“Nâng ly vì thành Viên trong nhịp 3/4”

Biên soạn do Leonard Bernstein
Chương trình được phát sóng lần đầu trên đài CBS, ngày 25/12/1967

“Các bạn nhỏ thân yêu của tôi: Chào tất cả các cháu và chào mừng các cháu đến với một mùa với của “Chuỗi hòa nhạc dành cho người trẻ”. Vào năm 1967 này, có hai dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới cùng chào mừng kỉ niệm 125 năm thành lập. Một trong hai là dàn nhạc lừng danh Vienna Philharmonic và dàn nhạc còn lại là chúng ta. Các cháu thử tưởng tượng mà xem: 125 năm rồi! Cột mốc này đưa chúng ta quay lại năm 1842, thời điểm vượt xa khỏi kí ức của bất cứ ai còn sống. Chưa hết, năm 1842 đã ra đời hai dàn nhạc không những tồn tại đến tận bây giờ mà còn ngày càng quy mô, và khởi sắc hơn bao giờ hết.”

“Vì vậy mà các cháu thấy đấy, hai dàn nhạc chúng tôi là một cặp song sinh dàn nhạc anh-em (hay dàn nhạc chị-em gì thì tôi cũng không rõ), nhưng dù là ai đi chăng nữa, thì chúng tôi vẫn trao đổi quà sinh nhật như một lẽ tất yếu. Vài tuần trước tại phòng hòa nhạc này, dàn nhạc Vienna Philharmonic đã mở đầu bằng việc trình diễn một buổi hòa nhạc đặc biệt vì lợi nhuận cho quỹ hưu trí chúng ta; đó cũng là buổi dạ tiệc mở đầu mùa phát sóng hiện tại. Và hơn thế nữa, trong khoảng thời gian tạm nghỉ của buổi hòa nhạc họ đã tặng chúng tôi chiếc “Nhẫn Vàng Danh Dự” này như một món quà và tôi thật tự hào khi được đeo nó trong buổi hòa nhạc hôm này, như một món quà sinh nhật chúng tôi dành tặng họ. Tôi không biết các cháu có nhìn thấy không, nhưng chiếc nhẫn đó đây. Hôm nay, chúng tôi sẽ tôn vinh dàn nhạc Vienna Philharmonic bằng cách chơi nhạc của họ – nhạc của thành phố họ, thứ âm nhạc đã hình thành nên truyền thống lâu đời và quý báu của họ.”

“Chính xác thì “âm nhạc thành Viên” là gì? Chà, nó là khá nhiều thứ, nhưng tôi dám cá rằng ý tưởng đầu tiên nảy ra trong suy nghĩ của các cháu là điệu van-xơ, điệu van-xơ thành Viên, được lí tưởng hóa và phổ biến bởi Johann Strauss. Và đó cũng không phải một suy nghĩ đáng xấu hổ gì, dù thành thực mà nói, điệu van-xơ của Strauss là một loại âm nhạc đại chúng – nhạc pop thời đó – nó đọng lại trong chính mình tinh hoa của âm nhạc thành Viên: Sự ngọt ngào nhất định, hay đúng hơn là đặc trưng buồn vui lẫn lộn đến mức cả thế giới phải say mê trong âm nhạc thành Viên. dù đó là của Mozart, của Mahler hay của Alban Berg. Và khi chúng ta nghe một điệu van-xơ của Strauss, chúng ta bị mê hoặc bởi sự quyến rũ linh hoạt trong cách phân câu, tính “nghịch ngợm” nhịp nhàng trong tiết tấu, những sự ngập ngừng cùng dấu chấm ngân nho nhỏ, những phách lấy đà “ngất ngây”, và lực đẩy khó cưỡng trong nhịp điệu của nó Đó là một sáng tạo tuyệt vời, một điệu van-xơ của Strauss, nên đừng “trưởng giả học làm sang” về nó. Hãy bắt đầu tiệc mừng sinh nhật dàn nhạc Vienna của chúng ta với một sự hoan hỉ không hổ thẹn và đầy truyền cảm bằng một trong những điệu van-xơ tuyệt nhất của Strauss – Wiener Blut (Máu thành Viên)”

“Điệu van-xơ của Strauss có lẽ là những gì tinh túy nhất của tinh thần thành Viên, nhưng nghiêm túc mà nói, chúng ta phải thừa nhận rằng nó không đi sâu vào tâm hồn của người dân thành Viên. Có thể nói điệu van-xơ của Strauss đại diện thành Viên một cách chân thành, nhưng chỉ là bề nổi. Còn khi nói đến âm nhạc thành Viên dưới góc độ dàn nhạc giao hưởng – đặc biệt là đối với một dàn nhạc cao quý như Vienna Philharmonic – chúng ta phải bắt đầu nghĩ tới cả một danh sách những cái tên hoàn toàn khác. Trên thực tế, những nhà soạn nhạc vĩ đại của thành Viên hiện diện trong ba nhóm. Đầu tiên (trước thời Johann Strauss) là một nhóm gồm bốn cái tên “khổng lồ”: Mozart, Haydn, Beethoven và Schubert. Những cái tên thật khủng, và họ được ví như những vị thánh bảo trợ của thành Viên, những tổ tiên linh thiêng. Và một vài thập kỉ sau đó bắt đầu thời kì hoàng kim mới, một nhóm mới với bốn cái tên không kém phần lừng danh: Brahms, Bruckner, Mahler, và Richard Strauss. (Không liên quan tới Johann.) Và bộ tứ thần thánh này đã dẫn lối chúng ta tới ngay thế kỉ hiện tại, và tới bộ ba chấn động thế giới gần đây nhất ở thành Viên: Schoenberg, Berg, và Webern”

“Nào, đó quả thực là một danh sách những cái tên rất đáng gờm. Rõ ràng là, chúng ta không thể tìm hiểu kĩ lưỡng tất cả các nhà soạn nhạc này trong một buổi hòa nhạc nhưng chúng tôi sẽ chơi một vài “phép thần thông” của họ, và nhớ lại một trong số những khoảnh khắc rực rỡ. Tôi cũng xác định sẽ không làm điều này theo kiểu “thầy đọc – trò chép” (suy cho cùng thì đây là một bữa tiệc sinh nhật mà) mà là theo tinh thần của Johann Strauss, theo công thức kỳ diệu của thành Viên được gọi là “Drei-Viertel Takt”, có nghĩa là nhịp 3/4. Chúng ta đã bắt đầu với nhịp 3/4 trong điệu van-xơ vừa rồi. Hãy tiếp tục theo dõi để xem nó được các nhà soạn nhạc lỗi lạc sử dụng thế nào trong âm nhạc của thành Viên. Và tôi tin rằng các cháu sẽ thấy nó rất thú vị.”

“Thử lấy Mozart làm ví dụ. Dù ở thời của Mozart, người ta chưa biết điệu van-xơ là gì cả nhưng những hạt giống làm nảy nở điệu van-xơ đã bắt đầu từ thời kì đó. Những hạt giống này có hai kiểu: một là những điệu múa nông dân mộc mạc, còn được biết đến với tên gọi khác như điệu múa Đức, điệu múa đồng quê, hoặc “Ländler” — đó là một từ kỳ diệu, “Ländler” có nghĩa là từ đất, hoặc trái đất này, hoặc nông thôn. Mộc mạc. “Ländler” vẫn trường tồn với các nhịp lắc hông mà người Tyrolean và người Bavaria vẫn biểu diễn với niềm vui sướng như vậy trong những bộ phim và nhà hàng cổ kính: (Tôi chắc rằng tất cả các bạn đã xem chúng) hup-tsa-tsa, hup-tsa-tsa. Ở tốc độ nào đi chăng nữa, các cháu cũng không thể không nhận thấy rằng họ đang ở trong nhịp 3/4. 1 2 3, 1 2 3″

“Thế rồi kiểu còn lại thì hoàn toàn đối ngược kiểu thứ nhất: Đó là điệu nhảy cung đình tao nhã đậm chất quý tộc được biết đến qua thể loại “minuet”. 1 2 3, 1 2 3 Chứ không còn “hup-tsa-tsa” gì ở đây nữa. (Điệu nhảy đó) mới thật nhã nhặn làm sao. Kể ra thì Mozart đã tự ứng biến kết cấu của hình thức minuet này ra một mức độ rộng lớn, nhưng (vẫn là một người Áo yêu nước) khi ông khai thác không ít điệu “Ländler” cổ mộc mạc. Vì thế, chúng tôi sẽ chơi cho các cháu nghe một điệu Ländler rồi đến một bản minuet của Mozart, để các cháu có thể đối chiếu tìm điểm khác biệt. Điệu Ländler chúng tôi sắp biểu diễn là giai điệu nổi tiếng nhất của Mozart, với trích đoạn giữa đặc biệt cuốn hút khi có tiếng chuông xe trượt tuyết báo hiệu khung cảnh mùa đông nông thôn cùng như chuyến xe trượt tuyết. Sau đây là điệu Ländler của Mozart.”

“Okay, (điệu Ländler vừa rồi) là một khía cạnh của Mozart ở nhịp 3/4 một Mozart nhiệt thành, đời thường mà chúng ta đều thấu hiểu qua những bức thư riêng tư của ông. Nhưng ở một khía cạnh khác, sự tao nhã trong con người Mozart là ảnh hưởng tất yếu từ lối sống hoàng gia đầy cung cách và tinh tế ở thời đại của ông. Và sự kiều diễm này được phản chiếu trong toàn bộ âm nhạc của Mozart, đặc biệt là các bản minuet. Vào thời của Mozart, thường thì các bản giao hưởng đều có một bản minuet, ngay trước chương cuối cùng. Bản minuet này phải theo một hình thức nhất định: Một cấu trúc ba phần đơn giản mà trong đó, phần đầu và phần cuối khá tương tự nhau. Và phần giữa thì còn được gọi là đoạn “Tam tấu”, bởi vì ban đầu, trong các bản minute cổ, phần giữa thường được chơi bởi ba nhạc cụ độc tấu, tạo thành bản tam tấu. Điều này giờ không còn đúng nữa, nhưng cái tên “Tam tấu” thì đã “ăn sâu”, làm nên phần giữa của một bản minuet, hay một hành khúc, một điệu polka, hoặc bất cứ thể loại nào khác. Tóm lại là (bản minuet) thường có cấu trúc A-B-A rõ ràng, mà các cháu sẽ dễ dàng theo dõi khi chúng tôi biểu diễn chương Minuet “duyên dáng” sau từ Bản giao hưởng “Sao Mộc” của Mozart,”

“Có sự khác biệt đáng eke63 giữa hai điệu nhảy Minuet phải không? Giờ thì các cháu đã có một cái nhìn tổng quát về kiểu nhịp 3/4 thời điểm năm 1788 ở thành Viên. Tuy nhiên, phong cách đó không tồn tại quá lâu: Chẳng hạn như, Haydn, trong các bản giao hưởng, ông đã phối hợp hai thể loại “minuet” và “Ländler”, kết hợp với một thứ gì đó nồng nàn và mạnh mẽ hơn, nhưng vẫn là một bản minuet theo phong cách giao hưởng, hay một chương trong một bản giao hưởng. Nhưng những thay đổi lớn hơn, thậm chí còn hoang dã hơn đã dần xuất hiện cho kiểu chương Drei-viertel này. bởi sự xuất hiện của Beethoven, một nhà thám hiểm, nhà phát minh, nhà phóng đại phi thường, và là người thay đổi tất cả những thứ này. Qua đôi bàn tay điêu luyện của Beethoven, người ta gần như không còn nhận ra thể loại minuet gốc nữa vì nó đã được đẩy lên một tốc độ đáng kinh ngạc đến mức không còn được gọi là “minuet” nữa mà thay vào đó là “scherzo”, một từ tiếng Ý các cháu cũng biết, nghĩa là “trò đùa”, Điệu minuet chậm rãi 1-2-3, 1-2-3 nay đã thành 1-2-3, 1-2-3 ở một tốc độ “hoang dã” trong thể loại scherzo. Sau đây chúng tôi sẽ chơi cho các cháu nghe bản scherzo xuất sắc nhất của Beethoven, một chương trích từ Bản Giao hưởng số 7 của ông. Tôi nghĩ rằng các cháu sẽ cảm thấy khó tin khi thứ âm nhạc da diết, mạnh mẽ này lại có nguồn gốc từ điệu minuet trang nhã, cổ điển trước đó. ”

“Và bây giờ, để thêm vào “một chút hương vị vị thuần chất thành Viên” cho bữa tiệc sinh nhật của chúng ta, chúng tôi muốn dành tặng các cháu một bất ngờ thú vị: Cuộc viếng thăm của hai trong số những nghệ sĩ opera nổi tiếng nhất thế giới ngày nay, Christa Ludwig và Walter Berry. Họ đến đây là 1 đôi bởi vì họ là một cặp; họ là vợ chồng trong cuộc sống riêng tư, và tôi hi vọng họ sẽ không thấy khó chịu khi tôi gọi họ là “nhà Berries”. Và, tin tôi đi, họ thật sự là Quả Mọng (Berries). Hơn nữa, Walter Berry là một người sinh ra và lớn lên tại thành Viên, và Christa là người được nhận nuôi. Tất nhiên là họ sẽ hát âm nhạc thành Viên – còn gì nữa? – ba bài hát tuyệt vời của Gustav Mahler, và cả ba bài, một cách tự nhiên, đều ở nhịp ba. Mahler, như các cháu biết đấy, là người cuối cùng trong các nhà soạn nhạc giao hưởng vĩ đại nhất thành Viên, và các cháu có thể sẽ không kém phần ngạc nhiên khi nhận ra Mahler là người viết nhạc tài năng. Thực sự phải công nhận vậy, khi mà nhiều chương trong các bản giao hưởng của ông dựa trên các bài hát, đôi lúc còn “đúng đến từng nốt nhạc”. Việc biểu diễn nhạc của Mahler trong chương trình sinh nhật hôm nay là đặc biệt thích hợp vì ông không chỉ là một trong các nhà soạn nhạc bất hủ của thành Viên mà còn là một trong những nhạc trưởng giỏi nhất mọi thời đại, và trong vai trò chỉ huy dàn nhạc, ông là một trong những sợi dây liên kết chặt chẽ nhất giữa dàn nhạc chúng ta và người anh em cùng ngày sinh, vì ông từng giữ vị trí nhạc trưởng của mỗi dàn nhạc vào các dịp khác nhau. “Mahler” là cái tên mà chúng tôi, hai dàn nhạc giao hưởng New York và Vienna đều vô cùng tự hào.”

“Cả ba ca khúc chúng ta sắp nghe sau đây đều có nguyên bản từ một tuyển tập các bài thơ dân gian nổi tiếng của Đức được gọi là “Des Knaben Wunderhorn”, nghĩa là “Chiếc sừng thần kì của cậu bé”; chúng đều hài hước, ngọt ngào và mộc mạc – không gì tuyệt vời hơn cho điệu “Ländler” mà Mahler mang đến. Bài hát đầu tiên, có tên “Rheinlegendchen”, hay “Một truyền thuyết nhỏ về dòng sông Rhine”, là một thần thoại nhỏ kể rằng: Có cô gái nọ ném chiếc nhẫn của người yêu mình xuống dòng sông Rhine. Chiếc nhẫn này sau đó bị nuốt trôi vào bụng một con cá, sau đó bị bắt và được dâng làm bữa cho nhà vua, người tìm thấy chiếc nhẫn, rồi người yêu cô gái tìm được và trao gửi lại cô. Thế cũng là chuyện!”

“Bài hát thứ hai kể về Thánh Anthony xứ Padua, một người giảng đạo mà không có ai thèm đến nghe, nên vị đó đi giảng cho các loài cá, tất cả chúng đều “đổ xô” đến nghe ông, say mê bài giảng, và bơi đi trong niềm vui sướng, ngờ nghệch và đầy tội lỗi như khi chúng đến. Và ca khúc thứ ba, cũng là ca khúc cuối là một đoạn đối thoại nhỏ nơi vùng núi xa xôi bằng tiếng địa phương, mang tên “Verlorene Müh”, nghĩa là “Sự cố gắng vô ích”. Trên nền bối cảnh nhỏ duyên dáng này, một thiếu nữ táo bạo đang trao cho một chàng trai chất phác sự bầu bạn, đồ ăn rồi cả con tim, theo tiến trình phát triển đó, nhưng người bạn kia lại tuyệt nhiên không có ý gì khác. Và không dài dòng thêm nữa. Ca khúc đầu tiên sẽ được trình bày bởi quý cô Ludwig, ca khúc thứ hai sẽ do quý ông Berry, và ca khúc cuối thì đôi vợ chồng Berries sẽ cùng trình bày. Chúng ta rất vinh dự được chào đón họ ngay bây giờ.”

“Không còn gì tuyệt vời hơn, đối với cả hai ca sĩ và những bài hát, tôi cho là vậy. Các cháu thấy đó, mới nghe qua thì có vẻ là chương trình tệ nhất trên đời khi các tác phẩm trong chương trình đều ở nhịp ba, nhưng bằng cách nào đó, mà không ai cảm thấy chán nản. Vẫn luôn luôn có một điều gì đó đặc biệt thú vị về nhịp ba cùng các tiết tấu tương ứng, thậm chí là cả khi “lội ngược” về các thời kì sớm hơn trong lịch sử, có lẽ là bởi vì nguyên tắc ba phách một ô nhịp thật xa lạ so với các nhịp tự nhiên và cấu tạo cơ thể con người, khi cái gì cũng theo đôi: Chúng ta có hai mắt, hai tay, hai tai, hai chân; rồi chúng ta qua trái, phải, 1-2, 1-2. Mọi thứ chúng ta làm đều theo đôi. Nhưng kiểu thể loại “3/4” lại ở nhịp ba – 1,2,3 – khiến nó trở nên hay ho hơn khi người dân thành Viên thấm nhuần và tạo ra cho nó điệu nhảy đặc biệt, cảm giác phấn chấn đó – 1,2,3, 1,2,3 Một phong cách thành Viên rất riêng Và chắc chắn rồi, ví dụ điển hình nhất cho chất riêng này ẩn chứa trong các điệu van-xơ từ bản opera của Richard Strauss “Der Rosenkavalier”: Những điệu van-xơ này thực tế là quốc ca ở thành Viên, và bữa tiệc sinh nhật của chúng ta không thể trọn vẹn khi thiếu chúng.”

“Ngay sau đây – hãy cùng nâng ly trong cảm xúc vui buồn lẫn lộn này để tạm biệt người anh em yêu quý của chúng tôi, Vienna Philharmonic.”

Bản gốc bài giảng: https://leonardbernstein.com/lectures/television-scripts/young-peoples-concerts/a-toast-to-vienna