“Tôi có may mắn và vinh dự lớn khi được biểu diễn nhiều buổi hoà nhạc tuyệt vời dưới sự chỉ huy của Sergiu Celibidache. Không thể định nghĩa được thiên tài, nhưng Celibidache là hiện tượng hiếm hoi cho trí tuệ bậc thầy kết hợp với kỹ thuật chỉ huy đáng kinh ngạc. Đóng góp to lớn của ông là đã tạo ra được một con đường vào lãnh thổ âm nhạc mà chưa ai biết đến, một sự khám phá về trải nghiệm và sự độc đáo. Celibidache có khả năng giải thích và kết hợp sự bí ẩn của cuộc sống và âm nhạc với nhau một cách kỳ diệu. Chúng ta nên mãi mãi biết ơn về sự giáo dục văn hoá này từ một người mà sự hiện diện trên trái đất là một món quà tới tất cả mọi người. Tác động mà Celibidache tạo ra là vô hạn – một nguồn cảm hứng và di sản cần được trân trọng cho hậu thế” – Ida Haendel

Là một trong những cá tính nổi bật và lập dị nhất thế kỷ 20, Sergiu Celibidache được biết đến như là một nhạc trưởng căm ghét các bản thu âm. Lời giải thích của ông cho thái độ này mang tính triết học: Âm nhạc không phải là vật bảo tồn có thể được nắm bắt, nó tồn tại trong thời điểm được tạo ra và gắn liền với không gian đặc biệt mà nó được biểu diễn. Trừ một thời gian ngắn Celibidache gắn bó với Berlin Philharmonic, trong suốt khoảng 50 năm gắn bó với âm nhạc của mình, ông thường xuyên làm việc với những dàn nhạc ít nổi tiếng hơn như Munich Philharmonic, Sicilian Symphony Orchestra hay Stuttgart Radio Symphony Orchestra. Celibidache là một nhạc trưởng nghiêm khắc, nổi tiếng với sự diễn giải về các tác phẩm âm nhạc đặc trưng, không nhầm lẫn với bất kỳ ai dựa những nghiên cứu sâu sắc của một tín đồ Phật giáo Thiền tông. Ngày nay, những bản thu âm các buổi biểu diễn của ông đã được phát hành, khiến chúng ta càng cảm nhận thêm được di sản vĩ đại mà Celibidache đã để lại.

Sergiu Celibidachi sinh ngày 11/7/1912 tại Roman, một thành phố nhỏ của vùng Moldavia, Romania. Cha của cậu, Demostene Celebidachi là một sỹ quan kỵ binh trong quân đội Romania, sau này trở thành quận trưởng tại Iași. Mẹ cậu là bà Maria Celebidachi. Sau này, khi Sergiu sang Đức học, vị quan chức tại đó đã ghi nhầm thành Celibidache và Sergiu đã giữ lại cái họ sau này sẽ trở nên rất nổi tiếng. Sau khi cậu bé ra đời 6 tháng, đầu năm 1913, cả gia đình chuyển tới sinh sống tại Iași, nơi mà Sergiu đặc biệt yêu thích và thường xuyên nhớ về nó. Lên 4 tuổi, Sergiu đã bắt đầu chơi piano, cậu tỏ ra thông minh và vô cùng xuất sắc. Cậu được gia đình cho theo học âm nhạc, toán học và triết học tại Iași. Khi Sergiu chuyển đến học tại Bucharest, cậu và cha mình đã có một sự bất đồng quan điểm đáng kể. Ông Celebidachi muốn con mình nối nghiệp, đi theo con đường chính trị. Còn Sergiu chỉ muốn theo đuổi đam mê âm nhạc, một thứ nghệ thuật mà cậu đã thể hiện một khả năng cảm thụ tuyệt vời trong suốt cuộc đời mình. Ông từ chối trả tiền để cậu học nhạc và Sergiu đã kiếm sống bằng cách chơi piano trong các buổi tập luyện tại một trường múa.

Sau một thời gian ngắn ở Paris, năm 1936, ở tuổi 24, chàng trai Celibidache lên đường tới Berlin với mong muốn được theo học tại Hochschule für Musik. Trong năm đó, 138 thí sinh đã chiến đấu đề giành lấy 25 suất học và Celibidache là một trong 25 người đó. Tại đây, những thầy giáo của anh là Heinz Tiessen (sáng tác), Hugo Distler (đối âm), Kurt Thomas và Fritz Stein (học thuyết âm nhạc) và Walter Gmeindl (chỉ huy). Bên cạnh đó, anh cũng trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học Friedrich Wilhelm chuyên ngành triết học với Eduard Spranger và Nicolai Hartmann cũng như âm nhạc học với Arnold Schering và Georg Schünemann. Năm 1944, anh bảo vệ luận án về Josquin des Prez, một nhà soạn nhạc Pháp thời kỳ Phục hưng. Tại đây, anh đã gặp Iris Barbura, một vũ công, biên đạo múa đồng hương. Họ đã sống cùng nhau một thời gian và Celibidache đã sáng tác một số tác phẩm để cô sử dụng trong các màn múa. Mặc dù vậy, trong suốt cuộc đời mình, Celibidache gần như không bao giờ biểu diễn các sáng tác của mình. Cũng trong thời gian này, từ thầy giáo Martin Steinke, anh đã được giới thiệu và tiếp xúc với Phật giáo Thiền tông, điều đã thay đổi nhân sinh quan và thế giới nghệ thuật của Celibidache trong suốt quãng đời còn lại. Năm 1986, trong một cuộc phỏng vấn, Celibidache cho biết: “Tôi sinh ra là một tín đồ Chính thống giáo, nghiên cứu triết học nhưng vẫn không thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề của mình. Thông qua Steinke, tôi đã tìm thấy con đường của Thiền. Tất cả những gì tôi có thể nói là không có Thiền, tôi không thể biết đến nguyên tắc kỳ lạ bắt đầu là kết thúc. Âm nhạc không là gì khác ngoài sự hiện thực hoá nguyên tắc này”. Một người khác cũng có những ảnh hưởng to lớn đến Celibidache là nhạc trưởng Wilhelm Furtwängler, người lúc này đang là nhạc trưởng chính tại Berlin Philharmonic. Celibidache hiếm khi bỏ lỡ những buổi biểu diễn và luyện tập của Furtwängler và coi ông là người thầy quan trọng nhất của mình dù người nhạc trưởng lừng danh này không thực sự dạy cho anh bất kỳ bài học nào. “Tôi lắng nghe ông một cách sáng tạo”, đó là cách Celibidache nói về thần tượng của mình.

Những năm tháng chiến tranh thật sự rất khó khăn với cuộc sống của Celibidache. Không nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, ông đã phải làm mọi nghề có thể để kiếm tiền. Chơi piano, chỉ huy hợp xướng cho công nhân đường sắt và tàu điện và sáng tác. Một đôi vợ chồng già đã nhường cho anh một phòng trong căn hộ của họ, Celibidache đã sống ở đó trong nhiều năm. Vì được coi là một sinh viên tài năng, anh không bị gọi đi lính. Nhờ đó, anh được tiếp tục ở lại Berlin học tập. Vì một số thầy giáo đã rời khỏi trường, Celibidache còn đảm nhiệm thêm công việc dạy lại cho các sinh viên khác. Thật sự có thể nói, giai đoạn này, anh đã phải đấu tranh để sinh tồn. Lần ra mắt đầu tiên của Celibidache với tư cách nhạc trưởng diễn ra vào năm 1941 khi anh chỉ huy dàn nhạc nghiệp dư Orchester Berliner Musikfreunde (Dàn nhạc những người bạn Berlin). Cho đến năm 1942, anh đã chỉ huy tất cả 7 buổi. Ngay từ thời điểm đó, Celibidache dã được chú ý vì có một trí nhớ tuyệt vời. Toàn bộ các tác phẩm đều được anh thuộc lòng, điều mà anh gần như duy trì trong suốt sự nghiệp sau này của mình.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, một cơ duyên lớn đã dến với Celibidache. Ngày 29/8/1945, lần đầu tiên ông chỉ huy Berlin Philharmonic. Đó là giai đoạn bi thảm nhất của dàn nhạc. Phòng hoà nhạc Bernburger Straße bị phá huỷ, Furtwängler bị đình chỉ công việc do những liên quan đến chế độ Đức quốc xã, nhạc trưởng thay thế Leo Borchard vừa bị lính canh Mỹ bắn chết do một sự hiểu nhầm. Chương trình hoà nhạc đã được lên lịch diễn từ trước và nhạc trưởng 33 tuổi người Romania Sergiu Celibidache, vừa giành chiến thắng tại một cuộc thi chỉ huy do đài phát thanh Berlin tổ chức là người duy nhất sẵn sàng. Chương trình gồm có overture Il barbiere di Siviglia (Rossini), Concerto bassoon của Weber (Oskar Rothensteiner độc tấu) và Giao hưởng số 9 của Dvorak.

Đó là sự khởi đầu của một mối quan hệ đối tác sâu rộng và hiệu quả. Tháng 2/1946, Celibidache chính thức trở thành nhạc trưởng chính của dàn nhạc. Với sự cống hiến và tham vọng, Celibidache đã chèo lái dàn nhạc vượt qua thời kỳ khó khăn sau chiến tranh và bằng cách đó, ông đã đặt nền móng cho sự nghiệp của chính mình. Họ đã cùng nhau biểu diễn ở nhiều địa điểm khác nhau ở Berlin cho quân Đồng minh và khán giả địa phương. Họ cũng đi lưu diễn cùng nhau. Vị chỉ huy mới, người bị báo chí chế giễu vì phong cách chỉ huy có phần lập dị, đã trình diễn một tiết mục rộng với dàn nhạc: Haydn, Mozart, Beethoven, Brahms, Mendelssohn, Wagner cũng như những nhà soạn nhạc Pháp và Nga. Tháng 12/1946, Celibidache công diễn ra mắt khán giả Đức bản Giao hưởng số 7 “Leningrad” của Shostakovich.

Năm 1948, Celibidache thực hiện chuyến lưu diễn tại London cùng Berlin Philharmonic. Cũng trong năm này, Celibidache thực hiện buổi hoà nhạc đầu tiên của mình cùng với London Philharmonic đồng thời gặp gỡ và ký hợp đồng thu âm (đầu tiên và cũng là duy nhất) với nhà sản xuất nổi tiếng của EMI Walter Legge. Khi nghe bản thu âm do chính mình biểu diễn, Celibidache đã phản đối kịch liệt, cho rằng việc ghi âm ngăn cản “sự tham gia của người nghe vào âm nhạc và không thể cung cấp gì khác ngoài một sự thể hiện biến dạng của thực tế” và việc biên tập khi thu âm là “sự kết thúc của mạch liên tục và nền tảng cần thiết để âm nhạc trở nên sống động”. Việc từ chối thu âm cũng đồng nghĩa với việc Celibidache chỉ được biết đến với những người từng tham dự các buổi hoà nhạc của ông. Celibidache luôn nhấn mạnh rằng âm nhạc chỉ có thể sống trong khoảnh khắc và tại môi trường nơi nó được tạo ra: mỗi giây phút, mỗi buổi hòa nhạc là một trải nghiệm không thể lặp lại. Đưa ra một bản sao chính xác của một buổi biểu diễn là phủ nhận ý nghĩa của âm nhạc và do đó phủ nhận cuộc sống của nó.

Mối quan hệ giữa dàn nhạc và nhạc trưởng không tránh khỏi xung đột. Sở hữu một cá tính mạnh mẽ, tính chuyên quyền và khắt khe không khoan nhượng của Celibidache đã không làm hài lòng các nhạc công của Berlin Philharmonic, đặc biệt là những người lớn tuổi. Thêm vào đó, Furtwängler, từ năm 1947 đã trở lại chỉ huy cùng dàn nhạc, mà sự tác động từ phía chính Celibidache cũng góp phần to lớn. Celibidache nhận được nhiều lời mời biểu diễn từ những dàn nhạc khác, dẫn đến số lượng các buổi hoà nhạc của ông cùng Berlin Philharmonic bị giảm sút đáng kể. Năm 1952, Celibidache chính thức nhường vị trí giám đốc âm nhạc lại cho Furtwängler. Tháng 11/1954, ông chia tay dàn nhạc với hai chương trình biểu diễn. Đêm đầu tiên là Ein deutsches Requiem của Brahms, mà báo chí nhận định là “cách diễn giải khác đáng kể so với tất cả các cách tiếp cận thông thường”, một chương trình khác gồm các bản nhạc của Ravel, Heinz Tiessen và Bartók. Chỉ một ngày sau Furtwängler qua đời. Bất chấp những màn trình diễn xuất sắc, cuốn hút của Celibidache, mối bất hòa giữa dàn nhạc và nhạc trưởng phát triển đến mức không phải ông, mà là Herbert von Karajan đã được chọn để kế nhiệm Furtwängler. Giận giữ và bực tức, Celibidache rút lui và từ chối mọi lời đề nghị cộng tác sau đó.

Sau khi rời nước Đức, Celibidache là một người lãng du. Ông trở thành nhạc trưởng khách mời của nhiều dàn nhạc trên khắp thế giới, trong đó dành khá nhiều ưu ái cho nước Ý đồng thời ngày càng củng cố danh tiếng của mình như một nhạc trưởng khó tính và lập dị. Celibidache thường yêu cầu thời gian tập luyện lâu hơn những nhạc trưởng khác rất nhiều, từ 10-12 buổi tập cho một chương trình duy nhất. Chất lượng dàn nhạc càng cao thì thời gian tập luyện càng được đòi hỏi nhiều hơn. Ông nhấn mạnh: “Không có phép màu nào trong âm nhạc, chỉ có lao động”. Theo ông, một màn trình diễn hài lòng chỉ có thể đạt được bằng cách làm việc trong thời gian dài với sự tập trung cao độ, để đảm bảo nắm bắt tổng thể về tính chất và nội dung cũng như độ tinh xảo của từng chi tiết. Thậm chí, đã có lần sự việc được đẩy đi xa đến mức trong một buổi tập tại Rome, các nhạc công đã không thể chịu nổi và ném các bản nhạc vào ông. Với việc bài xích thu âm và những yêu cầu khác người trong công việc, cũng dễ hiểu khi phần lớn sự nghiệp của ông gắn liền với những dàn nhạc hạng hai của đài phát thanh – những nơi không có nhiều áp lực về thương mại và thời gian, sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng ngông cuồng của Celibidache.

Từ năm 1960–1963, Celibidache là giám đốc nghệ thuật của Royal Danish Orchestra và sau đó là nhạc trưởng chính thức của Swedish Radio Symphony Orchestra, công việc mà ông gắn bó đến năm 1971. Bên cạnh đó, từ năm 1961, Celibidache cũng trở thành giám đốc âm nhạc của Orchestra Sinfonica Siciliana, dàn nhạc có trụ sở tại Parlermo, Ý. Ông tỏ ra rất yêu mến xứ sở này và gắn bó với nơi đây gần 20 năm. Trong nhiệm kỳ của ông, Orchestra Sinfonica Siciliana từ một dàn nhạc mới được thành lập (năm 1958) đã trở nên nổi tiếng, tổ chức nhiều buổi lưu diễn quốc tế, thu hút được nhiều nhạc trưởng và nghệ sĩ độc tấu khách mời xuất sắc. Sau khi chia tay Swedish Radio Symphony Orchestra, Celibidache trở thành nhạc trưởng chính của Stuttgart Radio Symphony Orchestra đồng thời có 2 năm là nhạc trưởng khách mời chính tại Orchestre National de France (1973–1975). Ông cũng gắn bó với công việc giảng dạy từ năm 1960 khi tổ chức các lớp học ở Accademia Musicale Chigiana, Siena.

Phong cách chỉ huy của Celibidache, đôi khi được gọi là “Latin-Slavonic”. Ông có khả năng chơi những nốt pianissimo tinh tế mà vẫn đạt được sự phong phú và cân bằng cần thiết, thích làm nổi bật những đoạn độc tấu trong kết cấu tổng thể trong khi vẫn giữ cho các nhạc cụ chơi bè trầm chơi cực kỳ yên tĩnh. Một đặc điểm dễ nhận thấy ở Celibidache là tiết tấu chậm hơn những gì được coi là chuẩn mực, trong khi ở những đoạn nhanh, tốc độ thường vượt quá mong đợi. Nhận được nhiều lời chỉ trích về việc này, ông đáp trả: “Hầu hết những kẻ ngu dốt này nghĩ tôi lựa chọn tốc độ chậm hoặc nhanh bởi vì tôi thực sự muốn nó theo cách đó. Nhịp độ là điều kiện làm giảm thiểu và hợp nhất vật chất rộng lớn đang hiện hữu. Đó là nhịp độ”!

Về những đồng nghiệp của mình, đã có lần Celibidache nhận xét: “Nếu bạn hào phóng, bạn có thể đếm được 5 nhạc trưởng ngày nay thực sự quan tâm đến âm thanh của dàn nhạc. 90% chỉ chú ý tới những đường nét cơ bản và vút qua những chỗ có tốc độ nhanh”. Khi được hỏi một nhạc trưởng thực sự là gì, ông trả lời: “Mỗi nhạc trưởng đều là một nhà độc tài nguỵ trang, may mắn là họ thoả mãn với âm nhạc”. Một trong những nhà soạn nhạc mà Celibidache vô cùng ngưỡng mộ là Bruckner: “Bruckner vẫn là một kẻ vô danh. Ông ấy là nhà soạn nhạc giao hưởng vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc và thế giới đơn giản là không hiểu điều đó. Cách ông ấy yêu cầu dàn nhạc: không ai khác có thể làm được điều đó!” Cách diễn giải của ông đối với các tác phẩm của Bruckner ngày nay vẫn được coi là siêu việt và là những tài liệu quý giá cho những nhạc trưởng khác tham khảo. Một nét đáng lưu ý nữa trong sự nghiệp biểu diễn của Celibidache là ông hầu như không bao giờ chỉ huy opera.

Ngày 14/2/1979, Celibidache lần đầu biểu diễn cùng Munich Philharmonic và tháng 6 cùng năm ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc âm nhạc. Để có được sự hợp tác của ông, dàn nhạc đã phải mở rộng biên chế lên đến 130 nhạc công và ban hành các hợp đồng trả lương mới nhưng những thành quả đạt được thật đáng ghi nhận. Dưới nhiệm kỳ của ông, Munich Philharmonic đã trở thành một trong những dàn nhạc có chất lượng hàng đầu thế giới, lượng vé bán ra tăng vượt bậc, liên tục tổ chức các buổi hoà nhạc tại khắp nước Đức và thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại châu Âu cũng như tại Nam Mỹ và châu Á, nâng tầm dàn nhạc lên một vị thế mới. Tại đây, ông được gọi trìu mến với cái tên “Celi”. Tuy nhiên sự nghiệp của ông với Munich Philharmonic bị phủ lên một bóng đen khi Celibidache dính vào một vụ kiện tụng với nữ nghệ sĩ trombone Abbie Conant của dàn nhạc. Chính Celibidache là người đã lựa chọn Conant vào dàn nhạc trong một buổi thi tuyển trombone 1 cho dàn nhạc vào tháng 6/1980. Một cuộc tuyển chọn được thực hiện “mù”, giám khảo không nhìn thấy thi sinh. Ông đã thốt lên: “Đây chính là nghệ sĩ mà chúng tôi muốn!” Tuy nhiên, sau khi biết được Conant là nữ, ông đã đẩy cô xuống vị trí trombone 2, được trả lương ít hơn đồng nghiệp nam và không cho độc tấu, giải thích: “Chúng tôi cần một người đàn ông để độc tấu trombone”. Conant đã khởi kiện và giành thắng lợi vào năm 1988, đòi lại vị trí số 1 của mình.

Ông thường xuyên cộng tác với Hochschule für Musik Mainz, Đức. Năm 1984, ông tham gia giảng dạy tại Curtis Institute in Philadelphia. Dạy học cũng là một trọng tâm trong sự nghiệp của ông và Celibidache thường miễn phí cho tất cả mọi người. Trong quá trình hoạt động âm nhạc của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng và tước hiệu danh giá của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 31/3/1992, Celibidache có màn trở lại đầy cảm động với Berlin Philharmonic sau 38 năm. Tổng thống đầu tiên của nước Đức thống nhất Richard von Weizsäcker đã mời Celibidache chỉ huy dàn nhạc hai buổi trong chương trình gây quỹ để viện trợ cho trẻ em ở Romania. Như thường lệ, thời gian tập luyện dài gấp đôi thường lệ cho hai buổi hoà nhạc đặc biệt, một trong những khoảnh khắc trọng đại trong lịch sử của dàn nhạc. Celibidache đã chỉ huy Giao hưởng số 7 của Bruckner, tác phẩm duy nhất của nhà soạn nhạc mà ông đã thực hiện cùng Berlin Philharmonic trước đó. Trong bộ phim tài liệu Chiến thắng trở về ghi lại quá trình tập luyện, Celibidache đã thừa nhận “vai trò quyết định” mà Berlin Philharmonic đã mang lại đối với cuộc đời ông. Chính tại nơi đây, ông có thể thực hiện “những trải nghiệm âm nhạc và con người đầu tiên của mình”.

Buổi biểu diễn cuối cùng của ông diễn ra vào ngày 4/6/1996. Celibidache qua đời vào ngày 14/8/1996 tại La Neuville-sur-Essonne, gần Paris và được chôn cất tại nghĩa trang Neuville sur Essone, thọ 84 tuổi. Sau khi Celibidache mất, những bản thu âm được thực hiện bí mật của ông đã được công bố. Những bản thu âm với đài phát thanh cũng được tái tạo lại âm thanh với chất lượng cao nhất góp phần cho những người không có may mắn được trực tiếp thưởng thức những buổi hoà nhạc của ông phần nào nhận ra tài năng của một trong những nhạc trưởng vĩ đại và lập dị nhất thế kỷ 20. Như Plácido Domingo đã từng nói: “Sau Thế chiến thứ hai, thế giới – đặc biệt là châu Âu – cần được xây dựng lại về mặt đạo đức và thể chất. Có rất nhiều người hùng trong nhiệm vụ khổng lồ này. Một trong số họ là Sergiu Celibidache, ông đã làm rất nhiều để khôi phục đời sống âm nhạc của châu Âu vốn rất quan trọng hàng thế kỷ qua. Vì điều đó, trên tất cả, chúng tôi nợ ông ấy một món nợ lớn. Tôi coi đó là một đặc ân khi được làm việc với ông ấy trong những năm đầu của sự nghiệp.” Đối với Celibidache, tác phẩm âm nhạc và sự tái hiện sống động của nó chiếm vị trí trung tâm – không phải là nhạc trưởng. Ông ghét sự cường điệu và ngôi sao. Khi được hỏi về địa vị nổi bật của mình trong thế giới cổ điển, ông trả lời một cách khiêm tốn: “Một nhạc trưởng quan trọng đầu tiên và trước hết là một con người.”

Cobeo