Người nào được gọi là “thanh niên lập dị ở tuổi 65”? Nhạc trưởng Carlos Kleiber 65 tuổi vào năm 1995 không bao giờ để uổng phí một chút gì cho cuộc sống nghỉ ngơi của mình. Khó nắm bắt, lập dị, ương bướng, thất thường… đó chỉ là vài từ ngữ nhẹ nhàng mà mọi người dùng để miêu tả Kleiber, người mà họ rất khó chịu về sự cứng rắn của ông nhưng họ vẫn phải công nhận: “Đó là nhac trưởng đáng tôn kính nhất từ thời Arturo Toscanini!” (New York Times).
 Không thể chối cãi được rằng Kleiber là một nhạc trưởng rất khắt khe, một người theo chủ nghĩa hoàn hảo và chỉ làm việc khi nào và ở đâu ông cảm thấy thích thú. Một sự thật hiển nhiên rằng ông thường xuyên huỷ các buổi biểu diễn, không thích phỏng vấn, có không nhiều bản ghi âm và từ chối gắn bó lâu dài với một nhà hát hay một dàn nhạc. Ông chỉ huy không thường xuyên, danh mục các tác phẩm biểu diễn không lớn và không tạo ra những scandal ồn ào dư luận. Vậy cái gì tạo nên sự đặc biệt nơi ông?
 Đó có lẽ là do sự độc nhất trong cách cảm nhận của ông về dòng chảy, giai điệu và sự chuyển động, ông biểu diễn với sự căng thẳng và buông lơi không giống với bất kỳ ai. Hoặc chính các động tác duyên dáng tự nhiên đã tỏa ra đầy chất nhạc. Các động tác chỉ huy của ông luôn giàu các sắc thái tình cảm một cách tuyệt vời và ông sử dụng chúng với sự trôi chảy hiếm thấy. Xem Kleiber biểu diễn khiến chúng ta nhớ lại mối quan hệ chặt chẽ giữa nhạc trưỏng và các nhạc công là trên hết. Điều này nổi bật lên với sự quyến rũ sâu sắc trong các bản thu của Deutsche Grammophon.
 Carlos Kleiber sinh ngày 3 tháng 7 năm 1930 tại Berlin là con của nhạc trưởng nổi tiếng Erich Kleiber. Mẹ của ông là người Mĩ. Ông lớn lên tại Argentina khi gia đình ông chạy trốn bọn Đức quốc xã. Tại đây ông theo học piano và timpani, cũng như hát và soạn nhạc dù rằng có nhiều người cho rằng chính Erich đã ngăn cản việc học nhạc của con trai mình. Ngay cả khi Carlos đã bước đầu thành đạt trong sự nghiệp của mình thì trong một bức thư gửi cho một người bạn, Erich viết: “thật là một điều phí pham khi nó trở thành nhạc sĩ.” Sau chiến tranh, Kleiber chuyển đến Thuỵ Sỹ học hoá học. Nhưng chỉ một năm sau ông quay trở về Buenos Aires. Năm 1952, ông bắt đầu sự nghiệp chỉ huy của mình tại nhà hát La Plata. Những thần tượng của ông là Fritz Busch, Bruno Walter and Arturo Toscanini, những người mà chỉ cần xem và nghe họ chỉ huy là ông có thể học hỏi và tiếp cận trực tiếp với các tác phẩm.
 Năm 1953, Kleiber quay trở lại châu Âu và tăng dần số lượng các tác phẩm trong danh mục biểu diễn của mình khi chỉ huy tại Gärtnerplatz Theater, Munich. Một năm sau đó ông là nhạc trưởng chính, thường xuyên chỉ huy các vở operetta tại Potsdam, Tây Đức dưới nghệ danh Karl Keller.

 Những năm tiếp theo, Kleiber tiếp tục trau dồi tài năng và kinh nghiệm biểu diễn trong những nhà hát nhỏ của các thành phố tại Áo, Đức và Thụy Sĩ. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Volksoper, Vienna, ông đến làm việc tại Deutsche Oper am Rhein, Düsseldorf rồi Zurich Opera và cuối cùng từ năm 1966 đến 1968, ông là chỉ huy chính tại Württembergisches Staatstheater, Stuttgart. Đây cũng chính là những ràng buộc cuối cùng của ông với các nhà hát.

 Carlos Kleiber không thích lề lối làm việc kiểu công chức, các ràng buộc hợp đồng, các tục lệ xã hội thông thường và cực lực phản đối việc coi âm nhạc là một thứ hàng hóa để kinh doanh. Ông không bao giờ có người đại diện và luôn tự mình đứng ra thương lượng các bản hợp đồng biểu diễn và ghi âm. Ông cũng thường xuyên từ chối các cuộc phỏng vấn và lấy cớ rằng mình khó tìm ra từ ngữ để nói rõ về bản thân.

 Từ năm 1968 đến 1978, ông làm việc với tư cách khách mời tại Bayerische Staatsoper, Munich. Thỉnh thoảng ông cũng quay trở lại Sttugart. Lần đầu tiên ra mắt của ông tại Vương quốc Anh là vào năm 1966 khi ông chỉ huy vở opera Wozzeck của Alban Berg tại Edinburgh Festival. Các buổi ra mắt của ông tại Wiener Staatsoper và Bayreuth lần lượt vào các năm 1973 và 1974, đều với Tristan und Isolde của Wagner. Ông tiếp tục gắn bó với Bayreuth và Tristan und Isolde cho đến tận năm 1978.

Năm 1974, Kleiber lần đầu xuất hiện tại Covent Garden, London và La Scala, Milan, chỉ huy Der Rosenkavalier của Richard Strauss – một trong những tác phẩm trước kia luôn gắn liền với tên tuổi của cha ông. Tiếp theo đó ông chỉ huy lần đầu với Chicago Symphony Orchestra vào năm 1979; Berlin Philharmonic năm 1982 và Metropolitan Opera, New York năm 1988.

 Là một người cầu toàn thậm chí là cực đoan, Kleiber luôn tỏ ra không thích các bản thu âm, ông thường nói: “các bản thu chưa xuất bản mới là những bản thu âm tốt”. Tuy nhiên vào năm 1973, ông có sự cộng tác với Deutsche Grammophon và đồng ý thu âm vở opera Der Freischütz của Weber cùng Staatskapelle Dresden – dàn nhạc trước kia luôn có được sự cộng tác chặt chẽ và thân thiết của cha ông. Bản thu này đã giành được rất nhiều lời khen ngợi. Tờ  Daily Telegraph, London viết: “Kleiber đã mang đến một sức sống mới, một sự tuơi mát trên từng nốt nhạc, sự sôi nổi của nhịp điệu và cách chọn tốc độ của ông chỉ cho chúng ta thấy rằng ông hiểu tác phẩm này như thế nào.” Năm 1975, ông cùng Vienna Philharmonic ghi âm bản giao hưởng số 5 của Beethoven. Đĩa nhạc này thuyết phục đến nỗi có nhà phê bình đã viết trên tạp chí Times: “đây có thể so sánh với việc Homer đang thuật lại Iliad.” Nhiều bản thu khác của Kleiber cũng giành được những thành công đáng kể, như giao hưởng số 7 của Beethoven cùng Vienna Philharmonic, Die Fledermaus cùng Bavarian State Opera Orchestra vào năm 1976;  La Traviata cùng Bavarian State Opera Orchestra vào năm 1977; giao hưởng số 3 và số 8 của Franz Schubert cùng Vienna Philharmonic vào năm 1979; giao hưởng số 4 của Brahms cùng Vienna Philharmonic vào năm 1981 hay Tristan und Isolde cùng Dresden Staatskapelle vào năm 1982. Kleiber ghi âm không nhiều, về mặt này ông không thể so sánh với các nhạc trưởng khác như Karajan, Solti hay Bernstein nhưng hầu hết đều là những đĩa nhạc có chất lượng nghệ thuật rất cao. Claudio Abbado đánh giá rằng không một nhạc trưởng nào chỉ huy Tristan und Isolde tuyệt vời bằng Kleiber.
 Kleiber có một vóc dáng cao, gầy, rất quí phái và ẩn chứa sau đó là một sự hiểu biết tường tận các tác phẩm một cách vô cùng sâu sắc. Nhạc trưởng Bernard Haitink miêu tả ông là một thiên tài, một con người vô cùng đặc biệt còn Placido Domingo thì nhận xét rằng: “Kleiber là một phù thủy và kinh nghiệm của tôi chỉ ra rằng không có gì âm nhạc hơn là được dàn dựng tác phẩm cùng với ông. Kleiber luôn chú ý đến mọi thứ và tôi luôn luôn cố gắng làm hài lòng ông không phải vì tôi tôn trọng ông mà vì tôi biết rằng Kleiber luôn đúng!”

 Nếu như Bernstein luôn biết cách phải bắt đầu tác phẩm như thế nào thì Kleiber lại luôn biết cách kết thúc nó. Kleiber quan niệm rằng: “Nơi mà tác phẩm kết thúc là chỗ mà kỉ niệm bắt đầu.” Ông luôn có cách tiếp cận tác phẩm rất độc đáo và khác người, trong một lần dàn dựng bản giao hưởng số 33 của Mozart cùng với Chicago Symphony Orchestra, ông nó với dàn nhạc: “tôi muốn âm thanh của chương chậm phải được tạo ra giống như bố mẹ kéo mạnh đứa con mình ra khỏi cửa hàng bán đồ chơi khi họ đi dạo trên đường phố.” Tuy nhiên sự lập dị và tính cách khác người của Kleiber luôn luôn song hành cùng với tài năng của ông. Karajan, một người rất kính nể tài năng của Kleiber đã nhận xét: “chỉ khi nào tủ lạnh nhà ông ấy trống rỗng thì Kleiber mới đoái hoài đến cây đũa chỉ huy của mình.” Còn chuyện Kleiber hủy bỏ buổi biểu diễn vào phút cuối cùng kể cả khi đã bán hết vé hay bỏ ra ngoài phòng thu khi đang thu dở các bản giao hưởng thì không phải là chuyện hiếm. Năm 1989, ông nhận lời chỉ huy 5 đêm La Traviata cùng Metropolitan Opera, New York nhưng có 2 ca sĩ chính bị ốm và dù nhà hát đã có người thay thế những Kleiber vẫn bỏ đi chỉ sau 2 đêm diễn. Hay như trong một lần chỉ huy tại La Scala, trong thời gian chuyển màn, Kleiber đã chạy vào phía sau sân khấu để đòi ăn thua đủ với giọng nam trung Renato Bruson vì ông này đã không hát đúng với ý đồ của  Kleiber.

 Năm 1988, sau khi Herbert von Karajan quyết định nghỉ hưu, vị trí danh giá: giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng của Berlin Philharmonic – dàn nhạc số một thế giới đã được toàn thể ban lãnh đạo Berlin Philharmonic thống nhất dành cho Carlos Kleiber nhưng ông đã từ chối và vì vậy Claudio Abbado mới trở thành người kế vị Karajan. Các nhà phê bình đã tốn rất nhiều giấy mực để viết, phân tích, bình luận, đánh giá về việc ông miễn cưỡng ưng thuận làm việc cùng với các dàn nhạc Vienna Philharmonic và Amsterdam Concertgebouw và các nhà hát nổi tiếng trên thế giới tại Vienna, Munich, Bayreuth, London, Milan, và New York nhưng đặc biệt họ luôn dành những ưu ái đặc biệt nhất cho ông. Quả thật cùng một vài nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở cuối thế kỉ 20, Kleiber đã trở thành người nghệ sĩ vĩ đại nhất trong thời đại của mình.

 Buổi biểu diễn cuối cùng của Kleiber diễn ra vào năm 1999 tại Tây Ban Nha, trong chương trình này ông cùng với Bavarian Radio Symphony Orchestra công diễn các bản giao hưởng số 4 và 7 của Beethoven và Overture Die Fledermaus của Johann Strauss II. Sau khi nghỉ hưu, ông về sống với vợ mình là Stanka, nữ diễn viên múa ballet người Slovenia tại quê nhà của bà. Ông mất ngày 12 tháng 7 năm 2004 và được chôn bên cạnh người vợ của mình, người đã mất trước đó vào tháng 12 năm 2003. Trước sự ra đi của Kleiber, tổng thống Áo cho rằng đó là một tổn thất lớn lao của đất nước.

Không chỉ là một tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, Carlos Kleiber còn là một con người rất uyên bác, sử dụng thông thạo 6 ngoại ngữ và có được sự hiểu biết rất sâu sắc về văn học cũng như chính trị. Và đối với những người say mê nhạc cổ điển, thật dễ hiểu khi họ chấp nhận những phiền toái do tính lập dị của ông mang lại vì họ hiểu rằng chính sự lập dị đó đã góp phần tạo nên một nhạc trưởng Carlos Kleiber phi thường của thế kỉ 20.

Cobeo tổng hợp

Bình luận Facebook