“Cô gái này là một phép màu.” – Elisabeth Schwarzkopf

 

Chúng ta có thể nói gì về Maria Callas? Giọng soprano này đã khuynh đảo thế giới opera chỉ trong hơn hai thập niên nhưng sức ảnh hưởng cùa bà thì đến tận ngày nay vẫn còn rất sâu đậm. Điều khiến “La Divina” – thiên thần chinh phục được khán giả không đến từ kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao hay âm vực rộng trên ba quãng tám mà là sự hoá thân hoàn hảo của bà trong từng vai diễn, Callas đã rực cháy trên sân khấu trong mỗi lần xuất hiện, như thể đó lần cuối cùng bà có thể hát, có thể diễn xuất. “Vissi d’arte, vissi d’amore” (Con sống vì nghệ thuật, con sống vì tình yêu) là lời hát của nhân vật Tosca (Tosca, Giacomo Puccini), một trong những vai diễn để đời của Callas chính là những nhận xét chính xác nhất về cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ vĩ đại. Bà đã góp phần to lớn trong việc hồi sinh các vở opera bel canto trên sân khấu trong thế kỷ 20. Đời tư của Callas cũng hấp dẫn giới thuyền thông không kém tài năng ca hát của bà. Những mối tình, những cuộc chia tay đều bị báo chí mổ xẻ và đưa tin rùm beng không thua kém bất kỳ một ngôi sao điện ảnh nào. Và tất cả những điều đó đã tạo nên một Callas huyền thoại của thế giới âm nhạc, một tượng đài bất hủ của nghệ thuật opera.

Maria Callas có một tuổi thơ không hạnh phúc. Cô bé sinh ngày 2/12/1923 với cái tên chính thức Sophie Cecilia Kalos tại New York trong một gia đình Hi Lạp di cư đến Mỹ. Ông George Kalogeropoulos đã rút ngắn cái họ của mình xuống thành Kalos và sau đó tiếp tục đổi thành Callas để tiện bề giao dịch khi chuyển đến vùng đất mới. Ông là một dược sĩ, không có tham vọng và không quan tâm đến nghệ thuật. Tuy nhiên, bà Evangelia “Litsa” là một phụ nữ ghê gớm, người sau này có những xung đột không thể hàn gắn với cô con gái út của mình. Maria có một chị gái Yakinthi “Jackie” (1917) và anh trai Vassilis (1920) nhưng Vassilis đã qua đời vì bệnh viêm màng não vào năm 1922 nên khi biết được Maria là con gái, Litsa đã rất thất vọng và không thèm đoái hoài đến cô trong suốt bốn ngày đầu tiên. Nhận thấy “Mary” có khả năng ca hát khi chỉ mới lên 3 tuổi, Litsa đã cố gắng thúc đẩy điều này. Callas sau này nhớ lại: “Tôi được tạo ra để hát khi mới 5 tuổi và tôi ghét nó”. Trong khi George không hài lòng với việc vợ mình quá ưu ái đứa con gái lớn và thúc ép Mary học hát còn Litsa thì càng ngày càng tỏ rõ thái độ chán ghét chồng mình vì sự không chung thuỷ. Họ thường xuyên cãi nhau trước mặt những đứa con. Năm 1937, hai vợ chồng quyết định ly thân và Litsa mang hai đứa con mình trở về Athens.

Litsa cố gắng để Mary theo học tại Nhạc viện Athens nhưng không thành công. Giọng hát của Mary, lúc này chưa qua đào tạo, đã không gây được ấn tượng với những nhà quản lý, hơn nữa cô bé cũng không đáp ứng được các tiêu chuẩn về lý thuyết âm nhạc. Mùa hè năm 1937, Litsa đưa con gái mình tới gặp Maria Trivella tại Nhạc viện Quốc gia Hy Lạp mới được thành lập. Trivella nhớ lại ấn tượng lần đầu mình gặp Mary “Một cô gái trẻ rất bụ bẫm, đeo kính cận lớn vì bị cận thị. Giọng hát trầm ấm, trữ tình, da diết; nó xoáy và bùng lên như một ngọn lửa và lấp đầy không khí với những âm vang du dương như một chiếc carillon (nhạc cụ có bàn phím và ít nhất 23 chiếc chuông). Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, đó là một hiện tượng đáng kinh ngạc, hay đúng hơn đó là một tài năng tuyệt vời cần được kiểm soát, đào tạo kỹ thuật và kỷ luật nghiêm ngặt để có thể tỏa sáng với tất cả sự chói loá của mình”. Trivella đã đồng ý dạy Mary và miễn toàn bộ học phí. Dần dần, Trivella nhận ra rằng cô bé sở hữu một chất giong soprano kịch tính chứ không phải mezzo-soprano như ban đầu và bà đã luyện tập cho người học trò của mình những bài học để làm sáng âm sắc và mở rộng cữ âm. Trivella rất hài lòng với Mary: “Một học sinh gương mẫu. Cuồng tín, không khoan nhượng, dành trọn trái tim và tâm hồn cho việc học của mình. Sự tiến bộ của cô bé thật phi thường. Mary học năm hoặc sáu giờ một ngày… Trong vòng sáu tháng, cô bé đã hát những bản aria khó nhất trong các tiết mục opera quốc tế với chất lượng tuyệt đỉnh”. Sau khi học với Trivella trong hai năm, Litsa đưa Mary tới thử giọng với ca sĩ nổi tiếng Elvira de Hidalgo, lúc này đang giảng dạy tại Nhạc viện Athens. De Hidalgo nhớ lại mình đã nghe thấy “những dòng âm thanh cuồng nhiệt, nóng bỏng, tuy chưa được kiểm soát nhưng đầy kịch tính và cảm xúc” và sẵn lòng dạy cô bé. Tuy nhiên, Litsa đề nghị được hoãn lại một thời gian cho đến khi Mary tốt nghiệp tại Nhạc viện Quốc gia Hy Lạp. Ngày 2/4/1939, Mary xuất sắc hoàn thành khoá học tại đây trong vai Santuzza (Cavalleria rusticana, Pietro Mascagni) và mùa thu năm đó, cô chuyển sang Nhạc viện Athens để học với De Hidalgo.

Theo lời Callas, chính de Hidalgo đã dạy cho mình về nghệ thuật bel canto: “De Hildalgo đã có một khóa đào tạo tuyệt vời, thậm chí có thể là khoá đào tạo cuối cùng của bel canto thực sự. Khi còn là một cô gái trẻ – mười ba tuổi – tôi ngay lập tức bị ném vào vòng tay của bà ấy, nghĩa là tôi đã học được những bí mật, những cách thức của nghệ thuật bel canto này, mà tất nhiên như bạn cũng biết, không chỉ là hát hay. Đó là quá trình đào tạo rất vất vả; nó là một loại áo khoác bó mà bạn phải mặc vào, cho dù bạn có thích nó hay không. Bạn phải học đọc, học viết, hình thành từng câu, bạn có thể đi bao xa, ngã, tự làm mình bị thương, tự đưa mình trở lại liên tục. De Hidalgo có một phương pháp, đó là phương pháp bel canto thực sự, giọng hát dù nặng đến đâu cũng phải giữ cho thanh thoát, luôn phải làm việc một cách uyển chuyển, không bao giờ nặng nhọc. Đó là một phương pháp giữ cho giọng hát nhẹ nhàng, linh hoạt và đẩy nhạc cụ vào một vùng cố định, nơi nó có thể không quá lớn về âm thanh nhưng xuyên thấu. Và dạy âm giai, láy, tất cả các cách tô điểm của bel canto, đó là một ngôn ngữ hoàn toàn rộng lớn của riêng nó”. Còn de Hidalgo thì nhận xét về Mary: “Một hiện tượng … Cô bé nghe tất cả các học trò của tôi, soprano, mezzo-soprano, tenor… Cô bé có thể làm được tất cả”. De Hidalgo còn giúp đỡ để Mary có được một vài vai nhỏ tại Nhà hát Opera Quốc gia Hy Lạp, qua đó có thêm thu nhập phụ giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn trong Thế chiến thứ hai.

Sự nghiệp chuyên nghiệp của Callas chính thức được đánh dấu vào tháng 2/1941 với vai Beatrice (Boccaccio, Franz von Suppé). Tài năng của cô ngay lập tức được ghi nhận, nhưng điều này cũng mang đến sự đố kỵ của những soprano lớn tuổi hơn, họ lo sợ sẽ bị mất vị trí vào tay đàn em của mình. Bất chấp những thù địch này, tháng 8/1941, Callas có được vai chính đầu tiên khi hát trong Tosca. Và kể từ đó, báo chí đã gọi cô là “được Chúa lựa chọn”. Callas nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng giá nhất tại Athens. Thế chiến thứ hai kết thúc, de Hidalgo khuyên Callas tới Ý lập nghiệp. Tuy nhiên, cô đã đã làm trái lời đề nghị của cô giáo mình. Callas trở về Mỹ vào ngày 14/9/1945. Khi rời Hi Lạp, cô gái 22 tuổi đã có trong hành trang của mình hơn 70 buổi biểu diễn trong 7 vở opera và nhiều chương trình hoà nhạc. Đó chính là nền tảng quý báu như sau này Callas cho biết: “Khi tôi đến với sự nghiệp lớn, không có bất ngờ nào đối với tôi”. Mặc dù những năm tháng tại Hy Lạp đem lại thành công bước đầu cho Callas về mặt sự nghiệp nhưng đó cũng là giai đoạn mang tới những cay đắng trong cuộc đời của cô. Bà Litsa đã ngủ với lính Đức để đổi lấy tiền trang trải cuộc sống và đã cố gắng rủ rê Callas cũng làm như vậy. Điều này đã làm cho mối quan hệ mẹ con vô cùng căng thẳng. Sau này, khi Callas đã nổi tiếng, Litsa còn bán tin tức của con gái mình cho báo chí và tống tiền con gái mình: “Con biết những nghệ sĩ điện ảnh có nguồn gốc khiêm tốn làm gì khi trở nên giàu có không? Trong tháng đầu tiên, họ dành số tiền đầu tiên để làm nhà cho bố mẹ và chiều chuộng họ bằng những thứ xa xỉ”. Cha của Callas cũng không hề tốt lành, ông viết thư cho cô, bịa ra mình bị bệnh rất nặng để xin tiền trong khi thực tế nó rất nhẹ. Callas từng than thở: “Tôi chán ngấy với sự ích kỷ và thờ ơ của cha mẹ đối với tôi… Tôi không muốn có thêm mối quan hệ nào nữa. Tôi hy vọng các tờ báo không nắm được những thứ này. Và rồi tôi sẽ thực sự nguyền rủa khoảnh khắc mà tôi còn cha mẹ trên đời.”

Tháng 12/1945, Callas thử giọng cho Edward Johnson, tổng giám đốc của Metropolitan Opera và được ông ưu ái: “Giọng hát đặc biệt – nên được nghe rất sớm trên sân khấu”. Tuy nhiên, Callas đã từ chối hát tại đây khi được giao vai Madama Butterfly (Madama Butterfly, Puccini) và Fidelio (Fidelio, Ludwig van Beethoven) với lý do mình quá béo để vào vai Madama Butterfly và không muốn hát Fidelio bằng tiếng Anh. Còn Johnson sau này tiếc nuối rằng những điều khoản trong hợp đồng đưa ra quá thiệt thòi đối với một tài năng như vậy. Khi chưa định hình được sự nghiệp của mình trên đất Mỹ, Callas đã gặp nhạc trưởng Tullio Serafin, người lúc này đang gấp rút tìm kiếm một giọng nữ cao kịch tính cho vai chính trong La Gioconda (Amilcare Ponchielli) để biểu diễn tại Arena di Verona. Serafin đã sửng sốt: “Đáng kinh ngạc – rất mạnh mẽ về thể chất và tinh thần; rất chắc chắn về tương lai của cô ấy. Tôi biết trong một nhà hát lớn ngoài trời như của Verona, cô gái này, với lòng can đảm và giọng hát tuyệt vời của mình, sẽ tạo ra một tác động to lớn”. Và với La Gioconda, Callas đã có màn ra mắt tuyệt vời tại Ý. Sau đó Serafin lại tìm kiếm một ca sĩ để hát trong Isolde (Tristan und Isolde, Richard Wagner). Callas tự tin nói với Serafin rằng mình biết vai này, trong khi thực tế cô mới chỉ xem qua màn I hồi còn ở nhạc viện vì tò mò. Trong buổi luyện tập, Callas đã xuất sắc khi hát trực tiếp từ tổng phổ khiến Serafin mừng rỡ và không chần chừ lại lựa chọn Callas cho màn trình diễn của mình. Serafin, lúc này là nhạc trưởng opera uy tín hàng đầu nước Ý, có lẽ chỉ xếp sau Arturo Toscanini, đã trở thành người hướng dẫn và cố vấn cho Callas kể từ đó.

Một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp đã diễn ra với Callas vào năm 1949 tại Venice. Cô đã được giao hát trong Brünnhilde (Die walküre, Wagner) tại Teatro la Fenice. Lúc đó, ca sĩ hát vai Elvira (I puritani, Vincenzo Bellini) bị ốm và không có người thay thế. Serafin lại tìm đến Callas. Callas phản đối vì cô chưa học vai diễn này đồng thời trước đó còn tới ba buổi hát Brünnhilde. Nhưng Serafin khẳng định: “Tôi bảo đảm rằng cô có thể”. Bất kỳ ai am hiểu opera đều biết rằng, khác biệt giữa sự kịch tính trong Brünnhilde và vẻ trữ tình màu sắc trong Elvira như ngày và đêm. Soprano nào hát hai vai trong cùng sự nghiệp đã là một sự phi thường hiếm có, còn nếu hát trong cùng một mùa thì đó nếu không phải là điều kỳ diệu thì là ngu xuẩn. Bản thân các nhà phê bình cũng ngạc nhiên: “Chúng tôi nghe nói rằng Serafin đã đồng ý chỉ huy I puritani với giọng nữ cao đầy kịch tính… Khi nào chúng ta có thể mong đợi một phiên bản mới của La traviata với Gino Bechi (baritone) hát Violetta”? Và rồi sau đó, khi tấm màn nhung buông xuống: “Ngay cả những người hoài nghi nhất cũng phải công nhận điều kỳ diệu mà Maria Callas đã làm được… sự uyển chuyển trong giọng hát linh hoạt, đĩnh đạc và những nốt cao tuyệt vời của cô ấy. Cách diễn giải của cô cũng rất nhân văn, ấm áp và biểu cảm mà người ta sẽ tìm kiếm trong vô vọng trong sự lạnh lùng mỏng manh như những Elvira khác”. Còn đạo diễn opera lừng danh Franco Zeffirelli nhớ lại: “Những gì cô ấy đã làm ở Venice thực sự đáng kinh ngạc. Bạn cần phải làm quen với opera để nhận ra thành tựu này của cô ấy. Cứ như thể ai đó đã yêu cầu Birgit Nilsson, người nổi tiếng với giọng Wagnerian tuyệt vời thay thế cả đêm cho Beverly Sills, một trong những coloratura soprano tuyệt vời trong nhất thời đại của chúng ta”. Và như Montserrat Caballé đã bày tỏ: “Chị ấy đã mở ra một cánh cửa mới cho chúng tôi, cho tất cả các ca sĩ trên thế giới, một cánh cửa đã bị đóng lại. Đằng sau nó không chỉ là âm nhạc tuyệt vời mà còn là ý tưởng diễn giải xuất sắc. Chị ấy đã cho chúng tôi, những người theo dõi chị ấy, cơ hội để làm những điều mà khó có thể làm được trước đó. Việc tôi được so sánh với Callas là điều mà tôi chưa bao giờ dám mơ tới. Nó không đúng. Tôi nhỏ bé hơn Callas rất nhiều”. Kể từ đó, Callas đã hát những vở opera trữ tình và kịch tính xen kẽ nhau và điều này cũng lặp lại trong các chương trình độc tấu. Ngay sau “Una macchia è qui tuttora” (Lady Macbeth, Verdi) là Cảnh điên trong Lucia di Lammermoor (Gaetano Donizetti), được tiếp nối với Salgo già del trono aurato (Nabucco, Verdi) và sau đó là Bell Song (Lakmé, Léo Delibes) với một nốt e3 cao chót vót. Cũng trong năm 1949, Callas đã kết hôn với Giovanni Battista Meneghini, một nhà công nghiệp lớn tuổi giàu có mà cô quen khi hát tại Verona.

Ngày 12/4/1950, Callas lần đầu tiên hát tại La Scala với Aida (Verdi) bên cạnh Mario del Monaco. Đây trở thành mái nhà nghệ thuật chính cho bà trong những năm 1950, chắp cánh cho những vinh quang chói lọi nhất. Bà đã hát dưới đũa chỉ huy của những nhạc trưởng lừng danh và là bạn diễn của những ca sĩ danh tiếng nhất như Franco Corelli, Carlo Bergonzi và đặc biệt là mối liên kết với Giuseppe di Stefano, biến họ thành một trong những cặp bài trùng ăn ý nhất trong lịch sử opera. Ngày 8/11/1952, Callas ra mắt tại Covent Garden trong Norma (Bellini), Joan Sutherland cũng hát cùng trong vai diễn nhỏ Clotilde. Cũng với Norma, Callas đã lần đầu hát tại Mỹ vào ngày 1/11/1954 tại Lyric Opera of Chicago. Phải đến ngày 29/10/1956, bà mới ra mắt tại Metropolitan Opera, điều đáng lẽ đã xảy ra 11 năm về trước, và cũng là trong Norma. Tuy nhiên, điều đón chào bà trước đó không phải là những lời tung hô nhiệt liệt hay quảng cáo rầm rộ. Time đã có bài báo nhấn mạnh vào tính khí nóng nảy của Callas, sự cạnh tranh gay gắt với Renata Tebaldi và mối quan hệ phức tạp với mẹ đẻ của mình. Sự đối đầu giữa Tebaldi và Callas, hai soprano hàng đầu thế giới thời điểm đó khởi nguồn từ một buổi biểu diễn tại Rio de Janeiro vào năm 1951. Tất cả các ca sĩ tham gia buổi hoà nhạc đều đồng ý trước lả sẽ không hát “bis” nhưng Tebaldi đã thêm 2 bài hát, dẫn đến sự tức tối của Callas. Họ đã có nhiều lời lẽ gay gắt về phía đối phương. Tuy nhiên, trên thực tế, họ rất ngưỡng mộ tài năng của nhau. Sau một buổi biểu diễn của Tebaldi vào tháng 10/1968 tại Metropolitan Opera trong Adriana Lecouvreur (Francesco Cilea), Callas đã chạy vào hậu trường và cả hai đã làm hoà với nhau.

Sự khó chịu của bà với Rudolf Bing, tổng giám đốc của Metropolitan Opera dẫn đến việc bà chỉ có khoảng 20 buổi biểu diễn tại đây. Callas gắn bó với châu Âu hơn, đặc biệt là La Scala và sau đó là Covent Garden. Với công chúng London, bà gọi đó là “một mối tình”. Trong giai đoạn hoàng kim của mình, Callas là một ngôi sao không thể thay thế, ở bà toát ra một sức hút kỳ diệu mà không một ca sĩ nào có thể thay thế. Về cơ bản, giọng hát Callas không hề đẹp, đó là một giọng hát khô khan, the thé. Serafin gọi đó là Una grande vociaccia (giọng hát xấu xí vĩ đại). Bản thân Callas khi được hỏi có nghe những đĩa nhạc của mình không, bà trả lời: “Có, nhưng tôi không thích nó. Tôi phải làm điều đó, nhưng tôi không thích nó chút nào vì tôi không thích chất giọng của tôi. Tôi thực sự ghét nghe chính mình!… Tôi đã muốn dừng mọi thứ, từ bỏ ca hát”. Tuy nhiên, đó lại là một giọng hát toát ra sức hút kỳ lạ trên một nền tảng kỹ thuật và khả năng phân câu, nhả chữ hoàn hảo, nó quyến rũ, hút hồn người nghe vào đó, nơi một người ca sĩ có thể sẵn sàng chết vì vai diễn của mình, một không gian ma mị, huyễn hoặc bao trùm lấy khán giả, mà ở đó, chỉ còn có vai diễn trong các vở opera, nó tác động trực tiếp và mãnh liệt vào tâm trí người nghe giúp họ sống và chết với nhân vật. Bà có khả năng tuyệt vời trong việc đưa những chi tiết nhỏ bé nhất trong kịch bản trở thành cảm xúc trong giọng hát. Đó là điều chỉ thuộc về riêng Callas. Rất khó để phân loại giọng hát của Callas. Ngoài soprano, Callas còn hát trong nhiều vai diễn dành cho mezzo-soprano như Carmen (Carmen, Bizet) hay Santuzza. GIọng hát của bà không lớn nhưng xuyên thấu với âm vực khoảng 3 quãng tám. Serafin từng nói: “Người phụ nữ này có thể hát bất cứ thứ gì được viết cho giọng nữ”. Còn Rosa Ponselle cho biết: “Đó là một giọng màu sắc kịch tính, hát màu sắc với sự kịch tính chứ không phải ngược lại”.

Năm 1957, khi vẫn trong cuộc hôn nhân với Meneghini, Callas đã ngoại tình với ông trùm vận tải biển Hy Lạp Aristotle Onassis. Bà đã giảm cân, trở nên thon gọn và xinh đẹp hơn. Điều này dường như ảnh hưởng trực tiếp đến giọng hát của Callas. Bà không kiểm soát được cơ hoành, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các nốt nhạc ở âm khu cao. Một số người khác, trong đó có Tito Gobbi, người bạn diễn thân thiết lại cho rằng nguyên nhân đến từ tâm lý của bà: “Tôi không nghĩ có chuyện gì xảy ra với giọng nói của cô ấy. Tôi nghĩ cô ấy chỉ mất tự tin. Cô ấy có nghĩa vụ phải cố gắng hết sức mỗi đêm và có thể cô ấy cảm thấy mình không thể tiếp tục, cô ấy mất tự tin”. Ngày 5/7/1965, bà đã giã từ sân khấu opera trong Tosca tại Covent Garden, lúc này bà mới 42 tuổi, giai đoạn sung sức của người nghệ sĩ. Năm 1966, bà đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để dễ dàng hơn trong việc ly dị với Menighini và có thể kết hôn của Onassis. Tuy nhiên, Onassis đã từ bỏ bà để đến với Jacqueline Kennedy. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào Callas, bà mất đi giọng hát và giờ mất nốt tình yêu. Bà lui về sống ẩn dật tại Paris. Từ tháng 10/1971-3/1972, Callas dạy một số lớp master class tại Juilliard School. Năm 1973-1974, cùng người bạn diễn ăn ý di Stefano, Callas thực hiện chuyến lưu diễn tới rất nhiều nước trên khắp thế giới. Mặc dù rất thành công về mặt thương mại và được khán giả tung hô nhiệt tình tại mọi địa điểm nhưng là một thất bại về mặt nghệ thuật. Họ đã ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Buổi biểu diễn cuối cùng của Callas diễn ra vào ngày 11/11/1974 tại Sapporo, Nhật Bản. Bà qua đời tại Paris vào ngày 16/9/1977 vì đau tim ở tuổi 53. Michel Glotz người đại diện của bà cho biết: “Đó là hình ảnh của La Traviata khi bà hát vào năm 1956 tại La Scala. Khuôn mặt của bà thậm chí không có một nếp nhăn. Bà dường như đang nghỉ ngơi”. Rất nhiều đồng nghiệp của bà ở độ tuổi này vẫn đang ngự trị ở đỉnh cao trên sân khấu opera. Một nghi lễ long trọng được tổ chức tại Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Stephen trên đường Georges-Bizet, Paris vào ngày 20/9/1977. Sau đó, bà được hỏa táng tại nghĩa trang Père Lachaise và tro cốt của bà được đặt trong nhà thờ ở đó. Nó từng bị đánh cắp nhưng đã được tìm lại. Với di nguyện của bà, nó đã được rải trên biển Aegean, Hy Lạp vào mùa xuân năm 1979.

Một sự nghiệp chói sáng ngắn ngủi, một cuộc đời nhiều đau khổ và bất hạnh, Callas đã đến với trái đất này, trút toàn bộ tinh thần, tâm huyết và sức mạnh vào ca hát, cống hiến cho người nghe những gì là tuyệt vời nhất của nghệ thuật thanh nhạc. Sau những tháng ngày vinh quang ngắn ngủi, những gì đón chào bà trong những năm tháng cuối đời là sự cô quạnh, vắng vẻ. Bi kịch và bất công khủng khiếp đối với một trong những ngôi sao vĩ đại nhất của thế giới âm nhạc.

Cobeo tổng hợp

Nguồn:
nytimes.com
theguardian.com
maria-callas.com