Bernstein mừng sinh nhật 60 tuổi của nhà soạn nhạc Aaron Copland bằng 1 chương trình đặc biệt giới thiệu các tác phẩm của ông.

Biên soạn do Leonard Bernstein
Được phát lần đầu trên đài CBS ngày 12/02/1961

Biên dịch: Lê Tuấn Hiệp

Năm ngoái, nếu các cháu còn nhớ, tất cả chúng ta đã có một bữa tiệc sinh nhật tại đây, Carnegie Hall, vinh danh nhà soạn nhạc vĩ đại Gustav Mahler, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ có một bữa tiệc sinh nhật mừng 60 tuổi cho một nhà soạn nhạc vĩ đại khác với sự yêu mến và ngưỡng mộ của chúng ta, Aaron Copland và lần này, chúng ta sẽ gặp ông ấy trực tiếp ở phần sau chương trình. Khi các cháu gặp ông ấy, chú nghĩ điều đầu tiên về ông ấy mà sẽ làm các cháu ấn tượng là sự thanh xuân. Không chỉ có gương mặt trẻ trung mà nụ cười, cách chỉ huy đầy sức sống, tính cách gần như trẻ con, và đặc biệt là tâm hồn của ông ấy. Sẽ không thể nào liệt kê cho các cháu toàn bộ những gì ông Copland đã làm cho người trẻ trong suốt cuộc đời ông ấy. Ông đã ươm mầm và mang tới thành công cho hàng tá những nhà soạn nhạc trẻ, thậm chí gấp nhiều hơn nữa, những người ông ấy từng dạy ở Tanglewood và Harvard và tất cả những nơi khác tương tự như vậy. Và hầu hết toàn bộ trong rất nhiều bản nhạc ông ấy từng viết chủ yếu được biểu diễn bởi người trẻ Các cháu có thể nhớ rằng năm ngoái chúng ta cũng dành toàn bộ chương trình trong chuỗi cho bản opera dành cho những người trẻ trung, thú vị của ông: “Cơn bão thứ 2” (The Second Hurricane), thứ sẽ được phát hành bởi hãng Columbia Records trong tháng này để kỷ niệm 60 năm ngày sinh của ông.

Chà, hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bữa tiệc sinh nhật Copland với khúc dạo đầu (overture) của người trẻ. Các cháu tất nhiên là nhớ thế nào là một khúc dạo đầu từ tập trước. Chú sẽ không phải nói lại với các cháu nữa. Đó là khúc dạo đầu mà ông ấy đã viết cho Dàn nhạc Trường trung học Âm nhạc và Nghệ thuật ở nơi đây thành phố New York này, Nó được gọi là “Khúc dạo đầu ngoài trời” (An Outdoor Overture) và chú nghĩ là các cháu sẽ hiểu ngay lập tức tại sao ông ấy gọi nó là “ngoài trời”. Ngay khi các cháu nghe những nhịp hành khúc giàu tính thể thao, tiếng trumpet vang vọng, những giai điệu dài tràn ngập ánh sáng, không khí trong lành. Và đây là Khúc dạo đầu ngoài trời của Aaron Copland: Đó là thứ các cháu gọi là “Khúc dạo đầu ngoài trời”.

Nó thực sự làm máu nóng sôi sục, giống như một cú chạy nước rút. Nó là điển hình của Copland, một phong cách dễ tính, tươi mới, thẳng thắn và cởi mở. Nhưng nó chỉ cho thấy một khía cạnh của âm nhạc Copland, vì sự thật là âm nhạc của ông ấy cực kỳ đa dạng, giống như một vườn hoa vậy. Có loại đóa to, tươi mát, trắng muốt. Có loại lại nhỏ bé, nhiều gai. Có những bụi cây lớn, hùng vĩ và cả những chiếc nụ nhỏ, nhút nhát, đủ loại. Nhưng điểm khác biệt chính trong những sáng tác của ông là những bông hoa to, trắng muốt thì rất dễ thấy và đánh giá cao, thậm chí là yêu say đắm, giống như khúc dạo đầu ta vừa nghe, còn những bông có gai thì không dễ thấy được và yêu ngay lập tức, kiểu đòi hỏi khéo léo để xử lý, đặc biệt là lần đầu tiên chạm vào. Nhưng vì những sáng tác xuất sắc nhất của Copland lại là những bông hoa có gai đó, chú không thấy lý do các cháu không nên chơi một trong số chúng, đặc biệt là cho các cháu, những thính giả trẻ. Bởi chú luôn luôn nói rằng tâm trí của các cháu cởi mở với mọi thứ cả xưa và nay thậm chí hơn cả những người có tuổi.

Và bên cạnh đó, những “bông hoa” có gai không quá đáng sợ khi các cháu biết một chút về nó.

Ví dụ, đây là một tác phẩm ngắn, thuộc chuỗi sáu bản nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, được gọi là: “Những lời bày tỏ” (Statements). Mỗi lời bày tỏ này đều có tên riêng, mô tả cảm giác cụ thể của nó. Và bản chúng ta sẽ nghe được gọi là “Độc đoán”(Dogmatic). Đó là một từ khó, nghĩa là, bướng bỉnh, tin tưởng chắc chắn vào điều gì đó và phủ nhận những điều khác. Độc đoán. Vì vậy, bản nhạc này bắt đầu với một ý tưởng dường như làm bằng đá, rất cứng và chắc chắn. Nó chơi như thế này:

Đá hoa cương, sắt, độc đoán, các cháu thấy chứ?

Bên cạnh đó, đừng quên rằng đây là âm nhạc hiện đại, âm nhạc của thời đại chúng ta, và chúng ta đang sống trong một số thời đại khá khó khăn. Âm nhạc thay đổi và phát triển xuyên suốt lịch sử theo cách mà mọi các ý tưởng đều được thực hiện, và những gì từng được coi là đúng và bình thường thì rất khác với những tiêu chuẩn ngày nay.

Ví dụ, ở giữa tác phẩm này, những nhạc cụ bằng đồng đột nhiên bùng phát một chủ đề gai góc, hầu hết là chủ đề giận dữ như thế này: Đó không chính xác là những gì người lớn tuổi gọi là giai điệu, phải không các cháu?

Và nó đúng là một giai điệu. Hãy xem này. Nếu chú thay đổi nó một chút, không thay đổi bất cứ nốt nhạc nào, chỉ đổi sự cao hay thấp của chúng, thì sau đó chủ đề sẽ trở thành như thế này: Bây giờ nó nghe có vẻ ít tức giận hơn một chút, phải không? Không có tất cả những sự nhảy nốt từ cao xuống thấp và ngược lại. Nhưng chú có thể làm cho nó có vẻ bình thường hơn, lỗi thời hơn bằng cách đặt các hợp âm kiểu cũ bên dưới giai điệu như thế này:

Giờ thì nó có thể được viết bởi Liszt hoặc bất kỳ ai một trăm năm trước. Nhưng đây là âm nhạc của ngày hôm nay, và vì vậy Copland không sử dụng những hòa âm xưa cũ, Và ông ấy cũng làm cho chủ đề nhảy dữ dội từ quãng âm này sang quãng âm khác: Vì vậy nó trở nên hiện đại, tức giận và như chúng ta nói, độc đoán. Vì vậy, khi chúng tôi chơi nó cho các cháu bây giờ, và toàn bộ điều này dài chưa đầy hai phút, Chú muốn các cháu cố gắng cảm thấy bản thân như sắt đá, bướng bỉnh và độc đoán xem liệu bản nhạc nhỏ này có hoàn toàn thỏa mãn cảm xúc mà các cháu đang cảm thấy không? Nó bắt đầu đây:

Đừng vỗ tay! Các cháu không được phép. Nó đã hết rồi. Nhưng cứ như thể âm nhạc của Copland đang nói: “Đây là những gì tôi phải nói và tôi không quan tâm liệu bạn có đồng ý với tôi hay không.” Nhưng đó chỉ là một mặt trong âm nhạc của ông ấy, mặt độc đoán. Như chú đã nói trước đây, âm nhạc của ông ấy có nhiều khía cạnh khác nhau. Những phần còn lại trong chương trình này là những bông hoa thân thiện hơn nhiều, như các cháu sẽ thấy trong chốc lát nữa. Và điểm chung của tất cả chúng là những bông hoa này đều có gốc rễ là nước Mỹ. Đừng quên rằng Aaron Copland được sinh ra ở Brooklyn khiến ông ấy trở thành một người Mỹ 200 phần trăm, và ông ấy cũng được sinh ra chính xác là vào năm 1900, năm đầu tiên của thế kỷ này khiến ông trở thành nhà soạn nhạc của thời đại chúng ta 200 phần trăm. Bên cạnh đó, nó cũng giúp các cháu dễ dàng nhớ ông ấy bao nhiêu tuổi, bởi vì số tuổi ông ấy luôn bằng năm chúng ta đang ở. Năm 1920 ông 20 tuổi, năm 1940 ông 40 tuổi, và bây giờ ông ấy 60 tuổi vào năm 1960. Đó không phải là một sự cơ hội may mắn sao?

Bây giờ tác phẩm đầu tiên trong số những tác phẩm gốc Mỹ mà chúng ta sẽ nghe là một điệu nhảy từ một tác phẩm mà ông ấy viết năm 1925. Lúc đó ông ấy bao nhiêu tuổi? Các cháu hãy nói cho chú biết. Tuyệt vời. Dù sao, khoảng năm 1925, lần đầu tiên ông ấy thực hiện các thử nghiệm sử dụng nhạc jazz trong âm nhạc giao hưởng. Bản nhạc này được gọi là “Âm nhạc cho Nhà hát” (Music for the Theater), và điệu nhảy chúng ta sẽ nghe được gọi được “Khiêu vũ”. Chú chắc chắn rằng chú không phải giải thích bất cứ điều gì về âm thanh nhạc jazz trong đó. Các cháu sẽ nhận ra chúng ngay lập tức rõ như ban ngày ngay khi những chiếc kèn trumpet lắp bịt âm dành cho jazz vào đầu kèn, những chiếc trống bắt đầu nhịp đảo phách và những chiếc clarinet nhỏ bé, cao vút bắt đầu rít lên giai điệu barrelhouse:

Đó thực sự là âm nhạc của thành phố lớn, bon chen. Và để làm cho nó thậm chí còn lớn hơn, Copland đã kẹt trong giai điệu cũ, “Bên Đông, bên Tây” (East Side, West Side). Các cháu biết nó chứ? Chỉ có điều ông ấy hiện đại hóa nó từ một điệu valse thành nhịp ⅝, vì vậy nó nghe như thế này: Chú chắc rằng các cháu cũng đã nghe thấy những nốt nhạc nhỏ bé, vui nhộn trong giai điệu. Chà, đó là một khía cạnh hiện đại khác của âm nhạc này, kiểu như một vài nốt nhạc sai có chủ đích khiến các cháu muốn cười, đó là gai góc mà bông hoa đặc biệt này có. Nó hoàn toàn mang ý nghĩa vui vẻ như nhạc ở Coney Island hay nhạc của chú hề, và chú hy vọng các cháu thấy nó thú vị giống các chú.

Chà, chúng ta vừa có một ví dụ đậm chất jazz về âm nhạc của Copland, vì vậy bây giờ chúng ta hãy chuyển sang mặt ngược lại: rất yên tĩnh và nghiêm túc, nhưng cũng rất Mỹ theo một cách khác. Năm 1940, Copland đã viết một bản nhạc tuyệt đẹp và nổi tiếng cho một bộ phim có tên “Thị trấn của chúng ta” (Our Town)

Về cuộc sống ở một thị trấn nhỏ ở New Hampshire tên là Grover’s Corners, nơi cuộc sống yên tĩnh và ngọt ngào, không vội vàng, rất gần gũi với thiên nhiên. Và chúng ta sẽ nghe nhạc mở đầu từ bộ phim đó “Thị trấn của chúng tôi” là một mặt khác của nước Mỹ, một lộ trình khác, cách xa thành phố lớn, ồn ào mà chúng ta đã nghe nói đến trước đó. Đây là cuộc sống đơn giản, nông thôn, cuộc sống như thế là một phần quan trọng của đất nước chúng ta. Copland cũng thường vẽ khía cạnh đó của nước Mỹ cho chúng ta trong âm nhạc của ông ấy cũng như trong vở ba lê nổi tiếng “Mùa xuân Appalachian” (Appalachian Spring) và trong vở opera của ông ấy “Vùng đất dịu dàng” (The Tender Land). Nhưng có lẽ trong tác phẩm nhỏ này từ bộ phim Our Town, ông ấy đã vẽ nó tốt nhất bởi vì nó có vẻ rất thật, rất yên tĩnh và rất sâu sắc.

Nó đây. Đó không phải là một bức tranh đáng yêu về cuộc sống của người Mỹ sao? Rất khác với điệu nhảy jazz mà chúng ta đã nghe lúc trước. Và bây giờ chúng ta chuyển sang một bức tranh hoàn toàn khác về cuộc sống mang âm hưởng Mỹ, giống như chất Mỹ ở trong cội nguồn của nó, nhưng cách xa hàng ngàn dặm, ở miền tây vĩ đại của đất nước chúng ta. Copland dường như cũng bị phía tây mê hoặc bởi lịch sử thú vị, tinh thần tiên phong, những đồng cỏ vô tận và những rặng núi như ông ấy đã từng có với các thành phố lớn và thị trấn nhỏ. Ông ấy đã viết hai vở ballet rất nổi tiếng về miền tây Hoa Kỳ, “Đứa trẻ Billy” (Billy The Kid), và “Ro-deo” hay “Ro-de-o” cách nào cũng được. Bây giờ chúng ta sẽ nghe điệu nhảy cuối cùng từ vở Rodeo, được gọi là “Hoedown”. Chú đoán tất cả các cháu đều biết Rodeo là gì, nhưng có thể các cháu chưa biết “hoedown” là gì. Nó là một điệu nhảy hình vuông với tất cả những người chơi violin, những chiếc vòng cổ, lắc lư cùng bạn nhảy và phần còn lại. Chà, chú không có vị khách nào ở đây hoặc bất kỳ đối tác nào để nhảy cùng, nhưng chú chắc chắn có những người chơi violin. Chờ cho đến khi các cháu nghe thấy họ nhé.

Chúng ta có một bất ngờ sinh nhật rất đặc biệt sắp tới. Giọng nam trung vĩ đại người Mỹ William Warfield sẽ hát hai bài hát của Copland cho chúng ta. Những bài hát này không thực sự là sáng tác nguyên bản vì chúng thực sự là những bài hát dân ca cổ của Mỹ mà hầu như ai cũng biết. Nhưng Copland đã chuyển soạn và phối khí theo phong cách đặc biệt của ông và với sự hiểu biết cá nhân và tình yêu dành cho chúng, chúng dường như trở thành những sáng tác hoàn toàn mới của ông. Chú hoàn toàn không biết ông ấy làm điều đó như thế nào. Đó là một phần của ma thuật diễn ra trong khu vườn tuyệt vời mà chúng ta đang ở ngày hôm nay. Bằng cách nào đó, cái chạm kỳ diệu của Copland đã mang đến cho những bài hát cũ này màu sắc mới và hình dáng mới. Tên của hai bài hát là “Điệu nhảy của những thủy thủ” (The Boatmen’s Dance) và “Tôi mua cho tôi một con mèo”. (I bought me a cat) Đây là Bill Warfield.

Và bây giờ chúng ta đến cao trào của bữa tiệc, đó là chúng ta sẽ gặp Aaron Copland người sẽ chỉ huy cho chúng ta một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ấy, Salon Mexico hay trong tiếng Tây Ban Nha là El Salón México, đây là một trong những sáng tác thân thiện nhất, ít gai góc nhất của ông ấy. Các cháu thấy đấy, El Salón México là tên của một vũ trường ở Mexico City giống như Roseland của chúng ta, nơi mà Copland đã từng đã đến thăm và rất phấn khích trước những gì ông ấy nghe và thấy ở đó nên ông đã viết một bài về nó. Cá nhân tôi rất vinh dự được chào đón lên bục chỉ huy một nhà soạn nhạc vĩ đại, một người thân yêu, một người bạn thực sự của tuổi trẻ, một người đã chỉ dẫn và khuyến khích rất nhiều người trẻ, trong đó có tôi khi tôi mới bắt đầu. Vì vậy, hãy dành lời cảm ơn của tôi, lời cảm ơn của chúng ta, lời cảm ơn của tất cả các nhạc sĩ và tất cả những người yêu âm nhạc trên cả nước và trên thế giới. Chúc mừng sinh nhật, Aaron Copland!

Bình luận Facebook

Facebook Comments