“Ông kiểm soát kỹ thuật một cách không hề sai sót và luôn đặt mình vào thế chân tường để vượt qua giới hạn, phát triển các kỹ năng nhằm mục đích hoàn toàn có thể thể hiện được những gì ông cảm nhận.” – Timothy Vernon

Thật khó có thể tưởng tượng opera của Wolfgang Amadeus Mozart thiếu đi giọng hát của Léopold Simoneau. Trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ 20, có hai ca sĩ đã đưa những vai tenor trong các vở opera của Mozart lên đến đỉnh cao nghệ thuật là Fritz Wunderlich và Simoneau. Nhưng nếu như sự qua đời quá sớm của Wunderlich để lại quá ít những bản thu âm Mozart của ông thì với Simoneau, người nghe nhạc đã có may mắn được thưởng thức tất cả những gì tinh tuý nhất của một giọng hát ngọt ngào lạ thường, khả năng kiểm soát hơi thở tuyệt vời, những nốt piano và pianissimo vô cùng dễ dàng, cuốn hút và một phong cách nhả chữ vô cùng duyên dáng. Simoneau đích thực là hình mẫu thu nhỏ của một giọng tenor Pháp điển hình, đó một một giọng hát nhẹ, xử lý tinh tế và một sắc thái âm nhạc đặc trưng, thanh lịch không ai có thể bắt chước được. “Thông minh” và “vẻ đẹp” là hai từ nhiều lần xuất hiện trong các bài bình luận về ông trong những năm 1950 và 1960, thời kỳ đỉnh cao của Simoneau, khi ông là ngôi sao quyền lực nhất trong địa hạt của mình. Mozart và các vở opera Pháp tạo nên danh mục cốt lõi trong sự nghiệp của Simoneau, chỉ thỉnh thoảng ông mới xuất hiện trong các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Ý như Il barbiere di Siviglia (Gioacchino Rossini) hay La traviata (Giuseppe Verdi). Chính điều này khiến cho tên tuổi của Simoneau dường như lu mờ hơn những giọng tenor cùng thời như Mario del Monaco, Giuseppe di Stefano hay Franco Corelli bởi những vở opera Ý mới là trung tâm, thu hút được nhiều sự chú ý nhất tại hầu hết những nhà hát danh giá trên thế giới. Nhưng không vì thế mà cho rằng tài năng của Simoneau là kém cạnh hơn. Đơn giản chỉ là sự khác biệt. Trong một rừng tenor xuất sắc của thời kỳ đó, Simoneau vẫn là một tài năng vô cùng độc đáo và đầy cá tính.

Léopold Simoneau sinh ngày 3/5/1916 tại Saint-Flavien, Quebec, Canada trong một gia đình gốc Pháp. Là con út của một gia đình có 10 người con, Léopold lớn lên mà không có sự chăm sóc của người mẹ. Bà Olivine đã qua đời vào ngày 3/3/1917 vì dịch cúm Tây Ban Nha. Cha của cậu, ông Léopold có một cửa hàng bán bơ, sữa và là nhạc trưởng của một dàn hợp xướng nhà thờ tại giáo xứ địa phương. Một phần tuổi thơ của cậu bé diễn ra tại Lawrence, Mĩ với chị gái Florida nhưng sau đó đã trở về Quebec. Léopold được theo học chuyên ngành nhân văn tại Collège de Lévis, nơi cậu được học tiếng Pháp, Latin và Hi Lạp. Những năm học ở đây đã thay đổi toàn bộ quan điểm của cậu với nghệ thuật. Léopold đã được dạy trong suốt những năm đó về sự chọn lọc cái đẹp – vẻ đẹp trong văn học, hội họa và âm nhạc. Đây cũng là lúc mà tình yêu ca hát của Léopold bắt đầu khi cậu được làm quen với những bài thánh ca Gregorian vì đây là một trường của Công giáo. Khi Léopold bắt đầu quan tâm hơn đến âm nhạc, cậu đã mua một tổng phổ các tác phẩm dành cho giọng nam cao, trong đó có aria “Il mio tesoro” của nhân vật Ottavio (Don Giovanni, Mozart), vai diễn sẽ theo suốt cậu trong cả cuộc đời. Léopold đã nhìn vào bản nhạc đó và nghĩ: “Chúa ơi, cái này là chủ nghĩa cổ điển trong âm nhạc, loại chủ nghĩa cổ điển mà tôi đã nghiên cứu trong lĩnh vực nhân văn của mình. Nó có sự cân bằng như vậy, sự khéo léo như vậy. Tôi đã yêu Mozart ngay lập tức”. Mặc dù vậy, cậu học hát một cách bài bản khá muộn. Phải đến năm 1939, khi đã 23 tuổi, Léopold mới có được những bài học thanh nhạc đầu tiên cùng với Émile Larochelle tại Quebec. Sau đó, cậu chuyển đến Montreal để học với Salvator Issaurel. Tại đây, Léopold đã gặp Pierrette Alarie, một coloratura soprano cũng người Canada gốc Pháp giống cậu. Họ kết hôn 7 năm sau đó và thường xuyên biểu diễn cùng nhau.

Năm 1941, sự nghiệp ca hát của Simoneau bắt đầu. Anh và Alarie được nhận vào làm việc tại Variétés lyriques, một công ty tư nhân chuyên sản xuất và biểu diễn chủ yếu các vở operetta, có trụ sở tại Montreal. Vai diễn đầu tiên của anh là Hadji trong Lakmé (Léo Delibes). Một số vở opera khác của Simoneau trong thời kỳ này là Il barbiere di SivigliaLa traviata. Năm 1943, Montreal Opera Guild dưới sự chỉ huy của Thomas Beecham, đã công diễn vở opera Le nozze di Figaro (Mozart) với Simoneau hát trong vai nhỏ Don Curzo, mở ra một trong những mối quan hệ hợp tác tuyệt vời nhất trong lịch sử opera thế kỷ 20 Simoneau-Mozart. Alarie cũng hát vai Barbarina trong chương trình này. Năm 1944, Simoneau giành được giải thưởng Archambault và chuyển đến New York để tiếp tục trau dồi khả năng ca hát của mình với tenor Paul Althouse. Althouse, người từng có nhiều năm hát tại Metropolitan Opera và là thầy của những ca sĩ nổi tiếng khác như Eleanor Steber và Richard Tucker đã có công rất lớn trong việc tạo ra chất lượng tuyệt vời trong giọng hát của Simoneau. Ông nói với anh: “Này “nhóc”, cậu sẽ kiếm được nhiều tiền hơn với giọng hát của mình thay vì cố la hét như những người khác”. Năm 1945, Alarie cũng có được những vai diễn đầu tiên của mình tại Metropolitan Opera và chuyển đến sinh sống tại New York. Sau khi kết hôn vào năm 1946, họ chuyển đến Paris.

Sự nghiệp của Simoneau tại Paris bắt đầu vào năm 1949 khi ông hát vai Vincent trong vở opera Mireille (Charles Gounod) tại Opéra-Comique, Paris và Tamino (Die zauberflöte, Mozart) tại Paris Opera. Tên tuổi của ông chính thức nổi danh quốc tế cũng như gắn chặt với những vai diễn của Mozart vào năm 1950 khi Simoneau xuất hiện trong Ottavio và Ferrando (Così fan tutte) tại liên hoan Aix-en-Provence. Ông nhanh chóng thu hút được sự chú ý của những nhà tổ chức âm nhạc. Năm 1951, Simoneau lần đầu ra mắt tại liên hoan Glyndebourne, Anh với vai Idamante (Idomeneo, Mozart). Những buổi biểu diễn tại hai liên hoan opera nổi tiếng này đã nhanh chóng đưa tên tuổi ông trở thành một trong những tenor hát Mozart hấp dẫn nhất thời điểm đó. Và kể từ đây, Simoneau liên tục có những màn xuất hiện quan trọng tại liên hoan Salzburg, Edinburgh cũng như tại Vienna State Opera. Với Simoneau, được xuất hiện trong một vở opera, đặc biệt lại là của Mozart, tại Salzburg là một niềm hạnh phúc vô bờ: “Salzburg đã và đang là một liên hoan thế giới – liên hoan tốt nhất trong số những liên hoan tốt nhất. Đối với các vở opera của Đức (và các vở opera của Mozart là các vở opera của Đức – ngay cả khi chúng được viết bằng tiếng Ý, đó là cách tiếp cận của người Đức), nó thực sự giống như đang ở trên đỉnh thế giới, trong một thiên đường âm nhạc. Đi bộ trên những con phố mà Mozart biết rất rõ, nó mang lại cho bạn một nguồn cảm hứng. Bạn cảm thấy rằng bạn đã chạm vào nền tảng của thứ âm nhạc vĩ đại nhất của những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất. Đó là một nơi linh thiêng”. Ngày 28/1/1953, Simoneau lần đầu xuất hiện tại La Scala dưới sự chỉ huy của Herbert von Karajan trong Ottavio. Karajan rất ấn tượng với tài năng của Simoneau và đã mời ông tham gia trong bản thu âm Così fan tutte sau đó cùng Philharmonia Orchestra cho EMI. Ngoài âm nhạc của Mozart, Simoneau cũng gây ấn tượng lớn trong các vở opera của Pháp như Les pêcheurs de perles (Georges Bizet) và Mignon (Ambrose Thomas).

Sau lần ra mắt cùng Lyric Opera of Chicago vào ngày 5/2/1954 trong Ottavio, Simoneau đã có sự cộng tác lâu dài với nhà hát này trong đó có những buổi đáng nhớ như lần xuất hiện cùng Maria Callas và Tito Gobbi vào ngày 8/11/1954 trong La traviata; cùng Elisabeth Schwarzkopf và Christa Ludwig vào ngày 9/11/1959 trong Così fan tutte và với Leontyne Price trong Thaïs (Jules Massenet) vào ngày 23/11/1959. Chất giọng tenor dịu dàng với sắc thái linh hoạt, một tư duy nghệ thuật sâu sắc và sự lựa chọn vai diễn cẩn trọng của Simoneau đã giúp ông hoá thân trọn vẹn vào những vai diễn của mình. Simoneau có sự nghiên cứu thấu đáo cho những vai mà ông sẽ hoá thân, không chỉ trên tổng phổ của nhà soạn nhạc mà còn cả ở tác phẩm văn học gốc. Ví dụ như Ottavio, vai diễn để đời mà ông đã hát hơn 200 lần trong sự nghiệp của mình, Simoneau đã thêm vào đó một chút sức mạnh được ông rút ra trong những tác phẩm về Don Giovanni, kể cả vở kịch của Molière thay vì nó khá hời hợt và ngớ ngẩn như trong kịch bản của Lorenzo da Ponte. Với Simoneau, để đạt được hiệu quả cao nhất trong opera, ca sĩ cần củng cố kiến thức của mình về mọi khía cạnh của nhân vật. Với Mozart, nhà soạn nhạc mà Simoneau đã gắn bó trong suốt cuộc đời nghệ thuật, ông cho biết bí quyết của mình: “Trước hết, bạn phải yêu nhà soạn nhạc bằng cả trái tim mình. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ chấp nhận làm nô lệ của thiên tài này, phụng sự toàn bộ thời gian và năng lượng của mình cho việc nghiên cứu, lĩnh hội và trau dồi thứ tài liệu tuyệt đẹp đó. Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ tiếp cận và yêu Mozart ngay lập tức. Nó chỉ đến bằng cách tinh lọc gu thẩm mĩ của bạn và tìm hiểu sâu thêm về ông… Mozart coi giọng hát như một nhạc cụ, Bach và Haydn cũng vậy: đó là một tập tục. Thứ âm nhạc đó, để hát nó đúng cách, bạn phải cố gắng tạo ra âm thanh tinh khiết nhất có thể. Một thứ âm thanh tự do với chất lượng tốt, nhiều âm bội và tất nhiên là sự tinh khiết của các nguyên âm. Đó là cách để hát Mozart, hát tất cả mọi thứ hay.”

Bên cạnh sự nghiệp opera, Simoneau cũng là một thông dịch viên xuất sắc các mélodie của Pháp, trong đó Henri Duparc là nhà soạn nhạc yêu thích của ông. Năm 1962, hai người con ưu tú của đất nước Canada là Simoneau và Glenn Gould có buổi biểu diễn đáng nhớ cùng nhau. Năm 1956, Metropolitan Opera đã từng mời ông hát trong Die zauberflöte. Tuy nhiên, lịch diễn tại châu Âu đã khiến Simoneau không thể nhận lời. Ông xuất hiện tại Metropolitan Opera lần đầu vào ngày 18/10/1963 trong Ottavio với Cesare Siepi đóng vai chính Don Giovanni và tổng cộng chỉ có 4 buổi biểu diễn tại đây. Theodore Strongin đã viết trên New York Times: “Simoneau đã hát với trí thông minh và vẻ đẹp trong giọng hát. Ông đã nhận được những tràng vỗ tay vang dội có thể làm sập cả khán phòng”. Mặc dù xuất hiện rất ít ỏi tại nhà hát này nhưng Simoneau lại có sự cộng tác thường xuyên hơn với New York Philharmonic khi hát trong nhiều các tác phẩm thanh nhạc lớn của Mozart, Ludwig van Beethoven hay Hector Berlioz tại đây. Từ sau năm 1964, ông ngừng biểu diễn opera mà chỉ hát trong những phòng hoà nhạc và chủ yếu tập trung tại châu Âu và Canada. Buổi hoà nhạc cuối cùng của cả Simoneau và Alarie diễn ra vào ngày 24/11/1970 tại Montreal Forum khi họ hát trong Messiah của George Frideric Handel cùng Montreal Symphony Orchestra.

Sau khi giã từ sự nghiệp ca hát, Simoneau tập trung sức lực vào công tác giảng dạy tại Conservatoire de musique de Québec, việc làm mà ông đã bắt đầu từ năm 1963. Năm 1971, ông đưa ra một báo cáo chi tiết về những khiếm khuyết trong quá trình giáo dục thanh nhạc cổ điển tại đây. Điều này dẫn tới việc thành lập Opéra du Québec mà Simoneau trở thành giám đốc nghệ thuật, ông đã từ chức tại đây chỉ sau một năm. Việc giảng dạy của ông còn được mở rộng đến San Francisco, Banff và Victoria (British Columbia), nơi năm 1982 ông và vợ mình thành lập công ty Canada Opera Piccola, một trung tâm đào tạo các ca sĩ trẻ. Tuy nhiên, do những vấn đề về tài chính, nơi đây đã chấm dứt hoạt động vào năm 1988. Năm 1995, Simoneau cho xuất bản cuốn “Nghệ thuật bel canto”, trong đó ông tập hợp những suy ngẫm của mình về ca hát, đúc kết từ một sự nghiệp biểu diễn và giảng dạy lâu dài bằng một thứ ngôn ngữ giản dị và trung thực nhất. Simoneau qua đời tại nhà riêng ở Victoria vào ngày 24/8/2006 ở tuổi 90 vì những biến chứng của bệnh tiểu đường.

Simoneau chắc chắn là một trong những ca sĩ opera nổi tiếng nhất Canada. Timothy Vernon, giám đốc nghệ thuật của Pacific Opera Victoria, nơi mà hai vợ chồng Simoneau thường xuyên cộng tác trong những năm tháng sau này đã cho biết: “Ông chắc chắn là một trong những ca sĩ xuất sắc nhất mà chúng tôi từng cộng tác… Ông rất lịch sự, có học thức và luôn luôn vui vẻ. Simoneau có một phong thái quý tộc nhưng không bao giờ hợm hĩnh”. Danh mục biểu diễn opera của ông khá hẹp, chỉ trong một số vai nhất định. Simoneau luôn cẩn thận khi lựa chọn vai diễn, cố gắng không để giọng hát của mình phải gánh chịu quá nhiều sức nặng. Điển hình như trong Werther (Massenet), một trong những vở opera nổi tiếng nhất của Pháp, Simoneau chỉ hát một số trích đoạn mà không bao giờ hát trọn vẹn cả tác phẩm vì với ông, màn III là quá kịch tính. Có lẽ chính điều này đã phần nào hạn chế sự nổi tiếng của ông. Nhưng có lẽ điều đó là cần thiết bởi nó đã giúp tạo nên sự trường tồn cho giọng hát của Simoneau. Với những bản thu âm của mình, Simoneau đã để lại những món quà lưu niệm quý báu và bổ ích về nghệ thuật ca hát. Sự sang trọng, quyến rũ và trữ tình trong giọng hát của ông không phải là thứ mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp, đặc biệt trong bối cảnh ngày nay, khi mà các ca sĩ ngày càng trở nên thiếu cá tính. Dù không sở hữu một giọng hát lớn, kịch tính với những nốt cao chói sáng, gây phấn khích cao độ đối với người nghe, nhưng với sự nhẹ nhàng và tinh tế, Simoneau vẫn sẽ mãi là một giọng ca đi vào tâm hồn của những người yêu âm nhạc và là một chuẩn mực để các thế hệ ca sĩ đi sau học hỏi và vươn tới.

Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
operanews.com
bruceduffie.com
theguardian.com

Bình luận Facebook