Thông tin chung về tác phẩm Violin Concerto số 1

Tác giả: Niccolò Paganini.
Tác phẩm: Concerto violin số 1 giọng Rê trưởng, Op. 6
Thời gian sáng tác: Cuối những năm 1810.
Độ dài: Khoảng 38 phút.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro maestoso – Tempo giusto (Rê trưởng)
Chương II – Adagio (Si thứ – Si trưởng)
Chương III – Rondo. Allegro spirituoso – Un poco più presto (Rê trưởng)
Thành phần dàn nhạc: Violin độc tấu, flute, 2 oboe, 2 clarinet, bassoon, 2 horn, 2 trumpet, trombone và dàn dây. Tuy nhiên, sau khi ấn phẩm gốc được xuất bản, Paganini còn thỉnh thoảng mở rộng thêm biên chế dàn nhạc khi thêm vào flute 2, bassoon 2, thêm 2 horn, 2 trombone (biến phần trombone có sẵn thành trombone 3), timpani, bass drum, cymbals.

Hoàn cảnh sáng tác

Chủ nghĩa Lãng mạn của thế kỷ 19 cho phép các nhà soạn nhạc tự do sáng tạo âm nhạc mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. Sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa cá nhân này đã hình thành nên một trường phái sáng tác hoàn toàn mới, các tác phẩm ra đời nhằm thể hiện trình độ kỹ thuật siêu đẳng của nghệ sĩ biểu diễn. Người đầu tiên và cũng là người xuất sắc nhất của trường phái này chính là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin huyền thoại Niccolò Paganini. Những tác phẩm dành cho violin của những nhà soạn nhạc khác là không đủ để Paganini thể hiện hết trình độ chơi đàn siêu phàm, dẫn đến việc ông đã sáng tác những tác phẩm nhằm thoả mãn khả năng biểu diễn violin của mình.

Việc xác định thời điểm cụ thể các sáng tác của Paganini luôn gặp khó khăn vì trong suốt cuộc đời, ông hiếm khi cho xuất bản các tác phẩm vì muốn giữ bí mật về kỹ thuật biểu diễn của mình trước khán giả. Tuy nhiên có thể chắc chắc thời điểm sáng tác bản Concerto violin số 1 của Paganini là vào cuối những năm 1810, khi ông có chuyến biểu diễn những thành phố dọc ven biển của Ý. Các sáng tác của Paganini không giống với bất cứ thứ gì khán giả từng nghe trước đây, khó, ma quái đến mức ngoài ông ra, không ai có thể chơi nổi. Với những người đồng hương Ý, họ có xu hướng so sánh ông với những vị anh hùng Hy Lạp cổ, như Orpheus hay Achilles chẳng hạn. Đúng như vậy, trong các tác phẩm của ông, cũng như trong chính bản Concerto violin số 1 này, cách Paganini vượt qua những thử thách kỹ thuật giống như việc Hercules dùng sức mạnh thần thánh của mình để đạt được 12 kỳ công vậy. Bên cạnh đó, cũng giống như người bạn Rossini của mình, phong cách của Paganini được miêu tả hợp lý nhất là bel canto: bản Concerto violin số 1 cũng rất đáng lưu ý về tính giai điệu, bên cạnh những đoạn nhạc đòi hỏi trình độ kỹ thuật biểu diễn.

Trên thực tế, Paganini viết bản Concerto violin số 1 này ở giọng Mi giáng trưởng, trong đó các phần của dàn nhạc được viết ở giọng gốc và violin độc tấu viết ở giọng Rê trưởng, sau đó các dây đàn sẽ được chỉnh cao độ cao hơn nửa cung để có thể phát ra âm thanh ở giọng Mi giáng trưởng (kỹ thuật này được gọi là scordatura). Tuy nhiên, biểu diễn theo cách như vậy sẽ là khó khăn hơn rất nhiều nên ngày nay, hầu hết đều biểu diễn tác phẩm ở giọng Rê trưởng.

Phân tích tác phẩm Violin Concerto số 1

Chương I dài hơn cả hai chương còn lại mở đầu với một hợp âm mạnh mẽ, sau đó là một đoạn giới thiệu dài, những hợp âm khoa trương vang lên, nhưng không có một giai điệu ấn tượng nào. Dàn nhạc tiếp tục với một giai điệu nhanh nhẹn, đóng vai trò chuyển tiếp đến khi kèn gỗ chơi một giai điệu trữ tình (trên thực tế được mở đầu với phiên bản chậm hơn của đoạn chuyển tiếp trước đó). Chủ đề này sẽ còn xuất hiện xuyên suốt chương nhạc. Âm nhạc dường như trở lại nơi mà nó bắt đầu và đúng lúc này, một hợp âm hùng vĩ, được chơi bằng toàn bộ dàn nhạc vang lên và nhân tố tưởng như đã bị quên lãng: violin độc tấu bắt đầu phần của mình với giai điệu chuyển tiếp nhưng được biến đổi với những đòi hỏi khắt khe về mặt kỹ thuật.

Violin độc tấu diễn giải và mở rộng các chất liệu âm nhạc được dàn nhạc giới thiệu trước đó, xen kẽ giữa những màn trưng trổ kỹ thuật với giai điệu du dương. Dàn nhạc tiếp nối với một biến tấu trên chủ đề chính. Âm nhạc trở nên tối hơn cho đến khi violin độc tấu xuất hiện trở lại đầy kịch tính. Đúng với phong cách của Paganini, tính chất âm nhạc mang đầy vẻ ngẫu hứng nhưng cũng không thiếu những giai điệu xao xuyến trong thời đại mà các vở opera bel canto đang bùng nổ và khẳng định vị thế. Gần cuối chương, âm nhạc bỗng nhiên tạm dừng lại đầy bí hiểm và một cadenza xuất hiện. Paganini luôn ứng tác phần này trên sân khấu và chưa bao giờ viết ra tổng phổ dẫn đến việc sẽ có nhiều cadenza do những nhà soạn nhạc hoặc nghệ sĩ biểu diễn thêm vào sau đó. Chương nhạc kết thúc khi trở lại với những nốt nhạc bắt đầu phần giới thiệu ban đầu.

Chương II bắt đầu với phần giới thiệu ngắn gọn của dàn nhạc và violin độc tấu bước vào một giai điệu đầy biểu cảm và sau đó được lặp lại ở quãng tám thấp hơn. Xuyên suốt âm nhạc của Paganini, cách chuyển quãng tám như thế này được sử dụng khá nhiều lần, để tạo ấn tượng về 2 giọng khác nhau, 1 cao, 1 thấp như trong một duet của opera. Dàn dây chơi pizzicato, bắt chước âm thanh của guitar (một nhạc cụ mà Paganini cũng rất thành thạo). Âm nhạc như một bản serenade lãng mạn. Ngay trong phần sau của chương nhạc, kỹ thuật dịch chuyển quãng tám này cũng được Paganini tái sử dụng, được ông ghi chú là “dolce” – ngọt ngào. Chương nhạc kết thúc bằng cách phát triển các mảnh ghép của chủ đề chính, được đánh dấu là “con passione” – với đam mê. Rossini đã từng nói, nếu Paganini chuyển sang viết opera “tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối”.

Chương III với âm nhạc khá vui tươi và hài hước, gợi nhắc đến các vở opera comic của Rossini, người bạn thân của Paganini. Âm nhạc mang đậm tính khiêu vũ với những đoạn chen tương phản, trong đó có một đoạn sử dụng kỹ thuật hoà âm kép (chơi cùng lúc trên 2 dây đàn), giai điệu tuyệt đẹp. Paganini khuyến khích nghệ sĩ chơi trên nhiều dây đàn cùng lúc – một kỹ thuật do ông phát minh ra. Mặc dù không có vẻ ngoài bóng bẩy, hào nhoáng, nhưng đây là một trong những đoạn khó nhất về mặt kỹ thuật trong kho tàng các tác phẩm dành cho violin. Chương nhạc rộn ràng là một tập hợp những thách thức thật sự đối với nghệ sĩ biểu diễn. Tác phẩm khép lại với một sự hứng khởi kỳ lạ.

Bản Concerto violin số 1 của Paganini đã mở ra một kỷ nguyên mới khi sự kết hợp giữa trình độ kỹ thuật biểu diễn và sự biểu cảm đã được đẩy lên một tầm cao thật sự. Chỉ những nghệ sĩ violin tài năng thật sự mới có thể tự tin biểu diễn các tác phẩm của ông trên sân khấu. Những gì mà Paganini đã làm với cây violin của mình, đến nay vẫn luôn được khao khát và ngưỡng mộ.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
houstonsymphony.org
denverphilharmonic.org