Tác giả: Ottorino Respighi.
Tác phẩm: Những đài phun nước ở Rome (Fontane di Roma)
Thời gian sáng tác: Những ý tưởng ban đầu xuất hiện từ năm 1913 nhưng tác phẩm chỉ được hoàn thành vào năm 1916.
Công diễn lần đầu: Ngày 11/3/1917 tại Teatro Augusteo, Rome dưới sự chỉ huy của Antonio Guarnieri.
Độ dài: Khoảng 17 phút.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Đài phun nước Valle Giulia lúc bình minh
Chương II – Đài phun nước Triton vào buổi sáng
Chương III – Đài phun nước Trevi vào buổi trưa
Chương IV – Đài phun nước Villa Medici lúc hoàng hôn.
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 2 flute, 2 oboe, English horn, 2 clarinet, 2 bass clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, triangle, cymbals, chuông, glockenspiel, organ (có thể có hoặc không), piano, celesta, 2 harp và dàn dây.

Các đài phun nước là một trong những điểm nhấn quan trọng của Rome, một số trong đó nằm trong số những công trình kiến trúc tuyệt vời và là những di tích văn hoá quan trọng nhất của thành phố này. Sở hữu số lượng lên đến khoảng 2000 đài phun nước lớn nhỏ, Rome là thành phố có nhiều đài phun nước lớn nhất thế giới. Hệ thống này đã được Augustus Caesar, hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã, thiết kế và qua năm tháng, được mở rộng và tạo thành một mạng lưới ống dẫn nước lớn cung cấp cho các đài phun nước vừa tráng lệ vừa có kích thước khiêm tốn – trong các quảng trường, tại các giao lộ chính và trong các khu vườn nhà.

Sinh ra ở Bologna, Respighi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với tư cách một nhạc công chơi viola. Ông đã tới Saint Petersburg để chơi trong dàn nhạc tại đây và từ đó, có cơ hội học sáng tác với Nikolai Rimsky-Korsakov, một bậc thầy về phối khí với khả năng tạo ra màu sắc vô song cho dàn nhạc. Sau đó, ông tiếp tục theo học với Max Bruch tại Berlin trước khi quay trở về quê hương, đảm nhiệm cương vị giáo sư, dạy sáng tác tại Accademia di Santa Cecilia ở Rome vào năm 1913. Tại đây, Respighi đã thực sự choáng ngợp với sự hùng vĩ và dấu ấn lịch sử của “thành phố vĩnh hằng”. Ông đến thăm hai người bạn đang sống tại Valle Giulia, nằm ở phía tây bắc của vườn Borghese: “Ở gần ngôi nhà nhỏ của họ, khá hẻo lánh và tách biệt, người ta luôn luôn có thể nghe thấy tiếng róc rách của một đài phun nước. Một người bạn tôi đã thốt lên: “”Hãy lắng nghe xem nó hát như thế nào!”. Đó là lần đầu tiên của Những đài phun nước ở Rome”.

Mặc dù nguồn cảm hứng ban đầu xuất hiện từ năm 1913 nhưng phần lớn công việc chỉ được nhà soạn nhạc thực hiện vào năm 1915-1916. Respighi thường có thói quen thường để các ý tưởng âm nhạc lắng đọng thật sâu trong tâm trí cho đến khi chúng sẵn sàng được viết ra. Những đài phun nước ở Rome, như tên gọi đã cho thấy chủ đề là quá rõ ràng. Tuy nhiên, Respighi đã tập trung cụ thể hơn vào thời gian cũng như địa điểm, tạo ra những ngôn ngữ âm nhạc khác nhau trong tác phẩm 4 chương nhưng được chơi liên tục, không có khoảng nghỉ này. Respighi đã cung cấp các ghi chú minh hoạ của riêng mình cho tác phẩm: “Trong bản thơ giao hưởng này, nhà soạn nhạc đã cố gắng thể hiện tình cảm và tầm nhìn đã được gợi ý cho anh ta về bốn trong số các đài phun nước của Rome được chiêm ngưỡng vào thời điểm mà tâm hồn của họ hài hoà nhất với cảnh quan xung quanh, hoặc vẻ đẹp của chúng hiện lên ấn tượng nhất đối với người quan sát”.

Chương I của tác phẩm lấy cảm hứng từ đài phun nước Valle Giulia, nằm trong một thung lũng tại Rome, chính là nơi nhà soạn nhạc nảy ra ý tưởng về tác phẩm này. Âm nhạc khắc hoạ một khung cảnh đồng quê: đàn gia súc đi qua và biến mất trong màn sương mù ẩm ướt trong một buổi bình minh thành Rome. Miêu tả tiếng kèn của chàng mục đồng, oboe tấu lên một giai điệu điền viên, sau đó được truyền tiếp trong clarinet, flute, piccolo và bassoon. Sau đó, oboe tiếp tục kết hợp với cello, tạo ra một chủ đề tương phản, ấm áp hơn. Bắt đầu với tiếng flute, một đoạn nhắc lại ngắn gọn của chủ đề mở đầu dẫn đến chương tiếp theo của bản nhạc.

Tiếng horn đột ngột vang lên liên tục phía trên toàn bộ dàn nhạc giới thiệu chương II. Đài phun nước Triton được Gian Lorenzo Bernini thiết kế vào thế kỷ thứ 17. Đây dường như là một lời hiệu triệu vui mừng đội quân của các nữ thuỷ thần và các triton (những vị thần nửa người nửa cá). Họ chạy tới, vui đùa với nhau và nô giỡn trong một vũ điệu điên cuồng với các tia nước. Sau phần mở đầu ồn ào, đoạn sau của tác phẩm với chủ đề nhẹ nhàng, đùa cợt trong tiếng flute. Màu sắc dàn nhạc trở nên lung linh hơn, theo đúng những gì mà Respighi tiếp thu từ người thầy đáng kính của mình Rimsky-Korsakov, phản chiếu ánh nắng ban mai của một buổi sáng tinh khôi.

Một chủ đề nghiêm trang trên trumpet và trombone bắt đầu chương III. Đài phun nước Trevi lộng lẫy, kiêu sa sừng sững trong ánh nắng trưa rực rỡ của Rome. Trevi là một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất tại Rome, là điểm đến bắt buộc đối với các du khách tại đây. Mặc dù miêu tả đài phun nước nhưng âm nhạc dường như gần gũi hơn với một biển cả rộng lớn với những hình ảnh sống động của những cơn sóng vỗ bờ. Chủ đề chính được truyền tiếp sang kèn gỗ và rồi lại chuyển sang kèn đồng. Tiếng trumpet vang vọng, trên bề mặt bao la, rộng lớn cỗ xe của thần Neptune được kéo bằng những con hải mã, theo sau là những vị thuỷ thần. Cuộc diễu hành dần dần biến mất trong tiếng trumpet le lói ở phía xa.

Chương IV được thông báo bằng một chủ đề buồn trên flute và English horn nổi lên trên một bè đệm róc rách, dịu dàng. Villa Medici là một đài phun nước đơn giản đặt trước biệt thự Villa Medici, có từ thế kỷ thứ 16. Một khung cảnh hoàng hôn đầy hoài niệm. Bè đệm với tiếng du dương của celesta và harp, không khí tràn ngập tiếng chuông chiều xa vắng, tiếng chim líu lo, tiếng lá cây xào xạc. Một giai điệu violin độc tấu ngọt ngào, u sầu cất lên, flute và piccolo dường như miêu tả những giọt nước long lanh, tinh khiết. Sau đó, một tiếng chuông vang xa, mọi vật đều lặng lẽ biến mất trong sự tĩnh lặng của bóng tối.

Buổi công diễn đầu tiên của tác phẩm diễn ra vào ngày 11/3/1917 tại Rome đã nhận được sự hưởng ứng hờ hững từ phía khán giả. Chán nản, Respighi dường như lãng quên tác phẩm của mình. Tuy nhiên, gần một năm sau, nhạc trưởng huyền thoại Toscanini yêu cầu một tác phẩm mới trong buổi hoà nhạc của mình vào ngày 7/2/1918 và Respighi nhớ tới Những đài phun nước ở Rome. Lần này, buổi hoà nhạc đã thành công rực rỡ. Respighi nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình. Sau đó, ông còn viết tiếp hai tác phẩm nữa lấy cảm hứng từ Rome là Những cây thông Rome (1924) và Những lễ hội Rome (1928). Bộ ba (trilogy) này đã khiến Respighi trở thành nhà soạn khí nhạc nổi tiếng nhất nước Ý kể từ sau thời của Vivaldi.

Cobeo

Bình luận Facebook