Tác giả: Johannes Brahms.
Tác phẩm: Ein Deutsches Requiem, Op. 45
Thời gian sáng tác: Năm 1865-1868.
Công diễn lần đầu: Johann Herbeck chỉ huy 3 chương đầu tiên của tác phẩm vào ngày 1/12/1867 tại Vienna. Buổi biểu diễn 6 chương nhạc đầu tiên diễn ra tại Bremen Cathedral vào ngày 10/8/1868 do chính Brahms chỉ huy. Tháng 5/1868, Brahms hoàn thành chương cuối cùng (được ông đưa thành chương 5 của tác phẩm) và được biểu diễn đầu tiên vào ngày 12/12/1868 tại Zurich với Friedrich Hegar chỉ huy Tonhalle Orchester Zürich. Trọn bộ tác phẩm được công diễn lần đầu tại Leipzig ngày 18/2/1869 với Carl Reinecke chỉ huy Leipzig Gewandhaus Orchestra.
Độ dài: Khoảng 70 phút.
Tác phẩm có 7 chương:
Chương I – Ban phước lành cho những người than khóc
Chương II – Vì tất cả xác thịt đều là cỏ dại
Chương III – Chúa ơi hãy dạy con
Chương IV – Nơi ở của bạn thật đáng yêu làm sao
Chương V – Bây giờ bạn có nỗi buồn
Chương VI – Vì ở đây chúng tôi không có chỗ ở
Chương VII – Phước lành cho những người chết vì Chúa
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, contrabassoon (có thể có hoặc không), 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, harp (tốt nhất là 2 đàn), organ (có thể có hoặc không) và dàn dây. Ngoài ra còn có sự tham gia của soprano, baritone lĩnh xướng và dàn hợp xướng SATB.

Ngày 2/2/1865, Brahms nhận được bức điện khẩn từ người em trai Fritz: “Nếu anh muốn gặp mẹ một lần nữa, hãy về ngay lập tức”. Ở tuổi 76, mẹ của họ, bà Christiane đã bị đột quỵ. Brahms lao về từ Vienna nhưng khi ông vừa đến Hamburg thì bà qua đời. Sự mất mát này đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhà soạn nhạc và hầu như tức thì, ông bắt tay vào viết Ein Deutsches Requiem (Cầu hồn Đức).

Mặc dù cái chết của người mẹ có thể là chất xúc tác cho một tác phẩm mới nhưng có thể ý tưởng ban đầu đã xuất hiện từ năm 1956, khi người bạn thân, người thầy của Brahms, Schumann qua đời. Chính Schumann là người đầu tiên đã khiến cho Brahms trẻ tuổi, vô danh nổi tiếng bằng cách tuyên bố ông là người thừa kế của Beethoven trong một tạp chí âm nhạc được đọc rộng rãi. Tuy nhiên, trong nhiều năm kể từ đó, Brahms đã phải vật lộn để thuyết phục thế giới âm nhạc rằng mình xứng đáng với lời tiên tri của Schumann. Bản Cầu hồn Đức này cuối cùng cũng thuyết phục được nhiều người rằng Schumann đã đúng. Và Brahms chắc hẳn cũng cảm thấy hạnh phúc khi biết được rằng Schumann trước khi qua đời cũng từng ấp ủ sáng tác một bản requiem.

Cầu hồn không phải thể loại được chú ý nhiều trong thời đại của Brahms nhưng xung quanh ông cũng có không ít tác phẩm. Ví dụ như của Mozart, Berlioz, Verdi, Dvořák, Fauré nhưng Ein Deutsches Requiem của Brahms khác hẳn. Thay vì sử dụng ngôn ngữ Latin theo đúng truyền thống của Thiên chúa giáo như những nhà soạn nhạc khác, Brahms đã tạo dựng dấu ấn cá nhân của mình khi dùng 16 trích đoạn bằng tiếng Đức từ kinh Cựu ước, Tân ước và Nguỵ kinh của đạo Tin lành. Điều này phản ánh nguồn gốc tôn giáo của Brahms. Sau buổi biểu diễn tác phẩm tại Bremen, giám đốc dàn nhạc, nghệ sĩ organ Carl Martin Reinthaler bày tỏ sự lo ngại đối với tác phẩm khi không có sự dẫn chiếu cụ thể nào tới Chúa Giêsu, Brahms đã trả lời: “Tôi rất sẵn lòng thay thế từ Đức Chúa bằng từ Nhân loại”. Trên thực tế, Brahms không phải là một người sùng đạo. Sau khi bản cầu hồn này trở nên nổi tiếng, Dvořák đã nhận xét: “Thật là một người đàn ông vĩ đại! Thật là một tâm hồn vĩ đại! Và ông ấy không tin vào điều gì cả!”. Dù rằng niềm tin của Brahms là gì, không giống như những bản cầu hồn khác, thông thường là dành cho những người đã khuất, Ein Deutsches Requiem của Brahms quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra sự thoải mái cho người đang sống. Với việc sẵn lòng đổi tên tác phẩm thành “Nhân loại”, nhà soạn nhạc cho thấy rằng ông muốn mang niềm an ủi này cho tất cả người nghe, bất kể tín ngưỡng hay nguồn gốc tôn giáo của họ.

Về mặt âm nhạc, bản requiem này đóng vai trò cột mốc trong sự nghiệp sáng tác của Brahms. Thật vậy, đây là tác phẩm dài và đồ sộ nhất của ông. Tuy nhiên, đáng chú hơn vóc dáng là cách tương tác mà nó tương tác với truyền thống âm nhạc. Có nhà phê bình âm nhạc đã nhạy cảm phân tích rằng: “Âm nhạc của tương lai, với nhiều người khác là thịnh hành, với Brahms, đó là âm nhạc của quá khứ”. Rất ít tác phẩm thể hiện sự ảnh hưởng của nó cởi mở như bản requiem này. Nhiều đoạn nhạc gợi lên rõ ràng âm nhạc của Bach, Beethoven và Schumann nhưng vẫn thể hiện tính chất đặc trưng của Brahms một cách rõ nét. Trong thế kỷ 19, người ta ngày càng nhận thức được giá trị của quá khứ, dẫn đến việc sáng tạo ra các quy tắc nghệ thuật mới. Ngày càng có nhiều nhà soạn nhạc đương thời nghiên cứu quá khứ để học cách tạo ra những tác phẩm mới có thể sánh ngang với những thứ xưa cũ trước đây. Ý tưởng về “âm nhạc cổ điển” – một tập hợp những kiệt tác tuyệt vời của các nhà soạn nhạc trong quá khứ – chỉ mới hình thành và rất ít nhà soạn nhạc đã chấp nhận quá khứ với sự nhiệt thành như Brahms đã làm.

Sự giống nhau của chương đầu tiên và cuối cùng mang lại sự thống nhất cho tác phẩm. Chương II hành khúc tang lễ trầm buồn, u uất tương phản với chương VI với chủ đề chiến thắng cao vút của sự phục sinh. Chương III với màn đơn ca của baritone là đối trọng của chương V có sự xuất hiện của lĩnh xướng giọng soprano. Như vậy, chương IV trữ tình trở thành trung tâm của bản cầu hồn được đóng khung bằng sự trang nghiêm của 3 chương đầu tiên và chuyển đổi từ đau buồn sang thư thái và thanh thản của 3 chương cuối. Cấu trúc cân bằng thận trọng này được xây dựng dựa trên 2 ý tưởng được Brahms sử dụng khéo léo và biến tấu tinh tế xuyên suốt tác phẩm. Điều quan trọng đầu tiên là ba nốt nhạc mở đầu phần hợp xướng đầu tiên với bè soprano hát “Selig sind”. Brahms đã sử dụng motif âm nhạc này là chất liệu chính để xây dựng nên toàn bộ tác phẩm bằng cách biến đổi đa dạng chúng, kể cả biến đổi đảo ngược và lộn ngược chúng, cả hai đều đóng vai trò quan trọng như motif gốc ban đầu. Ý tưởng thứ hai là giai điệu như một khúc thánh ca được chơi chơi trên bè viola lúc mở đầu tác phẩm. Sự tái hiện rõ ràng nhất của nó được nhận biết ở chương II, ở giọng thứ, được toàn bộ dàn hợp xướng hát đồng thanh.

Chương I giọng Pha trưởng mở đầu ấm áp với một âm sắc đặc trưng Brahms, bè viola và cello được chia nhỏ dẫn dắt vào đoạn hợp xướng đầu tiên “Ban phước cho những người than khóc, vì họ sẽ được an ủi”. Âm nhạc trữ tình, dịu dàng đúng như những lời an ủi tới những tâm hồn khốn khổ, không có sự xuất hiện của violin, piccolo hay clarinet, màu sắc trở nên khá tối tăm. Tuy nhiên ở phần sau, không khí đã trở nên thoải mái hơn. Thỉnh thoảng có những ánh sáng mặt trời le lói từ flute và những hợp âm rải lấp lánh của harp. Ban đầu, dàn nhạc sẽ ngừng đệm, như thể lắng nghe khi hợp xướng hát, một phong cách Brahms cho thấy ông yêu thích và hoài niệm về âm nhạc thời Phục hưng. Trong phần sau, phần đệm từ dàn nhạc cộng hưởng phong phú hoà quyện vào tiếng hát thuần khiết, thanh tao, âm nhạc xây dựng đến một cao trào rồi dần dần tiếng harp tách ra, một nhạc cụ hiếm khi Brahms sử dụng, rung lên hợp âm 3 nốt nhạc giọng Pha trưởng.

Chương II giọng Si giáng thứ mang âm hưởng của một hành khúc tang lễ. Chất liệu âm nhạc mà trước đây ông từng định sử dụng cho một bản giao hưởng sau khi Schumann qua đời đã được chuyển soạn lại cho dàn nhạc (một phần chất liệu cũng đã được dùng cho Concerto piano số 1). Bè dây được chơi tắt tiếng, chia thành nhiều bè nhỏ hơn, timpani xuất hiện liên tục. Nhịp ¾ được Brahms sử dụng ở đây có lẽ ám chỉ đến chương cuối Marche des “Davidsbündler” contre les Philistins trong Carnaval của Schumann. Cuộc hành quân chiến thắng của Schumann giờ đây đã trở thành nỗi đau buồn. Giai điệu huyền bí này trở thành bệ đỡ cho sự suy ngẫm nghiệt ngã của đoạn hợp xướng về sự phù phiếm của tất cả mọi thứ trên thế gian “Vì tất cả xác thịt đều là cỏ dại”. Âm nhạc được phát triển thành một tuyên bố mạnh mẽ, giải phóng toàn bộ sức mạnh của dàn nhạc và dàn hợp xướng, có lẽ là phản ứng của Brahms trước sự ra đi của thiên tài Schumann. Một đoạn chen tương phản khẩn nài “hãy kiên nhẫn, những người anh em yêu quý, cho tới khi Chúa đến”, hành khúc trở lại và khi nó tàn lụi dẫn đến một tuyên bố thách thức “lời của Chúa sẽ còn tồn tại mãi mãi”. Âm nhạc sau đó mang giai điệu hào hùng, gợi nhớ đến phần “Ode to Joy” trong Giao hưởng số 9 của Beethoven. Đặc biệt, khi phần lời hát cũng xuất hiện từ “Freude” – niềm vui.

Chương III giọng Rê thứ gợi nhớ đến địa hạt ca khúc của Schumann khi xuất hiện phần lĩnh xướng của giọng baritone, cầu xin Chúa “Chúa ơi hãy dạy con để kết thúc và cuộc sống của con phải có mục đích”, được hợp xướng vang vọng lại. Giọng chính của phần đầu là Rê thứ, thường được sử dụng cho sự liên quan đến số phận. Âm nhạc trở nên dồn dập hơn khi hợp xướng cất lên khẩn nài “Và bây giờ Chúa ơi, làm thế nào để con được an ủi” cho đến khi mọi sự được giải quyết trong một fugue được lấy cảm hứng từ Bach, một kết cấu âm nhạc nhiều màu sắc biến ảo dựa trên một nốt trầm dài, bền vững. Sự chắc chắn và ổn định của nốt trầm bàn đạp đó (một thuật ngữ lấy từ kỹ thuật chơi organ khi nốt trầm xuất hiện khi sử dụng chân dẫm lên bàn đạp) dường như cung cấp câu trả lời cho câu hỏi khi điệp khúc ngân nga: “Các linh hồn tốt đẹp đang ở trong bàn tay của Chúa và không có sự giày vò nào có thể chạm vào họ”. Âm nhạc được chuyển sang giọng Rê trưởng, thường đại diện cho chiến thắng, hoà bình được khôi phục và tái thiết.

Chương IV giọng Mi giáng trưởng là trung tâm của toàn bộ tác phẩm, âm nhạc tạo nên một cảm giác nghỉ ngơi thanh thản, thoát khỏi những suy tư u ám của các chương nhạc trước. Âm nhạc mở đầu như một điệu waltz, hợp xướng hát về thiên đường “Nơi ở của bạn thật đáng yêu làm sao”. Một không khí đồng quê thanh bình tràn ngập. Âm nhạc ở điệu ¾, mang dáng dấp của vũ điệu siciliano nhẹ nhàng, phổ biến trong thời kỳ baroque. Chương nhạc tuy khiêm tốn về quy mô nhưng lại sở hữu một vẻ đẹp đặc biệt, khiến nó trở thành chương được yêu thích nhất và thường xuyên được biểu diễn như một tác phẩm độc lập. Kết thúc chương nhạc là một fugue vui mừng được cả dàn nhạc và hợp xướng thể hiện.

Chương V giọng Son trưởng là chương cuối cùng được Brahms sáng tác, sau màn công diễn tại Bremen. Đây là chương nhạc duy nhất có sự xuất hiện của giọng soprano lĩnh xướng. Chắc hẳn Brahms đã in hình bóng của mẹ mình trong tâm trí khi sáng tác chương V này. Giọng soprano vang lên “Bây giờ bạn có nỗi buồn” và được hợp xướng đáp lời: “Tôi sẽ an ủi bạn, theo cái cách của một người mẹ”. Âm nhạc cao vút, duy trì một tâm trạng xúc động duy nhất.

Chương VI giọng Đô thứ cân bằng kịch tính của Chương II với một viễn cảnh khải huyền, trong đó dàn hợp xướng vào vai những linh hồn đang chờ đợi sự hồi sinh. Một đoạn giới thiệu bí ẩn vang lên qua giọng baritone lĩnh xướng dẫn đến bè hợp xướng mạnh mẽ. Âm nhạc hùng vĩ, oai nghiêm, bùng nổ thành một ngọn lửa của âm thanh và năng lượng. Cường độ âm nhạc tăng dần cho đến khi xuất hiện một fugue tráng lệ. Trong phần giữa của fugue, 2 cao trào fortissimo trong tâm trạng hồ hởi như những bậc thang tiến tới thiên đường được thể hiện từ các nhạc cụ bè trầm tới bè flute và violin. Chương nhạc kết thúc trong những tuyên bố mạnh mẽ ca ngợi Chúa.

Chương VII khép lại tác phẩm trong một không khí yên bình, mở đầu với một giai điệu rạng rỡ trên bè nữ cao, được nối tiếp bằng các giọng bass. Âm nhạc giống như ở chương I, được khởi đầu ở giọng Pha trưởng. Sau một đoạn ngắn nhẹ nhàng ở giọng La trưởng, âm nhạc trở về với các chất liệu trong phần mở đầu. Trong phần cuối khép lại tác phẩm, những lời mở đầu tác phẩm “Selig sind” (Ban phước lành) xuất hiện trở lại trên dàn hợp xướng trong một bè duy nhất được tô điểm với horn và kèn gỗ, thanh thản và nhẹ nhàng.

Những phản ứng ban đầu đối với tác phẩm là khá trái chiều, nhiều người tỏ ra yêu thích nhưng cũng khá nhiều người nghi ngờ, bản thân Hanslick, nhà phê bình tưởng như trung thành với Brahms cũng thấy “tác phẩm quá hàn lâm”. Phản ứng từ phía các giáo hội là có thể đoán trước, bản cầu hồn xuất hiện trong những nhà hát nhiều hơn trong nhà thờ. Năm 1950, nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Harold C. Schonberg đã có một bài luận “Brahms nhà cải cách” đã góp phần tạo cho tác phẩm một sự thúc đẩy đáng kể và khiến nhiều khán giả chú ý hơn tới nó.

Ein Deutsches Requiem là tác phẩm lớn nhất của Brahms dưới bất kỳ góc độ nào. Clara Schumann đã viết thư choBrahms: “Tôi hoàn toàn thoả mãn với bản requiem của anh. Đó là một tác phẩm bao la chứa đựng toàn bộ con người như rất ít những thứ khác. Sự nghiêm túc sâu sắc, được kết hợp giữa toàn bộ sự lôi cuốn và chất thơ, tạo nên hiệu quả thật tuyệt vời, cảm động sâu sắc và êm dịu”. Còn nhà âm nhạc học Steven Ledbetter thì nhận xét: “Lần đầu tiên ở đây, Brahms không chỉ khẳng định mình là một nhà soạn nhạc trưởng thành trong mắt những người cùng thời mà còn sáng tác một trong những tác phẩm hợp xướng đặc biệt mà trong đó các ca sĩ tạo ra sự thích thú cho khán giả, một kiệt tác độc đáo của kỹ thuật và chạm đến những khao khát chung của nhân loại”.

Cobeo