1/ Giới thiệu chung:
 Lied (số nhiều là Lieder) là một từ tiếng Đức với nghĩa đen là “bài ca”. Tuy nhiên nó được sử dụng chủ yếu như một thuật ngữ cho những ca khúc thuộc dòng nhạc cổ điển châu Âu, còn được biết đến như những ca khúc nghệ thuật. Về đặc thù, các Lied thường được soạn cho một ca sĩ solo và piano. Đôi khi các Lied được tập hợp thành một Liederkreis hay “liên khúc” – một loạt những ca khúc kết nối với nhau bằng một chuyện kể hay chủ đề riêng. Những nhà soạn nhạc Franz Schubert và Robert Schumann gần gũi nhất với thể loại này. Bởi vì từ Lied tiếng Đức thường chỉ có nghĩa là “bài ca” nên người Đức sử dụng thuật ngữ đặc biệt Kunstlied (Ca khúc nghệ thuật) để chỉ thể loại này.
2/ Lịch sử:
 Với những người nói tiếng Đức, thuật ngữ Lied có một lịch sử trải dài từ những bài ca của người hát rong thế kỉ XII (Minnesang), những bài hát dân gian qua đường (Volkslieder) và những bài thánh ca nhà thờ. Ở Đức, thời kỳ phát triển nhất của lied là vào thế kỷ XIX. Những nhà soạn nhạc Đức và Áo đã viết âm nhạc cho giọng hát cùng với đàn phím trước thời gian này, nhưng cùng với sự nở rộ của văn học Đức trong những kỷ nguyên Cổ điển và Lãng mạn thì những nhà soạn nhạc mới tìm thấy cảm hứng lớn lao trong thi ca mà đã làm khuấy động thể loại được biết đến là Lied. Những khởi đầu của truyền thống này được thấy rõ trong những lied của Mozart và Beethoven, nhưng chính với Schubert thì người ta mới thấy rõ một sự cân xứng giữa phần lời và phần nhạc, một sự cuốn hút mới mẻ vào âm nhạc của ý nghĩa lời thơ. Schubert đã viết khoảng 800 lied, một số được sắp xếp theo những chuỗi hay liên khúc thuật lại một câu chuyện – cuộc phiêu lưu của tâm hồn hơn là thể xác. Truyền thống này được tiếp tục bởi Schumann, Brahms và Hugo Wolf, và bởi R. Strauss và Mahler ở thế kỉ XX. Một lượng lớn tác phẩm được sáng tác trong truyền thống Lied, giống như truyền thống của khúc Madrigal Ý ba thế kỉ trước, miêu tả một trong những thành quả phong phú nhất của cảm giác con người.
3/ Những truyền thống dân tộc khác:
 Truyền thống Lied được kết nối gần gũi với âm giọng thực tế của ngôn ngữ Đức. Nhưng có sự tương đồng đáng chú ý như ở Pháp với những mélodies của những nhà soạn nhạc như Gabriel Fauré, Claude Debussy và Francis Poulenc và ở Nga đặc biệt là với những bài ca của Mussorgsky. Nước Anh cũng có một sự nở rộ của bài ca vào thế kỷ XX mà đại diện là Ralph Vaughan Williams và Benjamin Britten.
Ngọc Anh (nhaccodien.info) tổng hợp