Bản tường thuật này là bằng chứng cho lòng tôn kính và tình yêu đối vói người đã dành cho ta tình yêu lớn nhất trên đời – người mẹ. Người mẹ dưới trần gian là hình ảnh hoàn hảo nhất, là tia sáng thuần khiết và ấm áp nhất của Chúa; sự ân cần bất tận của mẹ là biểu lộ trực tiếp nhất sự ân cần bất tận của Chúa.

 

Mẹ tôi chào đời tại Rouen ngày 4 tháng 6 năm 1780 với nhũ danh Victoire Lemachois. Cha của bà làm ở tòa án. Mẹ của bà, một cô Heuzey, được trời phú cho trí thông minh lỗi lạc và các năng khiếu nghệ thuật tuyệt vời. Bà ngoại là một thi sĩ, nhạc sĩ; bà ngoại soạn nhạc, hát, chơi đàn harpe và tôi thường nghe mẹ kể rằng bà ngoại diễn bi kịch như cô Duchesnois và diễn hài kịch như cô Mars.

Một sự kết hợp hiếm có của các năng khiếu bẩm sinh và đặc biệt khiến bà ngoại được những người ưu tú nhất trong giới thượng lưu tìm cách làm thân. Giữa những Houdetot, những Mortemart, những Saint-Lambert, những Herbouville, bà ngoại là một đứa trẻ được nuông chiều hết mực.

Nhưng than ôi! Tài nghệ tạo nên vẻ duyên dáng và quyến rũ ở đời không phải lúc nào cũng đảm bảo cho hạnh phúc. Sự bình yên trong gia đình khó mà giữ được khi có sự khác nhau hoàn toàn về thị hiếu, thiên hướng, bản năng và thật là ác mộng khi muốn bắt thực tế cuộc sống phải phục tùng lý tưởng. Sự hòa hợp cũng không hề chậm trễ rời bỏ ngôi nhà nơi biết bao sự khác biệt cùng hợp lực xua đuổi nó. Tuổi thơ của mẹ tôi đã phải gánh chịu hậu quả đớn đau và mẹ đã có lối sống nghiêm túc ở cái tuổi lẽ ra còn vô lo vô nghĩ.

Nhưng trời đã phú cho bà tâm hồn mạnh mẽ, ý thức cao vời và lòng can đảm trước mọi thử thách. Bị tước mất sự chăm sóc của người mẹ từ rất sớm, bà đã phải một mình học đọc, học viết và cũng một mình học những khái niệm đầu tiên về hội họa và âm nhạc mà bà sẽ sớm phải dùng đến như một phương tiện mưu sinh.

Cách mạng đã khiến ông ngoại tôi mất việc ở tòa án Rouen. Khi ấy mẹ tôi chẳng còn nghĩ đến điều gì khác ngoài làm việc để trở nên hữu ích. Bà tìm học trò để dạy đàn piano và từ tuổi mười một đã bắt đầu cái nghề khó nhọc mà sau này, khi bà góa chồng, trở thành phương tiện để nuôi con.

Bị thôi thúc bởi mong muốn luôn làm tốt hơn nữa và bởi ý thức về bổn phận là thứ sẽ dẫn dắt và chi phối mình cả đời, bà cảm thấy rằng là giáo viên thì phải học được phương pháp giảng dạy mẫu mực nhất. Vậy là bà quyết tâm tìm học vài bậc thầy danh tiếng mà nhờ đó sẽ giúp bà vừa vững dạ vừa nâng cao uy tín. Để đạt được mục đích này, bà đã dành dụm từng chút một, mà có lẽ là từng xu một – một phần từ món học phí còm cõi mà người học trò nghèo của bà mang lại. Và khi đã tiết kiệm đủ số tiền cần thiết, bà bắt xe ngựa mà thời ấy phải mất ba ngày để đi từ Rouen tới Paris và tới thẳng nhà Adam, thầy dạy piano tại Nhạc viện và cũng là cha của Adolphe Adam, tác giả của Căn nhà gỗ cùng nhiều vở thú vị khác. Adam ân cần đón tiếp bà, chăm chú nghe bà chơi đàn và ngay lập tức nhận ra ở bà những phẩm chất giúp duy trì và củng cố mối quan tâm ban đầu dành cho những tài năng triển vọng. Vì tuổi còn nhỏ nên mẹ tôi không thể nghe theo lời khuyên của Adam là chuyển đến sống ở Paris để học ông thường xuyên và liên tục. Họ thỏa thuận rằng cứ ba tháng bà sẽ đi một chuyến từ Rouen tới Paris để học một bài.

Một bài học trong suốt ba tháng! Phải thừa nhận rằng đó là một khẩu phần nghèo nàn, ít nhất là ở bề ngoài, để có thể nghĩ rằng nó mang lại lợi ích. Nhưng có những người là minh chứng sống động cho phép màu hóa bánh ra nhiều ở nơi hoang vắng và ta sẽ thấy rằng, bằng nhiều ví dụ khác theo mạch chuyện này, mẹ tôi là một trong những người ấy.

Người phụ nữ này, người về sau sẽ tạo được danh tiếng vững chắc và chính đáng trong nghề dạy học, không phải và không thể nào là một học trò bỏ lỡ điều gì đó trong những lời chỉ dạy hiếm hoi và quý giá của thầy mình. Bởi thế Adam rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ mà ông nhận thấy sau từng bài học; và cảm kích trước lòng can đảm của cô học trò nhỏ còn hơn cả trước khả năng âm nhạc của cô, ông đã bàn giao miễn phí cho cô một cây piano để cô có thể tập luyện đều đặn mà không phải lo lắng cũng như chịu gánh nặng chi phí thuê đàn vốn ít ỏi thôi những sẽ là một khoản thuế lớn đối với thu nhập xoàng xĩnh của cô.

Một thời gian sau, trong cuộc đời mẹ tôi xảy ra một sự kiện tác động trực tiếp đến tương lai của bà.

Các bậc thầy sáng tác cho piano được ưa chuộng thời ấy là Clementi, Steibelt, Dussek… Tôi chưa kể đến Mozart, người đã tiếp nối Haydn tỏa sáng trong thế giới âm nhạc cũng như chưa kể đến Sébastien Bach vĩ đại, tác giả bộ prélude và fugue bất hủ cho clavecin được biết đến với cái tên Bình quân luật đã trở thành quy tắc tối cao trong luyện tập đàn phím và như cuốn sách gối đầu giường trong soạn nhạc. Beethoven hãy còn trẻ và chưa đạt được danh tiếng mà thiên tài lớn lao của ông sẽ đem về cho ông.

Khi ấy Hullmandel, nghệ sĩ violin tài năng người Đức và bạn cùng thời của Beethoven, tới Pháp với ý định tìm học trò kiêm người đệm đàn. Khi dừng chân tại Rouen, ông muốn nghe một số người trẻ tuổi được cho là tiến bộ nhất trong nghệ thuật âm nhạc. Một kiểu thi thố được tổ chức mà mẹ tôi đã tham gia và có vinh dự được Hullmandel đặc biệt chú ý và chúc mừng. Hullmandel đã ngay lập tức chọn mẹ tôi là người có khả năng nhận từ ông những lời chỉ dạy và cùng ông hòa tấu trong những ngôi nhà nơi âm nhạc được trau dồi một cách say mê và nghiêm túc.

Đến đây là hết những thông tin mà tôi có được về tuổi thơ và tuổi trẻ của mẹ. Tôi không biết gì nữa về cuộc đời bà cho đến thời điểm bà lấy chồng vào năm 1806. Khi ấy bà hai mươi sáu tuổi rưỡi.

Dẫu lịch dạy học đã kín mít từ sáng đến tối mọi ngày trong tuần, mẹ tôi vẫn tìm được thời gian để trao đổi với tôi một lượng lớn thư từ. Chỉ bằng cách bớt xén thời gian ngủ và dưới hình thức này, mẹ mới có thể dành cho tôi sự ân cần dịu dàng và nhẫn nại. Tôi nhận được từ mẹ những lá thư mà chỉ riêng độ dài thôi cũng đủ cho thấy thời lượng mà mẹ đã phải bỏ nghỉ ngơi để viết. Tôi biết rằng mẹ dậy từ năm giờ sáng để sẵn sàng đón học trò đầu tiên, người sẽ đến vào lúc sáu giờ; rằng ngay cả thời gian ăn sáng của mẹ cũng rất thường xuyên phải hi sinh cho một bài học và bữa ăn nào của mẹ cũng chỉ có xúp hoặc thậm chí chỉ một miếng bánh mì cùng một cốc vang đỏ; rằng việc dạy học kéo dài đến sáu giờ tối; rằng sau bữa tối, mẹ phải lo liệu hàng ngàn việc cần làm để chăm sóc nhà cửa; hơn nữa mẹ còn phải viết thư cho nhiều người khác ngoài tôi; hơn nữa, mẹ còn là người làm từ thiện và thường tự tay may vá để cung cấp áo quần cho những người nghèo mình đến thăm; tóm lại là hàng ngàn việc mà người ta chỉ có thể dung hòa bằng trật tự và bằng phương pháp sử dụng thời gian – hai phẩm chất cơ bản và thiết yếu là nền tảng của mọi cuộc sống hữu ích và trọn vẹn mà chính mẹ được trời phú cho ở mức cao nhất. Chẳng hạn như mẹ đã loại khỏi lịch trình cái tai vạ của việc thăm viếng xã giao làm mất thời gian của mình, từ thứ Hai đến thứ Bảy, chỉ để đến nhà người khác làm mất thời gian của họ và giết khoảng thời gian khiến người ta chết vì buồn chán thay vì dùng để sống này. Mẹ cũng nêu ra cho chúng tôi những câu châm ngôn súc tích nhưng được mẹ dùng rất nhiều lần và thốt ra một cách tình cờ theo lối nói ngắn gọn của những người không có thời giờ ba hoa. Chẳng hạn như “Người không tiêu pha hoang phí thì luôn tìm được cách tiêu pha hợp lý” hay “Người không lãng phí một phút nào thì luôn có thời gian làm mọi việc phải làm.”

Một người bạn của gia đình đã bảo tôi: “Tôi thấy mẹ cậu không phải là một phép màu mà là hai phép màu; tôi chẳng hiểu bà tìm đâu ra thời gian và số tiền bà trao đi.” Còn tôi thì biết rõ mẹ tìm thấy hai thứ đó ở đâu: trong lý trí và trong trái tim mẹ. Càng nhiều việc phải làm thì mẹ càng làm được nhiều. Điều này ngược lại song có cùng ý nghĩa với câu nói hay ho của Émile Augier: “Tôi rảnh đến mức chẳng có thời gian làm bất cứ việc gì.” Trong những lá thư mẹ viết, người anh trai thân yêu và xuất sắc của tôi thi thoảng cũng gửi xen vào cho tôi những lời hay ý đẹp và những lời khuyên nhủ khôn ngoan. Tôi thực sự cần đến chúng, bởi tôi phải nói rằng sự khôn ngoan chưa bao giờ là điểm mạnh của tôi, còn điểm yếu thì rất mạnh khi không có lý trí để đối trọng với nó. Than ôi! Tôi đã quá ư kém cỏi trong việc tận dụng tất cả những lời khuyên này và lỗi là tại tôi...

Charles Gounod (trích Hồi ký nghệ sĩ)
na9 dịch