Shostakovich là một nhà soạn nhạc có tính cách e dè, nhút nhát nhưng âm nhạc lại đầy sự hài hước, dí dỏm cũng như mạnh mẽ. Nhân ngày sinh nhật của Shostakovich, Bernstein tổ chức một chương trình riêng dành tặng cho ông.

Chương trình “Tri ân ngày sinh của Shostakovich”

Biên soạn do Leonard Bernstein
Chương trình được phát sóng lần đầu trên đài CBS, ngày 05/01/1966

Giai điệu tuyệt đẹp vừa rồi là từ bản giao hưởng Leningrad của Dmitri Shostakovich, và đó là âm thanh điển hình trong sáng tác của Shostakovich— rộng lớn, cao quý, kiêu hãnh, hoa mỹ, giàu cảm xúc.

Trong năm tới, 1966, nhà soạn nhạc tuyệt vời người Nga này sẽ tròn sáu mươi tuổi, và do đó chúng tôi dành chương trình này để tôn vinh ông ấy và sự cống hiến suốt đời cho nghệ thuật của ông. Mong rằng điều đó vẫn sẽ tiếp tục.

Vì đây là một bữa tiệc sinh nhật, Tôi muốn dành một hoặc hai phút trước khi chúng tôi chơi cho các cháu bản nhạc của Shostakovich để thực hiện – có thể nói là – một bài phát biểu sau bữa tối để vinh danh ông ấy. Đặc biệt, tôi muốn làm điều này bởi vì, trong thời đại âm nhạc có tính thể nghiệm ngày nay, với những mốt mới chạy đua với nhau cả trong và ngoài phòng hòa nhạc, một nhà soạn nhạc như Shostakovich có thể dễ dàng bị hạ bệ. Xét cho cùng, về cơ bản, ông là một nhà soạn nhạc truyền thống của Nga, một người con thực sự của Tchaikovsky, và cho dù ông có “hiện đại” đến đâu, ông không bao giờ đánh mất truyền thống đó. Vì vậy, theo một cách nào đó, âm nhạc của ông luôn “lỗi thời” — hoặc ít nhất, cái mà các nhà phê bình và các nhà trí thức âm nhạc thích gọi là “cổ hủ”. Nhưng họ đang bỏ qua một điều quan trọng nhất: Ông ấy là một thiên tài – một thiên tài thực sự, đích thực. Và ngày nay cũng không còn nhiều những người như thế nữa. Đó là lý do tại sao tôi muốn đích thân nâng cốc chúc mừng sinh nhật ông ấy.

Khi tôi và dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic đến thăm Nga vào năm 1959, tôi đã rất hân hạnh và vinh dự được gặp Shostakovich. Và tôi có ấn tượng về một người đàn ông rất dè dặt nói rất ít, hơi âu lo và rất nhút nhát. Tôi nghĩ rằng đó là tính cách thực sự của ông, nhưng các cháu sẽ không bao giờ biết được điều đó qua âm nhạc của ông ấy. Với tư cách là một nhà soạn nhạc, ông ấy có rất nhiều điều để nói, nghiêm túc hay bông đùa, bất kể điều đó là điều gì, ông ấy nói với sự tự tin, dễ dàng và táo bạo. Có thể nói, đó là một trong những điều hấp dẫn nhất về một người nghệ sĩ— bản chất con người của họ có thể rất khác biệt với tác phẩm nghệ thuật do chính họ tạo ra. Người họa sĩ khéo léo nhất có thể rất bất an trong cuộc sống hàng ngày của mình; nhà văn vĩ đại nhất có thể gặp khó khăn khi đánh vần những từ đơn giản nhất; nhà vật lý thông minh nhất có thể không có khả năng cộng lại một hóa đơn siêu thị thông thường.

Shostakovich là một người như vậy. Một người đàn ông nhút nhát, luôn ẩn sau cặp kính cận của mình, nhưng đã viết ra một trong số những tác phẩm mạnh mẽ, quyết đoán, “không ngại ngùng” nhất trong lịch sử. Bản giao hưởng số 7 nổi tiếng của ông, có tên Giao hưởng Leningrad— được viết ở Leningrad năm 1941 trong thời điểm thành phố ấy thường xuyên chìm trong biển lửa từ các vụ đánh bom của Đức Quốc xã— Giao hưởng số 7 kéo dài bảy mươi lăm phút, cần thêm cả một dàn nhạc kèn đồng, và làm cho các bức tường phải đổ sập xuống. Tôi không nói quá đâu. Bản giao hưởng mới nhất của ông ấy, số mười ba, kéo dài một tiếng đồng hồ, và bao gồm một đoạn điệp khúc được phổ từ một bài thơ nổi tiếng của Yevtushenko với nội dung phản đối chủ nghĩa bài Do Thái. Vì vậy, như các cháu đã thấy, Shostakovich có rất nhiều điều để nói, về mặt âm nhạc, và thường thì những gì ông ấy nói đều rất cao quý, độc đáo và cảm động.

Nhưng đây là một bữa tiệc sinh nhật, và đã là một bữa tiệc sinh nhật thì phải vui tươi và thú vị, chứ không nhất thiết phải cao sang hay cảm động. Bên cạnh đó, các cháu nên biết rằng Shostakovich cũng nổi tiếng toàn thế giới với sự hài hước tuyệt vời của mình. Ông ấy đã viết ra một số tác phẩm rất vui nhộn và hài hước, và do đó tôi nghĩ đây là thời điểm đặc biệt thích hợp để chúng ta tổ chức sinh nhật cho ông ấy với một bầu không khí vui vẻ. Vì vậy, chỉ trong giây lát, thay vì một tác phẩm dài và nghiêm túc chúng tôi sẽ cho các cháu nghe một trong những tác phẩm vui vẻ và thú vị nhất của ông ấy— bản giao hưởng số chín của ông. Mặc dù bản giao hưởng này có năm chương, đó là một tác phẩm rất ngắn, vì vậy chúng tôi sẽ biểu diễn toàn vẹn tác phẩm cho các cháu, và chắc các cháu cũng sẽ rất thích nó!

Bản giao hưởng số chín này của Shostakovich giống như một vở hài kịch dí dỏm trong rạp hát, các cháu sẽ được thưởng thức hết trò đùa này đến trò đùa khác — chơi chữ, sự bông đùa, những lời châm biếm, sự bất ngờ, những sự bẻ lái — nhưng bằng cách nào đó, tất cả những điều đó làm nên một tác phẩm nghệ thuật. Thời nay hầu hết các bản giao hưởng đều có tính chất hài hước: Ngay cả những bản giao hưởng nghiêm túc nhất của Beethoven hay Mahler cũng đều có ít nhất một chương (thường là scherzo) có tính chất hài hước— có thể không phải là sự hài hước quá đà, mà là châm biếm, hoặc cay đắng, hoặc chế giễu, hoặc là một cái gì đó khác. Nhưng toàn bộ bản giao hưởng này của Shostakovich đều hài hước, từng phút và từng chương. Toàn bộ nó là một chuỗi các trò đùa vui.

Trước hết, bản thân tác phẩm này đã là một trò đùa vì nó là bản giao hưởng số 9. Có thể các cháu nghĩ “Có gì buồn cười về điều đó?”, nên để tôi giải thích cho các cháu. Con số chín đó là một con số ma thuật với các nhà soạn nhạc; kể từ thời của Beethoven, giao hưởng số 9 thường là tác phẩm đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp của một nhà soạn nhạc. Số 9 của Beethoven, như các cháu đã biết, là một tượng đài vĩ đại của cả cuộc đời ông — bản giao hưởng cuối cùng của ông. Và kể từ đó, nó gần như trở thành một “truyền thống” cho các nhà soạn nhạc, để bản giao hưởng số chín của họ trở thành “dấu triện” của cả cuộc đời mình— tất nhiên nếu họ có thể đạt tới điều đó. Như MahlerBruckner đã làm được. Cả hai đều đã viết giao hưởng số 9 của mình như một lời vĩnh biệt. BrahmsSchumann đều chưa bao giờ vượt quá được con số bốn. Mendelssohn đã đạt tới số năm, và Tchaikovsky đến số sáu. Nhưng nếu có thể đạt đến con số chín, thì tốt hơn hết, bản giao hưởng sẽ phải rất vĩ đại để xứng đáng với con số ma thuật đó.

Nhưng không phải Shostakovich. Các cháu thấy đấy, ông ấy đã viết ra được hai tác phẩm hoành tráng, [giao hưởng] số bảy và số tám — cả hai bản giao hưởng đều rất dài, rất nghiêm trang, thấm đẫm tinh thần ái quốc, và cả hai đều đã được lấy cảm hứng từ những cảm xúc thời chiến tranh của ông. Nhưng lúc đó đã là năm 1945, khi chiến tranh đã kết thúc, và đã đến lúc để thư giãn sau hai bản giao hưởng khổng lồ số bảy và tám. Và từ đó đã xuất hiện bản số chín—một bản số chín nho nhỏ, và chính điều đó là một bước “bẻ lái”.

Nhưng cái thực sự buồn cười ở đây bắt đầu từ chính âm nhạc. Các cháu hãy nghe chủ đề mở đầu:

Nghe không giống nhạc hiện đại có phải không? Nghe giống âm nhạc của Haydn hơn, từ hai thế kỷ trước. Trên thực tế, toàn bộ chương đầu tiên được viết giống như một bản giao hưởng cổ điển cũ kĩ, như thể được sáng tác bởi Haydn, với tất cả các quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt. Lúc đầu nghe có vẻ không vui nhộn đúng không? Nhưng hoá ra là có đấy, ngay khi các cháu nhận ra rằng đó không phải là tác phẩm của Haydn mà là của một nhà soạn nhạc hiện đại tên là Shostakovich và rằng hình thức cổ điển thế kỷ mười tám này thực sự chỉ là một sự giả mạo— một sự bóc lột của hình thức âm nhạc cũ của thế kỷ mười tám. Và càng bắt chước Haydn một cách chặt chẽ, thì nó càng trở nên buồn cười hơn, khi các cháu bắt đầu nhận ra những người bạn cũ của mình: Sự Trình bày, Sự Phát triển, và Sự Tóm tắt — các cháu hãy nhớ ba từ khó đó— ba phần của thể sonata mà chúng ta đã thảo luận trong một chương trình vào năm ngoái. Và ông ấy còn đi xa hơn nữa bằng cách lặp lại một cách nghiêm túc phần trình bày, đúng như những gì ông ấy phải làm, bằng cách viết chủ đề thứ hai ở giọng át, giống như các quy tắc cũ đã quy định, và phần tóm tắt ở giọng chủ— tất cả những công thức từ quá khứ xa xôi, được đào lên lại và bị giễu cợt.

Điều khiến cho tình huống này còn buồn cười hơn nữa là, chính cái giai điệu kiểu Haydn nho nhỏ của ông lại được coi là một cải tiến hiện đại, với giai điệu mà liên tục làm cho người nghe bất ngờ vì dấu ấn với âm thanh thế kỷ 20 đó. Ví dụ: chủ đề mở đầu vui vẻ ở giọng Mi giáng trưởng cũng “nhảy nhót” giống như [âm nhạc] của Haydn— cho đến khi nó đột nhiên bị vấp phải một nốt nhạc phô với âm thanh lớn:

Và bây giờ, nốt nhạc phô đó

sẽ nghe không “sai” nếu như nó đã không được nhấn mạnh như thế, chưa kể có cả láy rền (trill) mà làm cho sự nhấn mạnh đó còn rõ ràng hơn. Nói cách khác, Shostakovich đang kêu gọi sự chú ý đặc biệt của người nghe đến nốt nhạc bị sai đó, giống như một chú hề trượt vỏ chuối và tự cười nhạo bản thân trước khi mọi người có thể làm điều đó.

Nhưng không chỉ những giai điệu tinh nghịch, đầy nốt sai của Shostakovich mới tạo nên sự hài hước của ông ấy, Còn cả cách mà ông thêm hoặc bỏ qua nhịp lúc chỗ này lúc chỗ kia, ở những chỗ mà người nghe không ngờ tới, như trong chủ đề nho nhỏ mà tiếp nối chủ đề chúng ta vừa nghe:

Các cháu có nghe thấy nhịp thừa vừa rồi không? Nhịp thừa đó đặc biệt dễ nhận ra từ giai điệu này, giai điệu mà theo một trình tự— nghĩa là, câu nhạc đó sẽ được lặp lại ở một cao độ khác. Vì vậy, một khi chúng ta đã nghe câu đầu tiên,

chúng ta nghĩ rằng câu thứ hai cũng sẽ giống hệt, chỉ cao hơn:

Nhưng không phải vậy—hầu như, nhưng chưa hẳn là như thế. Đúng là câu thứ hai có lặp lại câu đầu tiên ở một cao độ cao hơn, nhưng được thêm một nhịp—vừa đủ để chúng ta bị mất thăng bằng, như một chú hề đang bị say.

Các cháu đã nghe ra chưa? Chắc đã nghe được ra rồi, đúng không. Tất nhiên, đó không phải là một kiểu đùa mà khiến người nghe phải bật cười— Ý tôi là không có trò đùa âm nhạc nào như thế — nhưng nó chỉ vừa đủ để khiến người nghe mỉm cười trong lòng, và đó là những gì một trò đùa âm nhạc nên làm.

Chương này tràn đầy những sự thay đổi: những bất ngờ về giai điệu, nhịp phách, và đặc biệt là hoà âm— đó là, những khoảnh khắc mà người nghe nghĩ rằng hoà âm sẽ di chuyển theo một hướng, thì nó lại đi theo một hướng khác, theo cách hoàn toàn không ngờ tới. Ví dụ như một đoạn này ở phần sau của chương, khi mà chủ đề mở đầu được lặp lại ở điệu tính chính – Mi giáng trưởng và bây giờ phải chuyển sang điệu tính khác, khi mà chủ đề thứ hai sẽ xuất hiện — cụ thể là giọng át, hoặc Si giáng trưởng. Nhưng Shostakovich chuyển điệu tính đến điểm hoà âm xa nhất có thể khỏi Si giáng tưởng, để khi mà nốt Si giáng tưởng cuối cùng xuất hiện, nó sẽ gây sốc bởi ta không biết nó từ đâu ra. Hãy để ý cách ông ấy làm điều này: Đây là chủ đề đầu tiên, với sự chuyển đổi hoà âm:

Nó xa đến cả dặm so với điểm mà chúng ta đang tiến tới (Si giáng), nhưng trong chớp mắt, Shostakovich đưa chúng ta vào một điệu tính mới được yêu cầu là Si giáng trưởng:

Các cháu có thấy không? Không có sự chuẩn bị nào cho giọng mới này, hay đúng hơn là một sự chuẩn bị gây hiểu lầm, như thể đối với một điệu tính hoàn toàn xa lạ, và sau đó — bùm! Si giáng trưởng. Hãy nghe toàn bộ phần này ngay bây giờ và xem cách hòa âm kéo các cháu từ điệu tính này sang điệu tính khác như thế nào:

Các cháu có thấy không? Nó giống như một trò chơi điên rồ ở Coney Island khi mà người chơi bị quăng và ném theo năm mươi hướng, luôn luôn vào lúc họ ít ngờ tới nhất. Nhưng dù sao, dù chúng ta có bị bất ngờ đến đâu, chúng ta cũng đã đạt được điệu tính át là Si giáng trưởng, và bây giờ đã sẵn sàng cho sự xuất hiện của chủ đề thứ hai. Bây giờ sẽ là một bước ngoặt khác. Bạn có thể nhớ từ chương trình của chúng tôi về hình thức sonata rằng chủ đề thứ hai của một chương giao hưởng phải có tính tương phản với chủ đề đầu tiên, không chỉ ở điệu tính mà còn ở cảm giác; nghĩa là, nếu chủ đề đầu tiên là mạnh mẽ và nam tính, chủ đề thứ hai sẽ có thể là ngọt ngào và nữ tính. Hoặc ngược lại. Vì thế, trong trường hợp này, chủ đề đầu tiên như chúng ta đã nghe có cảm giác vui tươi và vui nhộn, vì vậy chúng ta sẽ đoán rằng chủ đề thứ hai sẽ đáp lại bằng sự ngọt ngào và mượt mà. Và kết quả là gì? Hoàn toàn không phải. Bởi vì nó lại một giai điệu diễu hành nhỏ vui nhộn, được chơi nhẹ nhàng bởi bởi chiếc piccolo nhỏ xíu:

Và vân vân. Chúng ta lại nhận một sự bất ngờ khác. Các cháu thấy đấy, hầu hết các trò đùa âm nhạc đều là những sự bất ngờ, cũng giống như hầu hết các trò đùa khác: Chúng ta mong đợi một điều và nhận được một điều khác, và bằng cách nào đó, điều đó làm chúng ta cảm thấy buồn cười. Không ai biết tại sao. Và chủ đề thứ hai đáng ngạc nhiên, ngớ ngẩn này thậm chí còn ngớ ngẩn hơn khi nó trở lại trong phần tóm tắt, bởi vì lần này nó không được chơi bởi piccolo, mà bởi violin độc tấu, nhạc cụ mà buộc phải bật ra giai điệu nhỏ bé, chói tai đó trên phần đệm của toàn bộ ban nhạc kèn đồng.

Nó giống như Mickey Mouse dẫn đầu một buổi cổ vũ bóng đá — giọng cao như thế, và cạnh tranh một cách yếu ớt với cả một dàn nhạc kèn đồng. Và nói về dàn nhạc kèn đồng đó, cái buồn cười nhất đối với tôi về toàn bộ chương này được thực hiện bởi chiếc kèn trombone hung hãn ở phía sau nhạc cụ mà đã chơi một giai điệu này mà mỗi lần đều đi kèm hai nốt nhạc kiêu kì đó:

Như các cháu sẽ thấy khi chúng tôi chơi toàn bộ chương, lúc qua phần tóm lại này để đến chủ đề thứ hai chói tai, chiếc trombone đó cứ tiếp tục cày kéo với hai nốt nhạc đó, luôn ở những chỗ “sai”, như thể nó đã bỏ qua năm mươi nhịp nhạc do nhầm lẫn và đã vào quá sớm:

Thật tội nghiệp— nó đã bị lạc mất rồi! Nhưng nó không bỏ cuộc, nó tiếp tục cố gắng, giống như [chú chó] Pluto trong các bộ phim hoạt hình:

Ơn Chúa! Cuối cùng thì nó cũng đã làm được. Bây giờ nó đang ở đúng vị trí. Và sau đó phim hoạt hình kết thúc trong niềm tự hào và vinh quang của tất cả mọi người.

Đương nhiên, tôi không thể kể cho các cháu nghe trước tất cả các trò đùa được; Tôi phải để lại một số để các cháu tự khám phá. Điều mà tôi hy vọng các cháu sẽ làm, để các cháu có được sự tận hưởng tối đa chương đầu tiên thú vị này của Giao hưởng Số 9 của Dmitri Shostakovich.

Ban đầu, chương thứ hai trong Giao hưởng Số 9 của Shostakovich không có vẻ giống một trò đùa vui. Đó là một điệu valse nhẹ nhàng, ngọt ngào, thực ra là man mác buồn. Không có trò vui đùa ầm ĩ nào ở đây, như với trombone trong chương một; Trên thực tế, những chiếc kèn trumpet và kèn trombone hoàn toàn không cất tiếng trong chương này, và cả bộ gõ cũng vậy. Tất cả đều ở quy mô nhỏ hơn, gần giống như nhạc thính phòng, với những giai điệu dài đầy ám ảnh được chơi bởi các nhạc cụ hơi bộ gỗ độc tấu. Được bắt đầu với đoạn clarinet độc tấu như thế này:

Và vì vậy, nó tiếp tục đi theo nỗi u sầu của nó. Sau đó, câu nhạc dài đó được lặp lại bởi cây sáo độc tấu và cuối cùng bởi người bạn cũ của chúng ta, piccolo, như các cháu sẽ thấy, đã thay đổi từ tính cách vui vẻ trong chương đầu tiên thành tính cách dịu dàng, đăm chiêu này. Và giữa những đoạn độc tấu của các nhạc cụ hơi bộ gỗ, các nhạc cụ bộ dây chơi những làn sóng giai điệu lạ lùng và đầy khát vọng:

Nghe khá suy tư, phải không? Rất đậm chất Nga. Bây giờ chắc chắn không có phần nào trong này nghe có vẻ đặc biệt hài hước hoặc vui nhộn. Thế thì sự hài hước lúc nào mới bắt đầu? Không phải tôi đã nói rằng toàn bộ bản giao hưởng này là một vở hài kịch sao? Được rồi – hãy để tôi giải thích. Sự hài hước của chương này nằm ở chỗ nó hoàn toàn không thuộc về một bản giao hưởng – đặc biệt là Giao hưởng Số 9. Với dàn nhạc có kích thước thính phòng nhỏ gọn và chủ đề điệu valse nho nhỏ, buồn buồn của nó, nó giống hơn với thứ từng được gọi là “nhạc phòng khách”— nghĩa là, âm nhạc không hẳn là để dành cho phòng hòa nhạc, mà như cho các sảnh khách sạn và nhà hàng kiểu xưa, hoặc có thể cho một bữa tiệc trà trang nhã, riêng tư. Đó là một tác phẩm có thể đã được gọi, trong nỗi hoài niệm, “Valse Mélancolique” (“Bản valse U sầu”) — hoặc một cái tên gì đó tương tự — mà không chỉ có nghĩa là một điệu valse u sầu, nhưng gợi ra cả một kỷ nguyên sang trọng, vĩ đại đã mờ nhạt. Và thực tế là, Shostakovich đưa tất cả những thứ này vào Giao hưởng số 9 của mình cho thấy một “thương hiệu” hài hước rất tinh tế— sẽ không khiến người nghe ngã lăn ra sàn cười khanh khách, mà để cho người nghe được tràn đầy với niềm vui nhẹ nhàng, ngọt ngào, bất ngờ. Một lần nữa, tính chất bất ngờ của nó khiến bạn mỉm cười, thậm chí là một nụ cười sầu muộn. Và đây là chương thứ hai “rất không có tính giao hưởng” của bản giao hưởng khác thường bậc nhất này.

Một thứ nhạc xinh đẹp, quyến rũ, ngọt ngào—bất cứ điều gì ngoại trừ “có tính giao hưởng”, chắc các cháu sẽ đồng ý với tôi. Nhưng giờ đây đã đủ sự sầu muộn rồi; từ đây trở đi, những sự hài hước sẽ xuất hiện một cách dày đặc và nhanh chóng. Ba chương nhỏ kết thúc bản giao hưởng này được kết hợp với nhau, và được chơi liên tục, giống như một luồng cảm xúc vui vẻ to lớn. Đầu tiên là scherzo, một chương hài hước truyền thống xuất hiện trong hầu hết các bản giao hưởng. Trên thực tế, từ scherzo có nghĩa là “trò đùa” trong tiếng Ý, và scherzo của Shostakovich cũng không phải là ngoại lệ. Nó nhanh, thú vị và rực rỡ, đầy nhịp điệu cuốn hút, những nốt nhạc sai tuyệt ngon, và những hòa âm đầy sự bất ngờ. Và ngay giữa chương vui tươi này, đột nhiên có một nhịp điệu dập kiểu Tây Ban Nha, qua đó, một chiếc kèn trumpet độc tấu thổi bùng lên một giai điệu kiểu Tây Ban Nha gây sửng sốt, như nhạc của trận đấu bò tót:

Rốt cuộc là một người đấu bò Tây Ban Nha đang làm gì trong bản giao hưởng này? Như tôi đã nói, nó đầy bất ngờ; chuyện gì cũng có thể xảy ra. Như thể đột nhiên, trong một bữa tiệc, ai đó giật chiếc khăn choàng Tây Ban Nha ra khỏi cây đàn piano, quấn mình trong nó, và biểu diễn điệu nhảy gypsy hoang dã. Thật điên rồ.

Nhưng cái hài hước hay nhất của scherzo này vẫn chưa xuất hiện: nó đột nhiên im lặng. Hãy tưởng tượng xem, tác phẩm đang sôi động này đột nhiên trầm lặng hẳn đi, giống như một chiếc máy quay đĩa đã cũ, và đã dừng lại một cách đáng xấu hổ ngay tại một nốt nhạc mà không ai ngờ tới nhất, như thể nó không biết phải làm gì hoặc đi đâu. Và nơi nó đang tiến tới cũng là điểm không ngờ tới nhất— thẳng vào chương thứ tư, đó hoàn toàn là một sự bất ngờ.

Chương này chỉ dài hai trang — thậm chí không thể gọi nó là một chương được— nhưng trong hai trang đó, người nghe tìm ra điều hài hước chính của toàn bộ bản giao hưởng, bởi vì âm nhạc đột nhiên trở nên chậm rãi, dồn dập và trang trọng. Hãy tưởng tượng, ở giữa bản giao hưởng nhỏ vui vẻ này, những người chơi kèn trombone, với tất cả sức lực của họ, bùng nổ ra một màn phô trương hùng vĩ, như thể đang cất lên một vài lời nói bi thảm nào đó:

Chúa ơi, thật là một sự thay đổi! Bản giao hưởng đùa cợt này có đang trở nên rời rạc không? Chúng ta đang làm gì với những câu từ to lớn? Thật sự điên rồi. Vậy, hãy xem câu nói bi thảm này thật ra là gì: Hóa ra là một bản độc tấu bassoon, theo lối kể tự do, rất thê lương và rất bi thảm:

Bây giờ điều đó dường như không thuộc về bản giao hưởng này nữa, hay là bản fandango Tây Ban Nha mà chúng ta đã nghe vừa rồi. Tại sao chỉ có bassoon độc tấu này? Tôi sẽ giải thích: Đó là một trò đùa âm nhạc kín đáo. Bởi vì những gì Shostakovich đang làm là bắt chước một đoạn tương tự trong Giao hưởng Số 9 của Beethoven— phần giới thiệu bài hát Ode to Joy nổi tiếng mà tôi chắc rằng các cháu biết.

Các cháu có biết. Đúng rồi, tôi thấy là các cháu có biết. Vậy, ngay trước điểm đó trong Giao hưởng Số 9, Beethoven đã trình bày sự ngâm vịnh này của cello và bass:

Và bây giờ Shostakovich, trong Giao hưởng Số 9 của ông đã cho chiếc bassoon buồn rầu chơi tương tự như thế, thậm chí còn trên cùng điệu tính,

như thể muốn nói: Đây sẽ là một bản giao hưởng số 9, bi thương và hoành tráng! Cũng giống như Beethoven! Vì vậy, những kèn trombone lặp lại sự phô trương hào hoa, và một lần nữa cây đàn bassoon than vãn trong đoạn cadenza đầy tiếng than thở đó, bây giờ thậm chí còn thê lương hơn, và “Nga” hơn, nhiều cảm xúc hơn. Và đó là phần cuối của toàn bộ chương thứ tư, bởi vì, rất bất ngờ rằng, cùng một chiếc bassoon sầu thảm đó, mà không cần quá nhiều hơi thở từ nốt nhạc cuối cùng, đã lém lỉnh gài vào đó một giai điệu khiêu vũ nhỏ bé và nhõng nhẽo.

Và giai điệu dần dần dồn lên, từng chút một, toàn bộ dàn nhạc lại bắt đầu từ đây, chúng ta sắp phi sang chương thứ năm và chương cuối, đó là một rondo tuyệt vời, nghẹn ngào.

Và vì vậy, hóa ra sau tất cả, chương thứ tư nhỏ bé kiêu kì đó chỉ là một mồi nhử, để dụ chúng ta nghĩ đây sẽ là một Giao hưởng Số 9, một tác phẩm đậm chất Beethoven tuyệt vời— và chỉ để nhận ra rằng đây vẫn chỉ là Shostakovich 9 nhỏ bé đáng yêu đó! Nó giống như việc ta đang ngồi ăn một bữa tiệc lớn nghiêm túc mà được mời ăn hotdog và khoai tây chiên. Một số người có thể sẽ không nghĩ điều này rất buồn cười, nhưng tôi rất tiếc cho họ; bởi vì họ sẽ không hiểu được những cái hài hước của bản giao hưởng này. Các cháu thấy đấy, chúng ta phải có khiếu hài hước để đánh giá cao thứ âm nhạc này như Shostakovich phải có để viết ra nó. Và tôi rất hy vọng rằng các cháu hiểu, để bây giờ các cháu có thể tận hưởng ba chương kết này— scherzo kiểu Tây Ban Nha, sau đó là đoạn trombone-và-bassoon kiêu kì, và cuộc chơi vui thú vị cuối cùng. Chúc các cháu nghe nhạc vui vẻ! Và Chúc mừng sinh nhật, Dmitri Shostakovich!

Bản gốc bài giảng: https://leonardbernstein.com/lectures/television-scripts/young-peoples-concerts/birthday-tribute-to-shostakovich

Bình luận Facebook