“Violin, trong tất cả vinh quang của nó, hít thở dưới ngón tay của Arthur Grumiaux. Ông là một trong những nhà thơ-nghệ sĩ có phép lạ của một nốt nhạc được đặt đúng vị trí, một giai điệu rung động, sự rõ ràng của một cú kéo vĩ, những nốt pizzicato như những viên pha lê…” – Philidor, Le Monde 1956

Henri Vieuxtemps và thầy giáo của của mình Charles Auguste de Bériot chính là những người đã sáng lập nên trường phái violin Pháp-Bỉ, không chạy theo những kịch tính, mạnh mẽ mà tôn thờ sự tinh tế và thanh lịch. Arthur Grumiaux là người kế tục xứng đáng truyền thống tốt đẹp mà Vieuxtemps và Eugène Ysaÿe đã để lại. Sự nghiệp của ông phát triển sau thế chiến thứ hai, thời điểm mà những tên tuổi như Jascha Heifetz, Nathan Milstein, David Oistrakh, Yehudi Menuhin hay Isaac Stern đang là những tên tuổi chói sáng nhất. Sự xuất hiện của Grumiaux trong bối cảnh đó không hề chìm khuất mà ông vẫn nổi bật với sự kết hợp hoàn hảo của sự ngọt ngào, ấm áp trong giai điệu của một tình cảm chân thành với khả năng định hình những câu nhạc dài, đẹp lung linh và khả năng đáp ứng bất kỳ cảm xúc nhạy cảm nào của âm nhạc. Grumiaux còn là một nghệ sĩ piano tài năng. Ông từng thu âm bản Sonata violin số 2 của Johannes Brahms và số 33 của Wolfgang Amadeus Mozart, trong đó, Grumiaux đảm nhận cả phần violin và piano. Nổi tiếng từ khi còn rất trẻ, Grumiaux từng được so sánh với Mozart, ông đã có một sự nghiệp rực rỡ. Grumiaux đã trở thành một trong những niềm tự hào lớn nhất của nước Bỉ trong nền âm nhạc cổ điển thế giới.

Arthur Grumiaux sinh ngày 21/3/1921ở Villers-Perwin, gần Charleroi, Bỉ. Cha của cậu, ông Jean-Baptiste và mẹ, bà Juliette đều là những người lao động. Họ phải làm việc rất vất vả và Arthur thường được ông bà ngoại trông nom. Ông ngoại Fichefet của cậu là chủ của một cửa hàng bán đĩa nhạc và là một nghệ sĩ violin và piano nghiệp dư. Khi Arthur chưa đầy 5 tuổi, trong một buổi dạy học của ông mình, cậu bé đã kiếm 2 cây gậy có độ dài tương tự nhau và coi đó là cây đàn violin và vĩ. Khi thấy cháu mình thể hiện chính xác nhịp điệu, ông Fichefet đã quyết định dạy nhạc lý cho Arthur dù khi đó cậu vẫn chưa biết đọc. Ba tuần sau đó, hai ông cháu ngồi trong vườn và tiếng chuông nhà thờ vang lên. Arthur đọc chính xác những nốt nhạc đó. Nhận ra cháu mình có một tai nhạc hoàn hảo, ông Fichefet đã quyết định dạy violin cho Arthur. Và chỉ sau hơn một năm, cậu bé 5 tuổi rưỡi đã có buổi biểu diễn đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Đó là một buổi chiều tại rạp chiếu phim gần nhà, Arthur đã biểu diễn cho khán giả tại đó trong thời gian chờ đợi giữa hai bộ phim. Đó luôn là một kỷ niệm ngọt ngào đối với Arthur.

Năm 1926, Arthur theo học violin và piano một cách bài bản tại Nhạc viện Charleroi và ngay lập tức cậu được coi là một thần đồng. Kể từ năm 1926-1932, cậu, cùng với nghệ sĩ piano Léon Degraux đã biểu diễn hơn 20 buổi tại các thị trấn trong vùng. Trong đó, nhiều chương trình Arthur đã chơi piano. Cậu đã giành giải nhất khi kết thúc khoá học tại nhạc viện. Khi trở về quê nhà, không còn nghi ngờ gì nữa, Arthur đã trở thành niềm tự hào của những người dân Villers-Perwin. Họ đón tiếp đứa con cưng của mình bằng một buổi lễ lớn tại quảng trường nhà thờ. Chắc chắn Arthur cần một môi trường lớn hơn để học tập và phát triển tài năng, cậu đã được gửi đến Nhạc viện Brussels, ngôi trường đào tạo âm nhạc lớn nhất cả nước. Kết quả tuyệt vời của Arthur tại nhạc viện Chaleroi đã tạo ra sự do dự. Cậu bé nên tập trung vào việc học violin hay piano. Cuối cùng ông Fichefet là người quyết định: “Có nhiều nghệ sĩ piano hơn violin”. Do đó, ông đã hướng cháu của mình theo học với Alfred Dubois, một học trò của Ysaÿe. Dubois là giáo viên tài năng và một nhân cách lớn. Ông coi Arthur không chỉ là học trò mà còn như một đứa em nhỏ trong gia đình. Dubois đã nỗ lực hết mình trong việc dìu dắt Arthur trưởng thành. Ngoài những bài học về chuyên môn, quan trọng hơn, Dubois còn đưa ra những lời khuyên hữu ích về việc nên tham gia một cuộc thi nào, một buổi hoà nhạc nào hoặc nên tiết chế và bỏ qua. Arthur đã làm trợ lý cho Dubois tại nhạc viện trong tám năm và sau khi Dubois qua đời vào năm 1949, Arthur đã kế thừa vị trí của thầy mình. Tại nhạc viện, Arthur cũng theo học đối âm và phức điệu với Jean Absil.

Grumiaux cũng có một thời gian theo học với George Enescu tại Paris, người có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp của Grumiaux và đã đưa ra cho cậu học trò của mình những lời khuyên hết sức hữu ích. Ngày 8/3/1936, khi chưa đầy 15 tuổi, Grumiaux đã có buổi biểu diễn chuyên nghiệp đầu tiên. Tại Chaleroi, dưới sự chỉ huy của François Rasse, anh cùng với Dubois đã chơi bản concerto dành cho 2 violin của Johann Sebastian Bach. Và 6 tuần sau là Concerto violin của Felix Mendelssohn tại Tienen dưới sự chỉ huy của André Sarly. Một năm sau, cùng với người thầy giáo cũ tại Nhạc viện Chaleroi, Fernand Quinet, Grumiaux đã biểu diễn bản Concerto violin của Peter Ilyich Tchaikovsky. Qua những chương trình này, phong cách biểu diễn của Grumiaux đã được hình thành. Đó là một âm thanh có độ sáng và nền tảng kỹ thuật vững chắc. Grumiaux đã nhận thức được những gì anh có trong mình và những gì anh phải thể hiện. Anh luôn duy trì được trước các buổi biểu diễn một sự bình tĩnh tuyệt vời, một sự thanh thản hoàn hảo. Grumiaux có khả năng hiếm có trong việc dẫn dắt người nghe vào thế giới cảm xúc của mình, anh hoàn toàn làm chủ thông điệp mà anh muốn truyền tải. Đó chưa bao giờ là một điều dễ dàng, ngay cả với một nghệ sĩ violin kỳ cựu. Nhưng Grumiaux đã làm được điều đó khi vẫn chỉ là một chàng trai trẻ. Điểm khởi đầu thực sự trong sự nghiệp vĩ đại của Grumiaux đến vào ngày 28/4/1939. Sau khi vừa giành được giải thưởng mang tên Vieuxtemps, chàng trai Grumiaux 18 tuổi đã được Marcel Cuvelier, giám đốc của Brussels Philharmonic, mời biểu diễn bản Concerto violin của Mendelssohn tại Palais des Beaux-Arts ở Brussels với Charles Munch. Một chặng đường mới tươi sáng đang mở ra trước mắt anh nhưng bóng đen của thế chiến thứ hai đã phủ xuống nước Bỉ. Nó đến vào ngày 10/5/1940 mà không hề báo trước. Trong thời gian nước Bỉ bị chiếm đóng, Grumiaux đã phải trốn tránh vì anh không muốn biểu diễn cho quân đội Đức cũng như từ chối lời mời trở thành concertmaster của Dresden Philharmonic.

Khi cuộc chiến tranh đang chuyển biến rất tích cực cho phe Đồng minh, Hiệp hội dịch vụ giải trí quốc gia (Entertainments National Service Association), một tổ chức được thành lập từ năm 1939 có trách nhiệm cung cấp các hoạt động giải trí cho quân đội Đồng minh lên kế hoạch tổ chức các buổi hoà nhạc. Walter Legge, người điều hành hiệp hội đã cử nghệ sĩ violin Amanda Webb đi tìm kiếm các tài năng trẻ. Đây chính là cách mà Grumiaux đã gặp người vợ tương lai của mình. Grumiaux coi Amanda là người cố vấn tin cậy và nhà phê bình tốt nhất. Amanda luôn có mặt trong những buổi hoà nhạc của chồng và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho Grumiaux. Cùng với đó, những cuộc tiếp xúc với Legge, một trong những nhà tổ chức âm nhạc uy quyền nhất châu Âu lúc bấy giờ cũng đã mở ra cánh cửa biểu diễn quốc tế đối với Grumiaux. Ngày 15/5/1945, Grumiaux lên đường đến London. Ông là nghệ sĩ Bỉ đầu tiên được mời đến Anh ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Grumiaux ở lại đó trong ba tuần lễ, biểu diễn nhiều buổi hoà nhạc, trong đó có bản Concerto violin của William Walton cùng BBC Symphony Orchestra cũng như thực hiện bản ghi âm thương mại đầu tiên của mình cho HMV, đó là Nocturne và Tarantella, Op. 28 của Karol Szymanowski cùng nghệ sĩ piano Gerald Moore. Ông rất hài lòng với bản thu này và viết thư cho Amanda: “Hôm qua, anh đã nghe đĩa Nocturne và Tarentella của Szymanowski: nó rất tốt. Có hai lỗi nhỏ nhưng nhỏ đến mức phải nghe thì mới biết được. Em biết rằng anh rất khó tính, nghiêm khắc và khắt khe đối với bản thân; bản thu này gần như hoàn hảo”. Tạp chí Gramophone số tháng 8/1945 cũng đưa ra những bình luận tích cực: “Ở ông ấy có một sự nhiệt tình hăng hái mà chúng tôi nhìn thấy ở một nghệ sĩ violin khác, Ginette Neveu. Grumiaux trước hết là một nghệ sĩ, chúng ta có thể cảm nhận rõ ông và hướng đi chính xác, nơi mà âm nhạc đã dẫn dắt… Bản nhạc này đã được Menuhin và Milstein ghi lại nhưng cả hai nghệ sĩ này đều không chạm đến trái tim của âm nhạc một cách chắc chắn như Grumiaux thực hiện ở đây”.

Vào đầu năm 1946, khi chưa đầy 25 tuổi, Grumiaux đã thực sự trở nên nổi tiếng. Mỗi một buổi biểu diễn, mỗi một đĩa nhạc của ông đều được đón chào và tán thưởng. Năm 1949, ông tiếp quản vị trí của Dubois tại Nhạc viện Brussels và bất chấp thành công mang tính cá nhân, ông vẫn dấn thân vào vai trò giáo viên. Đồng thời, ông đã chơi với những dàn nhạc vĩ đại nhất trên thế giới dưới đũa chỉ huy của những nhạc trưởng lừng danh. Grumiaux liên tục có những buổi ra mắt tại các thành phố trên nước Mỹ. Với Concerto violin số 3 của Mozart và Tzigane của Maurice Ravel, Grumiaux lần lượt biểu diễn cùng Boston Symphony Orchestra và nhạc trưởng Ernest Ansermet vào ngày 1/2/1952 và New York Philharmonic và George Szell vào ngày 15/1/1953. Trong năm 1953, gần như cùng lúc, Grumiaux nhận được hai lời đề nghị ký hợp đồng thu âm, từ Philips và Vanguard Records. Ông đã lựa chọn Philips, với thời hạn hai năm và có thể kéo dài thêm một năm nữa với ít nhất ba bản thu âm mỗi năm. Cho đến khi qua đời, ông dã gắn bó với Philips. Cuối năm đó, đĩa nhạc đầu tiên với các concerto violin số 3 và 4 của Mozart đã được thực hiện với nhạc trưởng Rudolf Moralt và Vienna Symphony Orchestra. Các buổi làm việc đã diễn ra tốt đẹp và nhanh chóng hơn dự định dẫn đến việc còn thừa ba buổi và để lấp đầy chỗ trống này, họ đã cùng nhau tiếp tục thu âm Concerto violin của Mendelssohn. Năm 1954, Grumiaux chính là người đã công diễn “buổi ra mắt thế giới lần thứ hai” bản Concerto violin số 4 của Niccolò Paganini sau nhiều năm tác phẩm bị lãng quên.

Với danh tiếng ngày càng lên cao của mình, Grumiaux luôn được mời tham dự những liên hoan âm nhạc lớn, điều mà ông hiếm khi từ chối. Với ông, sự có mặt tại những dịp như vậy là cơ hội hiếm có để gặp gỡ những nghệ sĩ tên tuổi khác và mở rộng mối quan hệ bạn bè với họ. Chính trong những dịp như vậy, Grumiaux tìm thấy niềm vui lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Ông được tiếp xúc với nghệ sĩ piano người Romania Clara Haskil và coi bà là tri kỉ tuyệt vời trong âm nhạc. Cùng nhau họ đã thu âm trọn bộ sonata violin của Ludwig van Beethoven và 6 sonata violin của Mozart. Hai nghệ sĩ tài năng cũng thường biểu diễn cùng nhau trong các phòng hoà nhạc. Điểm thú vị nhất giữa họ mà khán giả luôn nhớ đến chính là việc Haskil cũng là một nghệ sĩ violin tài năng và đã nhiều lần họ hoán đổi vị trí cho nhau trên sân khấu, tạo ra sự phấn khích kì lạ cho khán giả, điều hiếm khi có thể chứng kiến ở bất cứ đâu khác. Haskil qua đời vào ngày 7/12/1960 sau một cú ngã cầu thang tại Brussels khi đang trên đường đi tới một buổi tập cùng Grumiaux. Điều này đã khiến ông bị dằn vặt trong nhiều năm trời.

Là một trong những nghệ sĩ violin tuyệt vời nhất của thế kỷ 20, Grumiaux được ghi nhận có một giọng điệu đẹp một cách nhất quán và âm điệu hoàn hảo. Sở hữu những nốt rung nhanh, điều mà Henryk Szeryng luôn thán phục, danh mục biểu diễn của Grumiaux chủ yếu nằm trong những tác phẩm quen thuộc dành cho violin, tập trung chủ yếu vào thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn. Ông hiếm khi biểu diễn âm nhạc của thế kỷ 20, chỉ là đôi lần lướt qua các concerto violin của Walton, Alban Berg, Igor Stravinsky và Bela Bartók. Nhưng Grumiaux biểu diễn rất nhiều các tác phẩm thính phòng, điều không dễ bắt gặp ở một nghệ sĩ có đẳng cấp như ông. Vào cuối những năm 1960, cùng với cặp vợ chồng người Hungary: nghệ sĩ viola Georges Janzer và nghệ sĩ cello Eva Czako, ông đã thành lập Grumiaux Trio và nhanh chóng đưa nó thành một nhóm nhạc biểu diễn thính phòng hàng đầu. Grumiaux cũng thỉnh thoảng đóng vai trò một nghệ sĩ piano trên sân khấu. Thậm chí trong một chương trình hoà nhạc ông đã biểu diễn cả bản Concerto violin và Concerto piano số 4 của Beethoven.

Sức khoẻ của Grumiaux suy giảm trong những năm 1970. Ông bị căn bệnh tiểu đường và những biến chứng của nó hành hạ. Trong một buổi biểu diễn tại liên hoan Stavelot, lễ hội âm nhạc mà ông gắn bó từ khi nó được thành lập vào năm 1962, Grumiaux bắt đầu gặp những vấn đề về mắt. Năm 1983, thị lực của ông giảm xuống còn một nửa. Bất chấp điều đó, Grumiaux vẫn duy trì một lịch biểu diễn, ghi âm và dạy học dày đặc, chủ yếu tập trung ở các nước Tây Âu. Sau buổi biểu diễn Padua, Ý vào ngày 26/5/1986, ông trở về Bỉ và ngay lập tức phải vào bệnh viện vì bị nhồi máu cơ tim. Sau những chẩn đoán ban đầu, dường như không có gì quá nguy hiểm. Ông được giữ lại bệnh viện trong 10 ngày và được yêu cầu nghỉ ngơi, huỷ bỏ toàn bộ các chương trình, ít nhất là đến tháng Tám. Tuy nhiên, ngày 15/10/1986, ông lại bị đưa vào bệnh viện một lần nữa và qua đời vào ngày hôm sau ở tuổi 65. Grumiaux được chôn cất tại tu viện Maredsous, Wallonia, Bỉ. Trong chuyến tàu đưa hai ông cháu Grumiaux đến nhạc viện Brussels vào năm 1932, họ tình cờ ngồi cạnh một tu sĩ của tu viện Maredsous. Cậu bé Arthur khi đó đã biểu diễn cho vị tu sĩ nghe, ông đã vui mừng mời cậu ghé thăm tu viện Maredsous. Kể từ đó, hàng năm, Grumiaux luôn cố gắng dành thời gian ghé thăm tu viện và biểu diễn tứ tấu với các tu sĩ tại đây. Tu sĩ Adrien Nocent, một nghệ sĩ violin nghiệp dư và bạn của Grumiaux đã cố gắng hoàn thành cuốn sách “Bạn tôi Arthur Grumiaux, những ký ức còn dang dở” nhưng không kịp vì qua đời vào năm 1996.

Grumiaux còn được biết đến như một nhà sưu tầm đàn violin và vĩ. Ông có một sưu tập đồ sộ, nổi bật nhất là cây đàn Guarneri del Gesu “Bông hồng” năm 1744 và Stradivarius “Cựu tướng quân Dupont” năm 1727. Để ghi nhận những thành tựu của ông, nhạc viện Chaleroi, nơi ông theo học năm xưa được đổi tên thành Nhạc viện Grumiaux và một cuộc thi violin quốc tế dành cho những nghệ sĩ trẻ mang tên ông được tổ chức thường niên từ năm 2008 tại Namur, Bỉ. Toàn bộ sự nghiệp của Grumiaux là một chặng đường dài tìm kiếm thi ca và cảm xúc. Giữa những nghệ sĩ violin tài năng khác của thế kỷ 20, Grumiaux vẫn có được chỗ đứng vững chắc cho mình dựa vào việc thể hiện được những gì là tinh hoa nhất của sự tinh tế và thanh lịch đặc trưng cho trường phái violin Pháp-Bỉ. Trong một cuộc bình chọn 20 nghệ sĩ violin vĩ đại nhất được BBC Music Magazine thông báo trên số ra tháng 11/2013 dựa trên ý kiến của 100 nghệ sĩ violin nổi tiếng, Grumiaux được xếp hạng thứ 11. Và như Milstein đã nhận xét: “Trong tất cả các nghệ sĩ violin, anh ấy là người tôi thích nhất. Ở bên anh ấy, tôi thích mọi thứ vì chúng đều thú vị, ấm áp và chân thật.”

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
grumiaux.be
focusonbelgium.be
stringsmagazine.com

Bình luận Facebook

Facebook Comments