Lời bạt: Rất nhiều người chưa đến các nhà hát Opera bao giờ thường có chút tự ti hay ngại ngùng, rằng không biết mình xử sự có phải phép trong nhà hát không, phải mặc gì, vỗ tay ở đâu,… và điều này ít nhiều ngăn cản việc bạn có tiếp cận bộ môn nghệ thuật này một cách tự nhiên. Thực tế đúng là có một số quy tắc bất thành văn khi đến nhà hát Opera hay đến những buổi hòa nhạc cổ điển thật, nhưng không phải ở nhà hát nào cũng giống nhau, khán giả ở đâu cũng vậy và ngay từ đầu không phải nó đã nghiêm cẩn và cứng nhắc như thế. Ad có thể đưa ra một lời khuyên nhỏ là: “bạn có thể thoải mái bày tỏ cảm xúc mình, cứ tự tin thưởng thức âm nhạc theo cách riêng, nhưng một QUY TẮC DUY NHẤT – hãy cố gắng tôn trọng cảm xúc của những người khác đang cùng thưởng thức bên cạnh mình”. Nghe thì hơi mông lung, nhưng nó cũng không khác gì các quy tắc ứng xử trong một xã hội văn minh thông thường thôi, bạn có thể tự do trong thế giới của riêng bạn miễn là bạn không xâm phạm thế giới tự do của người khác. Dưới đây là bài viết của tác giả Ilana Walder-Biesanz, đăng trên trang operavivra.com do thành viên Lam Lim dịch. Hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về các nghi thức trong các buổi diễn Opera, nó đã từng như thế nào rồi trở nên ra sao, và từ đó có sự chủ động trong việc mình sẽ thể hiện thế nào khi đi xem một vở opera thực sự tại Nhà hát lớn.
——————–
Các nghi thức khi tham dự một buổi diễn opera có thể rất phức tạp. Ăn mặc chỉnh tề, nhưng chỉnh tề như thế nào lại phụ thuộc vào nhà hát, vị trí ghế của bạn và việc hôm ấy có phải là buổi mở màn hay không. Đừng vỗ tay khi màn đầu tiên của vở “Parsifal” kết thúc. Hoặc bạn sẽ phải xấu hổ. Hô “bravo” hay “brava” hay “bravi” hay “brave” phụ thuộc vào giới tính và vị trí của các ca sĩ bạn tán thưởng. “Boo” nếu bạn muốn, nhưng thường chỉ khi bạn đang ở châu Âu.

Những cái trên chưa phải điều chính yếu. Có một quy tắc vàng: im lặng. Ngồi tập trung trong khán phòng tối. Đừng nói chuyện giữa buổi diễn. Đừng ngân theo điệu nhạc. Đừng vò quyển chương trình biểu diễn. Đừng chạy ngang qua khán phòng để vào lô hay thách thức ai đó cùng thi thố giữa một bản aria.

Nhưng những quy tắc này không phải lúc nào cũng thế. Hãy tưởng tượng bạn là một người thuộc giai cấp thượng lưu Ý vào thế kỷ 18 hoặc 19. Bạn tới một buổi opera, chẳng quan tâm họ biểu diễn gì, mà chỉ đơn giản vì đây là nơi cho phép bạn giao lưu với những người khác trong tầng lớp của mình. Bạn có thể đến đây với hy vọng lọt vào mắt xanh của một quý cô hoặc quý ngài trẻ tuổi và quyến rũ. Hoặc bạn muốn tán phét về chính trị – bạn cũng có thể làm vậy giữa buổi diễn. Một ca sĩ nào đó khiến bạn thất vọng? Thoải mái bày tỏ điều đó với những người cùng lô với bạn. Khát hoặc đói? Hãy ra hiệu để gọi người bán cam hoặc đồ uống đến. Cứ việc mua và ăn – không cần phải đợi đến giờ giải lao. (Vào giữa thế kỷ 18, các nhà soạn nhạc thường cố ý sắp xếp các ca sĩ không mấy quan trọng biểu diễn bản aria đầu tiên của màn 2. Mọi người gọi đây là “aria kem hoa quả”: theo lệ thì vào thời gian này khán giả sẽ được phục vụ món kem hoa quả, và tiếng leng keng của thìa khiến tiếng nhạc rất khó nghe). Nếu vở opera khiến bạn ngán tận cổ, bạn luôn có thể qua thăm bạn bè ở lô khác hoặc thẳng tiến đến bàn đánh bạc.

Có thể cho rằng các khán giả opera Anh dường như đạo mạo hơn khán giả Ý. Samuell Sharp, một người Anh đến thăm Naples năm 1765, ghi chép lại trong nỗi bàng hoàng rằng ở nhà hát San Carlo “đám đông cười nói suốt buổi biểu diễn, không chút kiềm chế; và, có thể hình dung ra cái cảnh mà tập hợp gồm hàng trăm người nói chuyện to đến nỗi tiếng của các ca sĩ hoàn toàn bị át mất.” 85 năm sau, Mary Shelley cũng thể hiện nỗi thất vọng tương tự ở Milan: “Đáng tiếc, dù nổi tiếng cỡ nào, nhà hát La Scala, không chỉ là phòng khách chung của mọi tầng lớp ở Milan, mà các thể loại trao đổi buôn bán, từ mua bán ngựa đến giao dịch chứng khoán, cũng được thực hiện ở các ghế hạng nhì; nơi đủ xa để người ta chỉ nghe thấy vài điệu nhạc lẻ tẻ.” Trên thực tế, trong một thời gian ngắn, La Scala từng là nơi duy nhất cho phép người thành phố Milan đánh bạc.

Thính giả cũng có thể chi phối và kéo dài buổi biểu diễn. Chúng ta vẫn thường thấy những lần hát lại (encore) một bài aria nổi tiếng của một ngôi sao lớn, nhưng trong vài thế kỷ trước, thính giả có thể, và đã yêu cầu rất nhiều encore của các đoạn nhạc (cũng không có gì khó hiểu, bởi mới nghe lần đầu tiên thì cũng hơi khó nắm bắt thật). Năm 1786 ở Vienna, vở “Le nozze di Figaro” đã có 5 đoạn được yêu cầu hát lại vào đêm ra mắt đầu tiên và 7 đoạn vào đêm thứ 2 (sau đó nhà vua đã đưa ra lệnh cấm encore ở các buổi biểu diễn trong sau này để vở opera có độ dài hợp lý). Vở Otello của Verdi đã có một buổi ra mắt thành công ở Milan, thậm chí các đoạn interlude cách màn cũng được yêu cầu biểu diễn lại và có tới 20 lần curtain call (số lần ra chào hoặc thời gian khán giả vỗ tay “gọi” diễn viên ra chào cuối buổi diễn)!

Thế chuyện gì đã xảy ra với nhà hát opera trong vai trò là “phòng khách của mọi tầng lớp xã hội”? Nhiều người khiển trách Wagner vì tắt đèn giữa lúc biểu diễn. Ở nhà hát của mình tại Bayreuth, ông đã bỏ hết các lô, các ghế ngồi hạng hai, và để khán giả ngồi xem biểu diễn trong bóng tối. Thông điệp khá rõ ràng: nhìn lên sân khấu, không phải ai khác. Tập trung vào âm nhạc và diễn xuất. Hãy để các nghệ sĩ điều khiển xúc cảm của bạn.

Nhìn chung, tôi khá hào hứng với những chuyển đổi của các nghi thức trong buổi diễn opera. Cũng như hầu hết người hâm mộ opera khác ở thời nay, tôi được hướng dẫn theo kiểu Wagner truyền thống. Tôi tham dự một buổi biểu diễn vì âm nhạc và những câu chuyện ẩn chứa. Tôi sẽ trừng mắt giận giữ với những kẻ cứ huyên thuyên với người bên cạnh hoặc dám sột soạt bóc vỏ kẹo ho giữa buổi diễn.

Nhưng vài người lo ngại rằng chính tính bị động trên đã khiến việc tiếp cận opera của những người mới tìm hiểu về lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Các vở opera thường dài; có nên hay không khi chúng chỉ dành cho những người ngồi tập trung cao độ với niềm say mê và chăm chú lắng nghe từng nốt? Nhà hát San Francisco đã gặt được nhiều thành công lớn trong các sự kiện “tự phát” (pop-up) – các buổi diễn opera ở quán bar, triển lãm nghệ thuật và câu lạc bộ nghệ thuật, nơi khách tham dự có thể tự do đi lại, thưởng thức đồ uống cũng như nói chuyện trước và trong lúc diễn. Đối với tôi, điều này làm mất đi sự lôi cuốn của opera: những làn sóng xúc cảm, kịch tính và đầy tính nhạc của một câu chuyện hấp dẫn. Nhưng họ bán sạch vé, và họ thu hút những nhóm thính giả trẻ và đa dạng hơn những người tôi thường thấy ở nhà hát.

Mong là chúng ta có thể phát triển đồng thời cả hai cách. Tôi vừa muốn nghe nhạc, lại vừa muốn nhà hát opera là nơi tập trung của mọi tầng lớp xã hội. Tôi không chắc cái công thức bí mật ấy là gì. Thời gian tạm nghỉ dài? Khu vực hành lang được thiết kế cẩn thận? Những bàn chơi bạc lặng lẽ ở đại sảnh? (Đùa thôi!) Bạn nghĩ sao – liệu điều này có khả thi không, và hai thứ trên có thể kết hợp được với nhau không? Nếu có thể, bạn có ý tưởng nào giúp chúng ta đạt được điều đó không?

Ilana Walder-Biesanz (Lam Lim dịch)