Thông tin tác phẩm “Con đầm pích”

Opera: The Queen of Spades, Op. 68
Tác giả âm nhạc: Peter Ilyich Tchaikovsky.
Tác giả libretto: Modest Tchaikovsky (dựa theo tác phẩm cùng tên của Alexander Pushkin).
Thời gian sáng tác: Năm 1890.
Công diễn lần đầu: Ngày 19/12/1890 tại Mariinsky Theatre, Saint Petersburg.
Độ dài: Khoảng 2h40 phút.
Nhân vật: Loại giọng
Lisa: Soprano
Gherman: Tenor
Nữ bá tước: Mezzo-soprano
Hoàng thân Yeletsky: Baritone
Bá tước Tomsky: Baritone
Chekalinsky: Tenor
Surin: Bass
Paulina: Contralto
Masha: Soprano
Người dẫn chương trình: Tenor
Prilepa: Soprano
Milovzor: Contralto
Zlatogor: Baritone
Gia sư: Mezzo-soprano
Trong tổng phổ, Tchaikovsky đề nghị các vai Milovzor và Zlatogor sẽ do các ca sĩ hát Paulina và Tomsky đảm nhận.
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 2 flute, 2 oboe, English horn, 2 clarinet, bass clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, snare drum, bass drum, harp, piano và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Trên thực tế, Tchaikovsky không phải người đầu tiên được đề nghị sáng tác một vở opera dựa trên truyện ngắn The Queen of Spades (Con đầm pích) của Alexander Pushkin. Năm 1885, Ivan Vsevolozhsky, giám đốc của Imperial Theatres đã đề nghị nhà soạn nhạc Nikolay Klenovsky sáng tác vở opera này. Những người được dự kiến sẽ viết kịch bản là Vasily Kandaurov và Ippolit Shpazhinsky. Tuy nhiên, dự án này đã không trở thành hiện thực, không có kịch bản nào cụ thể được đưa ra. Ngày 24/9/1887, Klenovsky đã viết một bức thư gửi cho Modest Tchaikovsky, em trai của Tchaikovsky, đề nghị Modest là người sẽ viết kịch bản cho vở opera Con đầm pích. Modest đã nhận lời. Bản thân Tchaikovsky cũng đã nhận được lời đề nghị về việc sáng tác vở opera này nhưng ông đã từ chối. Vở opera trước đó của ông, The Enchantress, không được đón nhận nên Tchaikovsky chán nản, chưa muốn bắt tay vào một dự án opera khác.

Dự án của Imperial Theatres giao cho Klenovsky đã thất bại. Tháng 11/1889, một lần nữa ban giám đốc nhà hát đã quay lại với Tchaikovsky, tiếp tục đề nghị ông sáng tác Con đầm pích. Lần này nhà soạn nhạc đã nhận lời. Tchaikovsky đã xem xét kỹ lưỡng kịch bản của em trai mình, có đề nghị sửa chữa và thêm bớt một số nội dung, đặc biệt là yêu cầu bổ sung cảnh kênh đào mùa đông (cảnh 2 màn III). Tchaikovsky bắt đầu công việc sáng tác của mình vào ngày 31/1/1890 tại Florence. Ngày 17/5, trong bức thư gửi cho Modest, Tchaikovsky thể hiện niềm vui của mình: “Hiện tại, anh có một tình yêu đặc biệt đối với cuộc sống. Anh đang chờ phản hồi về một tác phẩm lớn đã hoàn thành xuất sắc. Tuy nhiên, giờ anh chỉ có thể tưởng tượng rằng Con đầm pích là một vở opera thành công. Anh không biết, nhưng ngay bây giờ anh tin tưởng rằng vở opera có một tương lai rực rỡ”. Ngày 8/6, toàn bộ công việc đã được hoàn thành và bản thảo được gửi đến cho Pyotr Jurgenson, nhà xuất bản của Tchaikovsky.

Con đầm pích được trình diễn lần đầu tiên tại Mariinsky Theatre, Saint Petersburg vào ngày 19/12/1890 dưới sự chỉ huy của Eduard Nápravník. Hai vợ chồng Nikolay và Medea Figner đóng vai chính Hermann và Liza. Tchaikovsky đã nhận xét: “Figner và dàn nhạc đã làm nên những điều kỳ diệu thật sự”. Buổi ra mắt thành công rực rỡ. Tchaikovsky vô cùng hài lòng với những nỗ lực của mình.

Tóm tắt nội dung

Cuối thế kỷ 18 tại Saint-Petersburg.

Màn I:

Cảnh 1: Vở opera mở đầu với một overture. Tchaikovsky đã tóm tắt những chủ đề quan trọng nhất của vở opera trong overture này. Ông đã sử dụng thủ pháp leitmotif, với những chủ đề âm nhạc tượng trưng cho những nhân vật hay sự kiện cụ thể. Overture mở đầu thần bí với motif trên bassoon – tượng trưng cho nữ bá tước sau này còn xuất hiện trong suốt vở opera. Ngay sau đó là một tiếng thở dài trên dàn dây, một motif gợi ý về thảm kịch sẽ diễn ra. Và sau đó là motif về 3 lá bài và chủ đề tình yêu xuất hiện.

Tại khu vườn mùa hè, một bài hát ru vang lên của các cô trông trẻ và trẻ em (Chorus “Gori, gori yasno”). Hai người lính Tsurin và Chekalinsky nói về Hermann, đồng nghiệp của họ, người dường như bị cờ bạc ám ảnh, luôn nhìn mọi người chơi suốt đêm nhưng không bao giờ chơi bài. Hermann xuất hiện cùng Tomsky và thú nhận rằng mình đã đem lòng yêu một cô gái mà anh không biết tên (“Ya imeni yeye ne znayu”). Yeletsky bước vào cùng với vị hôn thê Lisa và bà của cô, nữ bá tước. Hermann nhận ra Lisa chính là cô gái mà anh thầm yêu còn Lisa và nữ bá tước cũng nhận ra Hermann là người đàn ông bấy lâu nay thường theo dõi họ (Quintet “Mne strashno!”). Khi Yeletsky, Lisa và nữ bá tước rời đi, Tomsky kể cho mọi người nghe về câu chuyện về nữ bá tước. Nhiều thập kỷ trước ở Paris, bà đã thắng một số tiền lới trên bàn đánh bạc với sự trợ giúp của “ba lá bài”, một chiến thắng đầy bí ẩn. Bà đã tiết lộ bí mật của mình cho hai người khác và có một lời tiên tri rằng bà sẽ chết sau khi có một người thứ ba cưỡng ép bà nói ra bí mật này (“Odnazhdy v Versale”). Một cơn bão sắp xảy ra, mọi người rời đi chỉ còn Hermann ở lại, anh quyết tâm tìm ra bí mật của nữ bá tước để trở nên giàu có, từ đó chiếm được tình yêu của Lisa.

Cảnh 2: Một số người bạn đến thăm Lisa. Paulina và cô đã cùng nhau hát một ca khúc về màn đêm ở vùng nông thôn (Duet “Uzh vecher oblakov pomerknuli kraya”). Được mọi người cổ vũ, Paulina hát một bài hát u buồn (“Podrugi milye”) và sau đó mọi người liên hoan. Cô gia sư xuất hiện, cho biết nữ bá tước không hài lòng và xua đuổi mọi người. Chỉ còn lại Lisa, cô nghĩ về những cảm xúc mâu thuẫn của mình dành cho chồng sắp cưới và ấn tượng mà Hermann đã gây ra cho cô (“Otkuda eti slezy, zachem one?”). Hermann bất ngờ xuất hiện ở cửa ban công. Lisa muốn kêu cứu nhưng Hermann nói với cô rằng anh sẽ rời bỏ cô ngay lập tức, rằng anh đã quyết định sẽ chết. Nhưng trước đó anh muốn ở bên cô. Anh ấy thú nhận tình yêu của mình với cô (“Prosti, nebesnoye sozdane”). Nữ bá tước gõ cửa, Hermann vội vàng ẩn nấp. Lisa nói rằng cô không thể ngủ được và nữ bá tước đi về phòng mình Sau đó, Lisa yêu cầu Hermann cũng rời đi, phút cuối cô thú nhận tình yêu của mình dành cho anh.

Màn II:

Cảnh 1: Tại một vũ hội hoá trang che mặt, một bản hợp xướng vui vẻ vang lên (Chorus “Pod teniyu gustoyu”). Yeletky đã nhận thấy sự thay đổi trong cách cư xử của Lisa. Tại buổi khiêu vũ, anh khẳng định lại với cô về tình yêu của mình (“Ya vas lyublyu”). Hermann xuất hiện, anh bị bí mật về 3 lá bài của nữ bá tước ám ảnh. Để mua vui cho những vị khách tham dự vũ hội, một màn hợp xướng của những người chăn cừu đã diễn ra (“Pod teniyu gustoyu”). Lisa tiến đến, dúi vào tay Hermann chìa khoá nhà nữ bá tước và cho biết rằng hôm sau bà sẽ không có nhà và Hermann có thể đến. Tuy nhiên, Hermann muốn đến ngay lúc đó vì nghĩ rằng số phận sẽ mỉm cười với mình và hai người nghĩ rằng những người khác sẽ không để ý và bỏ đi.

Cảnh 2: Hermann vào phòng nữ bá tước và say mê ngắm chân dung hồi trẻ của bà. Nữ bá tước trở về từ vũ hội, Hermann vội trốn trong phòng. Nữ bá tước đã hát một trích đoạn từ vở opera Le Coeur de Lion của André Modeste Grétry như để hồi tưởng về một quá khứ đã qua (“Je crains de lui parler la nuit”). Khi nữ bá tước ngủ thiếp đi trên ghế bành, Hermann bước ra và yêu cầu bà tiết lộ bí mật. Nữ bá tước từ chối, Hermann hăm doạ và rút ra một khẩu súng lục. Bà chết vì hoảng sợ. Lisa bước vào, kinh hoàng khi chứng kiến, cô nhận ra rằng tất cả những gì Hermann quan tâm là bí mật của nữ bá tước và đuổi Hermann ra khỏi nhà.

Màn III:

Cảnh 1: Trong nhà của mình, Hermann đang chìm vào nỗi ám ảnh. Anh đọc bức thư Lisa gửi cho mình, cô đề nghị anh đến gặp cô vào lúc nửa đêm. Tiếng gõ cửa sổ vang lên, bóng ma nữ bá tước xuất hiện. Bà đồng ý tiết lộ bí mật của ba lá bài cho anh: đó là 3, 7 và át. Nữ bá tước cũng yêu cầu anh phải cứu Lisa và cưới cô.

Cảnh 2: Lisa đợi Hermann bên một con kênh, tự hỏi liệu anh có còn yêu cô không (“Akh, istomilas ya gorem”). Khi anh xuất hiện lần cuối, cô nói họ nên rời thành phố cùng nhau. Hermann từ chối, trả lời rằng mình đã biết được bí mật của những quân bài và đang trên đường đến sòng bạc. Lisa nhận ra rằng cô đã mất anh ta và gieo mình xuống kênh tự tử.

Cảnh 3: Những người lính đang chơi bài, có cả Yeletky, người đã huỷ hôn với Lisa. Ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Yeletky, người cũng chưa từng chơi bài bao giờ, lần này đến hi vọng gặp vận may sau khi xui xẻo trong tình yêu, Tomsky đã hát một bài hát (“Esli by milye devitsy”). Sau đó, những người lính đã hát một hợp xướng về những quân bài (Chorus “Tak v nenastnye dni sobiralis oni chasto”). Hermann bước vào, lần đầu tiên chơi bài và đã thắng liền hai ván nhờ vào sự chỉ dẫn của nữ bá tước. Trong ván cuối cùng, Hermann đã đặt toàn bộ số tiền của mình. Tuy nhiên, khi lật lá bài lên, thay vì con át như lời nữ bá tước, đó lại là con đầm pích. Kinh hoàng và tưởng tượng ra khuôn mặt của nữ bá tước đang nhìn chằm chằm vào mình từ lá bài, Hermann tự đâm mình, cầu xin sự tha thứ của Yeletky và Lisa (“Chto nasha zhizn? Igra!”). Những người lính vây xung quanh cái xác của Hermann và cầu xin Chúa thương xót (“Gospod! Prosti yemu”).

Cùng với Eugene Onegin, Con đầm pích là vở opera nổi tiếng nhất của Tchaikovsky. So với tác phẩm gốc của Pushkin, nội dung vở opera có thay đổi một số chi tiết khi cho cả Lisa và Hermann chết. Tchaikovsky sáng tác tác phẩm này khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Ông vừa hoàn thành bản Giao hưởng số 5. Trong một bức thư gửi cho em trai mình, Tchaikovsky cho biết: “Có thể anh phạm phải một sai lầm khủng khiếp và không thể tha thứ hoặc Con đầm pích thực sự là một kiệt tác của anh”. Trong vở opera, Tchaikovsky đã sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật leitfmotif khiến tác phẩm được coi là đại diện cho chủ nghĩa tượng trưng của Nga. Nhà phê bình âm nhạc người Mỹ Simon Morrison đã gọi Con đầm pích là vở opera Biểu tượng đầu tiên của Nga.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
metopera.org
opera-inside.com
tchaikovsky-research.net