Hài hước là một trong phần trong phong cách sống quý phái tại thế kỷ thứ 18. Do có nhiều yêu cầu từ người xem về chủ đề này nên Bernstein đã dành riêng một chương trình về sự hài hước trong âm nhạc

Chương trình “Sự hài hước trong âm nhạc”

Biên soạn do Leonard Bernstein
Chương trình được phát sóng lần đầu trên đài CBS, ngày 28/02/1959

Leonard Bernstein:

Xin chào tất cả các cháu! Trong chương trình cuối của chúng ta nếu các cháu còn nhớ, là về âm nhạc Cổ điển, các cháu nhớ bọn chú đã chơi một bản giao hưởng của Haydn và chúng ta đã học được chút gì đó về cách mà ông ấy đã đưa sự hài hước vào trong âm nhạc của mình – hài hước là một phần của sự tao nhã và vui vẻ trong thế kỷ 18 mà chúng ta đã nói đến. Và kể từ chương trình đó đến giờ bọn chú đã nhận được rất nhiều thư và yêu cầu đề cập nhiều hơn nữa về chủ đề sự hài hước trong âm nhạc nên chú đã quyết định dành toàn bộ chương trình ngày hôm nay để nói về nó. Đó là một chủ đề thú vị, nhưng cũng là một chủ đề khó. Vậy điều gì khiến cho âm nhạc trở nên hài hước?

Đó là một câu mà dễ hỏi hơn là trả lời. Rắc rối chủ yếu dường như là vào giây phút các cháu giải thích vì sao nó hài hước, nó không còn hài hước nữa. Chẳng hạn như, lấy một câu chuyện cười, bất kỳ một câu chuyện quen thuộc nào: ví dụ câu chuyện nhạt nhẽo về chú voi đang đùa giỡn một chú chuột vì chú chuột quá bé nhỏ. Con voi nói: “Này, nhìn chú em kìa, đồ bé nhỏ, nhãi nhép kia, chú thậm chí chẳng lớn bằng cái móng chân trái anh”, và chú chuột trả lời: “Ồ nghe này, tôi đang bị ốm”.

Chà, vậy có gì hài hước trong câu chuyện này? Ý chú là nó luôn luôn gây cười; bởi vì chúng ta có thể giải thích tại sao: bởi vì câu trả lời quá bất ngờ và gây sốc. Các cháu thấy đấy, phải có sự bất ngờ và gây sốc trong mỗi trò đùa – thứ mà gọi là nút thắt, mánh lới, chọc ngoáy, trò tinh quái, trò chơi khăm, đùa giỡn; nhưng bất kể các cháu gọi nó là gì, nó phải là một sự bất ngờ, một cú sốc và điều đó khiến các cháu cười. Chẳng hạn như, ai sẽ hi vọng rằng chú chuột cố gắng bào chữa sự bé nhỏ của mình là do bị ốm? Nhưng một khi bọn chú giải thích sự thật đó, các cháu không cười nữa; chuyện cười có thể vui vẻ nhưng sự giải thích thì không. Thật không may, tất cả chúng ta đều biết có những người sẽ luôn nài nỉ kể cho các cháu một câu chuyện cười sau đó giải thích tại sao nó buồn cười. Cha của chú có thói quen khó chịu đó. Không có gì tệ hại hơn. Họ đã giết chết câu chuyện cười. Một vấn đề rắc rối khác khi cố gắng giải thích sự hài hước là đó thực sự là một chủ đề lớn – có quá nhiều kiểu hài hước khác nhau: dí dỏm, châm biếm, giễu nhại, trào phúng, khôi hài và đơn thuần là trò hề. Và tất cả những trò hài hước khác nhau đó đều có thể tìm thấy trong âm nhạc.

Nhưng có một điều rất quan trọng chúng ta phải biết về sự hài hước trong âm nhạc: nó phải hài hước vì lý do âm nhạc. Các cháu phải biết là âm nhạc không thể đùa cợt về bất kỳ thứ gì ngoại trừ chính nó; nó có thể tự đùa bỡn bản thân hoặc các bản nhạc khác nhưng nó chắc chắn không thể giễu cợt về con voi hay con chuột đó. Và khi âm nhạc hài, nó cũng hài hước giống như một trò trêu đùa: nó làm một điều gì đó gây sốc, bất ngờ, buồn cười; nó đặt hai thứ không thuộc về nhau cạnh nhau, có nghĩa là, dùng một từ khá khó hiểu, phi lý. Bây giờ đó là từ các cháu nên cố gắng học và nhớ. Không phù hợp có nghĩa là, lấy ví dụ, Alice ở xứ sở diệu kỳ, khi cô bé bị lộn xộn trong thế giới mới lạ lùng của mình và không thể nhớ đúng bất cứ điều gì và cô bất ngờ ngâm thơ:

Lấp lánh lấp lánh con dơi nhỏ

Ta tự hỏi mi đang ở đâu

Trên thế giới cao ngất này

Như khay trà trên bầu trời.

Thật phi lý. Khay trà chả liên quan gì đến bầu trời; chúng cũng không có gì liên quan đến những con dơi. Những điều phi lý là những thứ không có nghĩa; và đó là cách chúng ta nhận được những sự vớ vẩn. Sự vớ vẩn là điều đáng yêu nhất ở đó bởi vì chúng khiến ta cười, ôi trời, không gì tốt hơn là vui cười.

Tất nhiên bây giờ một số âm nhạc thực hiện trò đùa không nhất định là về âm nhạc; nhưng chúng không phải trò đùa âm nhạc. Chẳng hạn, các cháu xem phần diễu hành tuyệt vời trong vở ba lê “Nghệ sĩ flute phi thường” của nhà soạn nhạc Mỹ Walter Piston.

[Dàn nhạc: Piston – Nghệ sĩ flute phi thường]

Có điều gì vui vẻ về nó? Điều gì vui? Kể cho chú. Điều gì vui vẻ nào? Hừm? Nó rực rỡ. Đúng vậy, nhưng điều đó không làm các cháu cười; không phải bởi vì nó rực rỡ. Điều gì vui vẻ? Tại sao các cháu cười? Kể cho chú nào. Là gì? Nó ầm ĩ. Chú không nghĩ các cháu cười với Lễ bái xuân của Stravinsky và nó khá là ầm ĩ. Đó không phải là lý do. Có ai có lý do hợp lý là tại sao nó rất vui vẻ không? Kể cho chú. Nó bất ngờ? Là một thứ. Kể cho chú tại sao tác phẩm đặc biệt này lại vui vẻ. Tại sao? Sự lộn xộn? Ồ, giờ các cháu đến rất gần rồi đấy. Đó là một kiểu lộn xộn. Các cháu có thể kể cho chú tại sao không? Nó không đúng chỗ. Bây giờ các cháu đang đến với nó. Các cháu thấy, thực sự thì có hai điều là buồn cười, hai lý do khiến các cháu cười. Đầu tiên, các cháu có một dàn nhạc giao hưởng ngồi đây mô phỏng một dàn kèn đồng. Thật phi lý (lại là từ đó một lần nữa). Và lý do thứ hai thực tế là mọi người bắt đầu cổ vũ và la hét trong dàn nhạc, như khi họ làm trong một buổi diễu hành. Và điều khiến các cháu cười là mọi người la hét không như trong một buổi diễu hành; họ là những nhạc công của dàn nhạc tại một buổi hoà nhạc đang giận dữ la hét. Và đó cũng phi lý. Sự la hét đó không phải âm nhạc; vì vậy nó không buồn cười vì lý do âm nhạc. Các cháu hiểu ý chú chứ? Chú sẽ đưa cho các cháu một ví dụ khác. Điều này cũng giống như “Vũ điệu con muỗi” nhỏ bé của một nhà soạn nhạc Mỹ khác, Paul White. Có thể các cháu đã nghe nó. Nó như thế này

[Dàn nhạc: White – Vũ điệu con muỗi]

Được rồi, một tràng cười lớn về tác phầm này? Đúng không? Có cả một dàn nhạc lớn và thực tế là không một ai chơi? Ồ, đó là một lý do hợp lý. Lý do của các cháu là gì? Một cái gì lớn? Một tiếng nổ lớn. Chắc chắn rồi. Đó tất nhiên là tiếng đập cuối cùng khi con muỗi bị đập. Nếu các cháu bị thứ vo ve này bay xung quanh mình và các cháu bắt nó. Nhưng tiếng đập, một lần nữa, không phải âm nhạc. Đó là tiếng ồn, cũng không phải một tiếng ồn âm nhạc. Và điều tương tự cũng đúng trong “Người Mỹ ở Paris” của Gershwin khi các cháu nghe thấy những tiếng còi taxi này, chúng đưa cho các cháu một ý tưởng vui vẻ về thành phố Paris, với hàng triệu ô tô và taxi lao đi khắp nơi và bấm còi, nhưng chúng là một thứ tách biệt với âm nhạc: chúng là tiếng ồn. Hãy nghe cái này:

[Dàn nhạc: Gershwin – Người Mỹ ở Paris]

Các cháu hiểu ý chú chứ? Nhưng thế là đủ về những trò đùa âm nhạc không phải âm nhạc. Giờ chúng ta nhìn vào âm nhạc hài hước mà không sử dụng tiếng đập, còi xe và la hét – âm nhạc tạo ra sự hài hước của nó với những nốt nhạc, những nốt nhạc  xưa cũ thuần túy.

Cách đầu tiên và đơn giản nhất để âm nhạc có thể gây cười là bắt chước âm nhạc một cách chân phương. Đó là một trong những cách cổ xưa nhất để khiến các cháu cười – bằng cách bắt chước con người hoặc thứ gì đó. Nó như những bộ phim hài mà ai đó đóng giả những ngôi sao sao nổi tiếng: Như đóng giả Greta Grabo (Tôi muốn ở một mình) hoặc Katherine Hepburn (Ồ, thật đáng yêu, hoàn toàn đáng yêu). Nhưng cách mà âm nhạc thực hiện điều này bằng cách mô phỏng âm thanh, chúng ta đều biết âm thanh, như con muỗi, hoặc tàu hoả, xe bò, hoặc chú gà nhỏ, hoặc tiếng hắt hơi lớn. Các cháu đã bao giờ nghe một tiếng hắt hơi âm nhạc lớn mà nhà soạn nhạc người Hungary Kodaly đã viết trong tổ khúc Hary Janos của ông ấy? Toàn bộ tổ khúc bắt đầu với tiếng hắt hơi đó. Nó như thế này.

[Dàn nhạc: Kodaly – tổ khúc Hary Janos]

Đó không chỉ giống một cái hắt hơi – cái cách nó kéo dài từ từ [mô phỏng] và sau đó nổ ra – chaa! – theo 50 hướng khác nhau? Giờ đây việc bắt chước này quay trở lại với những nhà soạn nhạc trước đó, như nhà soạn nhạc Pháp xưa Rameau, người đã sáng tác tất cả các loại tác phẩm dành cho harpsichord mô phỏng tiếng chim cúc cu, gà trống và những thứ tương tự. Ở đây là một tác phẩm mà Rameau bắt chước một con gà mái đang gáy “co-co-co-co-co-co-dai”:

[Chơi: Rameau – Con gà]

Âm thanh nghe có giống một con gà không? Nhưng đó là đủ với những sự mô phỏng. Hãy đi đến trung tâm thực sự của vấn đề: sự dí dỏm. Chú chắc các cháu còn nhớ những gì lần trước chúng ta đã nói về sự dí dỏm của Haydn: cách mà ông ấy làm các cháu ngạc nhiên mọi lúc; làm thế nào ông ấy có thể vui vẻ với âm nhạc của mình thông qua những khoảng dừng đột ngột, và đột ngột ầm ĩ, đột ngột nhẹ nhàng; và làm thế nào ông ấy tạo ra sự hài hước thông qua việc sử dụng những chủ đề nhanh, hối hả đã nhắc nhở chúng ta, các cháu nhớ chứ, về một chú cún nhỏ Dachshund chạy tung hoăng khắp nhà.

Nào, tốc độ luôn luôn là một trong những điều chính của sự dí dỏm; nhanh và hài hước: đó là quy tắc của những trò đùa. Đó là lý do tại sao những bài hát của Gilbert và Sullivan với những cụm từ khó được phát âm nhanh luôn buồn cười – chúng chạy với một tốc độ không tưởng. Giống như các cháu biết điều này từ Những tên cướp biển của Penzance:

[Hát: Gilbert và Sullivan – Những tên cướp biển của Penzance].

Đầy một mồm từ. Chà, điều tương tự cũng đúng với sự hài hước của Haydn; ông ấy chỉ sử dụng tốc độ bình thường cũng có được hiệu quả hài hước tương tự.

Hôm nay bọn chú sẽ chơi cho các cháu một chương từ một bản giao hưởng khác của Haydn – chương cuối bản giao hưởng số 88 – và nó sẽ không khiến các cháu cười to, chú nghĩ các cháu sẽ hiểu ý chú khi chú gọi nó là dí dỏm. Nó là một kiểu đầy những mánh khoé, đến với các cháu rất nhanh đến nỗi các cháu hầu như không thể theo kịp chúng – luôn luôn có điều mới mẻ và khiến phải mở to mắt – như ảo thuật.

[Dàn nhạc: Haydn – Giao hưởng số 88]

Dí dỏm.

Bây giờ chúng ta đến một kiểu hài hước mới, gọi là châm biếm. Nào, giờ đây bản thân nó đã là một khái niệm khá lớn: bởi vì châm biếm bao gồm tất cả các từ như giễu nhại, châm biếm, biếm hoạ, trào phúng và kiểu như vậy. Tất cả chúng đều có nghĩa đại khái na ná nhau – chọc cười một cái gì đó bằng cách phóng đại nó hoặc tạo ra một nút thắt theo một cách nào đó.

Nhưng vẫn có sự khác biệt giữa châm biếm và những từ khác. Châm biếm đùa bỡn mọi thứ để nói điều gì đó mới mẻ và thậm chí tốt đẹp; nói cách khác, nó có mục đích thật sự của nó; nhưng giễu nhại, chẳng hạn chọc cười chỉ để làm cho vui vẻ. Thật quá khó để hiểu phải không? Chú nghĩ tất cả sẽ rõ ràng hơn khi các cháu thực sự nghe âm nhạc để thấy được sự khác biệt.

Chẳng hạn, một trong những âm nhạc châm biếm tuyệt vời nhất từng được viết ra là của nhà soạn nhạc Nga Prokofiev; bản giao hưởng Cổ điển của ông ấy. Đó là một viên ngọc hoàn hảo của một bản giao hưởng, một sự bắt chước hoàn toàn Haydn; chỉ nó mới phóng đại những điều bất ngờ, bớt chợt ầm ĩ, bất chợt nhẹ nhàng, rồi dừng lại và nghỉ, những giai điệu trang nhã và tất cả những thứ còn lại; nhưng thường xuyên có một cái gì đó rất khác thường lẻn vào – một nốt nhỏ sai, hoặc một nhịp dư thừa hoặc một nhịp thiếu hụt; nhưng sau đó nó lại đi đúng đường trở lại với một khuôn mặt bất động, như chẳng có điều gì xa lạ vừa xảy ra cả. Vì vậy, đó là sự kết hợp của tính cường điệu, điều luôn luôn buồn cười, cộng thêm những manh mối nhỏ đặc biệt của âm nhạc hiện đại luôn xuất hiện – điều phi lý trong kiểu âm nhạc thế kỷ 18 này – mà sự kết hợp sẽ khiến các cháu cười phá lên hoặc ít nhất cũng mỉm cười. Chú nghĩ đây là tác phẩm duy nhất mà bản thân chú đã phá lên cười. Chú vẫn nhớ như ngày hôm qua khi nghe nó lần đầu qua đài phát thanh khi chú 15 tuổi. Chú nhớ đã nằm bò ra sàn nhà và cười sằng sặc cho đến khi chú khóc. Chú không biết tác phẩm đó là gì. Chú chưa bao giờ nghe Prokofiev; Chú chỉ biết rằng đó là một cái gì đó rất khác thường và buồn cười và đẹp đang được chơi. Và giờ đây bọn chú sẽ chơi chương I của bản giao hưởng Cổ điển của Prokofiev, và chú không hi vọng các cháu nằm ra sàn và cười đến bật khóc. Nhưng chú rất hi vọng rằng ít nhất các cháu cũng có được chút niềm vui mà chú đã có khi 15 tuổi.

[Dàn nhạc – Prokofiev – Giao hưởng Cổ điển]

Đó là sự châm biếm thuần tuý và cũng là một tác phẩm đẹp. Đó là những gì khiến nó là châm biếm thay vì giễu nhại; nó đẹp. Một trong những cuốn tiểu thuyết châm biếm lớn của văn học có tên là Giuliver du ký, cũng là một cuốn sách hay. Nào giờ hãy nghe chương III cũng của bản giao hưởng bé nhỏ này của Prokofiev, với một điệu gavotte hấp dẫn – gavotte là một điệu nhảy thanh lịch của thế kỷ 18. Và sự châm biếm ở đây là cách mà Prokofiev thay đổi giọng điệu cho các cháu như thế này:

[Chơi – Prokofiev – Giao hưởng Cổ điển]

Trong câu đầu tiên ông đã sử dụng 3 giọng khác nhau. Hãy tưởng tượng. Và sau đó, trong câu cuối, ông thực hiện một sự chơi chữ âm nhạc. Hãy tưởng tượng nhé. Tất cả các cháu đều biết chơi chữ là gì: đó là chơi với từ ngữ – làm cho nó có hai nghĩa cùng một lúc hoặc gán cho nó một nghĩa trong khi các cháu mong đợi nghĩa khác. Như kiểu nói với bạn của các cháu: “Thỉnh thoảng gọi điện cho tớ nhé, được không” và thế là cậu bạn tháo nhẫn ra đưa cho các cháu. Đó là chơi chữ (give me a ring trong tiếng Anh vừa có nghĩa là gọi điện cho tôi nhé hoặc đưa tôi chiếc nhẫn). Đó là chơi chữ. Đó cũng là điều mà Prokofiev làm trong đoạn nhạc này.

[Chơi – Prokofiev – Giao hưởng Cổ điển]

Các cháu thấy ông ấy khiến các cháu mong đợi điều này ở đoạn cuối:

[Chơi – Prokofiev – Giao hưởng Cổ điển]

Và thay vào đó, ông lừa các cháu và làm điều này:

[Chơi – Prokofiev – Giao hưởng Cổ điển]

Nó như kiểu “Shave and a Haircut” với “two bits” ở giọng sai (“Shave and a Haircut” với “two bits” là một câu gọi và đáp gồm 7 nốt nhạc, thường dùng ở cuối buổi biểu diễn âm nhạc, nhằm mục đích tạo hiệu ứng gây cười). Các cháu thấy ông ấy sử dụng chơi chữ gọn gàng thế nào không? Bây giờ hãy nghe dàn nhạc chơi chương này và chú hi vọng các cháu sẽ thích thú trò đùa tế nhị, xinh đẹp này:

[Chơi – Prokofiev – Giao hưởng Cổ điển]

Bây giờ điệu gavotte lại mang đến từ cũ kỹ khó chịu đó, sự phi lý, bởi vì điệu gavotte cổ lỗ và những hoà âm khác thường, được chơi chữ này không đi cùng nhau; khi các cháu đặt chúng cạnh nhau, các cháu tạo ra một cặp đôi kỳ cục như Mutt và Jeff (Mutt và Jeff là 2 nhân vật chính trong bộ truyện tranh nhiều tập Mutt và Jeff được phát hành trên báo từ năm 1907 đến 1983). Nhưng có lẽ tác phẩm âm nhạc phi lý nhất từng được viết ra là của Mahler, người thực sự đã sáng tác toàn bộ một chương trong bản giao hưởng số 1 của mình từ Frere Jacques, một bài hát nổi tiếng mà tất cả chúng ta đều thích hát.

[Hát: Frere Jacques]

Chú chắc rằng mình không cần phải hát bài đó cho các cháu. Điều Mahler đã làm là chuyển nó sang giọng thứ, khiến giai điệu xinh xắn vui vẻ này bỗng nhiên trở nên buồn bã và ảm đạm, như thế này:

[Hát: Frere Jacques]

Giờ nó thật phi lý phải không? Các cháu có cho rằng mình có thể hát nó ở giọng thứ, theo cách mà chú vừa làm không? Hãy thử xem nào; xem các cháu có thể tạo ra âm thanh ảm đạm như thế nào.

[Khán giả hát: Frere Jacques]

Tuyệt, Ảm đạm hơn! Ảm đạm hơn! Khóc!

Ôi, các cháu đã khiến chú phải rơi lệ trong giây lát. Nó trở thành một giai điệu buồn. Những gì Mahler đã làm đã khiến nó trở nên buồn và ảm đạm hơn (và vì vậy phi lý hơn) bằng cách đưa nó vào một nhịp điệu hành khúc tang lễ. Rồi đưa nó đầu tiên vào một đoạn double bass độc tấu, một nhạc cụ thực sự ảm đạm và sau đó là tất cả những nhạc cụ ảm đạm nhất khác mà ông ấy có thể nghĩ đến. Và rồi, âm thanh vang lên như thế này:

[Dàn nhạc: Mahler – Giao hưởng số một]

Chú khóc rồi. Dường như rất kỳ lạ khi nói rằng một hành khúc tang lễ xưa cũ ảm đạm như vậy lại hài hước, nhưng đúng thế, bởi vì chúng ta biết rằng nó thực sự chính là người bạn vui vẻ của chúng ta, Frere Jacques, đang giấu mình trong lớp ngụy trang u ám tối tăm đó và hai thứ đặt cạnh nhau thật phi lý.

Nhưng bây giờ chúng ta bắt đầu chuyển từ châm biếm sang giễu nhại; tạo ra niềm vui trong âm nhạc chỉ để vui vẻ. Đó là cách mà biếm hoạ làm; khi các cháu nhìn thấy một bức tranh biếm về một người nổi tiếng trên báo – như tướng Eisenhower, tổng thống Eisenhower hoặc tướng de Gaulle mà ý chú muốn nói hoặc Van Cliburn – hoặc bất cứ ai, một bức tranh biếm với mọi đặc điểm của họ được phóng đại và trông tức cười – các cháu đừng cho rằng những hình ảnh đó được vẽ ra để tạo nên những bức tranh đẹp, hoặc sỉ nhục những người nổi tiếng hoặc bất kỳ mục đích nghiêm trọng nào tương tự? Chúng được tạo ra chỉ để vui vẻ và cũng như vậy với biếm hoạ trong âm nhạc. Đó là lý do khác tại sao mà các vở operetta của Gilbert và Sullivan rất vui nhộn; chúng biếm hoạ phong cách của những vở opera nghiêm túc nhưng chúng không phải opera nghiêm túc. Và tất cả những nhân vật của chúng chỉ là những nhân vật biếm hoạ ngớ ngẩn và vì vậy phong cách opera nghiêm túc của âm nhạc dường như lố bịch và hài hước

Ví dụ, các cháu theo dõi người phụ nữ lớn tuổi nói nhiều trong Mikado – các cháu biết Mikado, các cháu biết người phụ nữ có giọng trầm, khàn, mặt lưỡi cày tên là Katisha, bất ngờ bị người yêu bỏ rơi và hát một đoạn hát nói về sự tuyệt vọng và đau đớn sẽ làm các cháu cười, bởi vì cô ta đúng là diễn viên nghiệp dư già giả tạo mà các cháu không thể nghiêm túc với cô ta được, mặc dù cô ấy đang hát nhạc được cho là nghiêm túc của Mendelssohn hay Schubert hoặc bất cứ ai khác.

[Hát: Gilbert & Sullivan – đoạn hát nói của Mikado “Ôi, tôi đang sống”]

Các cháu thấy chứ? Đây là một khoảnh khắc rất bi kịch trong cuộc đời của người phụ nữ nhưng bà ta là một nhân vật biếm hoạ. Và vì vậy, khoảnh khắc trở nên hài hước thay vì bi kịch.

Bây giờ một ví dụ thực sự tuyệt vời về kiểu giễu nhại này là phần mở đầu vở opera “Hiệp sĩ hoa hồng” của Richard Strauss, mà ông ấy đang miêu tả một tình yêu say đắm nhưng theo cách hài hước. Vì vậy ông tạo ra một sự giễu nhại của âm nhạc tình yêu say đắm nổi tiếng nhất trong lịch sử – mà vốn từ vở opera “Tristan và Isolde” của Wagner. Chú chắc rằng các cháu hẳn đã nghe âm nhạc của Tristan với những chuỗi tăng lên đầy hào hứng của nó – các cháu nhớ từ này, các chuỗi từ chương trình của chúng ta về sự phát triển? Nó như thế này:

[Dàn nhạc: Wagner – Tristan và Isolde]

Bây giờ hãy lắng nghe cách mà Strauss giễu nhại lại những chuỗi tăng lên đầy phấn khích trong vở opera của ông, “Hiệp sĩ hoa hồng”.

[Dàn nhạc: Richard Strauss – Hiệp sĩ hoa hồng]

Chúng ta đã bắt đầu toàn bộ cuộc thảo luận này trên một trình độ rất cao của sự hài hước trong âm nhạc – Haydn, Prokofiev và Mahler, tất cả là những kiểu châm biếm cao nhất; và chúng ta dần dần chìm sâu hơn vào các hình thức giễu nhại và biếm hoạ. Nhưng chúng ta có thể xuống thấp hơn nữa, và đến một thứ gọi là trò khôi hài – chỉ là một trò hề đơn giản. Đây là kiểu hài hước mà một số người trong chúng ta thích nhất: những thứ thực sự nhố nhăng, như nhìn một người trượt vỏ chuối. Các cháu biết đó vẫn là những trò đùa vui vẻ nhất trong chương trình trình diễn. Tại sao phải như vậy? Tại sao chúng ta phải cười khi ai đó ngã? Ở đây chúng ta đã đến điểm trung tâm của tất cả sự hài hước: tất cả những trò đùa phải ảnh hưởng đến cái gì đó hoặc người nào đó;  ai đó phải cảm thấy đau đớn hoặc thậm chí bị phá huỷ để khiến các cháu cười – phẩm giá của một con người hoặc một ý tưởng, một lời nói hoặc bản thân sự lô gích.

Một vài thứ phải ra đi và thường là cảm giác đi trước nhất. Đó là lý do tại sao, như chúng ta nói lúc trước, chúng ta có những điều vớ vẩn. Chẳng hạn, chúng ta đến rạp xiếc, và nhìn thấy một chú hề nắm lấy lửa và tự té nước lên người. Thật buồn cười; chúng ta cho phép bản thân mình cười cậu ta bởi vì chúng ta biết đó chỉ là một cú lừa, và anh hề thực sự không có bất kỳ nguy hiểm nào. Hoặc cũng trong rạp xiếc đó, chúng ta nhìn thấy một chiếc ô tô nhỏ và rồi xuất hiện một chú hề, theo sau là một chú nữa, rồi ba chú, rồi 12 chú và còn nhiều hơn thế nữa, mãi không hết. Làm cách nào mà tất cả bọn họ đều có thể chui vào trong một chiếc xe ô tô nhỏ? Nó dường như là không thể. Chúng ta ngày càng cười lớn hơn nữa khi các chú hề cứ tiếp tục xuất hiện trên ô tô; vô cùng buồn cười; nhưng một lần nữa nó gây ra sự bất hợp lý về mặt lô gích. Nó không hề lô gích, vậy thôi, và lô gích bị phá huỷ. Đó là lý do tại sao chúng ta cười trong nhiều năm với Laurel và Hardy, Charlie Chaplin, anh em nhà Max và Three Stooges. Bởi vì họ tạo nên một mớ lộn xộn về mặt lô gích – họ phá huỷ ý nghĩa và chúng ta cười phá lên, giống như chúng ta làm với người trượt vỏ chuối.

Giờ làm thế nào để đưa yếu tố tàn phá, huỷ diệt của sự hài hước vào trong âm nhạc? Chà, các cháu có thể phá huỷ ý nghĩa trong âm nhạc cũng dễ dàng như ở trong rạp xiếc hoặc phim ảnh. Mozart đã làm điều nay nhiều, nhiều năm trước, trong tác phẩm nổi tiếng “Trò đùa âm nhạc “ của ông. Chú thắc mắc liệu các cháu có biết nó? Nó kết thúc với toàn bộ nhạc cụ chơi những nốt sai khủng khiếp như thế này:

[Dàn nhạc: Mozart – Trò đùa âm nhạc]

Bây giờ các cháu có thể ngạc nhiên; Mozart đã thực sự viết tác phẩm này. Nó hài hước nhưng phải đánh đổi lấy lô gích của âm nhạc. Chính xác là bản nhạc không nên kết thúc như vậy, trừ khi Mozart có mục đích sáng tác một tác phẩm hài hước. Kể từ trò đùa của Mozart, tất cả những nhà soạn nhạc đều làm điều tương tự. Những nốt nhạc sai, tất nhiên, là cách tốt nhất để tạo nên tiếng cười trong âm nhạc; chỉ khi chúng được viết bên cạnh những nốt đúng, để khiến âm thanh của chúng trở thành sai. Các cháu có nhớ trong chương trình gần đây nhất của chúng ta, bọn chú đã chơi “Shave and a Haircut” với “two bits” ở giọng sai. Đó là ý tưởng. Một lần nữa, đó là việc làm phi lý. Và cần một nhà soạn nhạc có óc hài hước thật sự để làm cho nó hay và khiến nó vui vẻ. Nhà soạn nhạc Nga hiện đại, Shostakovich là một bậc thầy của trò đùa nốt sai này. Để bọn chú chơi cho cac cháu một điệu polka nhỏ của ông ấy; và hãy chú ý cách ông ấy làm nó hài hước hơn bằng cách đưa những nốt nhạc ngớ ngẩn đó vào trong những nhạc cụ rất được phóng đại, như cách xuống tháp trong tuba và lên cao trong xylophone và piccolo. Nó khiến cho âm thanh của bản nhạc thậm chí còn ngớ ngẩn hơn.

[Dàn nhạc: Shostakovich: Polka từ tổ khúc Thời đại hoàng kim]

Đó là một bản nhạc ngớ ngẩn thực sự. Giờ các cháu hiểu ý chú về việc phá hoại ý nghĩa để tạo ra sự hài hước? Bây giờ đến một nhà soạn nhạc hiện đại khác, một người Mỹ tên là Aaron Copland, một lần nữa khiến chúng ta cười khúc khích qua cách ông ấy phá huỷ đi lô gích và ý nghĩa. Đây là một bản nhạc trong tổ khúc Âm nhạc cho nhà hát của ông ấy. Nó có tên, rất thích đáng, Trò khôi hài, và hãy chú ý, khi bọn chú chơi nó, cách mà ông ấy bận rộn phá hoại không phải là quá nhiều nốt đúng với những nhịp điệu đúng như Shostakovich. Bởi vì chỉ khi các cháu mong đợi âm nhạc đều đặn, đối xứng, cân bằng –  nó mất đi sự thăng bằng, kiểu như một chú hề giả vờ say rượu hoặc lỡ một bước chân, như trong một bộ phim về quân đội với Jerry Lewis cố gắng hành quân đúng nhịp. Âm nhạc của Copland liên tục rơi xuống và lại tự nâng mình lên và vào cuối cùng, nó trượt xuống lần cuối và ở lại đó, với một vẻ mặt trông rất bối rối.

[Dàn nhạc: Copland – Âm nhạc cho nhà hát: Trò khôi hài]

Đó thực sự là một trò khôi hài. Nó như một màn kịch vui nhộn ở nhà hát Paramount. Tất nhiên, phần hài hước trong bản nhạc của Copland là do những tiếng ồn trầm, thô lỗ được tạo nên từ phần trầm của dàn dây và trombone nhưng chủ yếu là bassoon. Bassoon luôn được gọi là chú hề của dàn nhạc. Chú không biết tại sao. Nó trông khá ảm đạm đối với chú. Nhưng có lẽ trường hợp nổi tiếng nhất là giai điệu được rất nhiều người biết đến trong tác phẩm Người tập sự của phù thuỷ của Dukas. Chú chắc rằng các cháu biết nó.

[Bassoon: Dukas – Người tập sự của phù thuỷ]

Không quá buồn cười, Tuy nhiên, kể từ khi giai điệu phù thuỷ đó được viết cho bassoon, các nhà soạn nhạc đã kêu gọi bassoon của họ như điên để ợ ra các câu chuyện cười bất cứ khi nào họ cần hiệu ứng hài hước trong một bản nhạc truyền hình hoặc nhạc nền cho phim. Đó là những gì tạo ra một loại nghệ thuật mới được gọi là chuột Mickey, là để âm nhạc chạy theo hành động một cách chính xác, từng bước một. Tất cả các cháu đã xem nó trong phim hoạt hình trên ti vi hoặc trong phim ảnh; như bất cứ khi nào Pluto bất ngờ đâm sầm vào một cái cây, các cháu có thể được nghe âm thanh kiểu như thế này:

[Bộ gõ và bộ đồng: âm thanh nghịch tai]

hoặc sau đó bất ngờ vịt Donald bị bắn ra khỏi đại bác, các cháu sẽ âm thanh như thế này:

[Violin: vuốt nốt nhạc]

Nhưng nó không chỉ trong âm nhạc chuột Mickey: nó cũng có trong cả phim ảnh cho người lớn nữa. Lấy ví dụ một người đàn ông cố gắng lẻn về nhà vào đêm muộn, cầm giầy của mình trên tay và gần như chắc chắn các cháu sẽ lại được nghe tiếng bassoon hài hước.

[Bassoon: Dukas – Người tập sự của phù thuỷ]

Chú chắc rằng các cháu nhận ra nó. Đó là nghệ thuật – nghệ thuật bắt chước, như bản nhạc Rameau về con gà mái bọn chú chơi lúc nãy: nhưng nó không phải thứ nghệ thuật cao siêu gì.

Chà, từ bấy đến giờ chúng ta đã chìm đắm trong sự hài hước trong âm nhạc sâu hết mức có thể, giờ hãy kéo bản thân chúng ta lên và kết thúc bằng cách chơi một bản nhạc giao hưởng hài hước tuyệt vời.Và bản nhạc tuyệt vời bọn chú sắp chơi bây giờ hoàn toàn không hài hước hoặc không được cho là hài hước. Nhưng tất cả sự hài hước không nhất thiết phải hài hước, tất nhiên; có thứ hài hước đơn giản miễn là chỉ cần có một tâm trạng tốt.

Vì vậy bản nhạc bọn chú sẽ chơi cho các cháu bây giờ không phải là một bản nhạc hài hước nhưng trong nó chứa đầy sự hài hước tốt đẹp. Đó là chương III bản giao hưởng số 4 của Brahs, là chương scherzo của bản giao hưởng. Thực tế trong tiếng Ý scherzo có nghĩa là trò đùa; nhưng trong âm nhạc nó có nghĩa là bất kỳ tác phẩm nào vui vẻ, hoặc thư thái hoặc hài hước theo cách nào đó. Có nhiều kiểu scherzo kể từ khi nó được sáng tạo ra vào thế kỷ 18. Beethoven đã thay đổi chúng và Brahms thì thay đổi những gì Beethoven đã làm. Các cháu có thể nghe scherzo ở nhịp ¾, 2/4 hoặc 6/8. Nó thường xuyên là chương III, mặc dù thỉnh thoảng là chương II. Dù sao đi nữa, bọn chú sẽ chơi cho các cháu nghe chương scherzo từ bản giao hưởng số 4 của Brahms, ở nhịp 2/4 và âm thanh của nó không giống với bất kỳ kiểu scherzo nào được viết trước đó.

Điều duy nhất khiến nó trở thành một scherzo vì nó là chương III, nó vui tươi, tràn đầy năng lượng, nó – như tất cả các scherzo luôn có – đầy ắp sự hài hước. Điều này chỉ chứng minh rằng, tất cả các kiểu hài hước trên thế giới, cũng như trong âm nhạc; và tất cả các loại hài hước không phải là một trò đùa, hoặc khiến các cháu cười. Hài hước, trong hoặc ngoài âm nhạc, có thể mạnh mẽ hoặc quan trọng như Giulliver du ký, chẳng hạn vậy. Nó có thể khiến các cháu có những cảm xúc sâu sắc, nhưng vẫn là hài hước; bởi vì nó khiến các cháu cảm thấy tốt đẹp trong lòng. Và đó là điều mà âm nhạc làm.

[Dàn nhạc – Brahms: Giao hưởng số 4]

Kết thúc.

Bản gốc bài giảng: https://leonardbernstein.com/lectures/television-scripts/young-peoples-concerts/humor-in-music

 

 

Bình luận Facebook

Facebook Comments