Thông tin chung

Tác giả: Wolfgang Amadeus Mozart.
Tác phẩm: Requiem giọng Rê thứ, K. 626
Thời gian sáng tác: Tác phẩm chưa được Mozart hoàn thành khi ông qua đời vào năm 1791. Franz Xaver Süssmayr đã hoàn chỉnh tác phẩm vào năm 1792. Ngoài ra trong thế kỷ 20, còn có nhiều phiên bản khác được thực hiện.
Công diễn lần đầu: Phiên bản của Franz Xaver Süssmayr được ra mắt vào ngày 2/1/1793 tại Vienna.
Độ dài: Khoảng 60 phút.
Phiên bản hoàn chỉnh của Süssmayr gồm 8 phần:
Phần I – Introitus
Requiem aeternam
Phần II – Kyrie
Phần III – Sequentia
Dies irae – Tuba mirum – Rex tremendae – Recordare – Confutatis – Lacrymosa
Phần IV – Offertorium
Domine Jesu – Hostias
Phần V – Sanctus
Phần VI – Benedictus
Phần VII – Agnus Dei
Phần VIII – Communio
Lux aeterna – Cum sanctis tuis
Thành phần dàn nhạc: 2 basset horn, 2 bassoon, 2 trumpet, 3 trombone, dàn dây và organ. Ngoài ra còn có sự tham gia của soprano, contralto, tenor, baritone lĩnh xướng và dàn hợp xướng SATB.

Hoàn cảnh ra đời

Requiem của Mozart là một trong bí ẩn phức tạp nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển, những nút thắt trong đó vẫn là nội dung của các cuộc nghiên cứu cho đến tận ngày hôm nay. Câu chuyện bắt đầu như một sự hư cấu: Vào mùa hè năm 1791, một người đưa tin đến trước cửa nhà Mozart với lời đề nghị sáng tác một bản Requiem. Mozart đã chấp thuận, nhận lấy một khoản thù lao là 225 florin, bằng khoảng một nửa so với một vở opera, với điều kiện không được cố gắng tìm hiểu danh tính người đặt hàng. Mozart được nhận trước một nửa số tiền. Mặc dù đang ốm nặng nhưng Mozart vẫn bắt đầu công việc nhưng điều đó đã đưa ông tới gần với cái chết hơn, thậm chí tin rằng mình đang tự đầu độc mình. Mozart đã thốt lên: “Tôi đang viết nhạc cho đám tang của chính mình. Tôi không được bỏ dở nó”. Mặc dù vậy, Mozart đã không thực hiện được mong muốn của mình.

Nhà soạn nhạc chưa thể toàn tâm toàn ý sáng tác Requiem bởi vì ông vẫn còn một vài dự án đang dang dở. Mozart phải đến Prague từ cuối tháng 8 để công diễn vở opera La clemenza di Tito sau đó trở về Vienna để dự lễ ra mắt Die Zauberflöte (Cây sáo thần) vào ngày 30/9. Ngoài ra, Mozart còn hoàn thành bản Concerto clarinet cho người bạn Anton Stadler của mình. Ông chỉ có thể tập trung sáng tác Requiem vào mùa thu. Đây sẽ là một tác phẩm lớn, với cấu trúc đã được quy định trước theo Thánh lễ Công giáo La Mã truyền thống dành cho người chết. Tuy nhiên, Mozart đã ngã bệnh vào khoảng ngày 20/11 và qua đời vào lúc một giờ sáng ngày 5/12 để lại bản Requiem còn dang dở. Trong quãng thời gian chống chọi với bệnh tật, Mozart vẫn cố gắng sáng tác với sự giúp đỡ của người học trò Franz Xaver Süssmayr. Ông mới chỉ hoàn thành một số phần của tác phẩm và những gì còn lại mới chỉ ở dạng phác thảo.

Constanze, người vợ goá của Mozart nhận thấy rằng tình hình tài chính đang cạn kiệt của gia đình chỉ có thể được cải thiện bằng cách hoàn thành bản Requiem của chồng mình và chuyển nó cho người đã đặt hàng. Ngày 21/12, bà đã nhờ cậy Joseph Eybler, một người mà Mozart rất quý mến. Một thời gian sau, Eybler đã gửi lại, điền thêm vào nhiều chỗ trong bản thảo nhưng từ chối soạn nhạc thêm ngoài những gì chính Mozart đã đề nghị. Constanze đã tiếp tục gặp gỡ một số người khác nhưng rồi cuối cùng phải quay về với Süssmayr, người từng giúp đỡ Mozart trong quá trình sáng tác phần đầu bản Requiem. Süssmayr sau này cho biết: “Việc hoàn thành công việc này đã được giao cho một số bậc thầy. Một số không đảm nhận được vì áp lực công việc, còn một số khác thì không muốn thoả hiệp tài năng của mình cùng Mozart. Cuối cùng thì công việc đó cũng đến với tôi”. Süssmayr đã hoàn thành tác phẩm và chuyển nó cho người đặt hàng.

Vấn đề đặt ra đối với những nhà nghiên cứu âm nhạc là có bao nhiêu phần trăm trong Requiem là hoàn toàn của Mozart và thực sự Süssmayr đã làm được những gì, và thậm chí, đã gây ra những thiệt hại gì đối với những phác thảo để lại của nhà soạn nhạc? Chỉ có phần I Introitus là đã được Mozart viết ra và phối khí đầy đủ. Đối với hầu hết các phần còn lại, ông chỉ để lại một số chất liệu thiết yếu: phần dành cho giọng hát, bè trầm của dàn nhạc, một số đoạn đã được phối khí cho dàn nhạc của phần Kyrie, 5 chương của Sequentia và 2 chương của Offertorium. Với chương Lacrymosa của phần Sequentia, Mozart mới chỉ viết 8 ô nhịp. Đó có lẽ là những nốt nhạc cuối cùng của nhà soạn nhạc. Một phác thảo được tìm thấy vào năm 1963 cho thấy Mozart dự định kết thúc Lacrymosa bằng một fugue “Amen” thay vì một đoạn nhạc đơn giản, mang tính thánh ca. Ngoài việc làm lại những gì Eybler đã thực hiện để xác định rõ hơn các hướng dẫn của Mozart, Süssmayr cho biết là ông đã đưa vào bản Requiem tất cả những gì mà mình và Constanze biết dựa trên những phác thảo còn lại mà Constanze tìm thấy (phần nhiều trong số chúng ngày nay đã thất lạc) cũng như những lời mà Mozart đã nói trước lúc lâm chung. Constanze cho biết khi Mozart nhìn thấy trước cái chết của mình, nhà soạn nhạc đã nói với Süssmayr rằng nếu tác phẩm chưa được hoàn thành, ông sẽ lặp lại phần fugue đầu tiên cho chương cuối cùng. Và đó chính xác là những gì Süssmayr đã làm.

Phân tích

Phần I Introitus được Mozart sáng tác đầy đủ nhất và là một trong những đoạn mở màn ấn tượng nhất trong số những tác phẩm của ông. Bắt đầu với 7 ô nhịp của phần giới thiệu, sau đó kèn gỗ (mở đầu là bassoon và sau đó là basset horn) giới thiệu chủ đề chính của tác phẩm trên một đối âm. Chủ đề này được lấy từ The ways of Zion do mourn, HWV 264 được Handel sáng tác từ năm 1737. Nhiều đoạn sau đó của tác phẩm cũng lấy lại giai điệu này như trong fugue của phần Kyrie hay đoạn kết của Lacrymosa. Trombone thông báo sự xuất hiện của hợp xướng, ban đầu là bè bass và sau đó các bè khác lặp lại giai điệu, đầy trang nghiêm và thành kính. Các diễn biến của dòng giai điệu, dù đi lên hay đi xuống, luôn được xen kẽ giữa hát đồng âm và đối âm, tạo nên sự hấp dẫn cho phần mở đầu này.

Kyrie được theo sau không nghỉ (attaca). Đó là một fugue hai bè. Chủ đề dựa trên “And with his stripes we are healed” từ Messiah, HWV 56 của Handel mà Mozart quen thuộc hơn với phiên bản tiếng Đức, phản đề đến từ màn hợp xướng cuối cùng của Dettingen Anthem, HWV 265. Càng về cuối, âm nhạc càng chậm hơn, mang đến một cái kết cổ xưa cho phần này.

Phần III có 6 chương nhạc.

Dies irae nổi tiếng trong âm nhạc cổ điển bắt đầu với sức mạnh của dàn nhạc và hợp xướng trên nền tremolo của dàn dây, các nốt nhạc đảo phách và hợp âm được lặp lại liên tục của kèn đồng.

Tuba mirum được Mozart ghi chú rõ ràng trong tổng phổ được mở đầu với hợp âm rải Si giáng trưởng được chơi trên tenor trombone độc tấu mà không có thêm bất kỳ một nhạc cụ nào khác. Hai ô nhịp sau đó, giọng bass xuất hiện, lặp lại giai điệu. Những nốt đen cuối cùng của giọng bass báo hiệu sự xuất hiện của giọng tenor, sau đó là soprano và contralto đầy kịch tính. Đoạn cuối chương, âm nhạc được ghi chú sotto voce (thì thầm), sau đó chuyển sang forte và rồi là piano và rồi kết thúc trong một crescendo.

Một giai điệu đi xuống với những nốt chấm dôi thông báo sự xuất hiện của chương Rex tremendae. Chương nhạc ngắn, chỉ có 22 ô nhịp nhưng rất đa dạng trong phong cách: từ cách viết homophony cho đến những đoạn hợp xướng đối âm liên tục xen kẽ nhau và kết thúc bằng một màn đồng ca hầu như không có nhạc đệm ở giọng Rê trưởng.

Với 130 ô nhịp, Recordare là chương nhạc dài nhất trong toàn bộ tác phẩm và là chương nhạc đầu tiên được viết ở nhịp ¾, có hình thức sonata. Chủ đề đầu tiên xuất hiện trên basset horn, được lấy cảm hứng từ Sinfonia giọng Rê thứ của Wilhelm Friedemann Bach, chủ đề này đã được làm phong phú thêm với một đối âm tuyệt vời từ bè cello chơi trong thang âm đi xuống và được tái hiện trong suốt chương nhạc. Chủ đề thứ hai có phần đệm là các hợp âm được lặp đi lặp lại.

Chương Confutatis có một sự tương phản mạnh mẽ về nhịp điệu và cường độ. Bè tenor và bass, trên nền bass continuo, bùng nổ mạnh mẽ trong forte với nhịp điệu chấm dôi trong khi bè soprano và alto lại xuất hiện nhẹ nhàng, sotto voce với phần đệm rải của dàn dây.

Chương Lacrymosa mở đầu với những hợp âm nhỏ nhẹ ở nhịp 12/8. Sau một khoảng nghỉ ngắn, hợp xướng nhắc lại giai điệu trước đó và rồi sau hai ô nhịp, chỉ còn lại bè soprano bước vào một đoạn crescendo. Và đây chính là những nốt nhà cuối cùng của Mozart. Ở đây, Süssmayr đã cho hợp xướng hát lại giai điệu được mô phỏng từ phần đầu Introitus.

Chương đầu tiên của phần Offertorium, Domine Jesu bắt đầu với một chủ đề nhẹ nhàng, phát triển đi lên trên một hợp âm Son thứ. Chủ đề này sau đó được biến đổi qua nhiều giọng trước khi trở về giọng chủ khi 4 ca sĩ lĩnh xướng tham gia vào một canon. Chương nhạc kết thúc ở giọng Son trưởng.

Chương Hostias mở đầu ở giọng Si giáng trưởng trong nhịp ¾. Hợp xướng chuyển đổi sắc thái liên tục giữa piano và forte. Giọng của chương nhạc cũng thay đổi liên tục, từ Si giáng trưởng đến Si giáng thứ, Pha trưởng, Rê giáng trưởng, La giáng trưởng, Pha thứ, Đô thứ, Mi giáng trưởng và khép lại chương ở ở âm át Son thứ.

Trên đây là tất cả những gì Mozart để lại. Phần tiếp theo Sanctus là phần đầu tiên hoàn toàn do Süssmayr sáng tác. Chương nhạc có một đoạn fugue ngắn ở nhịp ¾.

Phần Benedictus được xây dựng dựa trên 3 ý tưởng âm nhạc. Ý tưởng đầu tiên được trình bày trên dàn nhạc và sau đó được tiếp nối bằng bè alto và kế tiếp là soprano. Ý tưởng hai gần như đối lập, có nhịp điệu nhanh và chặt chẽ. Ý tưởng thứ ba là sự trang trọng khi bộ hơi đáp lại hợp xướng trong một sự hài hoà đáng kinh ngạc.

Homophony chiếm lĩnh phần Agnus Dei. Phần lời hát được lặp lại 3 lần, với những giai điệu bán cung và hoà thanh được đảo ngược, từ Rê thứ tới Pha trưởng, Đô trưởng và cuối cùng là Si giáng trưởng. Süssmayr chắc hẳn đã tham khảo Mass giọng Đô trưởng, K. 220 “Sparrow” của Mozart để hoàn thành phần này.

Phần cuối cùng Communio được Süssmayr chép lại từ 2 phần đầu tiên của Requiem này, gần như chính xác đến từng nốt nhạc, với phần lời hát lấy theo đúng sách phụng vụ thánh lễ.

Kể từ khi tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1800, Requiem với phần hoàn thiện của Süssmayr đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Trong nhiều năm, một số học giả đã cố gắng loại Süssmayr ra khỏi Mozart, đề xuất cách đọc bản nhạc của riêng họ. Không hề đơn giản nếu muốn đọc phiên bản gốc của tác phẩm; nó không thể chơi được với những gì Mozart đã để lại và cần một người khác mang đến cho bản nhạc sự sống. Trên thực tế, phiên bản Mozart-Süssmayr cho đến ngày nay vẫn được coi là phiên bản tiêu chuẩn, được cho là chân thực nhất, thường xuyên được vang lên tại các khán phòng trên khắp thế giới vì đây chính là những gì mà Constanze đã giao cho người đặt hàng, sau này được biết là bá tước Franz von Walsegg.

Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
cso.org
nyphil.org
denverphilharmonic.org