bị khiến trách (và cũng bị cảnh sát quấy rầy thường xuyên) vì lòng trung thành với đế chế đã sụp đổ. Năm 1875 đánh dấu một thời điểm sa sút : Offenbach bị buộc phải tuyên bố phá sản. Dù rằng vào năm 1876, tour diễn thành công trên nước Mỹ trong dịp trình diễn kỉ niệm một trăm năm Hoa Kỳ đã giúp ông phục hồi lại phần nào những gì đã mất. Trong thời gian này, ông đã cho ra đời hai tác phẩm operetta là La vie parisienne (Đời sống Paris) và La jolie parfumeuse(Cô hàng nước hoa xinh đẹp), ông cũng đã thực hiện được khoảng 40 buổi hoà nhạc ở New York và Philadelphia.
 Offenbach đã đánh dấu sự trở lại với công chúng bằng Madame Favart, một tác phẩm dựng lên câu chuyện tưởng tượng xoay quanh nữ diễn viên Pháp có thực Marine Justine Favart, và La fille du tampour-major (Cô đội trưởng đội quân nhạc), một tác phẩm đầy sáng tạo về âm nhạc.
 Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Offenbach chính là người sáng lập thể loại operetta mà ông gọi là “l”opéra bouffe français” – những tác phẩm âm nhạc cho sân khấu với tính chất nhẹ nhõm, hài hước, phản ánh đời sống xã hội. Dù mang nhiều điểm chung với opera nhưng operetta không có nguồn gốc từ Ý mà là từ Pháp, bản thân tên gọi của thể loại có nghĩa là một vở opera nhỏ, dù không phải vở operetta nào cũng ngắn. Thể loại operetta đặc trưng với những yếu tố: sử dụng lời thoại thay vì Recitative (hát nói), thường mang nội dung hài hước phản ánh đời sống và thực trạng xã hội. Operetta giống Opera comique về nhiều mặt, đặc biệt là lối sử dụng lời thoại nhưng đậm chất hài hơn. Sáng tạo ra thể loại operetta, Offenbach đã thẳng thừng thể hiện sự chống đối của mình với đời sống xã hội đương thời. Cũng tuân theo luật của nhà hát Paris vào thời đó cấm các vở âm nhạc sân khấu có hơn 3 diễn viên nhưng Offenbach đưa thêm nhiều yếu tố hài chính trị và vũ đạo lên sân khấu để mang đến tính chất giải trí cho công chúng. Vì tính chất hiện thực của operetta mà nó trở thành “mốt” ở châu Âu vào những năm nửa đầu thế kỉ 19. Âm nhạc Offenbach thể hiện ảnh hưởng của Mozart và Rossini nhưng cũng mang chất truyền thống của âm nhạc Pháp và âm nhạc lãng mạn Đức nửa đầu thế kỉ 19 (Schubert, Mendelssohn). Offenbach được biết đến là một nhạc sĩ có sở trường viết những giai điệu đẹp. Những giai điệu nổi tiếng nhất của Offenbach là “Khúc chèo thuyền” (Barcarolle) trích từ vở Les Contes d’Hoffmann và “Khúc Can-Can” trích từ Orpheus in the Underworld.
 Offenbach qua đời ngày 5 tháng 10 năm 1880 và được chôn cất tại Nghĩa trang Montmartre, Paris. Vở opera cuối cùng của ông, Les Contes d’Hoffman đã không thể hoàn thành : ông để lại màn dẫn (Prologue) và màn 1 hoàn chỉnh và phác thảo hoàn chỉnh các màn còn lại với phần đệm piano. Cùng với Faust của GounodCarmen của Bizet và Samson et Dalila của Saint-Saens, Les Contes d’Hoffmann là một trong những tác phẩm âm nhạc sân khấu nổi bật nhất của Pháp vào thế kỉ 19. Vở opera mang nhiều đặc điểm của các operetta Offenbach: sử dụng lời thoại thay vì recitative, nhiều yếu tố của các điệu nhảy và nhiều chi tiết hài hước, gây cười (nhất là ở màn 1). Có nơi người ta gọi Les contes d’Hoffmann là operetta dù nó gần với opera-comique hơn.
 Được biết đến là người sáng tạo thể loại operetta, nhưng Offenbach cũng hiểu rằng những câu chuyện mang tính giải trí, hài chính trị xã hội kia rồi cũng có lúc sẽ thoái trào, và ông ấp ủ ước muốn hoàn thành một tác phẩm thực sự nghiêm túc và đỉnh cao để giữ được một chỗ đứng lâu dài và chắc chắn trong lịch sử âm nhạc. Les contes d’Hoffmann chính là tuyệt tác mà ông ấp ủ. Offenbach bắt đầu viết vở opera này vào năm ông 58 tuổi dựa trên libretto của Jules Barbier và hi vọng nó sẽ là đỉnh cao nghệ thuật của mình. Ước nguyện của Offenbach hẳn đã trở thành sự thật. Sự đa dạng, phong phú và thú vị đến bất ngờ của Les contes d’Hoffmann có lẽ sẽ không bao giờ nhạt phai và mãi mãi thu hút những nhạc trưởng, những ca sĩ opera và giới yêu nhạc toàn thế giới. Có điều chính Offenbach lại không tận hưởng được sự nổi tiếng và thành công rực rỡ của đứa con tinh thần cuối cùng của mình. Bản thân ông cũng gặp nhiều khó khăn khi viết vở opera này. Viết Les contes d’Hoffmann cho nhà hát Gaité-Lyrique Paris cho mùa công diễn 1877-1878, Offenbach đã tạm ngừng viết nốt vở này một thời gian khi nhà hát bị phá sản. Năm 1879, trong một buổi tiệc âm nhạc tại nhà riêng, Offenbach đã cho trình diễn một số trích đoạn từ Les contes d’Hoffmann và đã thu hút sự chú ý của Carvalho, giám đốc nhà hát Opera-Comique Paris. Carvalho đã yêu cầu Offenbach hoàn thành vở opera và Offenbach đã tìm lại được niềm cảm hứng và hy vọng để hoàn thành tác phẩm của mình. Thế nhưng ngay đến lúc này Offenbach vẫn chưa thể toàn tâm vào tác phẩm của mình. Đời sống gia đình khó khăn, Offenbach vẫn phải tiếp tục viết các operetta để giữ đời sống vật chất được ổn định. Lúc qua đời, Offenbach chỉ để lại màn Prologue và màn Olympia hoàn chỉnh, còn các màn Giulietta, Antonia và Epilogue chỉ để lại phác thảo piano. Việc hoàn thành vở opera được giao cho Ernest Guiraud, một nhạc sĩ rất thành công, đạt được nhiều giải thưởng lớn và có những đóng góp quan trọng cho âm nhạc Pháp nửa sau thế kỉ 19. Nhưng chính bản thân Guiraud lại là người gây ra biết bao tranh cãi sau khi viết các đoạn hiệu đính hát nói (récitative) làm vở opera Carmen của Bizet gần như biến dạng. Thật đáng tiếc chính xác điều này đã lại diễn ra với Les contes d’Hofmann.

Guiraud đã để lại một hiệu đính rất kì lạ và tạo ra những thay đổi lớn với Les contes d’Hoffmann. Guiraud thêm thắt một số đoạn nhạc không có trong nguyên tác của Offenbach, ví dụ aria coloratura của Giulietta. Guiraud cũng biến toàn bộ các đoạn đối thoại thành hát nói, và làm vở opera dài ra đáng kể và tốc độ câu chuyện chậm hẳn. Trong một lần công diễn, vì những đoạn hát nói làm vở opera trở nên quá dài dòng, màn Giulietta bị lược bỏ hoàn toàn, chỉ có đoạn chèo thuyền nổi tiếng được giữ lại làm entr’acte. Ngoài ra, một số nhạc sĩ khác cộng tác với Guiraud trong việc hoàn thành tuyệt tác của Offenbach cũng thay đổi kết thúc một số màn để hợp với những câu chuyện của nhà văn E.T Hoffmann hơn.Một thay đổi nữa, không phải là một thay đổi về âm nhạc nhưng có tác động đến nội dung, là vị trí các màn. Nội dung 3 màn chính rất độc lập và dễ dàng đổi chỗ. Theo nguyên tác, Offenbach đòi hỏi trình tự các màn là: Prologue-Olympia-Antonia-Giulietta, nhưng rất nhiều người lại chọn cách đổi chỗ 2 màn Giulietta và Antonia, vì màn Antonia xét trên phương diện âm nhạc hơn hẳn màn Giulietta và nên để lại cuối cùng. Sự thay đổi cuối cùng, và cũng là thay đổi dễ nhận thấy nhất là số lượng ca sĩ được dùng trong tác phẩm. Theo nguyên tác, Offenbach đòi hỏi cả 4 vai soprano Stella-Olympia-Giulietta và Antonia chỉ do một soprano duy nhất thể hiện. 4 vai bass Lindorf-Coppelius-Dapertutto và Miracle cũng do một ca sĩ duy nhất thể hiện. Đây chính là điều tạo ra sự khác biệt căn bản trong các hiệu đính và phiên bản khác nhau và là điều làm người yêu nhạc phải vắt óc khi chọn một ghi âm Les contes d’Hoffmann.

Những điều kể trên chính là những yếu tố làm Les contes d’Hoffmann không bao giờ cũ với người yêu nhạc. Đứa con tinh thần cuối cùng của Offenbach cũng là một con ngựa bất kham với giới biểu diễn, một tác phẩm gây tranh cãi rất quyết liệt. Và có lẽ chính điều đó đã làm nên sự hấp dẫn ghê gớm và kì diệu của Les contes d’Hoffmann, khẳng định chỗ đứng trường tồn của Offenbach trong lịch sử âm nhạc sân khấu cổ điển.

Huy Phúc & Quỳnh Hương (nhacccodien.info) tổng hợp