Bernstein kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của nhà soạn nhạc Phần Lan Jean Sibelius, và nhận xét về Phần Lan, ngôn ngữ Phần Lan, và lòng yêu nước Phần Lan, cũng như bản thân Sibelius. Các tác phẩm của nhà soạn nhạc, bao gồm “Finlandia” và chương đầu tiên của Violin Concerto, với nghệ sĩ độc tấu Sergiu Luca, được trình diễn.
Chương trình “Lời tri ân đến Sibelius”
Biên soạn do Leonard Bernstein
Chương trình được phát sóng lần đầu trên đài CBS, ngày 19/02/1965
Xin chào tất cả các cháu! Năm nay, thông qua một thông cáo của Tổng thổng Johnson vào dịp Năm mới, nước ta đã chính thức công nhận năm 1965 là Năm Sibelius. Vì vậy, chúng ta sẽ cùng toàn thế giới tôn vinh nhà soạn nhạc vĩ đại người Phần Lan Jean Sibelius, nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông.
Sibelius là một thiên tài lỗi lạc và kì lạ: quãng thời gian chúng ta ở đây cùng nhau quả thực không đủ để giúp mọi người có thể thấu hiểu được ông một cách trọn vẹn. Tuy vậy, có lẽ cách tốt nhất để chúng ta bắt đầu tìm hiểu về ông là thông qua việc lắng nghe tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Finlandia.
Tôi phải khẳng định với các cháu rằng, Finlandia được biết đến rộng rãi không phải chỉ nhờ những yếu tố liên quan đến âm nhạc một cách thuần túy (mặc dù [Finlandia] thực sự là một giai điệu vô cùng xúc động và tha thiết khi ta xét đến dung lượng súc tích của nó). Tuy nhiên, những gì được ẩn sau thứ âm nhạc ấy lại là một cảm xúc đang dâng trào khác mang tên “tình yêu nước”.
Các cháu biết đấy, vào quãng thời gian Sibelius viết ra Finlandia (khoảng năm 1900), Tổ quốc ông chưa được tự do: Đế quốc Nga vẫn nắm lấy sự kiểm soát về mặt chính quyền, trong khi người hàng xóm Thụy Điển của họ đang thống trị đất nước về mặt văn hóa. Trên thực tế, xuyên suốt hàng thế kỉ, những người có học thức ở Phần Lan lại không sử dụng tiếng Phần Lan, mà là tiếng Thụy Điển trong giao tiếp thường ngày. Trong khi đó, tiếng Phần Lan cổ xưa lại bị coi là ngôn ngữ “thông tục” vốn chỉ dành cho giai cấp nông dân.
Tuy nhiên, trong thế kỉ XIX, thứ ngôn ngữ của quần chúng này đã dần được chấp nhận và tạo dựng một vị trí cho riêng mình. Những sử thi và cổ tích Phần Lan cũng dần dần được coi như những tác phẩm văn học quan trọng chứ không chỉ còn là những câu chuyện truyền miệng mang tính địa phương nữa. Người Phần Lan bắt đầu cảm nhận thấy một sự tự hào với các tác phẩm thi ca của họ, với các bài hát dân ca cổ xưa của họ, với bản sắc dân tộc riêng của họ. Tất cả những điều trên chính là dấu hiệu cho một cuộc cách mạng đang sục sôi dưới bề mặt, một cuộc cách mạng với hai mục tiêu: chống lại địa vị thống trị của Thụy Điển về mặt văn hóa, và của Nga về mặt quyền lực chính trị.
Finlandia, giống như nhiều tác phẩm khác của Sibelius, chính là một phần trong cuộc cách mạng dân tộc đó! Thậm chí, người Phần Lan cảm thấy phấn khích với những nhịp điệu gợi sự đấu tranh và giai điệu truyền cảm hứng, đầy chất thánh ca của phần giữa tác phẩm đến mức chính quyền Nga đã phải cấm biểu diễn nó trong một thời gian.
Tác phẩm này giống như thuốc nổ dynamite vậy; và người ta đã nói rằng [Finlandia] đã góp công trong việc giúp Phần Lan giành độc lập nhiều hơn một ngàn bài diễn thuyết hay tờ rơi tuyên truyền. Vì vậy, chúng tôi sẽ biểu diễn tác phẩm này ngay bây giờ để dành tặng cho Sibelius và người dân Phần Lan tự do.
(nhạc: Finlandia)
Trong buổi diễn thử cho chương trình Những Nghệ sĩ Trẻ diễn ra vào tháng trước, một người thanh niên 20 tuổi tên Sergiu Luca đã bước lên sân khấu và chơi chương đầu tác phẩm Concerto cho Violin của Sibelius với những xúc cảm dữ dội và tuyệt vời đến mức chúng tôi đã quyết định không giới thiệu anh trong chương trình Hòa nhạc của Những Nghệ sĩ Trẻ nữa, mà để dành tới riêng chương trình Sibelius này để các cháu nghe được sự phi thường trong cách anh biểu diễn cùng một chương đó. Concerto cho Violin của Sibelius không có một cái tên riêng hay một ý nghĩa đặc biệt như Finlandia, nhưng nó cũng ẩn chứa một tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nhiệt thành nhiều như vậy
Bên cạnh đó, anh Luca cũng đã có một cuộc đời chìm nổi. Anh chào đời tại Romania, lớn lên ở Israel, đã từng sống ở Anh, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Bất cứ ai với một lý lịch như vậy hẳn phải có tình yêu nước mạnh mẽ của riêng họ để kết nối với chúng ta.
(nhạc: Concerto cho Violin)
Bây giờ, chúng ta cùng đến với một kiệt tác khác của Sibelius, Giao hưởng số 2 cung Rê trưởng. Đối với người dân Phần Lan, bản giao hưởng này cũng thấm đẫm tình yêu nước như Finlandia vậy. Và đối với họ, và biết bao dân tộc khác trên trái đất này, Giao hưởng số 2 mang trong mình ý nghĩa của “sự tự do” – sự chiến thắng những xiềng xích áp bức. Điều đó một phần là vì thứ âm nhạc này nghe rất đậm tinh thần dân tộc. Không phải là vì Sibelius sử dụng các chủ đề hoặc giai điệu dân gian của Phần Lan: bản thân ông đã từng nói rằng ông chưa bao giờ đưa bất cứ giai điệu dân gian Phần Lan nào vào trong âm nhạc của mình. Nhưng bằng cách nào đó, các giai điệu của ông nghe thật giống như các bài hát dân gian; chúng nghe rất “Phần Lan”, như thể chính chúng đã đâm chồi nảy lộc từ chính tiếng Phần Lan vậy.
Nhưng các bản giao hưởng Sibelius còn có nhiều thứ đáng bàn hơn bên cạnh chủ nghĩa dân tộc. Sự hấp dẫn đặc biệt của âm nhạc ông đến từ sự khó đoán trong cách ông xây dựng nó, giống như trong một câu chuyện trinh thám tuyệt vời. Sibelius giống như một nhà văn viết truyện huyền bí tài ba, người đưa ra manh mối cho chúng ta ngay từ đầu — những manh mối có thể chỉ lối hoặc đôi khi đánh đố chúng ta, nhưng luôn làm cho các cháu nín thở chờ đợi những điều xảy ra tiếp theo. Và cuối cùng, tất cả chúng thực ra đều có môi liên kết với nhau, để khi ánh sáng cuối cùng ló dạng, và tất cả được sáng tỏ, các cháu sẽ cảm thấy thỏa mãn vì đã tự mình giải quyết được một bí ẩn lớn lao.
Tôi ước rằng tôi có thời gian để cho các cháu hiểu về điều đó, vốn xuất hiện xuyên suốt Giao hưởng số 2 của Sibelius. Tuy nhiên, tôi có thể dành ra một ít thời gian để giúp các cháu hình dung nó, thông qua việc lần theo một sợi chỉ đỏ duy nhất của thứ bí mật này thông qua tiến trình của 4 chương của [bản giao hưởng].
Sợi chỉ đỏ trong đầu tôi đơn giản là một chùm nốt ba, theo thứ tự tăng dần trên khuông nhạc, như thế này:
(kèn: Giao hưởng số 2)
Không thể đơn giản hơn. Bây giờ, đầu mối gồm ba nốt này được đặt ngay ở phần mở đầu của chương một, như thể là một ý tưởng đệm, một đoạn dạo nhạc. Nó nghe như thế này:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Chủ đề đầu tiên xuất hiện bên trên bè đệm; và hãy nhìn xem: nó lại được xây dựng bằng ba nốt trên thang âm, nhưng với thứ tự giảm dần và mâu thuẫn với “đầu mối” đầu tiên, như trong bài hát “Ba chú chuột mù”:
(Oboe: Giao hưởng số 2)
Và đây là phần bè đệm, với giai điệu chủ đề nằm trên nó:
(Oboe: Giao hưởng số 2)
Hẳn Sibelius đang cố gắng nói với chúng ta một điều gì đó về hai manh mối trái ngược nhưng có mối liên hệ này. Có thể ông muốn nói rằng có lẽ một giải pháp cho tình huống bí ẩn, phức tạp này có thể được tìm thấy thông qua việc nghiên cứu một vài nốt đơn giản khác của các gam âm quen thuộc. Nghe thật điên rồ. Hoặc không thể làm được. Hãy tìm ra bằng cách lần theo các sợi chỉ manh mối, với mỗi manh mối là một phiên bản khác nhau của ba nốt trên: có thể là đi lên hay đi xuống, được lặp lại, được sắp xếp lại, được mở rộng ra, hoặc gì đó. Ví dụ, ở đoạn sau của chương một, các cháu nghe thấy rằng các nốt được gảy trên các đàn dây đã được mở rộng từ con số ba lên năm nốt với độ to tăng dần và mở rộng ra như một đàn chim đang cất cánh bay lên, như thế này:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Rồi đột nhiên, những nốt đó tăng gấp đôi tốc độ, vù vù như tiếng một đám mây côn trùng khổng lồ. Và nó nghe như sau:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Tất cả những thứ trên được phát triển từ cùng ba nốt nhạc đó. Cứ tiếp tục như vậy xuyên suốt chương một, ba nốt nhạc đã biến hóa thành hàng trăm hình dạng khác nhau. Trên thực tế, điều này đã diễn ra xuyên suốt cả bản giao hưởng. Ví dụ, chủ đề đầu tiên của chương hai có sự xuất hiện của các nốt tăng dần, nhưng chỉ có 4 nốt thôi:
(bassoon: Giao hưởng số 2)
Hơn nữa, chủ đề này được chơi phía trên các chùm nốt khác theo thứ tự giảm dần trên thang âm, bởi đàn cello:
(cello: Giao hưởng số 2)
Thật tuyệt vời làm sao khi một vài chùm nốt trên thang âm như vậy có thể được biến hóa trở nên muôn hình vạn trạng bởi một thiên tài như Sibelius. Chương ba, chương Scherzo, biến các nốt đó thành một tiếng thét hoang dại bằng cách dùng ba nốt đó và chơi chúng một cách nhanh nhất có thể. Kết quả sẽ như sau:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Hãy tưởng tượng mà xem: thứ âm thanh hoang dại đó là một sự cải trang của ba nốt trên cùng thang âm lúc ban đầu –
(hát)
được biến đổi thành một cơn bão tố và nghe như thế này:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Vậy là sợi dây đầu mối mà chúng ta lần theo đã biến ảo khôn lường: ủ ê, hung dữ, dịu dàng, vui vẻ – cho đến khi ta đến với chương bốn, chương cuối, vốn được mở ra bởi một giai điệu trumpet đầy hiên ngang – được tạo nên bởi ba nốt ban đầu một cách đơn giản nhất, như thế này:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Nó nghe như thể chúng ta đã gần đến được với lời giải đáp – nó nghe rất rõ ràng và quả quyết. Nhưng chưa đâu, chúng ta vẫn còn phải vượt qua một sự biến ảo cuối cùng – và có lẽ là phiên bản ấn tượng nhất xuyên suốt cả bản giao hưởng. Đó là khi các chùm nốt biến thành một giai điệu dân gian đầy bi thương, ám ảnh bằng giọng thứ:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Và giai điệu nho nhỏ này được lặp đi lặp lại, như thể một thuật thôi miên, khi ở bên dưới nó, chính những chùm nốt đó sẽ biến thành một hình hài đang uốn lượn như một con rắn lớn. Nó cũng được lặp lại nhiều lần, như thế này:
(nhạc: Giao hưởng số 2)
Cứ tiếp tục như vậy, và trong lúc giai điệu đang tiếp tục uốn lượn, nó dần dần có thêm nhiều nội lực hơn, âm thanh trở nên dày dặn hơn, cho đến khi nó đã có đủ sức mạnh để bứt phá trở về giọng trưởng. Giai điệu hiên ngang ban đầu quay trở lại và đưa tới một cái kết vô cùng rực rỡ. Cuối cùng, chúng ta đã có câu trả lời cho những manh mối từ các chùm ba. Và bây giờ, khi các cháu lắng nghe chương bốn với đoạn kết huy hoàng mà chúng tôi sẽ chơi ngay bây giờ đây, các cháu có thể tìm thấy nhiều ý nghĩa khác nhau trong cái kết của nó: sự mừng rỡ khi bão tố qua đi, niềm vui sướng khi chinh phục một đỉnh núi cao, niềm hạnh phúc khi chiến thắng một trò chơi hay vượt qua một bài kiểm tra khó. Nhưng đối với người Phần Lan, đoạn kết này luôn mang trong mình một ý nghĩa duy nhất: TỰ DO.
Bản gốc bài giảng: https://leonardbernstein.com/lectures/television-scripts/young-peoples-concerts/a-tribute-to-sibelius
Bình luận Facebook