Hồ Thiên nga là vở ballet đầu tiên và cũng là vở ballet nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc Nga Peter Ilyich Tchaikovsky. Mặc dù vở ballet này có nhiều phiên bản nhưng phần lớn các đoàn ballet đều dàn dựng dựa trên phiên bản âm nhạc và biên đạo của Marius Petipa và Lev Ivanov, công diễn lần đầu vào ngày 15/1/1895 tại Nhà hát Mariinsky ở St. Petersburg, Nga. Trong phiên bản này, phần âm nhạc của Tchaikovsky được nhà soạn nhạc Riccardo Drigo, nhạc trưởng chính của Nhà hát Hoàng gia St. Petersburg, sửa đổi.

Libretto Hồ Thiên nga của Modest Ilich Tchaikovsky

Màn I

Cảnh I. Công viên trước lâu đài.
Benno và các bạn chờ hoàng tử Siegfried để chung vui trong ngày lễ thành niên của chàng. Hoàng tử tới cùng với thái sư Wolfgang. Cuộc vui bắt đầu. Các thôn nữ và nam thanh niên tặng quà cho hoàng tử, chúc mừng chàng. Hoàng tử rót rượu thưởng các nam thanh niên, còn các thiếu nữ được nhận các dải băng. Thái sư Wolfgang chuếnh choáng say, điều khiển người hầu thực hiện các ý muốn của hoàng tử. Nông dân nhảy múa.
Cảnh II. Người hầu xuất hiện, báo tin về chuyến thăm của nữ hoàng. Cuộc vui chung chùng xuống. Các điệu nhảy ngừng lại. Người hầu vội vã dọn dẹp, xoá dấu vết cuộc vui. Đám thanh niên và thái sư Wolfgang cố gắng tỏ ra tỉnh táo. Nữ hoàng bước vào cùng đoàn tuỳ tùng. Hoàng tử ra đón mẹ. Bà âu yếm trách móc con đã giấu mẹ việc vui chơi chè chén ở đây, bởi vì bà đã biết cả. Bà tới không phải để phá cuộc vui, mà chỉ để nhắc cho hoàng tử nhớ rằng hôm nay đã là ngày cuối cùng chàng được tận hưởng cuộc sống độc thân, ngày mai chàng sẽ phải chọn cho mình một cô dâu. Hoàng tử hỏi mẹ về người vợ tương lai của mình và được nữ hoàng cho biết chàng sẽ phải tự chọn trong số các công chúa được bà mời đến lễ hội ngày mai. Nữ hoàng rời sân khấu sau khi cho phép cuộc vui được tiếp tục.
Cảnh III. Hoàng tử trầm ngâm suy nghĩ, và buồn khi phải chia tay với cuộc sống độc thân. Benno an ủi chàng, rằng đừng để tương lai làm hỏng cuộc vui trong hiện tại. Siegfried ra hiệu để mọi người tiếp tục vui chơi. Cuộc vui và chè chén tiếp tục. Thái sư Wolfgang khiến mọi người cười phá lên vì ông đã say hoàn toàn và nhảy múa rất ngộ nghĩnh.
Cảnh IV. Chiều xuống. Điệu nhảy giã từ, cuộc vui kết thúc.
Cảnh V. Đàn thiên nga trắng xuất hiện bay ngang sân khấu. Đám thanh niên không muốn ngủ và sự xuất hiện của đàn thiên nga khiến họ muốn kết thúc ngày vui bằng một cuộc săn. Benno biết đàn thiên nga bay đi đâu để trú đêm. Để lại thái sư Wolfgang đã say khướt, hoàng tử cùng Benno và đám thanh niên lên đường đi săn.
 

Màn II.

Một địa điểm hoang vu. Phía xa là mặt hồ. Bên phải, trên bờ hồ là một toà lâu đài đổ nát. Trăng sáng.
Cảnh I. Đàn thiên nga trắng bơi trên mặt hồ. Thiên nga đầu đàn mang một vương miện trên đầu.
Cảnh II. Benno cùng một số thanh niên xuất hiện. Nhìn thấy đàn thiên nga, họ định bắn nhưng chúng đã biến mất. Benno còn lại một mình sau khi đã cho đám thanh niên đi báo cho hoàng tử biết họ đã tìm thấy đàn thiên nga. Đàn thiên nga biến thành các cô gái trẻ đẹp, vây lấy Benno và chàng thanh niên bất lực không thể chống lại sự quyến rũ của các cô gái. Hoàng tử cùng đám thanh niên xuất hiện. Đàn thiên nga lùi ra sau. Đám thanh niên muốn nổ súng, nhưng đúng lúc đó lâu đài cổ toả sáng và Odetta xuất hiện, xin họ ngừng tay.
Cảnh III. Siegfried choáng váng vì sắc đẹp của nàng, cấm các bạn mình bắn. Odetta cảm ơn chàng và kể cho chàng nghe nàng và các bạn gái hiện phải chịu phù phép của phù thuỷ độc ác. Ban ngày họ biến thành thiên nga, chỉ đêm về bên lâu đài này được trở lại hình người. Phù thuỷ độc ác mang hình dạng một con cú canh giữ họ. Pháp thuật chỉ được giải khi có ai đó dành tình yêu chung thuỷ cho Odetta, thề suốt đời không yêu người con gái nào khác. Siegfried nghe câu chuyện của nàng. Cú bay đến, biến thành phù thuỷ độc ác, ngồi trong lâu đài và nghe trộm câu chuyện của hai người rồi biến mất. Siegfried hoảng hốt vì ý nghĩ chàng có thể đã vô tình giết Odetta khi nàng là một con thiên nga. Hoàng tử bẻ gẫy cây cung của mình. Odetta an ủi chàng.
Cảnh IV. Odetta cùng các bạn gái nhảy múa để hoàng tử quên nỗi buồn. Siegfried bị sắc đẹp của nàng cuốn hút, quyết tâm cứu nàng. Chàng chưa hề thề yêu ai, bởi vậy lời thề của chàng có thể giải được lời nguyền của lão phù thuỷ. Chàng sẽ giết lão để cứu Odetta cùng các bạn gái của nàng. Odetta cho chàng biết lão phù thuỷ chỉ có thể chết nếu như có một ai đó đủ dũng cảm chết vì tình yêu dành cho nàng. Zigfrid nói chàng sẵn lòng làm việc đó, cái chết vì nàng mang lại cho chàng niềm vui. Odetta tin tưởng vào tình yêu của hoàng tử. Nhưng ngày mai sẽ là ngày trong lâu đài của nữ hoàng mẹ chàng tổ chức vũ hội, tất cả các cô gái đẹp được mời đến dự và chàng phải chọn một trong số họ một người làm vợ. Zigfrid nói chỉ khi nào Odetta xuất hiện chàng mới trở thành vị hôn phu. Nhưng cô gái bất hạnh cho biết đó là thời gian nàng vẫn còn phải mang hình hài thiên nga và chỉ có thể bay quanh lâu đài. Hoàng tử thề sẽ không bao giờ phản bội nàng. Odetta cảm động vì sự thành thật của hoàng tử, nhận lời thề của chàng, nhưng cũng báo cho chàng biết lão phù thủy độc ác sẽ làm mọi việc để cướp lời thề của chàng cho một người con gái khác. Siegfried thề không một phép thuật nào khiến chàng thay lòng đổi dạ với Odetta.
Cảnh V. Bình minh. Odetta chia tay với người yêu và cùng với các bạn gái biến mất. Trời sáng rõ, trên mặt hồ hiện ra một đàn thiên nga. Một con cú lớn vỗ cánh nặng nề bay phía trên mặt hồ.
 
Màn III. Một căn phòng lộng lẫy. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho vũ hội.
Cảnh I. Lễ quan ra lệnh cho người hầu làm nốt những công việc chuẩn bị sau cùng. Ông ta đón và xếp chỗ cho các vị khách. Nữ hoàng và hoàng tử Zigfrid xuất hiện cùng với đoàn tuỳ tùng. Các cô gái cùng với cha mẹ của họ lần lượt bước vào. Điệu múa chung. Điệu múa của các cô gái.
Cảnh II. Nữ hoàng dò hỏi con trai đã thấy cô gái nào vừa mắt chưa. Chàng nói tất cả các cô đều đáng yêu, nhưng chàng vẫn chưa thấy cô gái mà chàng phải hẹn thề chung thuỷ suốt đời.
Cảnh III. Nhạc thông báo có những vị khách mới đến. Nhà quý tộc von Rotbart vào cùng con gái Odillia. Siegfried hết sức ngạc nhiên vì nàng quá giống Odetta và hân hoan chào mừng nàng. Odetta, vẫn mang hình hài thiên nga xuất hiện bên cửa sổ, mong bảo vệ chàng khỏi pháp thuật của phù thuỷ độc ác. Nhưng chàng, quá mê mải vì sắc đẹp của Odillia, không nhận ra bất cứ điều gì khác ngoài nàng. Các điệu nhảy lại tiếp tục.
Cảnh IV. Vậy là hoàng tử đã lựa chọn. Chàng tin tưởng rằng Odillia chính là Odetta của chàng, nên chàng chọn Odillia làm vị hôn thê. Von Rotbart trịnh trọng cầm tay con gái trao cho hoàng tử và chàng nói lời thề nguyện vĩnh viễn yêu nàng trước tất cả mọi người. Đúng vào thời điểm đó chàng đột nhiên trông thấy Odetta bên cửa sổ. Chàng hiểu mình đã bị lừa, nhưng đã quá muộn: Lời thề đã được nói ra. Rotbart và Odillia biến mất. Odetta vĩnh viễn bị giam cầm bởi lời nguyền độc ác của mụ phù thuỷ, xuất hiện sau lưng nàng trong hình hài con cú. Tuyệt vọng, hoàng tử bỏ chạy. Mọi người bối rối.
Màn IV.
Bãi trống cạnh hồ Thiên nga. Xa xa là một lâu đài đổ nát. Các mỏm đá. Đêm.
Cảnh I. Đàn thiên nga ngóng chờ Odetta trở về. Để giấu sự lo lắng trong lòng, họ nhảy múa.
Cảnh II. Odetta xuất hiện. Đàn thiên nga vui mừng đón nàng, nhưng sự thất vọng của nàng đã khiến họ hiểu rằng Siegfried đã phản bội, không vượt qua được thử thách. Mọi hy vọng đã mất, cái ác chiến thắng, không còn gì cứu được Odetta. Nàng vĩnh viễn trở thành nô lệ của các thế lực độc ác. Nàng hiểu rằng tốt nhất là tự vẫn trong hồ để chết khi vẫn còn mang hình hài thiếu nữ, hơn là sống trong lốt thiên nga thiếu Siegfried. Các bạn gái an ủi nàng, nhưng vô ích.
Cảnh III. Hoàng tử xuất hiện. Chàng tìm kiếm Odetta để quỳ dưới chân nàng, xin nàng thứ lỗi, bởi hành động phản bội mà chàng không hề ngờ đến. Chàng chỉ yêu một mình nàng, chàng thề thốt với Odillia chẳng qua chỉ vì nhầm nàng ta là Odetta. Odetta tạm quên nỗi khổ tâm và tai hoạ của mình, nàng vui mừng đón nhận phút giây hạnh phúc.
Cảnh IV. Sự xuất hiện của phù thuỷ độc ác phá hoại phút giây hạnh phúc ngắn ngủi. Hoàng tử phải thực hiện lời hứa của mình, cưới Odillia, còn Odetta khi bình minh đến sẽ vĩnh viễn biến thành thiên nga. Cái chết trở thành sự lựa chọn tốt nhất một khi họ vẫn còn đủ thì giờ. Siegfried thề sẽ chết cùng nàng. Phù thuỷ độc ác hoảng sợ, biến mất. Chàng sẽ chết vì tình yêu cùng với Odetta. Cô gái bất hạnh lần cuối cùng ôm chặt người yêu, rồi chạy lên mỏm đá cao và sẵn sàng nhảy xuống. Phù thuỷ độc ác biến thành con cú, bay bên trên nàng, sẵn sàng để biến nàng thành thiên nga. Hoàng tử vội vã chạy theo Odetta, cùng nàng nhảy xuống hồ. Con cú ngã lăn ra chết.
Tchaikovsky với ballet Hồ Thiên nga

Khi bắt đầu viết Hồ Thiên nga thì P.I.Tchaikovsky đã là một nhà soạn nhạc nổi tiếng mặc dù vẫn còn rất trẻ. Tchaikovsky viết vở ballet đầu tiên của mình theo đơn đặt hàng của Nhà hát Lớn, một phần cũng do nhuận bút khá lớn so với thời bấy giờ – 800 rúp. Mặc dù là một người yêu thích ballet, nhưng nhạc sĩ vẫn cho rằng ballet là “không có được sự tồn tại vững chắc”. Không phải là điều đó không có cơ sở: những vở ballet hồi đó không trụ trên sân khấu được lâu, còn âm nhạc trong những vở ballet thì ngay từ đầu đã không đặt mục đích trở thành âm nhạc nghiêm túc. Và bản thân Tchaikovsky cũng có những cảm xúc khác nhau đối với âm nhạc trong những vở ballet của mình. Khi thì bỗng dưng ông gọi nhạc trong ballet là “hoàn toàn vớ vẩn”, khi thì lại tỏ ra hy vọng rằng một vài đoạn sẽ được phổ biến hơn để làm nền cho những điệu khiêu vũ dạ hội.

Nhạc sĩ đã nghĩ gì khi viết nhạc Hồ thiên nga? Có phải là về những truyện cổ tích Nga, nơi có những “cô gái đẹp như thiên nga” mà ông đã nghe thời thơ bé? Hay là nhớ lại những dòng thơ trong “Vua Saltan” của Pushkin, nhà thơ mà ông vô cùng yêu quý – ở đó con thiên nga sau khi được công tước Gvidon cứu thoát đã “bay lên trên sóng vào bờ rồi lắc mình hóa thành một cô công chúa”? Cũng có thể trước mắt ông lại hiện ra những hình ảnh của thời gian hạnh phúc khi ông đến Kamenka – điền trang của Alekxandra Ilinhichna Đavưđôva, chị mình và cùng những đứa con của bà chị đã dựng những vở kịch gia đình. Một trong số những vở kịch đó là Hồ Thiên nga và Tchaikovsky đã viết nhạc riêng cho vở kịch ấy. Chủ đề thiên nga viết từ thời bấy giờ sau này cũng xuất hiện trong vở ballet mới này.

Cũng vào thời Tchaikovsky sáng tác vở Hồ Thiên nga, ở xứ Bavaria thuộc nước Đức bây giờ có vị vua Ludvig Đệ nhị nổi tiếng lãng mạn, nổi tiếng say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Vua Ludvig Đệ nhị đã cho xây một tòa lâu đài thần tiên tuyệt đẹp gọi là lâu đài Thiên Nga, đứng trên sườn núi trông ra khu hồ cũng mang tên là hồ Thiên nga hết sức thơ mộng. Tòa lâu đài, khu hồ Thiên nga, vị vua lãng mạn đến khác thường đã gợi lên niềm cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác nên vở Hồ Thiên ngatuyệt tác, một vở ballet được xếp vào loại bi, trữ tình. Và có lẽ vì vậy Tchaikovsky đã quyết định đặt cho hoàng tử nhân vật chính của mình một cái tên Đức, dù Tchaikovsky là người Nga.

Có lẽ là tất cả các yếu tố này đều tác động đến nhà soạn nhạc – đó là trạng thái tâm hồn của ông. Và một điều khác cũng rất quan trọng đối với chúng ta – vốn là một nhà soạn nhạc giao hưởng, nên trong Hồ Thiên nga không phải là âm nhạc minh họa cho những tình tiết của libretto, mà là âm nhạc tổ chức hành động sân khấu, cuốn theo mình suy nghĩ của biên đạo múa, bắt nhà biên đạo hình thành sự phát triển các sự kiện trên sân khấu, và các hình tượng của các nhân vật, quan hệ của họ theo ý đồ của nhà soạn nhạc. Sau này Piotr Ilich nói “Ballet cũng là một bản giao hưởng”. Nhưng khi xây dựng vở ballet Hồ Thiên nga, vở ballet đầu tiên của mình, thì khi đó ông đã tư duy như thế – trong những nốt nhạc của ông mọi thứ đều liên quan với nhau, tất cả các chủ đề ngắn đều được đan xen vào thành một nút chặt mà người ta sẽ gọi đó là kịch nghệ âm nhạc.

Chỉ tiếc rằng năm 1877, khi vở ballet Hồ thiên nga được trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu Moscow thì chẳng có nhà biên đạo nào hiểu được tác giả và có thể ở ngang tầm những tư tưởng của nhà soạn nhạc. Khi đó Julius Reizinger, biên đạo múa của Nhà hát Lớn đã rất chăm chỉ, cần mẫn thử đem những giải pháp sân khấu của mình để minh họa cho kịch bản văn học do nhà soạn kịch V. Beghichev và diễn viên múa V.Geltser viết ra. Reizinger sử dụng âm nhạc như truyền thống – âm nhạc chỉ là phần nền nhịp điệu. Kết quả thử nghiệm không thành công và người ta quên lãng Hồ Thiên nga trong một thời gian khá lâu. Hồ Thiên nga chỉ thành danh, chỉ thực sự được biết đến sau khi Tchaikovsky đã qua đời gần 20 năm sau. Vào năm 1895, Hồ Thiên nga được dàn dựng lại và từ đó người ta mới cảm nhận được cái đẹp của nhạc Tchaikovsky, cái hồn lãng mạn của Hồ Thiên nga, cái dịu dàng, quyến rũ của những vũ điệu ballet.

Hồ Thiên nga sau khi Tchaikovsky qua đời

Lần sinh ra thứ hai của Hồ Thiên nga xảy ra sau đó gần 10 năm. Đó là vào năm 1893, sau khi nhà soạn nhạc vĩ đại đã qua đời – tại một buổi trình diễn âm nhạc tưởng nhớ Tchaikovsky, Lev Ivanov, một biên đạo múa Peterburg đã trình diễn cho công chúng xem hồi hai của vở ballet, hồi múa “thiên nga” trong phương án biên đạo của mình.

Lev Ivanov là một biên đạo múa khiêm tốn của nhà hát Mariinsky (nay là nhà hát opera và ballet mang tên S.Kirov), người luôn luôn là cái bóng của bậc thầy Marius Petipa lừng danh. Ivanov có trí nhớ âm nhạc hiếm thấy, những người chứng kiến kể rằng chỉ cần nghe một lần những tác phẩm âm nhạc phức tạp đi nữa thì Ivanov cũng có thể chơi lại chính xác trên piano. Nhưng khả năng “tưởng tượng tạo hình” những hình tượng âm nhạc của Ivanov còn hiếm thấy hơn nhiều. Vốn rất yêu những nhạc phẩm của Tchaikovsky, Ivanov đã cảm nhận rất sâu sắc và tinh tế thế giới cảm xúc của vở ballet này và đã sáng tạo ra một bản giao hưởng vũ đạo tương tự “những bài ca chân thành” của Tchaikovsky. Đã hơn 100 trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng “bức tranh thiên nga” do Ivanov biên đạo vẫn còn có thể nhìn thấy trong bất kỳ dàn dựng cổ điển nào của Hồ Thiên nga.

Đó là Ivanov đã nghĩ ra những cô gái trắng bị phù phép với đôi tay bắt chéo trên bộ váy ballet và mái đầu cúi thấp – ngay trong tư thế ấy người ta đã đoán ra hình bóng một con chim xếp cánh. Ivanov đã tìm ra cho các nữ diễn viên ballet dáng vẻ và sự uy nghi uyển chuyển của từng chuyển động, bắt những đôi tay hát lên thành nhạc – và ngay lập tức trước mắt mỗi khán giả xuất hiện hình tượng những bài hát buồn bã kéo dài, những dàn đồng ca trầm mặc của những nàng tiên cá rusalka, những cánh đồng vô tận và thiên nhiên giản dị của phương bắc. Và tâm hồn Nga đã được thổi vào câu chuyện của Siegfried, chàng hoàng tử Đức và nữ hoàng thiên nga với cái tên Pháp Odetta.

Marius Petipa nhận ra ngay giá trị của giải pháp tuyệt vời của Ivanov và đề nghị Ivanov cùng biên đạo dàn dựng trọn vẹn vở ballet. Petipa và nhạc trưởng Riccardo Drigo bắt đầu từ bản tổng phổ. Còn Modest Ilich em trai của nhạc sĩ đã biên tập lại libretto. Bản tổng phổ của Hồ Thiên nga thực tế cũng có khá nhiều nhược điểm, trước hết là quá dài, vì có nhiều đoạn được viết tiếp theo lời đề nghị của Julius (Ventsel) Reizinger, người đã “đảm bảo” cho thất bại của buổi trình diễn đầu tiên ở Moscow năm 1877. Bản tổng phổ do Marius Petipa và Ricardo Drigo biên tập lại đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới và đã đánh dấu bước chuyển đổi chất lượng mới của ballet.

Và Marius Petipa thì đã chấp nhận lời thách đố của “đối thủ” tài năng của mình: ông đã biên đạo những cảnh dạ vũ và hội hè của cung đình. Petipa đã để thiên nga trắng Odetta tương phản với thiên nga đen Odillia – sự mệt mỏi bi thương tương phản với sự quyến rũ mạo hiểm và sự xảo trá dịu dàng, điệu múa trầm mặc của đàn thiên nga đối lập với những đan xen phức tạp của những điệu waltz cung đình và sự náo nhiệt rực rỡ của những điệu múa Hunggary, Ba Lan, Tây Ban Nha, Neapol và điệu múa Nga. Lần đầu tiên nền ballet Nga nhận được một vai nữ do hai nhà biên đạo múa cùng sáng tạo – vai diễn kép Odetta-Odillia, vai diễn luôn luôn là ước mơ của bất kỳ nữ diễn viên ballet nào, và cũng là hòn đá thử vàng đối với những khả năng kỹ thuật và nghệ thuật của diễn viên ấy. Người đầu tiên đóng vai Odetta-Odillia trong kịch bản của Petipa-Ivanov, nữ diễn viên ballet người Ý Pierina Lenhiani là một diễn viên điêu luyện được thừa nhận. Và chính diễn viên này đã khiến công chúng phải kinh ngạc vì một màn ảo thuật trước giờ họ chưa từng thấy, màn ảo thuật mà đến tận ngày nay vẫn làm cho trí tưởng tượng của công chúng, kẻ cả những khán giả đầy kinh nghiệm lẫn những khán giả chưa hề xem ballet phải hồi hộp – 32 fuette. Nhưng chính trong Hồ Thiên nga thì Petipa đã làm cho màn ảo thuật này trở thành đặc trưng thuyết phục của hình tượng.

Motiv “kép” luôn luôn là một motiv hấp dẫn đối với các biên đạo dàn dựng vở ballet này. Một số biên đạo muốn nhấn mạnh sự mẫu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, nên chia các nhân vật ta “trắng” và “đen”, như Agrippina Vaganova và Alekxandr Gorsky đã chia vai diễn Odetta-Odillia ra cho hai diễn viên, điều này làm đơn giản đi chiều sâu triết học và tâm lý của hình tượng vốn ngay từ đầu đã có thể thấy tính hai mặt của tâm hồn.

Vai diễn Odetta-Odillia đã trở thành bước ngoặt trong tiểu sử của nhiều nữ diễn viên ballet xuất sắc. Từ bấy đến giờ tất cả các biên đạo ballet, khi thể hiện những ý tưởng của mình, thì cũng luôn luôn giữ lại những thành công tất yếu của buổi trình diễn xa xưa năm 1895 – những cảnh “thiên nga” đã nói của Ivanov, và pas de deux “đen” lừng danh của Petipa. Phiên bản biên đạo nổi tiếng của M.Petipa và L.Ivanov đã ra đời như thế và vẫn còn sống trên sân khấu đến tận ngày nay.

Hồ Thiên nga được dàn dựng ở Nhà hát Lớn không phải một lần. Trong thế kỷ XX, kịch mục của Nhà hát Lớn không thể hình dung nổi là không có Hồ Thiên nga. Một trong số người thể hiện nổi bật nhất là Alekxandr Gorsky, người đã để lại dấu ấn không phai mờ của mình trong biên đạo của Hồ Thiên nga trên sân khấu Nhà hát Lớn. Năm 1920 Gorsky mời đạo diễn kịch nổi tiếng Nhemirovich-Đanchenko làm đồng tác giả, và đạo diễn lừng danh của Nhà hát Nghệ thuật đã đưa sự tìm kiếm sự thật sân khấu vào Nhà hát Lớn. Ví dụ, sự biến đổi các cô gái thành thiên nga rồi lại từ thiên nga thành người trở nên trực quan hơn – khi thì gắn cánh vào trang phục các nữ diễn viên, khi lại tháo ra, và việc tạo hình cử động cũng được chia ra hai phần rõ ràng – “phần người” và phần “thiên nga”. Sau đó Nhà hát Lớn đưa vào kịch mục một bản dàn dựng khác, chứa đựng cả biên đạo của Petipa, Ivanov và Gorsky, còn hồi 4 thì được Asaf Messerer biên đạo lại mới hoàn toàn.

Còn Iuri Grigorovich lại bắt tay vào dàn dựng Hồ Thiên nga vì tình thế bắt buộc. Năm 1968 đoàn ballet của Nhà hát Lớn dự định đi lưu diễn ở Anh. Trong chương trình biểu diễn có cả Hồ Thiên nga, nhưng vở ballet từ năm 1956 tới lúc đó không được cập nhật nên trông đã có vẻ lỗi thời. Kết quả là thay cho quá trình cập nhật thông thường thì một quá trình sáng tạo thật sự đã xảy ra. Cùng với người cộng sự ăn ý – họa sĩ phục trang Simon Virsaladze, Grigorovich đã đưa ra một quan niệm mới của vở ballet này. Hầu như toàn bộ biên đạo ballet được làm mới hoàn toàn, mặc dù tất cả những gì tốt nhất của Gorsky, Petipa đều được giữ lại, còn hồi 2 – hồi “thiên nga” của Ivanov thì được Grigorovich bỏ bớt đi những gì được các biên đạo tiếp theo thêm vào. Và Grigorovich đã chối bỏ hoàn toàn sự tìm kiếm sự thật cổ tích trên sân khấu (những con thiên nga bằng giấy các tông rời bỏ mặt hồ không trở lại nữa).

Trong libretto cũng không còn tên của Rotbart – lão phù thủy đã phù phép Odetta. Rotbart trở thành Ác thần, và có ngôn ngữ múa (trước đó Rotbart chỉ “nói” bằng ngôn ngữ kịch câm) và trở thành một trong những nhân vật chính của vở ballet một cách không chính thức, để cho người xem có thể hình dung về vai trò đen tối theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là bản thân số phận cám dỗ chàng hoàng tử vẫn còn chưa biết rằng giữ chung thủy với lý tưởng của mình khó đến thế nào; hay đó là chính chàng hoàng tử bị khía cạnh đen tối của tâm hồn mình lôi kéo. Và như vậy trong kịch bản đã xuất hiện hai cặp nhân vật kép: Thiên nga trắng (Odetta) – Thiên nga đen (Odillia), Hoàng tử trắng (Siegfried) và đen (Ác thần). Tính chất triết học của dàn dựng này còn được nhấn mạnh ở cách bài trí sân khấu – tổng quát đến tối đa. Những đường nét của lâu đài mờ ảo, chỉ thấy bóng gió là một tòa lâu đài theo kiểu gô tích trung đại. Hồ nước bị phù phép cũng mờ ảo và không có cây cối – phong cảnh ấy vẽ ra không phải để cho người ta ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên và hội họa sân khấu.

Tuy nhiên cảnh cuối cùng của vở ballet lại không được Bộ Văn hóa tán thành. Cơn bão lớn trên hồ đã giết cả đàn thiên nga. Ác thần mừng chiến thắng. Odetta chết. Hình tượng hoàng tử đánh mất hoàn toàn tất cả mọi lý tưởng không làm cho Ekaterina Furseva, Bộ trưởng Bộ Văn hóa hài lòng. Kết quả là họ đem vở Hồ Thiên nga cũ sang biểu diễn ở Anh, còn vở mới thì được lệnh phải chỉnh lý. Kết quả là các nhân vật chính hạnh phúc trong đoạn kết. Chỉ đến năm 2001 thì Grigorovich mới được dựng lại theo suy nghĩ ban đầu của mình.

Ngày nay Hồ Thiên nga là một trong những vở ballet nổi tiếng nhất và được khán giả yêu quý nhất. Từ sau buổi trình diễn năm 1895 thì Hồ Thiên nga đã được thừa nhận là đỉnh cao trữ tình của nhà hát ballet Nga. Có lẽ Hồ Thiên nga đã có mặt trên tất cả các sân khấu ballet của thế giới. Các thế hệ biên đạo múa của nhiều nước đã, đang và sẽ còn suy ngẫm về Hồ Thiên nga, để tìm cách đạt đến sự bí mật và chiều sâu triết học của âm nhạc Tchaikovsky. Nhưng hình ảnh con thiên nga trắng do trí tưởng tượng của nhạc sĩ vĩ đại sinh ra sẽ mãi mãi là biểu tượng của nền ballet Nga, biểu tượng của sự trong sáng, vĩ đại, của sắc đẹp quyền quý của ballet Nga. Và không phải ngẫu nhiên mà chính các nữ diễn viên ballet Nga khi đóng vai nữ hoàng thiên nga Odetta đã còn lại trong ký ức của khán giả như những huyền thoại tuyệt đẹp – Marina Semenova, Galina Ulanova, Maya Plisetskaya, Raisa Struchkhova, Natalia Bessmertnova…

Lưu Hải Hà & Nguyễn Quỳnh Hương (nhaccodien.info) tổng hợp