“Âm nhạc không phải là cái đẹp phù phiếm mà là hiện thực. Tôi luôn tin vào niềm vui, tin vào những điều thiêng liêng ẩn sâu hơn là vật chất bề ngoài, tin vào hạnh phúc hơn sự bất hạnh, vào cái đẹp hơn những điều khủng khiếp.” – Olivier Messiaen
 Olivier Messiaen, tên đầy đủ là Olivier Eugène Prosper Charles Messiaen, sinh ngày 10 tháng 12 năm 1908 tại Avignon, nước Pháp trong mộ gia đình có truyền thống văn hóa. Bố ông, Pierre Messiaen, là một học giả về văn học Anh còn mẹ ông, Cecile Sauvage, là một nhà thơ. Sau khi Messiaen chào đời, cả gia đình  chuyển đến sống tại Ambert nơi họ có thêm một thành viên nữa là Alain (sinh năm 1913) và ở tại đó cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất.
 Năm lên 7 tuổi, Messiaen bắt đầu tự học piano và cũng có những sáng tác đầu tiên của mình. Và 4 năm sau khi chiến tranh kết thúc gia đình ông chuyển lên Paris nơi ông theo học nhạc viện danh tiếng Paris Conservatoire. Tại đây ông học hòa âm với Jean Gallon, Noel Gallon, học đối vị và hình thức âm nhạc với Marcel Dupre, học sáng tác và phối khí với Paul Dukas.
 Ngay từ đầu Messiaen đã chịu ảnh hưởng của Debussy và Gluck. Đặc biệt là khi đọc các tổng phổ Pelleas et MellasandePrelude à l’apres-Midi d’un Faune; Orfeo mà thầy giáo hòa âm Jean Gallon đưa cho, ông đã rất kính phục tài năng của hai nhà soạn nhạc này. Tình yêu âm nhạc của Messiaen bộc lộ rất sớm và ông đã ý thức được định mệnh của mình là trở thành một nhà soạn nhạc. Nếu như mọi cậu bé bình thường khác thường yêu cầu cha mẹ mua đồ chơi trong lễ Giáng sinh thì Messiaen thường gợi ý cha mẹ mua những bản nhạc mà ông thích! Bất hạnh đến với Messiaen ở tuổi 19 khi người mẹ qua đời khiến ông buồn bã và kiệt quệ, ông chuyển về sống cùng gia đìng người bác ở Aube một thời gian.
 Năm 1932 ông kết hôn lần đầu tiên, vợ ông là bà Claire Delbos, một nghệ sĩ violin tài danh đồng thời cũng sáng tác nhạc. Cùng với vợ ông đã có những năm tháng hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Họ cùng nhau biểu diễn và có một cậu con trai tên là Pascal (sinh năm 1937). Messiaen có nhiều sáng tác đề tặng vợ: “Theme and Variations”; “Fantaisie cho violin và piano”; “Poemes pour Mi”. Nhưng thật không may Delbos mắc chứng bệnh liên quan đến thần kinh và phải điều trị trong bệnh viện tâm thần rồi mất năm 1959.
 Năm 1936 ông cùng các nhạc sĩ Andre Jolivet, Daniel Lesur, Yves Baudrier lập nên nhóm La Jeune France (Nước Pháp trẻ) để thúc đẩy âm nhạc đương đại tại Pháp. Trong giai đoạn này ông còn giảng dạy tại École Normale de Musique và Schola Cantorium.
 Trong thời kỳ thế chiến thứ hai (1939-1945), Pháp bị Đức chiếm đóng và Messiaen bị Phát xít Đức bắt giam vào trại tập trung ở Ba Lan.
 Sau khi được thả tự do vào năm 1941, ông về làm giáo viên tại ngôi trường cũ của mình. Tại đây ông dạy lý thuyết âm nhạc, phân tích tác phẩm, mỹ học, tiết tấu và đến năm 1966 thì chính thức được phong làm giáo sư của trường. Tại nhạc viên ông góp phần tạo nên một thế hệ các nhạc sĩ trẻ tài năng như Pierre Boulez, Karlheinz Stockhausen, Iannis Xenakis, Alexander Goehr và George Benjamin – học sinh mà ông khâm phục nhất. Không những vậy ông còn viết nhiều tiểu luận về âm nhạc, quan trọng và nổi bật nhất là cuốn “Technique de non langage musical” trình bày những tìm tòi mới về sáng tác của mình.
 Năm 1943 ông viết “Visions de l’Amen” cho 2 piano và “Vingt Regards sur l’Enfant-Jésus” cho solo piano. Cả hai tác phẩm lớn này viết dưới dạng tổ khúc được liên kết với nhau bởi các leitmotive (cách mà Wagner sử dụng trong các vở opera) và đều trở thành những  tác phẩm kinh điển của nghệ thuật trình tấu piano thế kỷ 20. Hai năm sau Messiaen lại hoàn thành một tác phẩm lớn khác là “Harawi: Chants d’amour et de mort” gồm 12 bài hát viết cho giọng soprano và piano lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Tristan and Isolde”.
 Năm 1975 Messiaen bắt tay vào viết vở opera đầy tham vọng của mình, Saint Francois d’Assise. Tác phẩm này sử dụng tất cả các kỹ thuật mà ông đã phát triển trong hơn 50 sáng tác và nó cũng là tác phẩm quy mô nhất của ông.  Messiaen sử dụng dàn nhạc với quy mô cực lớn: 22 nhạc cụ bộ gỗ, 16 nhạc cụ bộ đồng, 68 nhạc cụ bộ dây và bộ gõ rất đa dạng gồm xylophone, xylorimba, marimba, glockenspiel, vibraphone, tubular bell, claves, wind machine, snare drum, triangle, temple block, wood block, cymbal, gong, tam tam… kết hợp với 5  diễn viên và một dàn đồng ca lên tới 150 người. Tác phẩm này ông phải mất tới 8 năm để hoàn thành!
 “Quatour pour la Fin du Temps” có lẽ là tác phẩm nổi tiếng và thường xuyên được biểu diễn nhất của ông. Và nó cũng được sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: tháng 6 năm 1940, Messiaen bị Đức Quốc xã bắt giam tại trại tập trung Stalag 8A, Gorlitz, Balan. Ông và tất cả tù nhân bị cái đói cái rét hành hạ. Ông có quen với môt lính canh Đức mà nhờ đó có được  giấy, bút chì cũng như tẩy để sáng tác “Quatour pour la Fin du Temps”. Thế là cùng với các bạn mình là Jean Le Boulaire chơi violin, Etienne Pasquier chơi cello, Henri Akoka chơi clarinet và Messiaen với cây piano tàn tạ, họ đã có buổi biểu diễn ngay trong trại giam của Đức trước sự ngạc nhiên của các bạn tù cũng như lính canh.
 Lần đầu tiên Olivier Messiaen tiếp xúc với cây đàn organ là vào mùa thu năm 1927 khi ông theo học với Dupré. Người thầy này kể rằng mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy cây organ nhưng chỉ sau hơn một tuần Messiaen đã có thể chơi “Fantasia in C minor” một cách ấn tượng! Từ năm 1927 ông thường xuyên chơi organ cho nhà thờ  Église de la Sainte-Trinité tại Paris và đến năm 1929 khi nghệ sĩ organ chính của nhà thờ là Charles Quef mất vào năm 1931, Olivier Messiaen được chỉ định thay thế và đảm nhiệm cương vị này trong hơn 60 năm. Không những là một nghệ sĩ organ nổi tiếng, ông còn sáng tác khá nhiều tác phẩm cho nhạc cụ này, thậm chí nhiều người còn cho rằng ông là nhà soạn nhạc viết cho organ tuyệt vời nhất kể từ thời của Bach.
 Một trong những cách tân trong kỹ thuật sáng tác là phát triển ngôn ngữ 12 âm lên một tầm mới, nhiều người gọi đó là “Total serialism” và nhiều học trò của ông sau này vẫn tiếp tục theo đuổi như Pierre Boulez và  Karlheinz Stockhausen. Nếu như Schoenberg và các học trò của ông như Webern mới chỉ chuỗi hóa thứ tự 12 âm cromatic thì Messiaen còn chuỗi hóa cả trường độ, âm lượng và cách uốn nốt. Ví dụ như nếu nốt C1 có trường độ là nốt móc kép, chơi với âm lượng forte và chơi staccato thì tất cả các nốt C1 sau đó trong tác phẩm đều giữ nguyên tính chất như vậy. Nhưng bản thân  Messiaen thấy sự  hạn chế của ngôn ngữ 12 âm nên sau này ông thường kết hợp thêm cả âm nhạc chủ điệu và ông thường nói “âm nhạc phải làm người nghe rung động mới quan trọng”. Một trong những sáng tác có sự kết hợp này là  “Turangalîla-Symphonie”, tác phẩm được viết từ năm 1946 đến 1948 theo yêu cầu của Serge Koussevitzky để tặng  Boston Symphony Orchestra. Tác phẩm này được biểu diễn lần đầu tại Chicago vào năm 1949 do Leonard Bernstein chỉ huy và ngày nay nó được coi  là một trong những tác phẩm viết cho dàn nhạc tiêu biểu của thế kỷ 20. Trước khi tác phẩm được công diễn ông đã viết cho Bernstein: “Tôi đã 41 tuổi và đặt  vào bản nhạc này tất cả sức mạnh của tình yêu, hy vọng cũng như những tìm tòi của mình. Nhưng tôi biết anh là một thiên tài và anh sẽ chỉ huy như những  gì tôi kỳ vọng”.
 Âm thanh tự nhiên đóng một vai trò quan trọng trong âm nhạc của Messiaen và ông luôn coi thiên nhiên là “người thầy vĩ đại nhất”. Qua khảo sát âm thanh của các loài chim, ông thu lượm được nhiều nét giai diệu, tiết tấu cũng như âm sắc độc đáo. Khi lên 18 tuổi ông bắt đầu sưu tập tiếng hót của các loài chim trên khắp thế giới và ký âm chúng phục vụ cho việc sáng tác sau này của mình. Sau này khi thành danh ông nhận được rất nhiều quà tặng là các bản thu âm tiếng chim hót từ bạn bè khắp nơi trên thế giới. Một tác phẩm điển hình có thể cho thấy nhạc sĩ dựa vào âm thanh của loài chim để sáng tác là “Le merle noir” viết năm 1952 cho flute và piano để chuẩn bị cho một cuộc thi tại nhạc viện Paris và điều này cũng có thể nhận thấy trong hàng loạt các sáng tác  thành công khác như “Catalogue d’oiseaux” (1958) , “La fauvette des jardins” (1971), “Quatuor pour la fin du temps” …
 Đóng góp lớn nhất về kỹ thuật sáng tác của Messiaen có lẽ là sự phong phú trong sử dụng tiết tấu. Theo ông các sự vật hay hiện tượng trong cuộc cuộc sống không diễn ra một cách đều đặn, chính vì vậy ông sử dụng rất nhiều âm hình tiết tấu độc đáo, polyrhythm (các bè với tiết tấu khác nhau), added rhythm, non- retrogradable rhythm (hay còn gọi là tiết tấu đối xứng) và cách phân chia ô nhịp không còn quá quan trọng (ametrical music) đòi hỏi trình độ biểu diễn rất cao về khả năng cảm thụ nhịp phách cũng như ứng tác. Hơn nữa, cùng với cách thức chuyển dịch hạn chế (“modes of limited transposition” – các nốt trong thang âm sắp xếp theo một trật tự mà khi chuyển dịch một số lần hạn chế nó sẽ trở về nguyên trạng thái ban đầu) khiến âm nhạc của Olivier Messiaen trở nên độc dáo riêng biệt.
 Nhắc đến Olivier Messiaen thì không thể bỏ qua Yvonne Loriod, người vợ thứ hai của ông và là một nghệ sĩ piano kiệt xuất. Yvonne Loriod học piano từ năm lên 6 tuổi với mẹ và khi 14 tuổi cô đã chơi thuộc lòng tất cả các piano concerto của Mozart (Yvonne sau này còn lập kỷ lục khi chơi 22 piano concerto của Mozart trong một tuần cùng với Lamoureux Orchestra), 32 piano sonata của Beethoven, 48 Prelude and fugue của Bach cũng như các tác phẩm chuẩn mực của các nhà soạn nhạc khác !!! Hai người gặp nhau lần đầu khi Messiaen về dạy tại nhạc viện Paris (ngày 7 tháng 5 năm 1941) và tài năng kiệt xuất của hai người khiến họ trở thành một cặp ăn ý. Yvonne là người chơi hầu như tất cả những sáng tác cho piano của Messiaen với một sự hoàn hảo trong kỹ thuật cũng như sự đồng cảm tuyệt vời và họ chính thức trở thành vợ chồng vào ngày 1 tháng 7 năm 1961. Hầu hết các tác phẩm cho piano của Messiaen đều đề tặng bà như: “Vingt Regards sur l’Enfant Jesus”, “Visions de l’Amen”, “Catalogue d’Oiseaux”, “La Fauvette des Jardins”, “Petites esquisses d’oiseaux” …
 Cuối đời ông định viết bản concerto cho bốn đàn để tặng các nghệ sĩ biểu diễn  mà ông ngưỡng mộ  pianist Yvonne Loriod, cellist Mstislav Rostropovich, oboist Heinz Holliger, flautist Catherine Cantin nhưng không kịp hoàn thành (chương cuối của bản concerto được người vợ và một học trò của ông tại nhạc viện Paris là George Benjamin hoàn thành). Olivier Messiaen ra đi vĩnh viễn vào ngày 27 tháng 4 năm 1992 tại Clichy, ngoại ô Paris.

Đỗ Minh (nhaccodien.info) tổng hợp