Jacqueline Mary du Pré sinh ngày 26 tháng 1 năm 1945, là con của Iris và Derek du Pré, họ cô có âm giống như tiếng Pháp nhưng thực chất có nguồn gốc từ Channel Islands và có thể truy nguyên đến Norman Conquests. Gia đình cô là một gia đình trung lưu mà ở đó âm nhạc có vai trò rất quan trọng: mẹ của cô là một nghệ sĩ dương cầm giỏi và là một giáo viên âm nhạc tài năng. Căn nhà cô luôn ngập tràn âm nhạc. Mẹ cô luôn hát, chơi piano và thường xuyên chuyển âm nhạc thành những “trò chơi thú vị”. Gia đình của Jacqueline rất gần gũi nhau, Jakie và em gái, Hilary rất ít khi đến chơi nhà bạn bè ở trường, mà thường chơi với nhau và tạo ra các thế giới và những cuộc phiêu lưu của riêng họ. Khi lên 4 tuổi, cô nghe thấy tiếng đàn cello trên sóng radio trong chương trình và các nhạc cụ trong dàn nhạc. Khi âm thanh của cello ngập tràn trong phòng, Jackie đứng yên bất động và lắng nghe hết sức tập trung. Khi kết thúc chương trình, cô nhảy vào lòng mẹ và nói “Mẹ, con muốn tạo ra âm thanh đấy.”

Khoảng một năm sau, vào ngày sinh nhật lần thứ năm của cô, mẹ cô nhón chân nhẹ nhàng vào phòng ngủ của Jackie và để lại đó cây cello ¾ (three-quarter size cello) tại chân giường. Và nó rất lớn đến nỗi che khuất cô đằng sau mặc dù cô rất muốn được chơi nó. Mẹ cô cũng là động lực thúc đẩy rất lớn khi kẻ những dòng nhỏ để cô chơi tất cả những minh họa của các bức tranh và hình họa đẹp.

Năm lên sáu cô vào học trường London Cello School với giáo viên đầu tiên của mình là Miss Alison Dalrymple một thời gian ngắn, và sau đó học với William Pleeth tại Guildhall School of Music in London khi cô 8 tuổi, và tại đây cô có những buổi tập riêng với ông trong suốt 7 năm. Bản thân Pleeth từ nhỏ đã là một thiên tài. Với tiềng đàn sâu và khỏe mạnh, Pleeth nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của Jackie, cô thường gọi ông là “Cello Daddy”. Sau này Pleeth đã giải thích việc dạy dỗ Jackie “giống như việc ném một quả bóng vào tường. Bạn càng ném mạnh bao nhiêu, nó càng bật lại nhanh bấy nhiêu. Tôi có thể thấy một sức mạnh tiềm tàng rất lớn vào những ngày đầu tiên. Những bài học tiếp theo cứ tiếp diễn như thế, nó hoàn toàn giống như một bông hoa tự nó nở bung ra.”

Mặc dù sau này cô được học thêm với Casals, Tortelier và Rostropovich nhưng cô vẫn luôn coi Pleeth là người thầy chính của mình. Dưới sự hướng dẫn của Pleeth, cô gặt hái được rất nhiều thành công. Năm 1956 Pleeth khuyên cô tham gia cuộc thi Suggia Gift (được tổ chức để kỉ niệm nữ nghệ sĩ cello Bồ Đào Nha Guilhermina Suggia mất 6 năm trước) và giải thưởng là một trong những học bổng có giá trị nhất. Trong danh sách giám khảo năm đó có chủ khảo là nhạc trưởng huyền thoại Sir John Barbirolli, đã rất ấn tượng với sự giới thiệu của Pleeth. Thậm chí vào ngày chơi thử cho giám khảo, ông đã giúp Jackie xoay đàn của cô lại trước khi ngồi xuống sau sân khấu. Sau một vài phút khi cô bắt đầu chơi, Sir Barbirolli đã nghiêng đầu về một thành viên nổi tiếng khác của ban giám khảo là Lionel Tertis và thì thầm “Nó đấy! Chính là nó!” (This it! This is it!). Một trong những điều kiện của cuộc thi Suggia Gift là người chiến thắng luyện tập 4 tiếng một ngày. Vì thế 11 tuổi cô hầu như đã rời trường và tách khỏi những hoạt động các mối quan hệ bình thường trong trường học. Điều này đã tách Jakie ra khỏi bạn bè mình và đặt dấu chấm hết cho một tuổi thơ bình thường.” Năm 1960 cô tốt nghiệp trường Guildhall School of Music với huy chương vàng.

Năm 1958 Du Pré đến London thuê một căn hộ tại Portland Place, gần Regent’s Park. Jackie tiếp tục học với Pleeth, và một hôm ông yêu cầu cô bắt đầu tập bản Cello concerto của Edward Elgar cho buổi học sau. Một tuần sau, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô nhớ trọn vẹn chương đầu tiên. Concerto của Elgar hoàn toàn cuốn hút cô, và sau này, nó trở thành tác phẩm được cô trình diễn nhiều hơn bất cứ bản nào khác.

Mười lăm tuổi Jackie trở thành nghệ sĩ trẻ nhất đoạt giải thưởng của Nữ hoàng. Một năm sau, cô học những lớp master class với Pablo Casals tại Thụy Sĩ. Bấy giờ cô đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn chuyên nghiệp đầu tiên, và lúc đó một người từ thiện giấu tên đã tặng cô một cây đàn cello mới: cây 1673 Stradivarius tuyệt đẹp. Buổi biểu diễn độc tấu được tổ chức vào tháng 3 năm 1961, sau sinh nhật lần thứ 16 của cô không lâu tại Wigmore Hall ở London. “Tôi không bao giờ quên được sự xúc động tôi có vào ngày hôm đấy”, Hilary viết. “Trong bầu không khí đó và với cây đàn Strad xinh đẹp, chị ấy dường như ấn tượng hơn bao giờ hết! Chị ấy và cây cello đã bộc lộ những nét tự nhiên của chị”.

Một năm sau, Jackie đã có buổi biểu diễn chuyên nghiệp đầu tiên với dàn nhạc, chơi Cello concerto của Elgar với Rudolf Schwartz và BBC Symphony Orchestra tại Royal Festival Hall. Sau sự kiện này, Jackie theo học với Paul Tortelier tại Paris trong 6 tháng và chơi Schumann concerto tại London vào kì Giáng sinh để nhận thêm nhiều lời khen tặng khác. Sau đó cô bắt đầu hợp đồng thu âm với EMI.

Hai năm sau, Jakie đã vượt ra khỏi giai đoạn của sự thiếu tự tin. “Tôi đã thay đổi từ một đứa trẻ trở thành người lớn, và công việc đã trở nên có diện mạo khác”. Cô thôi việc học tập với Pleeth và trong một thời gian dài từ chối hầu hết những lời đề nghị. Nhận ra việc mình có một nền giáo dục rất ít ngoài âm nhạc ra, cô đã học toán và khoa học với các bạn mình. Khi chơi cello, đôi khi cô để ý các ngón tay của mình bị tê cứng, nhưng hoàn toàn không biết nguyên nhân của nó.

Cuối năm 1964, chính người đã mua cây đàn Stradivarius cho buổi debut của Jackie đã đề nghị mua cho cô một cái khác, một trong những cello vĩ đại trên thế giới, cây Davidoff, được đặt theo tên của người chủ sở hữu trước đây, thiên tài người Nga thế kỷ 19 Carl Davidoff. Jackie đã thử nó và yêu cây đàn này ngay lập tức. Tháng 4 năm 1965 cô dùng nó để chơi Cello concerto của Elgar với Sir John Barbirolli và Hallé Orchestra. “Sự kết hợp của Barbirolli, Jackie và Davidoff”, Hilary kể lại, “đã tạo ra một buổi buổi diễn của vẻ đẹp và sức mạnh độc nhất vô nhị.”

Cô đã biểu diễn rất thành công cùng nghệ sĩ dương cầm Stephen Kovacevich. Dần dần cô trở nên nổi tiếng và đến năm 1965, khi tròn 20 tuổi, tên tuổi cô đã được biết đến trên toàn thế giới. Cô hoàn thành 2 bản thu âm, một là Cello concerto của Elgar với London Symphony Orchestra và Cello concerto của Delius với Royal Philharmonic và chúng trở thành những bản thu âm kinh điển. Bản Cello concerto của Elgar là bản thu đầu tiên của cô với dàn nhạc, nhưng Hugh Maguire người chỉ đạo của London Symphony Orchestra và đã từng nhìn thấy rất nhiều nghệ sĩ độc tấu đã thốt lên “Khi tôi nghe cô ấy chơi, tôi hoàn toàn, hoàn toàn bị chinh phục! Nó đẹp và kì diệu đến nỗi tôi đã không thể nói được với cô ấy. Không có gì có thể thốt ra.” Bản thu âm ngay lập tức gặt hát thành thành công và trở thành một trong những thu âm bán chạy nhất của EMI trong mọi thời đại.

Sau đó, cô đi lưu diễn khắp nước Mỹ và nhận được vô số những lời tán dương và khen ngợi. Cô trở thành nghệ sĩ độc tấu của San Francisco Symphony, Los Angeles Philharmonic, New York Philharmonic và nhiều dàn nhạc khác trong chuyến lưu diễn đó.

Ngay sau sinh nhật lần thứ 21 của mình, Jackie đã theo học tại Moscow với Mstislav Rostropovich từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1966. Giống như Pleeth, Rostropovich chú trọng vào sự biểu cảm, hơn là kỹ thuật. Điều này cũng là một xu hướng của Jackie, nhưng khi cô thấy nó được thừa nhận bởi nghệ sĩ vĩ đại này, người mà cô từng cảm thấy rất kính sợ, cô cảm thấy một sự tự tin mới trong cách cách chơi và bản thân mình.

Vào kì giáng sinh năm 1966, Jackie được mời đến một buổi tiệc để chơi nhạc thính phòng với vài người bạn và gặp Daniel Barenboim, một nghệ sĩ dương cầm kiêm nhạc trưởng người Israel 24 tuổi. Họ cùng chơi Cello sonata giọng Pha trưởng của Brahms và nói chuyện với nhau suốt cả buổi tối. Buổi sáng hôm sau Jackie gọi điện cho em gái và nói “Hil, chị đang yêu, chị đang yêu”. Hai người gặp nhau thường xuyên nhất có thể và sau vài tháng, không quan tâm đến lịch diễn dày đặc của mình, họ cưới nhau vào tháng 5 tại Jerusalem. Và họ được coi là cặp vợ chồng nổi tiếng nhất trong giới âm nhạc, và nhiều người cho rằng họ là đôi vợ chồng duy nhất có thể so sánh với Clara và Robert Schumann. Và du Pré cũng đã cải sang đạo Do thái sau khi làm đám cưới. Từ đó hai người bắt đầu thu âm và biểu diễn cùng nhau với Barenboim là pianist hay chỉ huy dàn nhạc. Thu âm đầu tiên của họ là cello concerto của Haydn và Boccherini với English Chamber Orchestra. Trong những năm tiếp theo đó, họ được coi là một đôi “Bạch kim” và các buổi biểu diễn của họ luôn bán hết vé với các chuyến lưu diễn khắp Bắc Mỹ và châu Âu cùng những lần ghé thăm phòng thu âm thường xuyên. Năm 1970, cô ở đỉnh cao của sự nghiệp. Jakie đã có hàng tá thu âm trong phòng thu và trực tiếp, sở hữu hai cây cello Stradivarious tuyệt đẹp (trong đó cây Davidoff 1712 sau này cô để lại cho Yo-Yo Ma), 1 cây Gofriller và 1 cây đàn được Peresson – một nghệ nhân làm đàn nổi tiếng – làm theo đơn đặt hàng của chồng cô.

Quân đội Xôviết xâm lược Tiệp Khắc, du Pré và Barenboim thông báo rằng họ sẽ chơi cello concerto của Dvorak tại Royal Albert Hall để làm từ thiện cho những người Czech tị nạn. Sáng hôm đó, họ đã nhận những lời hăm dọa đến mạng sống và được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát, nhưng họ vẫn nhất định phải biểu diễn. Ở giữa bản concerto, có một tiếng vang lớn, và cả dàn nhạc bất thình lình ngừng chơi. Đó chỉ một cái dây bị đứt trên cello của Jackie. Buổi hòa nhạc nhanh chóng tiếp tục, và Jackie đã thực hiện một buổi trình diễn cuốn hút nhất trong cuộc đời cô “Giây phút mà Jackie chơi chiều hôm đó, không bao giờ rời xa tôi” Hilary viết.

Năm 1971, khi đang trong thời kỳ sung mãn nhất của mình, cô bắt đầu cảm thấy những triệu chứng của một chứng bệnh kì lạ và nó đã gây ra những tác động không thường xuyên khi cô chơi đàn. Mùa xuân năm 1971, Hilary nhận được một cú điện thoại khủng khiếp từ Jackie khi đang lưu diễn tại Mỹ. Cô kiệt sức sau nhiều năm lưu diễn và cần được nghỉ ngơi. Hai ngày sau cô hủy bỏ hết những hợp đồng diễn và quay về Anh quốc. Trong hầu hết năm tiếp theo đó, cô sống tại Ashmansworth, Hampshire với Hilary và chồng là Christopher Finzi, con trai của nhạc sĩ Gerald Finzi, cùng 4 đứa con của họ, và không đụng đến cây đàn trong suốt cả năm đó. Jackie trở lại phòng thu với Barenboim vào tháng 12. Và không ai biết rằng, đó chính là những bản thu cuối cùng của cô tại studio.

Năm 1972, cô trở lại xuất hiện tại các buổi hòa nhạc, nhưng sự tê liệt của các ngón tay mà cô để ý 8 năm trước đã ngày càng xấu đi. Các bác sĩ tin rằng đó là dấu hiệu của stress. Tháng 2 năm 1973 Jackie bay đến New York để biểu diễn trong 4 đêm tác phẩm Double concerto của Brahms với Pinchas Zukerman và Leonard Bernstein. Tại buổi tập thử cô đã cần giúp để mở hộp cello và không thể cảm nhận những dây đàn với các ngón tay. Cô nói với Bernstein rằng cô không thể chơi được. “Đừng có ngốc thế. Em chỉ đơn giản là lo lắng quá thôi”, ông nói với cô như vậy. Dẫu sao cô cũng xoay xở để chơi 3 trong số các buổi hòa nhạc, mà buổi thứ 3 là một thảm họa. Đó cũng là lần xuất hiện cuối cùng của cô trong vai trò cellist.

Bernstein đã tìm cho cô một bác sĩ ở New York, nhưng ông cũng không thể phát hiện bất cứ bất thường nào ở cô. Jackie bắt đầu tự hỏi phải chăng cô điên. Chỉ vào tháng 10, sau hàng loạt các cuộc xét nghiệm tại London họ xác định cô bị chứng đa xơ cứng (multiple sclerosis – bệnh của hệ thần kinh gây ra tê liệt dần dần). Cả giới âm nhạc sửng sốt với tin cô không thể chơi được nữa, nhưng Jackie và gia đình vẫn bám vào hi vọng rằng bệnh sẽ phát triển chậm. Thậm chí họ còn nghĩ cô có thể bình phục, như những bệnh nhân đa xơ cứng khác. Tuy nhiên cô cũng có một thời gian ngắn thuyên giảm vào cuối nắm 1973 và bắt đầu chơi lại lần nữa. Cô đã thu âm tác phẩm cello sonata của Chopin và Franck và 2 lần biểu diễn trơn tru cello concerto của Lalo với Cleveland Orchestra. Giới phê bình cho rằng mặc dù sự trình diễn của cô gần như là hoàn hảo, nhưng ngọn lửa nóng sáng của cô trước đây đã mất. Cho đến vài tháng sau khi cô có một số buổi biểu diễn thất bại khủng khiếp cho dù cô đã tuyên bố công khai rút lui. Mọi hi vọng của cô kết thúc vào tháng 5 năm 1975, khi những xét nghiệm mới tại Rockefeller Institute ở New York cho thấy tình trạng của cô đã hết sức tồi tệ. Và đấy là một cú sốc thực sự và là thảm kịch cho cô, gia đình và công chúng. Để tỏ lòng kính trọng, cô đã được nhận danh hiệu cao quý của vương quốc Anh OBE (Officer of the British Empire) và danh hiệu nhạc sĩ của năm của Incorporated Society of Musicians năm 1982. Không lâu sau, cô gắn mình với xe lăn và không bao giờ chơi cello nữa. Tuyệt vọng và chán nản nhưng cô vẫn quyết định đóng góp cho âm nhạc bằng cách duy nhất cô có thể làm là trở thành giáo viên. Gắn mình với xe lăn, cô dạy các lớp master class tại Guidhall School và thậm chí đưa một số buổi lên truyền hình, nhưng sức khỏe cô vẫn ngày một suy sụp. Tuy nhiên cô vẫn luôn duy trì trong mình suy nghĩ có thể phục hồi và cầm cự trong suốt 14 năm trước khi qua đời vào ngày 19 tháng 10 năm 1987 khi được 42 tuổi.

Sau khi cô mất, em trai và em gái cô là Hilary và Piers du Pré đã viết quyền sách “A Genius in the Family”miêu tả hầu hết về cuộc đời của cô. Và dựa vào quyển sách này, BBC đã dựng nên một bộ phim cảm động miêu tả chân thực về Jacqueline với tựa đề “Hilary and Jackie”.

Nguyễn Hoàng Việt (nhaccodien.info) tổng hợp