Nội dung
Thông tin chung
Tác giả: Joseph Haydn.
Tác phẩm: Giao hưởng số 94 giọng Son trưởng “Surprise”, H. 1/94
Thời gian sáng tác:Năm 1791.
Công diễn lần đầu: Tại Hanover Square Rooms, London vào ngày 23/3/1792 với tác giả chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 21 phút.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Adagio – Vivace assai
Chương II – Andante
Chương III – Menuetto: Allegro molto
Chương IV – Finale: Allegro molto
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.
Hoàn cảnh sáng tác
Năm 1790, Hoàng thân Nikolaus Esterházy qua đời, giải phóng Haydn khỏi công việc của một Kapellmeister. Giờ đây nhà soạn nhạc có thể đi tới bất cứ nơi nào ông muốn. Tháng 11, ông đến định cư tại Vienna và rất nhiều lời mời làm việc đã nhanh chóng xuất hiện. Cuối cùng, Haydn đã chấp nhận đề nghị của ông bầu Johann Peter Salomon, nguyên là một nghệ sĩ violin người Đức, giờ trở thành người chuyên tổ chức các buổi hoà nhạc tại Anh. Đây rõ ràng là một quyết định sáng suốt của Haydn. Với việc chuyển trọng tâm sáng tác và biểu diễn sang London, Haydn nhanh chóng gặt hái được những thành công và trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất tại đây kể từ sau thời kỳ của Handel.
Trong số những tác phẩm được Haydn sáng tác trong khoảng thời gian ông thường xuyên làm việc tại London (1791-1795), 12 bản giao hưởng “London” (đôi khi còn được gọi là Solomon) mà Haydn biểu diễn chúng trong các buổi hoà nhạc tại thủ đô nước Anh được coi là những tác phẩm đỉnh cao trong kho tàng âm nhạc của Haydn. Sự thông thạo về hình thức, xuất sắc trong giai điệu và tính hài hước, vui nhộn của ông đã được công nhận ngay từ những buổi hoà nhạc đầu tiên. Danh tiếng của ông với tư cách nhà soạn nhạc hàng đầu một ngày một vang xa.
Bản giao hưởng số 94 này nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng và đáng nhớ nhất của Haydn. Ngoài việc nó chứa đựng tất cả những gì tinh tuý nhất mà nhà soạn nhạc có thể thực hiện được, bản giao hưởng này còn được biết đến vì tên gọi “Suprise” (bất ngờ, ngạc nhiên) của mình. Đây thực tế không phải tên do Haydn đặt mà đến từ nghệ sĩ flute của dàn nhạc Andrew Ashe. Nguyên nhân cho sự ra đời của cái tên này đến từ một hợp âm đột ngột ở cường độ fortissimo đến vào cuối phần mở đầu nhẹ nhàng ở chương II. Sau đó, âm nhạc lại trở về vẻ tĩnh lặng ban đầu chưa có chuyện gì xảy ra và trong các biến tấu tiếp theo không xuất hiện tình trạng đó một lần nào nữa. Trong tiếng Đức, tác phẩm được gọi là Symphonie mit dem Paukenschlag (bản giao hưởng với tiếng trống). Còn để giải thích cho hành động của Haydn mà nhiều người cho rằng là để đánh thức khán giả Anh, những người thường đến các buổi hoà nhạc để ngủ sau khi đã thưởng thức những bữa tối thịnh soạn, theo George August Griesinger, người bạn và tác giả cuốn sách về tiểu sử của Haydn, mục đích của nhà soạn nhạc không phải như vậy: “Không, nhưng tôi quan tâm đến gây bất ngờ cho khán giả với một cái gì đó mới và tạo ra một màn ra mắt rực rỡ để học trò của tôi Pleyel, người khi đó cũng có những buổi hoà nhạc tại London, vừa mới trình diễn một tuần trước đó, không thể vượt qua tôi được. Chương Allegro đầu tiên đã nhận được rất nhiều bravo, nhưng sự nhiệt tình đã đạt tới đỉnh cao nhất ở Andante với tiếng trống đó. Nữa đi! Nữa đi! Âm thanh vang lên từ cổ họng của mọi người và chính bản thân Pleyel đã ngợi khen tôi về ý tưởng này”. Ngoài ra, theo như hồi ký của nhà soạn nhạc Adalbert Gyrowetz thì chính Haydn đã đưa cho ông xem ý tưởng mới của mình và nói: “Điều đó sẽ khiến các quý cô thét lên!”.
Dù được sáng tác với mục đích gì đi chăng nữa, bản giao hưởng đã được đón nhận rất tích cực và tạo ra hiệu ứng tuyệt vời. Tờ Morning Herald đã viết: “Khán phòng tối qua chật kín khán giả… Một sáng tác mới của một nhà soạn nhạc như Haydn là một sự kiện lớn trong lịch sử âm nhạc. Điểm mới lạ của ông trong đêm qua là một Overture (trong thế kỷ 18 đây cũng là tên gọi cho thể loại giao hưởng) lớn, chủ đề của nó rất đơn giản nhưng được mở rộng đến rất phức tạp, được tiết chế hết sức tinh vi và có hiệu ứng nổi bật. Các khán giả đã vỗ tay rất nhiều và cuồng nhiệt”.
Phân tích
Chương I
Cũng giống như tất cả các bản giao hưởng “London” khác (ngoại trừ bản số 95), bản số 94 này cũng có 4 chương và chương I được bắt đầu bằng một đoạn giới thiệu chậm rãi. Phần Adagio ở nhịp ¾ này sở hữu một giai điệu đồng quê êm đềm, có thể hát lên được và rồi trực tiếp dẫn dến phần Vivace assai ở nhịp 6/8 có hình thức ở dạng sonata. Chủ đề đầu tiên quyến rũ nhưng kỳ lạ khi bắt đầu ở một giọng “sai” và chỉ được điều chyển về giọng chủ sau hơn 3 ô nhịp. Chủ đề 2 là một điệu waltz đơn giản nhưng tinh khiết ở giọng Rê trưởng. Phần phát triển là sự biến đổi 2 chủ đề trên qua rất nhiều giọng điệu khác nhau, tạo nên màu sắc phong phú cho chương nhạc. Trong phần tái hiện, âm nhạc trở về chủ âm Son trưởng. Các giai điệu được chơi chủ yếu trên bè violin với sự ngắt quãng đến từ các hợp âm trên kèn gỗ và kèn đồng.
Chương II
Chương II nổi tiếng có hình thức biến tấu. Chủ đề chính ở giọng Đô trưởng phảng phất giai điệu quen thuộc của bài hát “Twinkle, Twinkle, Little Star”. Chương nhạc bắt đầu với dàn dây chơi nhẹ nhàng ở âm lượng pianissimo. Tiếng timpani “Bất ngờ” fortissimo vang lên rồi âm nhạc lại trở lại với vẻ thanh bình vốn có của nó. Phần tiếp theo gồm 4 biến tấu, âm lượng cũng trở nên lớn hơn. Chỉ có biến tấu 2 là ở giọng Đô thứ, sau đó chuyển sang Mi giáng trưởng còn 3 chủ đề còn lại đều ở chủ âm Đô trưởng. Chương nhạc kết thúc với một coda với chủ đề chính được dẫn dắt qua tiếng bassoon và oboe lần lượt độc tấu.
Chương III
Chương III là một minuet trong nhịp ¾ với trio ở giọng Son trưởng đúng với truyền thống tại thời điểm đó. Nhưng dưới bàn tay của một bậc thầy, nó hoàn toàn không phải một khúc nhạc chiếu lệ. Cho tới lúc này, Haydn đã viết vô số các giao hưởng nhưng bao giờ để thể loại này trở nên cũ kỹ và nhàm chán. Chương nhạc là một điệu nhảy tươi mới, gợi lên những ngày hội tưng bừng của những người nông dân vui vẻ. Giai điệu được giao cho violin, flute và bassoon. Dường như các bản scherzo của Beethoven đã ở ngay trước mắt. Phần trio với một giai điệu nhẹ nhàng, trôi chảy được bassoon độc tấu tạo sự tương phản của chương nhạc. Tốc độ chương nhạc nhanh hơn so với các bản minuet thông thường.
Chương IV
Chương IV có hình thức sonata-rondo ở nhịp 2/4. Âm nhạc sống động, rực rỡ, dí dóm, đặc trưng cho phong cách sáng tác của Haydn. Chủ đề hai trôi chảy và nhẹ nhàng hơn. Những ô nhịp đầu tiên của chương nhạc được Haydn cho xuất hiện trở lại trong phần đầu và giữa của phần phát triển. Số lượng nhạc công trong dàn nhạc ở London lên đến khoảng 40 người, gấp đôi số lượng nhạc công của Esterházy và Haydn đã rất biết cách để khai thác sự khác biệt này. Âm nhạc tràn đầy năng lượng, tràn đầy hứng khởi với một coda khép lại tác phẩm trong tiếng timpani tưng bừng.
Bản giao hưởng số 94 là ví dụ tiêu biểu nhất về phong cách chín muồi của Haydn, đã được phát triển qua nhiều thập kỷ thử nghiệm. Mặc dù đối với đôi tai của khán giả ngày nay, sự “Bất ngờ” nổi tiếng có vẻ nhẹ nhàng và có thể nói rằng nhiều bản giao hưởng của Haydn cũng chứa đựng nhiều điều ngạc nhiên, một số thậm chí còn ấn tượng hơn như trong bản giao hưởng số 45 “Từ biệt”, nhưng hiệu ứng đặc biệt này là một ví dụ thú vị về tính hài hước thú vị đã giúp Haydn trở thành nhà soạn nhạc được yêu thích nhất trong thời đại của mình.
Ngọc Tú tổng hợp
Nguồn:
laphil.com
runyanprogramnotes.com
Bình luận Facebook