Nội dung
TIỂU SỬ
Alexei Sultanov đột ngột xuất hiện trong bối cảnh âm nhạc quốc tế ở tuổi 19 với thành công rực rỡ tại cuộc thi Piano quốc tế Van Cliburn lần thứ 8 vào tháng 6 năm 1989. Với vốn tiết mục biểu diễn trải dài từ các tác phẩm của Chopin tới Rachmaninov, nghệ sĩ piano cổ điển đã tiếp tục trình diễn ở nhiều thành phố trên thế giới, bao gồm Berlin, Paris, Warsaw, Moscow, Tokyo, New York, Boston, Chicago, Philadelphia và Dallas.
Ông Faizul Sultanov và bà Natalia Pogorelova sinh hạ Alexei vào ngày 7 tháng 8 năm 1969 tại Taskent, thủ đô Uzbekistan. Ở tuổi lên 3, Sultanov bắt đầu học nhạc với cha là một nghệ sĩ cello và mẹ – một nghệ sĩ violin, hai người thầy hướng dẫn âm nhạc. Khi Sultanov mới được 6 tuổi, cậu bé đã bắt đầu những bài học piano tại Tashkent với Tamara Popovich, một người thầy tuyệt vời mà sau này đã trở thành một trong những người cố vấn mà Sultanov tin tưởng nhất.
Sultanov chính thức xuất hiện trước công chúng lần đầu khi cậu 7 tuổi. Không lâu sau đó, Tamara Popovich đã sắp xếp cho cậu bé những buổi học tại Nhạc viện Tchaikovsky ở thành phố Moscow danh giá vài lần một năm. Cùng với bố hoặc mẹ, cậu đi xe lửa từ Uzbeikistan để học. Chi phí rất đắt đỏ và đòi hỏi một sự hy sinh lớn, nhưng bố mẹ cậu đã trả hết. Sultanov được nhận học và cậu rời ngôi nhà ở Tashkent rất sớm từ khi còn niên thiếu để đến học tại trường âm nhạc trung tâm Moscow năm 1980. Sultanov là học sinh của Lev Naumov tại trường âm nhạc và sau đó lại trở thành học trò của ông tại Nhạc viện Tchaikovsky, nơi cậu hoàn thành nốt chương trình học nhạc của mình.
Khi còn học ở Nhạc viện Tchaikovsky, Sultanov đã được chọn tham gia cuộc thi Piano quốc tế Van Cliburn tại Fort Worth, Texas. Là một trong 4 thí sinh đến từ nước Nga Xô Viết năm 1989, anh còn là người trẻ nhất trong số 38 nghệ sĩ piano – và nhỏ bé nhất, chỉ cao có 5 feet 2 inch. Nhưng ngay khi Sultanov biểu diễn các tác phẩm được tuyển chọn của Liszt, Prokofiev và Chopin một cách dữ dội và mãnh liệt, anh nhanh chóng được biết đến với những âm thanh lớn lao của mình. Những ngón tay anh vụt sáng trên những phím đàn, âm nhạc khi ầm ầm như sấm, khi thì thầm rên rỉ. Khi chơi, anh thường nhắm mắt lại như thể bị mê đắm bởi âm nhạc. Trong khi biểu diễn, một dây đàn bị đứt, nhưng Sultanov vẫn tiếp tục chơi. Và khi bản nhạc kết thúc, anh cúi thấp người về phía khán giả, sau đó anh lùi lại và chỉ về phía cây đàn piano, như thể để chia sẻ ánh sáng sân khấu với người bạn diễn của mình. Khán giả say sưa với sự độc đáo của anh và quyết định của ban giám khảo làm tất cả hài lòng, nhưng các nhà phê bình thì lại có những ý kiến riêng rẽ đáp lại.
Ngay sau khi chiến thắng tại cuộc thi Cliburn, Sultanov được đẩy tới vũ đài quốc tế với sự xuất hiện trong rất nhiều các chương trình tivi của Mỹ, gồm các chương trình Buổi diễn hôm nay, Buổi diễn tối nay với Johny Carson, và Câu chuyện lúc nửa đêm với David Letterman. Thậm chí những người nổi tiếng cũng muốn đến gần anh. Sau đêm anh xuất hiện trên chương trình của David Lettermen, Sultanov đã được mời diễn riêng cho Vladimir Horowitz huyền thoại. Đó là một điểm mốc đáng nhớ trong cuộc đời Sultanov.
Sau buổi gặp gỡ tại căn hộ ở New York của Horowitz, Sultanov đã có cơ hội được nói chuyện với Horowitz bằng tiếng Nga và chơi đàn với nghệ sĩ piano huyền thoại. Sultanov đã kể với ông chuyện gặp gỡ với Dace Abele, người phụ nữ trẻ mà sau này trở thành vợ anh, tại Bolshoi Hall, Nhạc viện Moscow năm 1986.
Dace Abele, một sinh viên cello người Latvia tại Nhạc viện quốc gia Tchaikovsky thành phố Moscow, mới chỉ là một cô gái 16 tuổi khi cô gặp Sultanov vào một buổi chiều. Đó là một buổi gặp gỡ định mệnh và lãng mạn. Horowitz đang chơi nhạc tại hội trường Bolshoi và một đám đông gồm 15 sinh viên muốn vào xem người nghệ sĩ vĩ đại biểu diễn, nhưng họ không có vé. Họ đã quyết định trèo lên mái tòa nhà bên cạnh và từng người một nhảy xuống phía mái dốc của sảnh hòa nhạc với hy vọng sẽ vào được bên trong. Và lần đó, trên mái của tòa nhà, Dace đã trượt chân và Sultanov đã ở đó để giữ được cô. Cô gái tất nhiên là biết về người được bảo trợ của Nhạc viện, nhưng anh thì chẳng biết gì về cô cả. Mỗi khi Sultanov đề cập về cuộc gặp gỡ của họ, ông luôn kể một câu chuyện giống nhau : “Tôi túm lấy cô gái. Tôi nhìn cô ấy và thấy không tệ – thế là tôi cứu cô ấy.” Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu cho cả hai người. Từ lúc đó, cả hai dường như đã được định đoạt ở bên nhau. Ngày 31 tháng 10 năm 1991, họ tổ chức một đám cưới giản dị tại Ft. Worth, Texas.
Sultanov bắt đầu chuyến lưu diễn chóng mặt với 200 buổi hòa nhạc sau cuộc thi Cliburn và nó kéo dài tới 2 năm tiếp theo. Đó là các cuộc hội họp âm nhạc và chương trình biểu dễn, các buổi nói chuyện và tiệc tùng. Hòa nhã và gây tò mò, Sultanov thiếu sự tự tin về mặt xã hội để “làm việc trong phòng”, nhưng những người bảo trợ đã bị anh thu hút và một vài người thì thầm rằng anh là một kho báu có một không hai – một nghệ sĩ trẻ hấp dẫn, có đồng thời cả sự đam mê và tính thị trường.
Đến năm 1993 sau khi hoàn thành các buổi hòa nhạc được sắp xếp sau cuộc thi Cliburn, Sultanov lao vào những buổi hòa nhạc của mình với sự quản lý độc lập. Giống như phần lớn những nghệ sĩ piano hòa nhạc, sự nghiệp của ông chuyển sang một nhịp độ luôn thay đổi. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã thu âm 8 đĩa nhạc. Tại nước Mỹ, ông có một số lượng người hâm mộ nhỏ, nhưng vững chắc, và những buổi biểu diễn mê đắm của ông đã xây dựng nên một nhóm người ủng hộ lớn và háo hức tại Ba Lan và Nhật Bản.
Tháng 10 năm 1995, Sultanov chiến thắng ở một cuộc thi khác – Cuộc thi Piano quốc tế Frédéric Chopin tổ chức tại Warsaw Ba Lan. Những nhà phê bình đã viết : “Sultanov đã chơi âm nhạc của Chopin với phong cách của những nghệ sĩ cổ điển lớn, một phong cách mà thính giả đã không còn được nghe từ nửa thế kỉ trước”. Ông còn nhận được giải nghệ sĩ được thính giả yêu thích.
Sultanov đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới trước đông đảo công chúng và những lời ngợi khen từ giới phê bình. Ông đã xuất hiện và biểu diễn cùng với các dàn nhạc giao hưởng Philadelphia, dàn nhạc Rochester, dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản, Royal Concerthebouw, dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia, dàn nhạc Moscow, dàn nhạc Warsaw và ông đã trình diễn cùng với rất nhiều dàn nhạc Mỹ bao gồm Pittsburgh, Detroit, Milwaukee, New Orleans, Dallas và Atlanta. Ông cũng đã có vinh dự xuất hiện tại những thủ đô âm nhạc lớn của thế giới như Berlin, New York (tại Phòng hòa nhạc Carnegie), Frankfurt, Milan (Nhà hát La Scala), Zurich, Washington D.C. (Trung tâm Kennedy), Osaka, Seoul, Taipei, Athens, Helsinki, Hamburg (Phòng hòa nhạc lớn), Nagoya và danh sách vẫn còn tiếp tục.
Tháng 2 năm 2001, chóng mặt do cảm cúm, Sultanov bị ngã và va chạm vào đầu. Một tuần sau đó, ông bước vào văn phòng chuyên khoa thần kinh và hầu như không thể nói được. Nguyên nhân là do một cục máu đông – một dạng sưng tấy – đó là một khối máu bị đóng cục ở ngoài thành mạch máu. Các bác sĩ không dám chắc tại sao nó lại hình thành, nhưng họ biết chắc rằng đó không phải là lần đầu tiên. Sau hàng giờ chuẩn đoán, Sultanov được phẫu thuật để dừng việc chảy máu trong lại, là nguyên nhân dẫn đến áp lực trong não. Ông đã tỉnh dậy mà không có dấu hiệu suy giảm nhận thức nào. Sức căng tác động lên thành mạch máu mỏng manh là nguyên nhân của cơn đột quỵ nghiêm trọng. Năm năm sau, Sultanov lại bị đau bởi một cơn đột quỵ nhỏ đã được chỉ ra trong cuộc kiểm tra chụp cắt lớp. May mắn thay, cơn đột quỵ đã không phá vỡ cuộc sống cá nhân của ông hay chương trình biểu diễn. Cơn đột quỵ này tỏ ra nghiêm trọng hơn. Sau lần đột quỵ lớn, Sultanov phải trở lại cuộc phẫu thuật, cuộc sống của ông đang rất mong manh.
Các bác sĩ phẫu thuật củaTrung tâm Y tế Chỉnh hình bang Texas tại Fort Worth đã nhanh chóng lấy khối máu đông trong não của ông, nhưng đêm đó, môt cơn xuất huyết khác đã đẩy ông đến tình trạng thậm chí còn nguy hiểm hơn. Một lần nữa các bác sĩ đã giành lấy ông trong tích tắc từ ranh giới của tử thần.
Một cách chậm chạp, với những trở ngại trong các liệu pháp chữa trị và các phương pháp đặc biệt, Sultanov bắt đầu cuộc hành trình nhằm hồi phục sức khỏe. Bằng sự cố gắng của mình, ông đã lấy lại khả năng chơi piano ở tay phải, với Dace chơi phần tay trái giúp ông. Khi Sultanov đã sẵn sàng, họ bắt đầu chơi trước công chúng, trong nhà an dưỡng, bệnh viện, các trường học và nhà thờ. Những người nghe ông chơi đàn được truyền cảm hứng bằng lòng can đảm của người đàn ông dũng cảm đã vượt qua những hạn chế của mình để thể hiện một lần nữa tình yêu đối với âm nhạc. “KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC”, câu thần chú của Sultanov và Dace, đã mang đến niềm hy vọng cho tất cả những người biết họ.
Những phần biểu diễn tuyệt vời của Sultanov trong cuộc thi Van Cliburn đã được hãng đĩa Teldec Classics thu âm trong một album 2 đĩa CD với cái tên rất thích hợp, “Những người chiến thắng”, đã được bán rộng rãi trên toàn thế giới. Phần biểu diễn của Sultanov trong cuộc thi cũng được đề cao trong bộ phim tài liệu của PBS “Nơi làm nên Âm nhạc” do Peter Rosen sản xuất và nó đã có mặt trên khắp nước Mỹ. Từ khi được phát hành lần đầu tiên, phim tài liệu về chiến thắng trong giải thưởng âm nhạc này đã được phát trên các mạng lưới truyền hình trên toàn cầu.
Với nhãn hiệu của hãng đĩa Teldec Classics, các bản thu âm của Sultanov gồm có, Concerto số 1 của Tchaikovsky và Concerto số 2 của Rachmaninov, do Maxim Shostakovich chỉ huy dàn nhạc giao hưởng London. Những thu âm độc tấu của ông gồm các tác phẩm của Chopin và các bản sonata cho đàn piano của Scriabin, Rachmaninov và Prokofiev. Hai đĩa CD trong các buổi biểu diễn trực tiếp ở Tokyo, là “Fantaisie Impromptu” (Khúc phóng túng), năm 1997 và “Sultanov plays Chopin” (Sultanov chơi nhạc Chopin), năm 1999 được hãng đĩa Arts Core Corporation phát hành.
Alexei Sultanov qua đời ngày 30 tháng 6 năm 2005 ở tuổi 35. Một nghi lễ tưởng nhớ đặc biệt về ông đã diễn ra vào ngày 6 tháng 7 năm 2005 tại thính phòng của Viện bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Fort Worth. Trong 150 người tham dự có cả Van Cliburn, Jose Feghali và Alexander Korsantia, những nghệ sĩ piano nổi tiếng trên thế giới.
Trong suốt 15 năm bên nhau, Dace Abele đã luôn mang trong tim mình lời thề nguyền trong đám cưới và ở bên cạnh Sultanov – trong hạnh phúc hay khó khăn, khi ốm đau hay khi khỏe mạnh. Hầu như hàng ngày bà đều cổ vũ ông trong mọi mặt của cuộc sống, sự nghiệp và trong những nố lực can đảm để phục hồi từ bệnh tật.
Hương Giang (nhaccodien.info) dịch
Bình luận Facebook