Richard Wagner sinh năm 1813 tại Leipzig, Đức. Ông là con trai một người phục vụ thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Sau khi cha ông mất, gia đình Wagner chuyển đến Dresden và mẹ ông tái hôn với người khác. Như bao đứa trẻ cùng lứa, Richard theo học tại một ngôi trường bình thường. Niềm đam mê âm nhạc xuất hiện ngay từ lần đầu tiên ông được tiếp xúc với bản giao hưởng số 7 và số 9 của Beethoven. Từ đó, Wagner bắt đầu tham gia một số khoá học âm nhạc, điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là ông luôn tự trau dồi kiến thức âm nhạc của mình.

Wagner theo học âm nhạc tại ngôi trường nổi tiếng Thomasschule ở Leipzig nơi Bach đã từng giảng dạy. Ông và viết những tác phầm đầu tay quan trọng từ những năm 1830, trong đó bao gồm một piano sonata, một vài concert overture và một bản giao hưởng giọng Đô trưởng. Năm 1935, ông sáng tác tiếp vở opera Das Liebesverbot oder Die Novize von Palermo, tác phẩm được dàn dựng một lần trong năm đó. Ở tuổi 23, Wagner được bổ nhiệm là nhạc trưởng tại nhà hát Opera Magdeburg, nơi mà với những nỗ lực không mệt mỏi, ông đã dàn dựng một số lượng đáng kinh ngạc các vở opera, vận dụng những nguồn lực khiêm tốn tùy ý theo cách hiệu quả nhất. Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ huy và tổ chức biểu diễn,   (tới khi ấy, ông mới chỉ đảm nhận vai trò chỉ huy hợp xướng tại Würtzburg năm 1834), Wagner đã tỏ ra mình rất có tài dàn dựng opera. Từ đây, Wagner dần trở thành một trong những nhà chỉ huy hàng đầu thế kỉ, cũng như là một trong những nhà chỉ huy cận đại đầu tiên theo đúng nghĩa của thuật ngữ mà hiện nay chúng ta sử dụng.

Năm 1836, ông đến Königsberg và chỉ một thời gian ngắn sau, ông thành hôn với nữ diễn viên Minna Planer. Hai năm sau, cặp vợ chồng chuyển đến Riga nơi ông được làm đạo diễn của một nhà hát opera địa phương. Tại đây ông đã chuẩn bị viết nhạc và lời cho vở opera tiếp theo – Rienzi, der letzt der Tribuner.

Sau Riga, Wagner bắt đầu thử vận may tại Paris, hoàn thiện Rienzi (mặc dù có một số học giả cho rằng thời gian đó ông có nhiều khó khăn về tài chính) và ngay lập tức bắt tay vào sang tác Der Fliegende Holländer. Tuy nhiên, vì gia cảnh quá nghèo túng, ông đã phải bán phần lời tiếng Pháp: Le vaisseau fantôme của vở opera này cho nhà hát Opera Paris, điều này đựoc giải thích cho việc tại Ý và Pháp người ta vẫn sử dụng cả 2 tên gọi này. Ông đã mất cả năm 1841 để sáng tác Der Fliegende Holländer, tác phẩm đã thể hiện một bước tiến lớn trong kĩ thuật sáng tác, biên soạn của Wagner. Năm 1842, buổi công diễn Rienzi tại Dresden Opera là một vinh quang rực rỡ, đây được coi là một trong những buổi diễn opera thành công nhất trong suốt phần còn lại của thế kỉ. Song, buổi công diễn Der fliegende Holländer mấy tháng sau tại Dresden Court Opera năm 1843 lại ít gây được tiếng vang hơn dù Wagner được bổ nhiệm làm giám đốc Nhà hát Hoàng gia Dresden trong tháng sau. Từ đó, đối với ông, thành phố giống như một nhà tù, phần nhiều do những tư tưởng hẹp hòi, cổ hủ của người dân tỉnh lẻ. Mặc dù vậy, thành phố cũng trở thành khởi nguồn mới cho những kinh nghiệm trong âm nhạc của ông. Ông đã thuyết phục được những người tổ chức nắm quyền tài trợ cho các buổi diễn ngoài trời của Gluck (Armide và Iphigénie en Aulide), và bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Ông còn ủng hộ cho cuộc cải cách lại hệ thống tổ chức các nhà hát kịch, và đích thân mời Spontini chỉ huy cho tác phẩm La vestale của chính nhạc sĩ này. Ông cũng hoàn thành tác phẩm Tannhäuser dù buổi công diễn của nó năm 1845 không thực sự thành công.

  Cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử của Wagner với Liszt đến vào năm 1845. Nghệ sĩ piano tài danh này vốn rất hâm mộ các vở opera của Wagner, và cuộc gặp gỡ đầu tiên này đã mở đầu cho một tình bạn lâu bền. Trong thời gian này, tình hình chính trị ở Saxony, cũng như các vùng khác ở Đức, dần xấu đi. Wagner nghiêng về phía những đảng phái tự do và tiến bộ và công khai ủng hộ những đảng phái này trong cuộc cách mạng không thành công năm 1849. Ông cùng với Batunin cố thủ ở Dresden, nhưng bị buộc phải chạy khỏi thành phố để tránh bị bắt giữ về tội khủng bố. Tới Weimar, Wagner đã được Liszt đón tiếp, sự ủng hộ và lòng hảo tâm của người bạn cũ đã làm vững chắc thêm tình bạn giữa hai người. Sau đó Wagner đã chuyển tới Zurich khi sự lưu đày khỏi Đức của ông được công khai.

  Mười năm sau, ông vẫn sống như vậy ở Zurich, nơi ông bắt đầu cho xuất bản những cuốn sách và bài báo (bao gồm cả “Art and Revolution” – Nghệ thuật và Cách mạng), giải thích về những quan điểm nghệ thuật của mình.

Liszt đã dũng cảm đứng lên tổ chức một buổi biểu diễn cho Lohengrin ở Weimar năm 1850, đây là tác phẩm mà Wagner đã biên soạn từ năm 1846 đến năm 1848, được ví như một bài thơ ca ngợi nguồn gốc con người.

Trong suốt mười năm sống tha hương trong nghèo khổ cùng cực ở Zurich, Wagner cũng đã đưa bản thảo của “Der Ring des Nibelungen” lên diễn tại một sân khấu được sửa chữa để kiếm tiền. Ông bị buộc phải chạy tới Venice năm 1858 do vụ scandal về mối quan hệ của ông với Mathilde Wesendonck, vợ của một nhân viên kế toán, người đã cho Wagner ở tạm trên đất của mình. Một mình sống ở Venice, Wagner bắt đầu dồn công sức viết Tristan und Isolde (và được hoàn thành năm 1859). Bị các chủ nợ thúc giục, ông phải chuyển tới Paris, Ở đây, các tác phẩm opera của ông đã nhận được sự ủng hộ của công chúng.

 Với sự giúp đỡ của công nương Matternich, Wagner đã đưa Tannhäuser ra biểu diễn, thế nhưng sự bảo hộ của những người Pháp dành cho ông đã dẫn đến sự thù hằn của những trưởng giả học đòi ở Paris. Điều này lại bị thổi bùng thêm do sự từ chối chuyển phần múa ballet trong Tannhäuser, từ hồi 1 sang hồi 2. Kết quả là tác phẩm đã được chào đón bằng những tiếng huýt sáo nhạo báng từ ít nhất một nửa số khán giả, và Wagner đã rời thủ đô của Pháp trong tâm trạng cay đắng và thất vọng. Ông li dị vợ rồi chuyển tới Vienna và ở đây từ năm 1862 đến 1864.

Lo rằng Tristan und Isolde không thể biểu diễn được (do quá khó để hát), ông bắt đầu sáng tác một vở opera khác, Die Meisterisinger von Nürnberg, và lại bắt đầu cuộc hành trình, một phần vì những lí do nghệ thuật, nhưng một phần cũng để tránh các chủ nợ – những người làm cho cuộc sống của ông ngày một khốn khó. Ông chuyển từ Vienna tới Stockholm năm 1864. Ở đây ông nhận được lời mời của vua Ludwig II xứ Bavaria với lời nhắn gửi rằng vị quốc vương trẻ tuổi này rất hy vọng Wagner sẽ tới Munich với tư cách là một nhà soạn nhạc và cũng là một người bạn. Vua Ludwig đã hào phóng chi trả cho tất cả các khoản nợ của Wagner, và hơn thế nữa, tài trợ cho buổi biểu diễn đầu tiên của Tristan und Islode gây được tiếng vang lớn ở Munich  năm 1865. Nhiều khán giả đã ngạc nhiên và ngưỡng mộ đến rơi nước mắt.

Sự hào hứng quá mức nhiệt tình của nhà vua với Wagner đã làm dấy lên sự căm ghét nhà soạn nhạc, và một lần nữa Wagner bị buộc phải sang Thuỵ Sĩ, để lại sau lưng nơi ông đã hy vọng có thể thực hiện được ước mơ của mình. Dù sao, điều này cũng chưa là gì so với vụ tai tiếng năm 1865. Wagner lúc ấy đang ở cùng với một người bạn thân là một nghệ sĩ piano kiêm chỉ huy là Hans von Bülow và vợ ông ta là Cosima, con gái của Liszt. Kẻ thù của ông nhanh chóng phát hiện và công bố mối quan hệ thật sự giữa ông với vợ của người bạn thân. Đương nhiên, cặp tình nhân phủ định tất cả, thậm chí khiến vua Ludwig cũng bị kéo vào vụ kiện tụng ầm ĩ ở toà án địa phương. Cuối cùng, Cosima bỏ chồng và cùng 2 con theo Wagner đến Tribschen ở Thụy Sĩ. Tại đây nhà soạn nhạc đã hoàn thành Die Meisterisinger von Nürnberg trong vòng bảo vệ của gia đình mới. Một lần nữa nhờ sự giúp đỡ của vua Ludwig, vở opera được biểu diễn ở Munich năm 1868 trước đông đảo quần chúng, mặc dù các nhà phê bình cho rằng âm nhạc của nó quá khó hiểu.

 Wagner và Cosima kết hôn năm 1870. Cùng năm đó, ông viết một trong những tác phẩm khí nhạc đáng yêu nhất – Siegfried Idyll, dành tặng cho người vợ mới cưới; sau đó hoàn thành “Der Ring des Nibelungen”.

Trong suốt những năm 1870, Wagner bắt đầu đi vào thực hiện ước mơ cả đời ông là xây dựng một nhà hát được thiết kế đặc biệt cho các buổi diễn các tác phẩm của minh nói chung và cho “Der Ring des Nibelungen” nói riêng; cũng có nghĩa là đào tạo lại các ca sĩ và nhạc công theo thuyết mới mang tính cách mạng về biểu diễn sân khấu. Là một người cầu toàn, Wagner tin rằng ngôn từ và âm nhạc luôn cần phải được viết bởi một đầu óc độc lập, đó là lý do vì sao ông luôn cố gắng tự viết lời cho opera của mình, vì vậy toàn bộ tính kịch, lời thơ hay âm nhạc đều đựoc ông cân nhắc sao cho hoàn hảo nhất có thể. Trong kế hoạch xây nhà hát ở Bayreuth, ông cẩn thận xem xét sao cho lời hát, đặc biệt là những nốt nhấn bất ngờ đều có thể nghe được ở mọi hàng ghế khán giả, và sao cho người xem lúc nào cũng có một góc nhìn rõ về phía sân khấu để luôn tập trung vào đó.

Việc một nghệ sĩ với những ý tưởng như thế quan tâm hào hứng tổ chức cho các vở opera của mình cũng là một lẽ đương nhiên. Bất chấp những nguồn dư luận khác nhau, nhà hát ở Bayreuth đã thể hiện quan điểm của Wagner đối lập với những suy nghĩ cùng thời là opera chỉ đơn giản là để biểu diễn, không gì hơn. Những kinh nghiệm trước đó của ông khi còn ở cái nhà hát nhỏ bé ở Riga đã giúp ông nảy ra ý tưởng về một dàn nhạc đặt dưới sân khấu, về hàng ghế ngồi được sắp xếp theo hình ruộng bậc thang, như thế sẽ làm cho sân khấu có thể nhìn được nhìn được dễ dàng từ mọi góc; ngoài ra trong suốt vở diễn cần tắt đèn ở phòng thính giả. Bayreuth không có các phòng khán giả hình thang dốc như ở các nhà hát truyền thống. Điều tuyệt vời hơn cả, đó là dàn nhạc được bố trí trong hầm, trong đó đội kèn đồng đặt thấp hơn để âm thanh của nó không làm át tiếng hát của các ca sĩ trên sân khấu. Với sự giúp đỡ của ban bè và những nhà tài trợ, nhà hát cuối cùng cũng ra mắt công chúng bằng việc biểu diễn bộ opera hoàn chỉnh “The Ring” vào các ngày 13, 14, 16 và 17 tháng 8 năm 1876.

Nhằm cải thiện sức khoẻ, Wagner, hiện đã ở đỉnh cao của sự nghiệp, thường đi du lịch Italy, kể cả trong thời gian hoàn thành Parsifal. Tác phẩm này được biểu diễn ở Bayreuth năm 1882. Trở về Italy tháng 11 năm 1883, ông mất tại Venice trong một cơn đau tim.

Mặc dù các vở opera trước đây của ông được những người yêu opera theo phong cách truyền thống ngưỡng mộ, Wagner vẫn dành toàn bộ phần đời còn lại cho việc thay đổi những nguyên tắc và cách biểu diễn opera. Những bước đầu tiên ông đạt được là với Der fliegende Holländer (1843), Tannhäuser (1845) và Lohengrin (1850), cùng với sự nỗ lực suốt 20 năm sau với bộ 4 vở opera “The ring”  trong thời gian sống lưu vong khỏi Đức. Tác phẩm đồ sộ này dựa trên truyền thuyết anh hùng của  vùng Bắc Âu, mỗi phần trong vở opera được biểu diễn vào 1 ngày. Nhưng đứng trên quan điểm âm nhạc và nhà hát thì tác phẩm có tính cách mạng nhất của ông chính là Tristan und Isolde. Trong tác phẩm này, các đoạn aria độc lập và các đoạn hát nói theo phong cách truyền thống được thay thế bởi giai điệu “nối tiếp không ngừng” trong suốt tác phẩm.

Wagner nổi tiếng về việc sử dụng “hoà âm gam nửa cung” hơn bất kỳ một nhạc sĩ nào cùng thời với ông. Ông đã đưa ra nguyên lý về “âm điệu phải dựa trên giới han logic của chúng. Có thể nói, Wagner đã có tầm ảnh hưởng hết sức to lớn đến các nhà soạn nhạc sau này như Debussy và Schöenberg.

Đông Nguyên (nhaccodien.info) tổng hợp