Ở Bắc Âu có một nhà hát opera nơi một số thành viên học thức trong đám nhạc công thường miệt mài đọc sách hay thậm chí là trò chuyện ít nhiều về văn chương và âm nhạc mỗi khi phải trình diễn các vở opera xoàng xĩnh. Thế có nghĩa là họ đã đọc và trò chuyện rất nhiều…

Rất ít nhân vật điển hình cho sự vĩ đại và thái quá của kỉ nguyên Lãng mãn hơn Hector Berlioz – nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà phê bình, nhà văn và nhà tổ chức biểu diễn người Pháp với những khát vọng và dự án hoành tráng có thể đồng nhất với chủ nghĩa Lãng mạn như thi ca của Lord Byron, tiểu thuyết của Sir Walter Scott hay tranh của Eugène Délacroix. Thế nhưng dẫu có tất cả những khoa trương, can đảm giả bộ và cảm xúc cực đoan – trong cả cuộc sống lẫn tác phẩm – Berlioz lại là một nhà soạn nhạc tinh tế một cách đáng ngạc nhiên, người đã vận dụng các nhạc cụ theo đặc tính rõ rệt và bằng đôi tai nhạy bén với sự kết hợp giữa chúng.

Là nhà phê bình, Berlioz đã chứng tỏ tầm nhìn xa khi đánh giá cao các tứ tấu dây thời kỳ cuối của Ludwig van Beethoven trước nhiều người cùng thời mình. Bằng cách mở rộng nhận thức của công chúng về sự phát triển âm nhạc trên khắp lục địa, ông đã giúp đưa một nước Pháp bảo thủ, lạc hậu tiến vào thế kỷ 19. Với tư cách tác giả Grand Traité d’Inticmentation et d’Orchestration Modernes (Đại chuyên luận về tính năng nhạc cụ và phối dàn nhạc hiện đại, 1844), cuốn sách giáo khoa đầu tiên về phối dàn nhạc và bằng các sáng tác cách tân của mình, Berlioz đã trở thành cha đẻ của dàn nhạc giao hưởng hiện đại.

Hector Berlioz sinh ngày 11 tháng 12 năm 1803, tại La Côte-Saint-André, gần Grenoble và qua đời tại Paris ngày 8 tháng 3 năm 1869. Cuộc đời Berlioz trải dài suốt một giai đoạn hỗn loạn của lịch sử nước Pháp từ triều đại Hoàng đế Napoléon I tới những năm cuối cùng của Đế chế thứ hai dưới thời Napoléon III. Trên trục thời gian âm nhạc tương ứng, cuộc đời ông kéo dài từ khi Beethoven phác thảo Giao hưởng số 3 giọng Mi giáng trưởng “Eroica” tới thời điểm Richard Wagner mới hoàn thành Die Meistersinger von Nürnberg (Những nhạc sĩ xứ Nürnberg) được hai năm. Khoảng thời gian này gần như là nửa đầu của thời kỳ Lãng mạn mà đặc trưng trong nghệ thuật là quan điểm chủ quan cao, những biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ và kịch tính dữ dội trên quy mô lớn. Rất ít nhà soạn nhạc cùng thời kỳ có thể cưỡng lại lực kéo của nó (Felix Mendelssohn và Frédéric Chopin là những trường hợp ngoại lệ nổi tiếng). Berlioz không chỉ theo chủ nghĩa Lãng mạn, ông còn tạo cho nó một sự thúc đẩy lớn lao thông qua các tác phẩm mang tính chương trình đầy sáng tạo, Symphonie fantastique (Giao hưởng Ảo tưởng), Harold en Italie (Harold ở Ý) và bản “giao hưởng kịch” Roméo et Juliette (Roméo và Juliette); các overture giàu liên tưởng Le Corsaire (Tên cướp biển) và Le Carnaval romain (Ngày hội La Mã); Requiem (Grand Messe des morts, Khúc cầu siêu lớn cho người quá cố); vở “truyền thuyết kịch” La Damnation de Faust (Tội đày địa ngục của Faust); các vở opera Benvenuto Cellini, Béatrice et Bénédict (Béatrice và Bénédict) và bản tổng kết đồ sộ để đời Les Troyens (Những người thành Troie). Mặc dù Berlioz không thành công ở Pháp, nhưng danh tiếng của ông đã khá cao ở Anh, Đức và Nga. Thậm chí chuyến lưu diễn thành công tới triều đình Sa hoàng ở St.Petersburg đã giúp ông thoát khỏi cảnh phá sản ở Pháp.

Ngày nay chúng ta công nhận Berlioz trước hết là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nhưng đó chỉ là một khía cạnh trong sự nghiệp đầy màu sắc của ông. Lúc sinh thời ông cũng nổi tiếng không kém về tài viết lách. Các bài phê bình âm nhạc của ông đã được đọc rất rộng rãi. Và dù Hồi ký được xuất bản vào năm 1870 sau khi ông qua đời, cuốn sách đã trở thành một tác phẩm kinh điển nhờ sự hóm hỉnh và những miêu tả sắc sảo cũng như nhờ khả năng thêu dệt các tình tiết và khiến chúng càng thêm hấp dẫn qua lối kể. Thế nhưng một tác phẩm thậm chí còn giàu tính văn chương hơn nữa đã được xuất bản lúc ông sinh thời. Một số tác phẩm văn chương hay nhất của ông được lưu giữ trong một cuốn sách sống động có nhan đề Những buổi tối cùng dàn nhạc (Les Soirées de l’Orchestre, 1852). Hai nhà xuất bản Pháp đã từ chối nó, nhưng Berlioz đã tìm thấy một nhà xuất bản thứ ba chấp nhận rủi ro để có được một cuốn sách bán chạy nhất cho sự cố gắng của mình. Với đầy các giai thoại, tiểu luận và phác họa tiểu sử, cuốn sách được chia thành một phần mở đầu, 25 chương hay “buổi tối” và hai phần kết, tất cả đều xoay quanh dàn nhạc của một nhà hát opera tại một “thành phố văn minh” nào đó ở Bắc Âu. Các nhạc công này hiếm khi bận tâm đến phân phổ của mình trong lúc trình diễn những vở opera buồn tẻ, và họ lấp đầy thời gian bằng cách kể cho nhau nghe những câu chuyện, hoặc thậm chí theo đuổi những trò tiêu khiển khác chẳng hạn như học tiếng Anh hay nghiên cứu thiên văn. Thông qua những cuộc trò chuyện đầy khiêu khích của họ, Berlioz trình bày một bức tranh sống động về đời sống âm nhạc trong những thập niên đầu thế kỷ 19, và dàn cảnh một cách bất kính mà lôi cuốn. Chẳng hạn như đây là khởi đầu không may của “Buổi tối thứ nhất”:

Một vở opera Pháp hiện đại rất buồn tẻ sắp sửa được trình diễn.

Các nhạc công ngồi vào chỗ của mình với vẻ chán ngán và cáu bẳn rõ ràng. Họ không thèm lên dây, một việc mà nhạc trưởng dường như không hề để ý. Nhưng khi một kèn oboe chơi nốt La đầu tiên, đám nhạc công violin không thể không nhận ra rằng họ đang cao hơn kèn gỗ một phần tư cung.

“Ô hô!” một người trong bọn kêu lên, “Dàn nhạc nghịch tai mới thú vị làm sao! Hãy cứ chơi bản overture như thế này, sẽ hài hước lắm đây!”

Và quả nhiên các nhạc công chơi bè của mình một cách can đảm và không miễn cho khán giả một nốt nhạc nào. Ý tôi là không hề làm khán giả thiệt hại; bởi mê mẩn trước sự om sòm theo nhịp vô vị này, khán giả liền kêu đòi nghe lại và nhạc trưởng buộc phải cho chơi lại từ đầu. Chỉ có điều ông khôn khéo yêu cầu các nhạc đàn dây chỉnh âm theo kèn gỗ. Đấy là một người mánh khóe!

Dàn nhạc đã hòa hợp. Bản overture được chơi lại và lần này chẳng tạo ra được ấn tượng nào. Vở opera bắt đầu còn các nhạc công thì dần dần ngừng chơi.

Miêu tả này thiết lập giọng điệu cho hầu hết các buổi tối tiếp theo. Trừ rất ít ngoại lệ, các vở opera rất buồn tẻ và Berlioz rất thường xuyên mở đầu những nhận xét của mình bằng miêu tả này, rốt cuộc ông phải viện đến lối nói “Một vở opera Đức sắp sửa được trình diễn lần đầu tiên, điều rất là…” hoặc “Sắp sửa có…” nhằm tạo ra một cái cớ thuận tiện để ai đó trong hố nhạc bắt đầu trò chuyện.

Bản dịch tiếng Anh “Evenings with the Orchestra” của Jaques Barzun

Nhiều câu chuyện rất hài hước dù có liên quan đến chính các nhạc công hay những nhân vật bị chế nhạo khác. Ta được giới thiệu với một dàn nghệ sĩ náo nhiệt bao gồm concertmaster Corsino, bè trưởng bè violin hai Siedler, bè trưởng bè double bass Dimsky, nhạc công timpani Kleiner anh, bè trưởng bè cello Kleiner em và bè trưởng bè oboe Dervinck. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nhạc công quan trọng nhất mà nếu vắng mặt thì các vở opera không thể tiếp tục, và anh ta được nhắc đến như sau:

Chỉ một thành viên duy nhất trong dàn nhạc này không cho phép mình sao nhãng mảy may. Dồn toàn bộ sức lực cho nhiệm vụ một cách không biết mệt mỏi, với cặp mắt dán chặt vào các nốt nhạc trong phân phổ và đôi cánh tay cử động không ngừng, anh hẳn cảm thấy hổ thẹn nếu bỏ lỡ một nốt móc đơn hay bị chê trách về phẩm chất âm thanh. Vào cuối mỗi màn, anh đỏ bừng mặt, đẫm mồ hôi và kiệt sức đến nỗi thở không ra hơi; thế nhưng anh không dám tận dụng những giây phút tạm ngưng âm nhạc để đi uống một cốc bia ở quầy bar gần nhất. Nỗi sợ bỏ lỡ những ô nhịp đầu tiên của màn tiếp theo cũng đủ khiến anh ngồi yên tại chỗ. Cảm động trước nhiệt huyết của anh, giám đốc nhà hát từng gửi cho anh sáu chai rượu vang như một cách động viên. Nhưng người nghệ sĩ ý thức được giá trị của mình còn lâu mới biết ơn món quà này. Anh gửi trả lại với những lời lẽ đầy kiêu hãnh: “Tôi không cần động viên!” Độc giả hẳn đã đoán được rằng tôi muốn nói đến tay chơi trống trầm.

Các chương tiêu biểu trong Những buổi tối cùng dàn nhạc gồm: “Một cuộc ra mắt trong Nhà thiện xạ” nơi một số sinh viên giải phẫu giúp người bạn quá cố của họ, một người hâm mộ Nhà thiện xạ của Carl Maria von Weber, tham gia một cách rùng rợn vào một dàn dựng vở opera đó; “Cách một giọng nam cao xoay quanh công chúng: Một nghiên cứu thiên văn” nơi sự thăng trầm của một ca sĩ được so sánh với đường đi của mặt trời; “Chuyến đến Mỹ của Jenny Lind” nơi P.T. Barnum mua chuộc những người nghèo ở New York để họ vỗ tay thuê trong chuyến thăm của giọng nữ cao; “Tự tử vì nhiệt huyết” nơi niềm đam mê với Nữ tư tế đền thờ Vestal của Gaspare Spontini đã đẩy một nghệ sĩ vĩ cầm đến kết cục bi thảm; “Các vở opera kế tiếp giống hệt nhau” với một khảo sát triết lý ngắn về sự tầm thường; và một số bài luận khác được ngụy trang dưới dạng các cuộc trò chuyện trong hố nhạc. Thông qua những nhận xét đột ngột nhưng đanh thép của các nhạc công bình thường, những bong bóng tự phụ nổ tung và Berlioz hả hê đả kích ngành nhạc. Ông thậm chí còn mạo hiểm lao vào các cuộc tranh luận âm nhạc giả định trong tương lai với một chương có tiêu đề “Euphonia, hay thành phố âm nhạc” lấy bối cảnh năm 2344. Trong khi rất ít liên quan đến khoa học viễn tưởng, ngoài việc hoán đổi núi Etna thành một hồ nước thích hợp để bơi lội với một khinh khí cầu thi thoảng bay qua, lời phê bình này gợi ra rằng các ca sĩ cũng sẽ thiếu khả năng phân biệt âm sắc, các đạo diễn cũng chú tâm dàn dựng và thiết kế, và các nhạc công cũng bất cẩn với phân phổ như thời Berlioz. Xuất sắc trong âm nhạc dường như luôn là một loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Thế nhưng không phải toàn bộ Những buổi tối với dàn nhạc đều dành cho hài kịch và châm biếm. Berlioz quen biết nhiều nhân vật lỗi lạc, nhất là người bạn nghệ sĩ vĩ cầm xuất chúng Niccolò Paganini và có những nhận xét xác đáng về các nhạc sĩ quan trọng khác cùng thời, chẳng hạn như các nhà soạn nhạc Luigi Cherubini, Louis Spohr, Giacomo Meyerbeer, Gioachino Rossini, Weber và Spontini và các nhạc sĩ trong quá khứ, bao gồm các thần tượng của Berlioz như Christoph Willibald Gluck và Ludwig van Beethoven. Một cách định kỳ trong Những buổi tối với dàn nhạc, Berlioz đưa ra một giọng điệu nghiêm túc khi các kiệt tác được trình diễn tại nhà hát opera, chẳng hạn như Don Giovanni của Wolfgang Amadeus Mozart, Il barbiere de Siviglia (Người thợ cạo thành Siviglia) của Rossini, Iphigénie en Tauride (Iphigénie ở Tauride) của Gluck, hoặc Les Huguenots (Những người thanh giáo) của Meyerbeer, các nhạc công đắm chìm trong công việc và sự tôn trọng của họ đối với các bậc thầy sẽ ngăn chặn bất kỳ dấu hiệu bất kính nào. Độc giả chúng ta nhận thấy những khoảng tạm dừng hữu ích, vì sự tương phản khiến những câu chuyện được kể trong suốt các vở opera “rất…” thậm chí còn buồn cười hơn nữa.

Hiếm có nhà soạn nhạc vĩ đại nào được nhớ đến nhờ óc hài hước tuyệt vời như Hector Berlioz và quả thực ít ai thực sự tếu táo như ông. Những buổi tối cùng dàn nhạc là một khía cạnh nổi bật của thiên tài sáng tạo song đôi khi kỳ quặc của ông, và mặc dù thực tế là Berlioz coi việc viết lách như một công việc chán ngán và khó chịu, cuốn sách vẫn đem lại niềm vui khi đọc. Chắc chắn là sự hóm hỉnh sâu cay của Berlioz bộc lộ sự thiếu kiên nhẫn với những kẻ đần độn cũng như phần nào nỗi cay đắng về những thất bại của chính ông đã tô điểm cho giọng điệu của cuốn sách ở nhiều chỗ. Nhưng Những buổi tối cùng dàn nhạc không hề hóa thành hằn học, vì Berlioz nhận ra rằng các nhân vật của mình – dù lố bịch hay thảm hại nhất – đều quá con người và đáng được thông cảm. Rốt cục đây có thể là lý do mạnh mẽ nhất để cuốn sách này tiếp tục được nhiều người yêu thích, bởi chúng ta cười cùng họ nhiều hơn là cười nhạo họ, và sự yêu mến Berlioz dành cho các nhạc công lắm lời của mình khiến những nhược điểm của họ thậm chí càng có vẻ chân thực và khiến ta thích thú.

Blair Sanderson
Ngọc Anh (nhaccodien.info) dịch

Nguồn: allmusic.com