“Quá nhiều phường giá áo xem các buổi hoà nhạc như một kiểu cách, những người được gọi là chuyên gia nhồi nhét những điều ghê gớm vào trái tim những người bình thường, vào trái tim của những người tới các buổi hoà nhạc để trải nghiệm xúc cảm. Những người được gọi là chuyên gia này mặc đồ đen và đeo kính đen. Họ chỉ biết hình thức, họ không biết về trái tim của một bản giao hưởng. Họ chiếu X-quang lên tổng phổ và lánh xa khán giả. Như Dante Aligheri giải thích trong Paradiso: chúng ta tiếp cận với nghệ thuật âm nhạc bằng sự say mê chứ không phải bằng sự am hiểu” – Riccardo Muti
 Riccardo Muti là một nhạc trưởng theo phong cách truyền thống – sôi nổi, dữ dội, đầy sức lôi cuốn và luôn đòi hỏi khắt khe đối với những cộng sự. Giới phê bình nhận xét rằng ông chịu ảnh hưởng từ một nhạc trưởng người Ý khác, một người độc tài trên bục chỉ huy: Arturo Toscanini. Không chỉ được biết đến với vai trò một nhà chỉ huy, bên ngoài bục biểu diễn, Muti cũng đôi lần xuất hiện trên những trang nhất của các tờ báo uy tín do những tranh cãi của ông với những nhà quản lý hoặc các nhạc công. Mặc dù trong thế giới nhạc cổ điển không thiếu những cá nhân gây ra các sự chú ý như vậy và số người phê bình ông quyết liệt cũng nhiều chẳng kém những người hâm mộ ông, nhưng không một ai có thể nghi ngờ nguồn năng lượng dồi dào cũng như cá tính khác thường của Muti. Được coi là một trong những nhạc trưởng nổi tiếng nhất đương đại, Muti luôn tìm được sự cân bằng giữa các nhà hát opera danh giá và những phòng hoà nhạc hàng đầu trên khắp thế giới.
 Riccardo Muti sinh ngày 28 tháng 7 năm 1941 tại Naples, thành phố miền Nam nước Ý. Cha của cậu là bác sĩ đồng thời cũng là một ca sĩ. Học những bài học piano và violin tại nhà, sau đó, Riccardo chuyển lên học sáng tác và piano tại San Pietro a Majella Conservatory, Naples. Một trong những thầy giáo của cậu tại đây là nhà soạn nhạc phim nổi tiếng Nino Rota, người sau đó đã sáng tác nhạc nền cho bộ phim Bố già. Chuyển sang học chỉ huy dàn nhạc, Muti gia nhập Verdi Conservatory, Milan. Tại đây anh theo học với Bruno Bettinelli và Antonino Votto. Dấu ấn đầu tiên của chàng thanh niên với cương vị nhạc trưởng diễn ra vào năm 1967 khi Muti giành giải nhất trong cuộc thi Guido Cantelli Competition diễn ra tại Ý. Giải thưởng này đã khiến anh có cơ hội xuất hiện cùng với dàn nhạc của Đài phát thanh quốc gia Italia, RAI một năm sau đó, một sự khởi đầu không tồi đối với một nhạc trưởng trẻ tuổi. Năm 1969, anh cưới Christina Mazzavillani. Họ có với nhau 2 người con trai và 1 cô con gái. Cũng trong năm này, anh trở thành nhạc trưởng chính thức của Maggio Musicale (May Music Festival), Florence – một trong những lễ hội nhạc cổ điển danh tiếng nhất châu Âu. Muti còn đảm nhận cương vị này cho đến tận năm 1981.
 Những năm đầu tiên của thập niên 70 chứng kiến việc Riccardo Muti liên tục trở thành khách mời của những dàn nhạc trên khắp thế giới với độ nổi tiếng của những dàn nhạc này ngày một lớn. Trong khi đang nắm giữ cương vị chỉ huy chính tại Civic Theatre, Florence, ông xuất hiện lần đầu tại Salzburg Festival, Áo vào năm 1971 (chỉ huy vở opera Don Pasquale của Gaetano Donizetti) do đích thân nhạc trưởng huyền thoại Herbert von Karajan mời và với Berlin Philharmonic và Philadelphia Orchestra – 2 trong số những dàn nhạc danh giá nhất trên thế giới – vào năm 1972. Philadelphia Orchestra đã chứng minh tình cảm lâu dài và bền chặt của mình với Muti bằng cách mời ông tham gia trong những chuyến lưu diễn dài ngày tại nhiều thành phố lớn ở Mĩ và Ý. Ông là nhạc trưởng khách mời chính của Philadelphia Orchestra vào năm 1977 và năm 1980, ông kế nhiệm nhạc trưởng kì cựu Eugene Ormandy để trở thành nhạc trưởng chính thứ 5 của Philadelphia Orchestra.
 Nhiều dàn nhạc lớn khác tại Mĩ gặp lúng túng trong việc những nhạc trưởng chính của họ thời kỉ giữa thế kỉ 20 nghỉ hưu hoặc chuyển sang dàn nhạc khác nhưng điều này đã không xảy ra với Philadelphia Orchestra. Khi dẫn dắt Philadelphia Orchestra, Muti đã nhận được vô số lời tán dương. Khác với 2 người tiền nhiệm là Leopold Stokowski và Eugene Ormandy, Muti không cố gắng duy trì “Philadelphia sound” – một sắc thái âm nhạc đặc trưng của Philadelphia Orchestra đã được duy trì từ cách đó hơn 60 năm – mà ông chủ trương dàn dựng và biểu diễn tác phẩm đúng với ý đồ của tác giả nhất. Điều này ban đầu đã gây ra tranh cãi khá gay gắt trong dàn nhạc. Tuy nhiên, Muti đã dập tắt những lời chỉ trích khi những buổi biểu diễn cũng như các bản ghi âm của ông và Philadelphia Orchestra trong các tác phẩm của Peter Ilyich Tchaikovsky, Johannes Brahms và các nhà soạn nhạc Lãng mạn khác đã nhận được những lời tán thưởng từ phía những nhà phê bình và công chúng. Là một người có khuynh hướng cách tân, Muti đã cùng dàn nhạc mở rộng hơn nữa danh mục tác phẩm biểu diễn của mình. Philadelphia Orchestra trong giai đoạn này đã biểu diễn rất nhiều các tác phẩm âm nhạc của những nhạc sĩ đương thời như William Bolcom hay Luciano Berio, thậm chí vào năm 1989 Muti còn mời nhạc sĩ người Mĩ Bernard Rands làm nhạc sĩ sáng tác chính cho dàn nhạc. Là một người Ý – quê hương của nghệ thuật opera, trong suốt những năm tháng gắn bó với Philadelphia Orchestra, Muti luôn đưa các tác phẩm opera vào danh mục tác phẩm biểu diễn định kì của dàn nhạc, bắt đầu từ năm 1983 với Macbeth của Giuseppe Verdi. Trong những năm tháng tiếp theo là hàng loạt các vở opera của Richard Wagner, Giuseppe Verdi, Giacomo Puccini và Ruggero Leoncavallo. Năm 1986, dưới sự chỉ huy của Muti, Philadelphia Orchestra kỉ niệm 50 năm ngày thực hiện chuyến lưu diễn xuyên lục địa đầu tiên của mình bằng một tour diễn vòng quanh nước Mĩ. Năm 1988, Philadelphia Orchestra dưới sự chỉ huy của Muti đã trở thành dàn nhạc đầu tiên của Mĩ ghi âm trọn bộ 9 bản giao hưởng của Ludwig van Beethoven trên đĩa CD (cùng hãng ghi âm EMI Classics). Cùng với Philadelphia Orchestra và EMI Classics, Muti đã thực hiện thu âm nhiều tác phẩm của những nhạc sĩ như Sergei Rachmaninov, Gustav Mahler, Modest Mussorgsky, Alexander Scriabin… Tháng 4 năm 1991, Muti và dàn nhạc thực hiện buổi hoà nhạc đầu tiên mang tên Martin Luther King, đến nay đã trở thành những buổi biểu diễn hàng năm có tính chất định kì. Từ năm 1974 đến năm 1982, ông còn đảm nhận thêm cương vị nhạc trưởng chính của Philharmonia Orchestra, London thay thế cho Otto Klemperer và từ năm 1979 là giám đốc âm nhạc của dàn nhạc. Muti tiếp tục chỉ huy các vở opera tại hầu hết các nhà hát danh tiếng trên thế giới trong suốt những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, trong đó các nhà phê bình đánh giá rất cao bản thu âm La Traviata (Verdi) của ông với EMI Classics cùng Philharmonia Orchestra và dàn ca sĩ Alfredo Kraus, Renata Scotto và Renato Bruson. “Một bản thu âm có chất lượng tuyệt vời khác thường đối với một tác phẩm vốn rất quen thuộc”, nhà phê bình Peter G. Davis đã nhận xét như vậy về đĩa nhạc này trên tờ Opera News. Muti là một người có tinh thần làm việc rất khắt khe đối với tổng phổ các tác phẩm opera, nhưng theo thời gian những giới hạn này được ông diễn giải theo những cách hết sức đặc biệt.
 Năm 1986, Muti ghi dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp nhạc trưởng của mình khi ông trở thành giám đốc âm nhạc của La Scala, Milan – một nhà hát nổi tiếng có bề dày lịch sử từ năm 1778 và tại đây đã công diễn lần đầu rất nhiều vở opera cổ điển Ý. Trong suốt quá trình cộng tác với La Scala, ông đã tạo được những dấu ấn vô cùng đậm nét bằng những kế hoạch dàn dựng bộ 3 opera Wolfgang Amadeus Mozart – Lorenzo da Ponte: Don Giovanni, Le nozze di Figaro và Così fan tutte cũng như trọn bộ Der Ring des Nibelungen của Wagner. Bên cạnh những vở opera quen thuộc, Muti còn đưa vào danh mục biểu diễn của La Scala những vở opera của các nhà soạn nhạc thuộc trường phái Naples thế kỉ 18, các vở opera thời kì đầu của Verdi như Nabucco, Attila, Ernani cũng như các tác phẩm của Christoph Willibald Gluck (Armide), Luigi Cherubini (Lodoiska), Gaspare Spontini (La Vestale) hay thậm chí là cả Francis Poulenc – tác giả của Les dialogues des Carmélites. Muti đã kiên trì bám trụ tại cả La Scala và Philadelphia Orchestra, nhưng sự dịch chuyển liên tục giữa Mĩ và Ý đã khiến ông trở nên mệt mỏi chỉ sau vài năm.
 Có lẽ Muti không bao giờ hoàn toàn thành công trong việc tiếp cận với chủ nghĩa quân bình một cách tự nhiên theo văn hoá Mĩ. Trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên Andrew Clark của tờ Finacial Times, Muti cho biết: “Tôi luôn cảm thấy họ chú trọng vào việc giải trí hơn là sự trải nghiệm văn hoá. Khi tôi thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mĩ, tôi thực sự bị sốc khi đọc thấy những lời bình luận viết trong mục “giải trí”: show diễn sắp tới là Bản giao hưởng số 7 của Anton Bruckner. Đó là tất cả những gì họ nói. Họ cho rằng văn hoá là cái gì đó được dùng để tiêu thụ chứ không phải để thu hút. Khi tôi tới một buổi hoà nhạc hoặc một đêm biểu diễn opera, quan điểm của tôi là tới một nơi nào đó mà tôi có thể tư duy về công việc của mình”. Muti giã từ cương vị giám đốc âm nhạc của Philadelphia Orchestra vào năm 1992, người thay thế ông là nhạc trưởng người Đức Wolfgang Sawallisch và ông trở thành nhạc trưởng danh dự và vẫn luôn cộng tác chặt chẽ với dàn nhạc. Thập niên 90 cũng đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp giữa Muti và Vienna Philharmonic khi năm 1993 ông được chọn để chỉ huy trong buổi hoà nhạc danh giá New Year Concert được diễn ra thường niên vào buổi sáng ngày 1 tháng 1 hàng năm, bắt đầu từ năm 1939. Ông còn tiếp tục có được vinh dự này vào các năm 1997, 2000 và 2004.
 Theo thời gian, Riccardo Muti trở thành một trong những nhạc trưởng nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông cũng không hề sợ hãi khi sử dụng quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình. Ngay cả trong thời kì đầu của sự nghiệp, ông cũng luôn giành thắng lợi trong việc áp đặt ý kiến chủ quan của mình trong việc dàn dựng các tác phẩm tại Florence, Milan hay Paris thay vì thoả hiệp với những cộng sự. Năm 1992, Muti kiên quyết từ chối xuất hiện tại Salzburg Festival danh tiếng vì phản đối cách dàn dựng sân khấu quá cách tân của đạo diễn Gérard Mortier trong vở opera La clemenza di Tito (Mozart). Ông không cộng tác với Salzburg Festival trong suốt thập kỉ 90 của thế kỉ 20 nhưng vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Trong những năm này, ông vẫn đều đặn ghi âm các tác phẩm khí nhạc cũng như opera cho EMI Classics và cho phát hành mỗi năm vài album. Có vẻ ổn định với chiếc ghế tại La Scala, vào năm 2000, ông quay trở lại với giới nhạc cổ điển Mĩ bằng cách trở thành nhạc trưởng khách mời của New York Philharmonic.
 Cuộc tranh luận giữa Muti và Ban Giám đốc La Scala bắt đầu xảy ra vào năm 2003 khi nhà hát đóng cửa để chuẩn bị cho một cuộc trùng tu có quy mô lớn. Ban Lãnh đạo quyết định tạm thời cho biểu diễn các vở opera tại Teatro degli Arcimboldi, một nhà hát mới nằm ở ngoại ô Milan, nơi mà một thành viên trong Ban Lãnh đạo có một sự liên quan về mặt tài chính. Muti ra sức phản đối, ông cho rằng việc diễn tạm thời như vậy là hạ thấp các chương trình của La Scala và ông cố gắng thuyết phục những nhạc công, ca sĩ của nhà hát chống lại Carlo Fontana – Tổng Giám đốc của La Scala. Tuy nhiên, kết quả diễn ra ngược lại sự mong đợi của Muti, các thành viên của nhà hát không chỉ từ chối rời bỏ nhà hát mà còn cùng với nhau phản đối lại Muti, họ tuyên bố rằng Muti từ chối sự xuất hiện của những nhạc trưởng khách mời danh tiếng khác tại nhà hát và việc làm đồng nghĩa với việc khiến quyền lực của ông bị san sẻ.
 Sự căng thẳng càng được tăng lên, trở thành đầu đề cho những bài báo tại nước Ý thời kì này. Trong số những người phản đối Muti quyết liệt nhất là đạo diễn danh tiếng Franco Zeffirelli. Những lời chỉ trích Muti của Zeffirelli đã được Anthony Barnes trích dẫn lại trên tờ Inderpendent Sunday, London: “Một gã say xỉn, mê đắm trong thứ nghệ thuật phù phiếm,  người luôn chỉ biết nói về bản thân mình và là một bức tranh biếm hoạ trong giới nhạc trưởng”. Tuy nhiên, thị trưởng Milan Gabriele Albertini, một thành viên trong Ban Lãnh đạo La Scala thì lại bảo vệ Muti, ông luôn nhắc đến Muti với tư cách là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất trên thế giới.
 Với việc bổ nhiệm Mauro Meli làm Tổng Giám đốc mới của La Scala, sự xung khắc giữa Muti và Fontana đã tạm thời được giải quyết. Nhưng cuộc tranh cãi xung quanh Muti lại một lần nữa được khơi dậy vào năm 2004, khi ông từ chối biểu diễn cùng Milan Teatro alla Scala Orchestra tại Royal Opera House trong vở opera La forza del destino của Verdi vì một số thành viên trong Ban Giám đốc của Covent Garden yêu cầu một thay đổi nhỏ trong việc dàn dựng sân khấu: thay thế một bức tường gạch vững chãi bằng một tấm màn nhung với lí do họ đưa ra đơn giản là để giữ an toàn. Sau đó, Muti đã bị những tờ báo vốn nổi tiếng tàn nhẫn tại Anh so sánh với đàn bà.
 Sau khi La Scala mở lại vào ngày 7 tháng 12 năm 2004 với buổi biểu diễn vở opera Europa riconosciuta của Antonio Salieri – chính là tác phẩm được biểu diễn trong dịp khánh thành La Scala vào năm 1778, mọi việc lại một lần nữa trở nên xấu hơn đối với Muti tại Milan. Mặc dù ông đã được thuyết phục rằng Ban Lãnh đạo La Scala đã sa thải Fontana và thay thế bằng Meli nhưng những thành viên của nhà hát từ chối chấp nhận quyết định này và tổ chức nhiều buổi đình công. Vào ngày 16 tháng 3 năm 2005, một cuộc biểu tình nổ ra, tập trung tới gần 800 nhân viên, họ yêu cầu Muti phải từ chức. Sau hơn 2 tuần lễ căng thẳng, Muti chấp nhận rời bỏ vị trí vào ngày 2 tháng 4. Dù vậy không ai nghĩ đây là dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông, ông tuyên bố đến giữa năm 2005 sẽ cân nhắc đến việc trở thành nhạc trưởng của Chicago Symphony Orchestra hoặc một nhà hát opera danh tiếng mà từ đó ông có thể gây dựng lại danh tiếng và uy tín vốn có của mình.
 Trước đó, vào năm 2004, Riccardo Muti đã thành lập “Luigi Cherubini” Youth Orchestra gồm toàn những nghệ sĩ trẻ tài năng được tuyển chọn từ hơn 600 nhạc công trên khắp nước Ý. Và sau khi rời bỏ La Scala thì Muti được Vienna Philharmonic chọn là nhạc trưởng chỉ huy trong đêm diễn đầy ý nghĩa vào ngày 27 tháng 1 năm 2006 nhân dịp kỉ niệm 250 ngày sinh Wolfgang Amadeus Mozart, chương trình được truyền hình trực tiếp tới toàn thế giới. Tháng 3 sau đó Muti và Vienna Philharmonic thực hiện chuyến lưu diễn tới Mĩ và Mexico. Và có thể dễ dàng nhận thấy rằng, dù có mối bất hoà với La Scala thì ngày nay Riccardo Muti vẫn là một trong những nhạc trưởng được chào đón nhất trên thế giới.
cobeo tổng hợp