opera verdi turandot phụ đề tiếng Việt

Giới thiệu

Câu chuyện về cuộc chinh phục của hoàng tử Tartar Calaf với nàng công chúa Trung Hoa Turandot băng giá vốn là truyện nổi tiếng nhất trong tập truyện cổ tích Ba tư “Nghìn lẻ một ngày” (Chị em song sinh với tập truyện cổ tích Ả rập – Nghìn lẻ một đêm). Nó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà soạn kịch viết ra các tác phẩm sân khấu dựa trên tích truyện này, trong đó nổi tiếng nhất là phiên bản của Carlo Gozzi – phiên bản được lấy làm cốt chuyện cho vở opera cuối cùng của Puccini. Một điều thú vị là khán giả Việt Nam cũng không hề xa lạ với cốt chuyện Turandot vì một số vở Cải lương, Tuồng, Chèo,… truyền thống của chúng ta cũng từng dựa trên vở kịch này của C.Gozzi (đôi khi dưới cái tên Việt hoá là Công chúa Tu Lan).
Turandot (phiên âm từ “Turan-dokht”) – Con gái của Turan – vua của một vùng Trung Á xưa được người Ba tư chuyển dịch về xứ sở Trung Hoa mang đầy tính hương xa – vốn trong mắt người Ba Tư là nơi có những cô gái xinh đẹp. Sự tưởng tượng trong thế giới cổ tích cho phép những chi tiết phi lý về văn hoá thậm chí lịch sử (không liên quan quá nhiều đến đất nước Trung Hoa thực tế) ngay từ truyện cổ gốc (vốn có nhiều dị bản) cho đến phiên bản kịch của Gozzi, rồi tới vở opera của Puccini. Đất nước Trung Hoa phản chiếu qua lăng kính của người Ba tư, lại qua tiếp người Châu Âu da trắng có nhiều khác biệt khiến cho câu chuyện này thậm chí không được chào đón mấy ở ngay chính Trung Quốc – bối cảnh thực của nó.
Turandot là vở opera cuối cùng của Puccini và có thể nói là tác phẩm tâm huyết nhất của ông. Thật không may ông đã qua đời trước khi kịp hoàn thành màn cuối của tác phẩm. Khi bệnh tình trở nặng, biết rằng khó có thể kịp viết xong, Puccini đã gửi gắm nhạc trưởng A.Toscanini rằng “không được để Turandot chết”. Khác với khí nhạc, người ta có thể trình diễn một tác phẩm “dở dang” một cách độc lập như một số bản giao hưởng của Schubert hay Mahler, nhưng một tác phẩm sân khấu thì lại không thể lửng lơ như vậy. Rất nhiều nhà soạn nhạc đã cố gắng bắt tay hoàn thiện nốt phần kết này, dựa trên hơn 30 trang bản thảo (trong đó chỉ gồm 23 trang nhạc phổ) còn lại của Puccini. Chúng ta sẽ trở lại phần kết gây tranh cãi này trong post sau.
Soprano Birgit Nilsson từng có một câu nói nổi tiếng: “Turandot giúp tôi giàu, Isolde giúp tôi nổi tiếng” – hẳn nhiên Prima donna người Thuỵ Điển được biết đến là Turandot thành công nhất trong lịch sử ghi âm. Cặp đôi Corelli – Nilsson với “Battle of highCs” trong aria “In questa reggia” đã trở thành một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong thế giới Opera. Turandot là một vai rất ngắn, thời gian hát thực tế của vai diễn này chiếm chỉ vỏn vẹn trên dưới 15 phút (trong cả vở opera thời lượng hơn 2 tiếng đồng hồ) nhưng đòi hòi khắt khe của vai diễn khiến nó trở thành một trong những kịch mục khó và quan trọng nhất đối với các ca sĩ giọng Nữ cao Kịch tính. Được coi là “voice killer” (sát thủ giọng hát), rất hiếm người có thể giữ được Turandot trong kịch mục diễn của mình liên tục suốt 5 năm và hầu như chẳng nghệ sỹ opera trẻ tuổi nào dám động vào nó từ sớm.

Nội dung

Tổ tiên công chúa Turandot là công chúa Lou Ling, từng bị giết hại bởi chính hoàng tử đã chinh phục bà ấy. Do đó, Turandot quyết tâm trả thù đàn ông, nhất định không để ai chiếm hữu được mình. Từ đó, Turandot ra lệnh sẽ cưới bất cứ ai trả lời được ba câu đố của nàng. Ngược lại, nếu không trả lời được sẽ bị giết ngay tức khắc. Rất nhiều hoàng tử đến xin được thử thách đều có kết cục đi vào lòng đất cho tới khi Calaf xuất hiện. Liệu Calaf sẽ làm gì để vượt qua thử thách? Và bên dưới vẻ ngoài lạnh lẽo kia của Turandot có ẩn chứa điều gì?

Phiên bản dựng

Vì không có một bản ghi hình đầy đủ với chất lượng âm thanh tốt của Nilsson và Corelli (như rất nhiều bạn mong muốn) mình buộc phải lựa chọn một phiên bản khác. Tất nhiên, tất cả các soprano , tenor thế hệ sau hát Turandot đều phải chịu sự so sánh với Nilsson, Corelli và khó có một phiên bản nào thực sự hoàn hảo cho tất cả các vai diễn (bao gồm cả Liù, Timur và thậm chí Ping, Pang, Pong). Ở đây mình quyết định chọn dàn dựng của La Scala năm 2015 dưới đũa chỉ huy của R.Chailly cùng đội hình cast – N.Stemme (Turandot), A.Antonenko (Calaf), M. Agresta (Liù) và A.Tsymbalyuk (Timur). Đây là phiên bản sử dụng phần kết của L.Berio (thay vì phần kết truyền thống của F.Alfano) từng nhận được một số giải thưởng ghi âm quan trọng cùng rất nhiều đánh giá thiện chí từ giới phê bình.
Turandot không phải một tác phẩm dễ dựng, tuy nhiên bối cảnh cổ tích của nó cho phép các đạo diễn sân khấu được thể hiện trí tưởng tượng phong phú với vô vàn ý tưởng, phong cách khác nhau từ siêu thực, vị lai cho đến trừu tượng. Phiên bản dàn dựng này do đạo diễn Nikolaus Lehnhoff với phần thiết kế đầy sắc màu của Raimund Bauer có thể mang lại hiệu quả thị giác mạnh mẽ và những ấn tượng mới về từng vai diễn cũng như nội dung câu chuyện quen thuộc này.
Cảnh báo: bản dựng này có nude-art trên sân khấu – không phù hợp với trẻ nhỏ chưa thành niên. Cân nhắc khi xem cùng trẻ em.

Opera phụ đề Việt ngữ

Màn 1

Màn 2

Màn 3

Ngay kể cả khi chưa từng xem Turandot, bạn cũng cảm thấy quen thuộc với “Nessun dorma” – bản aria đầu màn III của Calaf – và có lẽ là bản aria nổi tiếng nhất của Puccini. Mới đây thôi, chúng ta cũng vừa nghe bản aria này vang lên trong buổi Lễ khai mạc Euro 2020 (1) tại Ý.
Không chỉ “Nessun dorma”, Turandot có rất nhiều trích đoạn nổi bật trải dài suốt từ màn I cho đến màn cuối, từ vai chính đến vai thứ. Một soprano trữ tình tài năng có thể chiếm spotlight của các nhân vật chính chỉ với những note pianissimo mộng mị trong 2 aria tuyệt đẹp của Liù “Signore ascolta” và “Tu che di gel sei cinta” (bản aria với phần libretto trực tiếp do chính Puccini viết vì 2 librettist không gới kịp text cho nhà soạn nhạc). ” Non piangere Liù”, “In questa reggia” cũng là 1 standard aria và được nhiều người yêu thích. Ngoài ra những đoạn hợp ca hài hước, thú vị của 3 nhân vật phụ Ping, Pang , Pong cũng đem lại những phút giây giải trí sau những màn “lên gân” căng thẳng, nặng nề suốt vở opera.
Như đã nói trong post trước, Puccini qua đời trước khi hoàn thành Turandot. Ông mới viết xong đến đoạn hợp xướng than khóc sau khi Liù tự sát thì bị chẩn đoán ung thư và phải sang Thuỵ Sĩ điều trị gấp, chỉ kịp để lại vài chục trang tổng phổ nháp ở cảnh cuối màn III – đúng cao trào của vở diễn khi Calaf bằng nụ hôn đã chinh phục trái tim băng giá của Turandot. Không ai biết ông sẽ xử lý như thế nào và đoạn cuối là một cái kết lãng mạn hay rực rỡ – thậm chí có thể rằng ông còn chưa có một ý tưởng rõ ràng cho nó. Chỉ biết rằng ông từng viết thư cho 2 người viết lời rằng: “…Đó sẽ là một bản duet tuyệt đỉnh…Hai kẻ thần thánh ấy sẽ trở về là những con người phàm trần thông qua tình yêu…”. Puccini có vẻ như là soạn nhạc khá mainstream nhưng không hề dễ đoán. Hãy nhớ 1 chi tiết: Puccini hay được xem là gương mặt nổi bật của trường phái Verismo opera (Opera hiện thực), nhưng tác phẩm cuối của ông – bản chất lại là 1 vở cổ tích thần thoai – đi ngược với tinh thần chung của Verismo.
Cảm thấy day dứt vì chưa kịp hoàn thiện xong tác phẩm, khi đang trên giường bệnh, Puccini gửi gắm nhạc trưởng Toscanini và muốn R.Zandonai hoàn thiện nốt nó. Tuy vậy khi Puccini qua đời, lo sợ Zandonai (lúc này cũng là một nhà soạn nhạc tên tuổi) sẽ tác động quá lớn đến tác phẩm cha mình, Toni con trai của Puccini đã chuyển bản thảo cho F.Alfano – một học trò của Puccini để ông hoàn thiện nốt. Alfano vốn đã viết một cái kết khá tưng bừng, thậm chí tự thêm vào một số phần text ngoài libretto gốc và một số phần vocal khá ấn tượng cho Turandot, nhưng Toscanini phản đối kịch liệt phiên bản đó và yêu cầu cắt bỏ để giữ đúng tinh thần của âm nhạc của Puccini. Một phiên bản chính sửa thứ 2 ra đời, cắt bớt khoảng 4 phút nhạc của Alfano – chính là phiên bản phổ thông hiện nay của Turandot (được phần lớn các nhà hát sử dụng) tuy vậy nhược điểm của nó lại có phần cụt lủn và thiếu thuyết phục bởi sự chuyển biến tâm lý quá nhanh của Turandot.
Sau Alfano, rất nhiều nhà soạn nhạc khác cũng thử sức với phần kết này, tuy nhiên phiên bản “ngoài Alfano” được đánh giá tốt nhất là của Berio – nhà soạn nhạc Ý Avant-garde khá nổi danh thế kỉ XX. Berio không tiếp nối phong cách Puccini (như Alfano), ông viết thêm một đoạn khí nhạc khá dài mô tả rõ ràng những phát triển tâm lý của Turandot và thậm chí là của Calaf – sau “nụ hôn”. Vở opera kết thúc với những hoà âm mơ màng của hợp xướng và dàn nhạc như tiễn 2 người vào một thế giới cực lạc – họ sẽ là những con người mời – có thể sẽ yêu nhau – dù không ai chắc là cuộc sống sau này hạnh phúc hay không. Cái kết mang lại nhiều suy tưởng cho khán giả – dù không phải là không gây tranh cãi, đặc biết từ những người thần tượng Puccini theo khuynh hướng bảo thủ.

Bình luận Facebook

Facebook Comments