Âm nhạc: Giacomo Puccini
Libretto: Giuseppe Giacosa & Luigi Illica dựa theo tác phẩm Scènes de la Vie de Bohème của Henri Murger
Công diễn lần đầu: tại Teatro Regio, Turin vào ngày 1 tháng 2 năm 1896 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Arturo Toscanini.
Nhân vật: Loại giọng
Mimì: Soprano
Rodolfo: Tenor
Marcello: Baritone
Musetta: Soprano
Tóm tắt nội dung
Màn 1. Lễ Giáng Sinh tại Paris năm 1830, trên tầng gác. Marcello vẽ tranh trong khi Rodolfo nhìn chăm chú ra ngoài cửa sổ (“Questo Mar Rosso”). Vì có không có củi đốt để sưởi ấm, nên cả hai đã phải đốt bản thảo vở kịch mới nhất của Rodolfo. Khi ấy, triết gia Colline bước run rẩy bước vào và cằn nhằn vì không tìm cầm được một số cuốn sách. Một người bạn khác là nhạc soạn nhạc Schaunard mang đến thức ăn, rượu, gỗ sưởi và một chút tiền, anh giải thích đã tìm được công việc với một quý ông người Anh. Trong khi họ đang cùng nhau ăn uống, Benoit, ông chủ nhà đến thu tiền. Bốn người đã thuyết phục Benoit cùng uống rượu, trong men say chuyếnh cháng, ông chủ đất đã kể lại những cuộc tình vụng trộm của mình và tiết lộ rằng mình đã lập gia đình, cả bốn đã phẫn nộ tống cổ Benoit ra khỏi tầng mái. Khi những người bạn đi đến quán Café Momus gần đó, Rodolfo ở lại trong phòng một mình để hoàn thành nốt bản thảo dở dang. Bỗng có tiếng gõ cửa; đó là cô hàng xóm Mimì, cô sang nhờ thắp lại nến. Rodolfo đã giúp cô gái thắp sáng nến và đưa cô về tận phòng, nhưng Mimì nhận thấy mình đã làm rơi chìa khoá. Cả hai chiếc nến vụt tắt, họ mò mẫm trong bóng tối, cuối cùng thì Rodolfo cũng đã tìm thấy chiếc chìa khoá trong túi của mình. Dưới ánh trăng, chàng thi sĩ nắm bàn tay run rẩy của cô gái và kể cho cô nghe về giấc mơ của mình (“Che gelida manina!”), còn cô gái thì kể cho Rodolfo về cuộc sống đơn độc chỉ có việc thêu những chiếc khăn hoa và đợi xuân về (“Sì, Mi chiamano Mimì”). Những người bạn của Rodolfo gọi với lên từ dưới gác giục anh nhanh chóng gia nhập với họ; Rodolfo trả lời: anh không chỉ có một mình và sẽ gia nhập sớm. Niềm vui của họ trong cách đến với nhau thật ấn tượng (“O soave fanciulla”). Rodolfo và Mimì ôm lấy nhau, bước chậm đi, tay trong tay, đến quán Café.
Màn 2. Trong tiếng chào mời của những người bán hàng rong, Rodolfo mua tặng Mimì một bó hoa gần quán Café Momus trước khi giới thiệu cô với bạn. Họ cùng ngồi và gọi món. Khi họ đang ăn, Musetta, người yêu cũ của Marcello bước vào tay trong tay với Alcindoro, người đàn ông giàu có lớn tuổi. Musetta cố thu hút sự chú ý của Marcello bằng cách hát một ca khúc (“Quando men’ vo”) và cố gắng lừa Alcindoro đi bằng bằng cách phàn nàn rằng đôi giầy quá chặt và nhờ Alcindoro mang đến thợ giầy để sửa. Sau khi Alcindoro đi khỏi, Musetta ngã vào vòng tay Marcello. Say đó tất cả rời khỏi quán cùng đội quân diễu hành, để lại đống hoá đơn thanh toán cho Alcindoro chi trả sau khi anh ta trở về.
Màn 3. Ánh bình minh ló rạng ở ngoại ô vùng tuyết phủ ở Paris, nhân viên Hải quan cho phép nông dân vào thành phố. Musetta cùng những người bạn đang ngồi trong quán rượu. Chẳng bao lâu sau, Mimì đi ngang qua, tìm kiếm nơi ở của Musetta và Marcello. Khi chàng hoạ sĩ xuất hiện, Mimì than thở về nỗi buồn của mình do Rodolfo quá ghen tuông (“O buon Marcello, aiuto!”), và có lẽ tốt nhất là họ nên chia tay. Nghe tiếng Rodolfo, Mimì vội ẩn mình. Marcello nghĩ rằng Mimì đã rời khỏi đó. Chàng thi sĩ Rodolfo nói với Marcello về ý định chia tay với người yêu, Mimì đang chết dần chết mòn, sức khoẻ của nàng sẽ chỉ tồi tệ hơn trong sự nghèo túng. Xúc động, Mimì bước ra khỏi chỗ ẩn nấp để nói lời chia tay với người yêu (“Donde lieta uscì”) trong khi Marcello quay trở lại quán trọ khi nghe tiếng cười khan của Musetta. Trong khi Mimì và Rodolfo vui mừng bên nhau, Musetta cãi nhau với Marcello (“Addio dolce svegliare”). Chàng hoạ sĩ và người yêu chia tay trong giận dữ, còn Mimì và Rodolfo quyết định ở bên nhau cho đến tận mùa xuân.
Màn 4. Một vài tháng sau, Rodolfo và Marcello than thở về nỗi cô đơn trên gác mái (“O Mimì, tu più non torni”). Colline và Schaunard mang đến bữa ăn đạm bạc. Cả bốn cùng nhau khiêu vũ và vui đùa, niềm vui bị gián đoạn khi Musetta bất ngờ xuất hiện nói rằng Mimì đang ở dưới nhà, cô đã quá yếu để leo lên gác. Khi Rodolfo chạy đến bên Mimì, Musetta kể lại nguyện vọng tha thiết của Mimì được chết bên cạnh người yêu dấu. Khi Mimì đã ổn định hơn, Marcello đi cùng Musetta bán đôi hoa tai của cô, lấy tiền mua thuốc cho Mimì, còn Colline đi cầm chiếc áo khoác ưa thích của anh (“Vecchia zimarra”). Chỉ còn Mimì và Rodolfo, cả hai nhớ lại những ngày đầu tiên họ ở bên nhau (“Sono andati?”), tình trạng sức khoẻ của Mimì ngày càng trầm trọng. Khi những người khác quay về, Musetta đưa cho Mimì một đôi bao tay để giữ ấm và cầu nguyện cho Mimì. Mimì qua đời bình thản và khi Schaunard nhận thấy Mimì qua đời, Rodolfo đến bên gọi tên cô.
Bất tử như tình yêu của Mimì
 
Tại một căn phòng áp mái ở Khu Latin, Paris vào đêm Giáng sinh, khi những người bạn cùng phòng trọ tới quán Café Momus gần đó thì chàng thi sĩ Rodolfo ở lại một mình để hoàn tất bản thảo dở dang. Bỗng có tiếng gõ cửa và cô hàng xóm Mimì bước vào, trên tay cô là ngọn nến mới bị tắt cần châm lại lửa.
Có thể vì vẻ đẹp trong sáng của Mimì, có thể vì dư vị của ly rượu vang vừa uống, có thể vì nỗi cô đơn của nhiều Giáng sinh đã qua dồn tụ lại, có thể vì cây nến trong phòng Rodolfo cũng đã “tình cờ” bị tắt mà Rodolfo đã nắm lấy bàn tay run rẩy của Mimì để thổ lộ những ước mơ của mình dưới ánh trăng mờ chiếu vào căn phòng áp mái. “Che gelida manina” (Bàn tay nhỏ nhắn mới giá lạnh làm sao!), aria của Rodolfo (giọng tenor), không chỉ nổi tiếng trong giới thưởng thức opera mà còn nổi tiếng trong văn hoá đại chúng, cùng với nhiều aria khác trong opera của Puccini như “O mio babbino caro” hay “Nessun dorma”.
Cuộc sống đơn độc nhưng không kém phần thơ mộng của Mimì ở căn phòng áp mái màu trắng cạnh đó cũng được cô tâm sự với Rodolfo qua aria “Sì, mi chiamano Mimì”:
Sì, Mi chiamano Mimì,
ma il mio nome è Lucia.
La storia mia è breve:
a tela o a seta
ricamo in casa e fuori…
Son tranquilla e lieta
ed è mio svago
far gigli e rose.
Mi piaccion quelle cose
che han sì dolce malìa,
che parlano d’amor, di primavere,
di sogni e di chimere,
quelle cose che han nome poesia…
Lei m’intende?

Mi chiamano Mimì,
il perchè non so.
Sola, mi fo
il pranzo da me stessa.
Non vado sempre a messa,
ma prego assai il Signore.
Vivo sola, soletta
là in una bianca cameretta:
guardo sui tetti e in cielo;
ma quando vien lo sgelo
il primo sole è mio
il primo bacio dell’aprile è mio!
Germoglia in un vaso una rosa…
Foglia a foglia la spio!
Cosi gentile il profumo d’un fiore!
Ma i fior ch’io faccio,
Ahimè! non hanno odore.
Altro di me non le
saprei narrare.
Sono la sua vicina
che la vien fuori
d’ora a importunare.

Vâng, mọi người gọi em là Mimì,
Nhưng tên thật của em là Lucia.
Chuyện của em ngắn thôi:
Em dệt lụa và vải lanh
Ngay tại nhà hay ở ngoài…
Cuộc sống của em lặng lẽ nhưng hạnh phúc.
Và trò tiêu khiển của em
Là làm những bông hồng bông huệ.
Em yêu thích những thú vui này.
Những vật hấp dẫn ngọt ngào đến thế,
Chúng nói về tình yêu về mùa xuân,
Về những giấc mơ và cảnh mộng
Và những vật tên gọi nên thơ…
Anh có hiểu em không?
Mọi người gọi em là Mimì,
Em không biết tại sao!
Em nấu ăn bữa tối
Luôn chỉ có một mình.
Em thường không chờ đợi nhiều
Nhưng em hay cầu Chúa.
Em sống một mình đơn độc,
Trong căn phòng nhỏ màu trắng của em.
Em nhìn lên mái nhà và bầu trời;
Nhưng khi tuyết tan
Hơi ấm đầu tiên từ mặt trời là của em,
Nụ hôn đầu tiên của tháng tư là của em!
Ở trong bình một nụ hồng đang nở,
Em ngắm những cánh hoa dần mở,
Với mùi hương tinh tế của một đóa hoa!
Nhưng những đóa hoa mà em đã làm
Than ôi lại không có mùi hương.
Chẳng còn điều gì nữa
Để em có thể kể về mình
Em là người hàng xóm của anh
Người đã gõ cửa phòng anh quá muộn
Làm phiền anh lúc không thích hợp.
Và tình yêu giữa Mimì và Rodolfo đã bắt đầu như thế! Niềm vui khi tìm được nhau trong cuộc đời được họ thể hiện qua duo “O soave fanciulla” (Ôi cô gái xinh đẹp). Tay trong tay, họ cùng nhau rời căn phòng áp mái và tới quán cà phê với các bạn. Đây cũng là duo kết thúc màn 1 vở opera 4 màn La Bohème nhà soạn nhạc Ý Giacomo Puccini (1858 – 1924).
Gần nửa đêm, ngày 10 tháng 12 năm 1895, Puccini buông bút sau khi hoàn tất vở opera La bohème. Ông đã quá xúc động bởi cái chết của Mimì mà ông sáng tạo. Ông kể lại: “Đứng giữa phòng làm việc, cô đơn trong cái tĩnh lặng của đêm, tôi bắt đầu khóc như một đứa trẻ, cứ như thể tôi vừa trông thấy đứa con đẻ của mình chết đi.”
Khi lên sân khấu cúi chào khán giả sau một buổi trình diễn vở opera La bohèmecủa Puccini tại nhà hát La Scala tháng 1 năm 1963, nhạc trưởng Herbert von Karajan cũng đã rơi lệ. Đó là buổi diễn ra mắt La Scala của ca sĩ giọng soprano Mirella Freni trong vai Mimì dưới đũa chỉ huy của Karajan. Ông thú nhận với Freni: “Đây là lần thứ hai tôi khóc. Lần đầu là khi mẹ tôi mất.”
Trong lịch sử trình diễn và thu âm La bohème, có lẽ không có soprano nào lại hợp với vai cô gái Mimì yếu đuốihơn ca sĩ người Ý Mirella Freni. Giọng hát mộc mạc cùng với cách xử lý thanh nhạc thông minh của Freni đã tạo nên một Mimì giản dị nhưng làm lay động trái tim ngay cả những nhà phê bình cứng rắn nhất và khiến triệu triệu người hâm mộ opera nhỏ lệ.
Sự giản dị cũng chính là một trong những phương châm sáng tác của Puccini, bậc thầy của thể loại opera verismo (opera chân thực) với nhiều vở opera nổi tiếng mà ngày nay vẫn được biểu diễn thường xuyên trên sân khấu opera thế giới như La Bohème; Tosca; Madama Butterfly; Turandot… Puccini đã từng nói: “Tôi chỉ có thể viết nhạc về những điều giản dị”.
Tiểu thuyết Scènes de la vie de Bohème (Những cảnh đời Bohemia), xuất bản năm 1851, của tác giả người Pháp Henri Murger là một tập hợp lỏng lẻo những câu chuyện đời của những văn nghệ sĩ chưa thành danh trong bối cảnh khu Latin ở Paris thế kỉ 19. Trong lời giới thiệu tiểu thuyết, Muger viết: “La Bohème, đó là sân khấu cuộc đời nghệ sĩ; đó là bước mở đầu tới Viện hàn lâm, Nhà tế bần hay là Nhà xác.”
Có tới 2 vở opera có libretto bằng tiếng Ý cùng dựa trên tiểu thuyết này và cùng lấy cái tên tiếng Pháp là La Bohème. Hai nhà soạn nhạc Ý Giacomo Puccini và Ruggero Leoncavallo hơn kém nhau một tuổi và 2 vở opera La Bohème của hai ông được công diễn lần đầu cách nhau khoảng 1 năm.
La Bohème của Puccini có libretto do Giuseppe Giacosa và Lugi Illica viết thì tập trung vào mối tình giữa thi sĩ Rodolfo và Mimì. Còn La Bohème của Leoncavallo với libretto do chính nhà soạn nhạc viết thì nhấn mạnh vào mối tình phức tạp hơn giữa họa sĩ Marcello và cô gái Musetta.
Musetta, với cá tính mạnh mẽ hơn Mimì, đã quyết định rời bỏ Marcello vì không thể chịu đựng nghèo khổ thêm nữa. Còn Mimì đau yếu thì vì quá nặng lòng với Rodolfo nên thanh thản trút hơi thở cuối cùng tại căn phòng áp mái nơi tình yêu của cô và Rodolfo nảy nở, dù trước đó Rodolfo chủ ý rời bỏ cô vì mong cô được sống.
Kết quả là La Bohème của Leoncavallo hoàn toàn bị lu mờ trước La Bohème của Puccini. Chỉ vài năm sau buổi công diễn lần đầu, La Bohème của Leoncavallo đã biến mất khỏi danh mục opera thường xuyên được biểu diễn. Còn La Bohème của Puccini thì bất tử trong nghệ thuật hàn lâm, bất tử như tình yêu của Mimì.
Ngọc Anh & Thanh Nhàn (nhaccodien.info) tổng hợp

Bình luận Facebook

Facebook Comments